Một Mozart khác

Nannerl Mozart cũng từng là thần đồng như cậu em trai Wolfgang Amadeus của mình nhưng sự nghiệp âm nhạc của cô đã đi đến hồi kết năm 18 tuổi. Vở kịch một vai nữ của Sylvia Milo có tên “Một Mozart khác” đưa cô trở lại sân khấu, nơi lẽ ra cô đã thuộc về.


Sylvia Milo vào vai Nannerl Mozart trong vở kịch “Một Mozart khác”.

“Chị đang viết cho em với một thứ dựng đứng trên đầu và chị rất sợ bị cháy tóc”, Nannerl Mozart kể với cậu em trai Wolfgang Amadeus như vậy trong một lá thư. Thứ dựng đứng trên đầu là búi tóc phình to mà cô làm để tạo dáng cho bức tranh chân dung gia đình Mozart.
Chính kiểu tóc đó đã thu hút sự chú ý của tôi. Chín năm trước khi tới thăm Vienna vào dịp kỉ niệm 250 ngày sinh Wolfgang Amadeus, tôi đã hồi hộp khám phá thành phố, lần theo những bước chân của ông mà nhiều bước trong đó hóa ra cũng là của Nannerl. Tại Mozarthaus Vienna – một căn hộ của Wolfgang – trên bức tường ở lối ra có một bản sao nhỏ bức chân dung gia đình Mozart. Tôi thấy một phụ nữ ngồi cạnh Mozart bên cây đàn harpsichord, bàn tay họ quấn quýt cùng nhau chơi nhạc.
Từ bé đến lớn, tôi được học để trở thành nghệ sĩ violin. Nhưng tôi chưa từng học hay biểu diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc nữ nào. Với mái tóc tết bím, tôi từng được thầy dạy violin gọi là “Mozart nhỏ” nhưng ngụ ý là Wolfgang. Tôi chưa bao giờ nghe nói Amadeus có một người chị gái. Tôi không hề biết gì về Nannerl Mozart cho tới khi được thấy bức chân dung gia đình đó.
Tôi bị kích thích và quyết định tìm hiểu thêm nữa. Tôi đọc các sách tiểu sử Wolfgang Mozart, nghiên cứu vị thế của phụ nữ và các nữ nghệ sĩ vào thời Mozart ở các nước khác nhau, đọc tác phẩm của các triết gia Khai sáng,… Nhưng nguồn thông tin phong phú nhất lại đến từ những bức thư của gia đình Mozart. Hàng trăm bức thư mà chúng ta có được ngày nay là nhờ Nannerl đã gìn giữ; phần lớn trong số đó là thư trao đổi giữa hai cha con Wolfgang nhưng cũng có một số thư do Nannerl viết. Qua các bức thư, đôi khi chỉ còn thư hồi âm vì thư đi của Nannerl đã bị thất lạc, hình ảnh người chị dần dần hiện lên rõ nét. Tôi đã hiểu được về từng người trong gia đình Mozart qua lăng kính thời đại và vị thế xã hội của họ. Tôi thấy tiềm năng của Nannerl, những giấc mơ của cô, sức mạnh, vẻ duyên dáng và cả cuộc đấu tranh của cô.
Giống như em trai mình, Nannerl là một thần đồng. Hai chị em đã đi gần như khắp châu Âu (trong đó có 18 tháng lưu lại London vào năm 1764-65), biểu diễn cùng nhau trong vai trò các “wunderkinder” (thần đồng). Có những bài bình luận đương thời ca ngợi Nannerl, thậm chí tên cô được quảng cáo trước cả tên Wolfgang. Cho tới khi cô bước sang tuổi 18. Một cô bé có thể đi lưu diễn nhưng một phụ nữ trưởng thành mà làm như vậy thì sẽ là mạo hiểm danh tiết của mình. Và thế là cô bị bỏ lại ở Salzburg trong khi người cha tiếp tục đưa Wolfgang tới khắp các triều đình châu Âu. Nannerl không bao giờ được đi lưu diễn nữa.
Nhưng người phụ nữ mà tôi “tìm thấy” đã không bỏ cuộc. Cô viết nhạc và đã gửi ít nhất một tác phẩm cho Wolfgang và Papa – Wolfgang khen tác phẩm “đẹp” và khuyến khích chị mình sáng tác thêm. Người cha, trong chừng mực mà chúng ta biết, thì không nói gì về chuyện đó.
Cô có dừng lại không? Không bản nhạc nào của cô còn được lưu giữ cả. Có thể cô không bao giờ khoe chúng với ai, có thể cô đã hủy chúng, có thể chúng ta sẽ tìm thấy các tác phẩm của cô một ngày nào đó, cũng có thể chúng ta đã tìm thấy rồi nhưng lại nghĩ chúng là của em trai cô một cách lầm lẫn. Vào thời của cô, phụ nữ không được khuyến khích soạn và biểu diễn âm nhạc. Wolfgang viết đi viết lại nhiều lần rằng chẳng ai chơi các tác phẩm đàn phím của ông hay bằng chị gái mình; còn người cha miêu tả cô con gái như “một trong những nghệ sĩ tài khéo nhất châu Âu” với “sự thấu hiểu hoàn hảo về hòa âm và biến điệu”, và rằng cô ứng tác “tuyệt diệu đến mức mọi người phải sững sờ”.
Giống như chị gái của Shakespeare do Virginia Woolf1 tưởng tượng ra, Nannerl đã không được trao cơ hội để phát triển tài năng. Những tác phẩm cô tạo ra đã không được quý trọng và gìn giữ – hầu hết các nhà soạn nhạc nữ trong quá khứ đều bị lãng quên, âm nhạc của họ bị thất lạc hoặc bị phủ bụi trong các thư viện. Đó cũng chính là mất mát của chúng ta.
Đạo diễn Isaac Byrne và tôi đã tìm kiếm chiếc bóng mờ ảo của Nannerl và câu chuyện cô cần kể trong vở kịch một vai nữ của tôi. Chúng tôi đã trở về với thời Mozart sống qua những cử chỉ tao nhã, những cái khom mình nhún gối cúi chào ở triều đình và ngôn ngữ của những chiếc quạt.
Để tạo ra một thế giới sang trọng và ngặt nghèo của thế kỉ 18, chúng tôi chọn bộ trang phục của nhân vật chính là một chiếc váy khổng lồ tràn ra toàn bộ sân khấu, cùng đạo cụ là một chiếc lồng hình áo nịt ngực. Cuối cùng là búi tóc như của Nannerl, sau khi chúng tôi tìm được đúng loại keo xịt tóc có thể giữ cho tóc dựng đứng rất lâu – và đó hoàn toàn là tóc thật của tôi.
Việc sáng tạo âm nhạc cho vở kịch được giao cho hai nhà soạn nhạc Nathan Davis và Phyllis Chen, những người đã chọn cách miêu tả trí tưởng tượng âm nhạc của Nannerl – thay vì cố gắng tái tạo các tác phẩm của cô – bằng cách sử dụng những âm thanh có thể cô đã nghe thấy: tiếng vẫy quạt, tiếng va chạm của các tách trà, tiếng hộp nhạc, tiếng chuông nhà thờ và tiếng đàn clavichord.
Tôi đã đưa “Một Mozart khác” đi lưu diễn trong hai năm qua. Tháng 9/2015, vở kịch đã có buổi diễn thứ 100 tại St James Studio, chỉ cách có mấy bước chân với nơi Nannerl từng biểu diễn ở London khi còn là một cô bé. Thật là một hành trình dài để mang Nannerl trở lại nước Anh sau 250 năm vắng mặt. Đôi khi tôi có cảm giác mình cũng giống như Leopold Mozart, khi tìm cách giới thiệu với thế giới Mozart chói sáng này.
 

Ngọc Anh dịch
Nguồn: theguardian.com
————
1 Trong cuốn tiểu luận “Căn phòng riêng” của Virginia Woolf (1882-1941) có bài “Chị gái của Shakespeare”, trong đó bà tưởng tượng ra Shakespeare có một người chị gái tài năng nhưng không có cơ hội phát triển sự nghiệp vì là phụ nữ.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)