Một năm văn đàn vắng Nguyễn Huy Thiệp

Người ta có thể hình dung rõ hơn vị thế của một nhà văn lớn khi họ rời xa cõi trần, không phải chỉ ở những gì họ đã tựu thành, mà chủ yếu còn ở bóng hình của họ chẳng gì làm mờ khuất trên chính văn đàn đó, nhiều năm tháng về sau.


Nguyễn Huy Thiệp viết dòng lưu bút cho thầy cô Trường THPT Mai Sơn (Sơn La), nơi ông từng dạy học cuối thập niên 1970, trong chuyến trở lại vùng đất này, tháng 8 năm 2017. Ảnh: MAT

Một số bạn hữu thân tình của ông ngồi cùng nhau trong ngày giỗ đầu ông, giữa tháng 3/2022 vừa rồi. Họ nói nhiều chuyện, hầu hết đều liên quan đến ông, về ông, như thể ông vẫn đang tham dự cùng họ, chưa hề vắng mặt, dù sinh thời, ít khi ông góp tiếng ồn ào trong những buổi gặp gỡ bạn văn. Bạn văn cứ nói và ông cứ giữ im lặng. Ông trầm, tôi nghĩ vậy, hoặc cũng có thể, ông quá biết tính cách của từng người bạn, để nhường họ ở điểm họ mạnh miệng hơn ông về những chuyện thế sự, chuyện tiếu ngạo, hiệp nghĩa trong giới văn chương nghệ thuật nước Nam, thật tình, cũng nhỏ hẹp và thường biết tỏng về nhau. Một đôi lần, thậm chí, tôi còn thấy ông cười trừ, dàn hòa, lắc đầu cho qua những oái oăm, trái khoáy của sự đời, cõi người và quay về với mối bận tâm mà ít ai thực sự hiểu hết ngầm ý của ông, rằng viết văn là đi tìm đạo. Tôi nghe ông nói điều này thường xuyên đến mức, theo cảm nhận nông cạn của mình, đinh ninh ông đang phát biểu một trong những đúc kết ưng ý nhất sau hơn bốn thập niên ông viết văn.

Nhiều quan điểm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, cho đến giờ, vẫn khiến độc giả không khỏi giật mình lúng túng như thể đang đối diện một phép thử quá mới với thói quen tiếp nhận các quan điểm có phần nền nã, trang trọng, thuận chiều về văn chương. Nguyễn Huy Thiệp không ngần ngại nói đến sự vô bổ, vô nghĩa, “văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), “văn học cũng là sự cùng quẫn, cũng đầy dối trá và ngụy tạo” (Bài học tiếng Việt), rồi thẳng thắn hơn, chỉ ra “nghề văn là nghề nguy hiểm và chẳng hứa hẹn một tương lai chắc chắn gì, nó chỉ hấp dẫn với ai mê danh vọng hão” (Tuổi 20 yêu dấu). Thoạt nghe cảm tưởng ông chủ tâm nói ngược, khinh thị, bất kính về nghề viết văn ít ra cũng được vô số thân danh đeo đuổi, sống chết đến cùng và nhiều người thì còn đánh cược mọi thứ để kiếm danh hão không đủ trang sức một đời. Nhưng thực ra, đấy chỉ là góc nhìn tổng thể vấn đề, như nhìn bàn tay hai mặt, không đối lập biền biệt, mà phóng chiếu vào nhau, về cái hay cái dở, điều tốt đẹp lẫn điều bình thường trong nghề văn. Ông vẫn nói về nghề này như là hiện thân của sự bao dung và “lòng chẳng nỡ”, không quên “văn học còn là thước đo trình độ trí tuệ, trình độ học vấn của giới trí thức” nhưng cũng ngờ ngợ những nhà văn kém cỏi, không tự tin ở tài năng cá nhân mình nên ra sức ráo riết “hoạt động xã hội” để “phản ánh xã hội”, bởi việc “phản ánh xã hội” đó, theo ông, “thường sốt sắng nhưng cũng thường sai be bét”. Một nhà văn, nếu muốn thể hiện vai trò nào đó, như ông chờ đợi, “không phải là nói ra chân lí mà là thức tỉnh ý hướng về chân lí hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ”, “một bộ phận nhân dân thậm chí còn kì vọng được nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ đẩy vào các tình huống trớ trêu nào đấy” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn).

Song để có khả năng đó mà không rơi vào kiểu thương vay khóc mướn như một kẻ sĩ ưu thời lo đời, hoặc không cao đàm khoát luận như bậc thức giả chăm chút thể hiện mình thì nhà văn nhất định phải là một người am tường dân tộc, “hiểu biết sâu sắc nước Việt” theo lối một nhà tư tưởng. “Sự hiểu biết dân tộc theo lối một nhà tư tưởng – ông nhấn mạnh, đòi hỏi nhà văn một sức làm việc phi thường, một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng phi thường” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Đòi hỏi đó hẳn nhiên là bất khả với nhiều nhà văn, riêng Nguyễn Huy Thiệp, ở thời điểm ông bùng nổ văn đàn, tôi nghĩ ông chớm là một nhà tư tưởng, một nhà nhân học đã nhìn thấy và biểu đạt một cách sáng suốt, sâu sắc về hiện trạng xã hội mà ai cũng thấy phần mình trong đó. Đã lâu rồi và tôi e sẽ còn lâu nữa, văn đàn vắng hẳn những câu văn như rắc muối, như ủ lửa trong những chiêm nghiệm gai người về sống và chết, về tính và tình, tài và phận, về những mơ mộng và giới hạn của cá nhân, cộng đồng, về những nỗi buồn hắt hiu trên mặt đất, những nỗi cô đơn và chua xót lặn sâu trong tâm khảm người nghệ sĩ như văn Nguyễn Huy Thiệp từng có. Văn đàn cũng chưa có thêm ai để thiên hạ nhốn nháo đi tìm, để thấy chộn rộn, thỏa mãn khi tự nhấc mình lên một ngưỡng đọc kĩ càng hơn so với thói quen gấp sách quá vội. Không bởi văn đàn ít tài năng hay phong cách nổi bật, mà bởi Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ, thuộc về trường hợp cho phép công chúng được cộng dồn nhiều lần đọc khác nhau trong đời, từ đôi mươi, tứ tuần hay tuổi tri thiên mệnh, cũng là trường hợp khiến người đọc nhớ dai và trích dẫn đúng ngay cả những câu văn giễu cợt, mỉa mai thói tính nhân quần, những câu văn đụng chạm và cà khịa các chuẩn mực đạo đức, những câu nhắc nhớ và trân trọng vốn ngôn ngữ bình dân. Chúng ta không ngừng có những nhà văn xông xáo cách tân thủ pháp, chúng ta cũng chứng kiến sự nỗ lực miệt mài của những nhà văn ưa quẳng mình vào đề tài thời sự, sự kiên nhẫn và chắt chiu của những nhà văn đề cao tích lũy vốn hiện thực xã hội. Chúng ta cũng có vài nhà văn giữ cự li nghiêm cẩn với văn học thị trường, không tìm cách nâng tên tuổi mình bằng cách lăn xả vào các điểm nóng bàn luận trên mạng. Nhưng chúng ta đang thiếu hẳn mô hình nhà văn tự tri nhận về “đáo bỉ ngạn”, đến bờ bên kia, rồi “rửa tay gác kiếm” khi tài sức đã cạn như Nguyễn Huy Thiệp. Biết dừng lại và biết bảo toàn nghiệp văn, tri túc cái mình đang là và đang có, dù mang dáng dấp đạo mạo trung dung thế nào, vẫn hay hơn việc cố kéo dài sự trung bình.

Viết văn là đi tìm đạo, ngay cả ở định nghĩa bất khả diễn giải này, cũng phải nhờ ông mới không bị coi  là một thổ lộ nửa mù mờ, nửa bí hiểm. Những văn tài thường thường bậc trung thì tự huyễn thốt ra vài lời lẽ rối rắm như thể thử sức hiểu của số đông. Nhưng ông, tác giả của chừng 55 truyện ngắn chưa bao giờ nguôi vẫy gọi cắt nghĩa, cần gì nhấn thêm một khúc cua thách thức sự chú ý công chúng bởi quan niệm viết văn có vẻ khác người của mình? Ông cũng không cần ai đó tranh cãi, thắc mắc hay giễu cợt những điều ông thấm thía. Bởi đi tìm “đạo”, với ông, như tôi mang máng vỡ lẽ, gần với thái độ chấp nhận, thuận theo lẽ tự nhiên của sống chết, của toàn bộ trật tự và biến dịch, của xấu tốt, đúng sai mà bàn tay con tạo đã tinh tế, công phu cấp cho mỗi người một kịch bản rất ư riêng khác. Ông đi tìm “đạo”, có thể như nhân vật Chương đi tìm Con gái thủy thần, không thấy rõ đích mồn một, nhưng ảnh tượng, sức mạnh siêu hình đầy cám dỗ và ma mị ấy, đã giúp ông bắt gặp, nhận ra nghĩa lí của mình. “Những khao khát của tôi nhấc tôi lên khỏi mặt đất”, Chương thổ lộ, và như Chương, có lẽ ông cũng muốn, khi viết văn, được sống trải trọn vẹn trạng thái “cô đơn và sự bất lực”, tự nhận ra “trong khát vọng tìm kiếm cuộc sống của tôi hẳn có ẩn chứa một con quỉ dữ đã thiếp ngủ lâu rồi. Nó ích kỉ, cô đơn, bị làm nhục, nó hoài nghi đủ thứ, dè chừng đủ thứ, vụ lợi và đê hèn. Nó ngẫm nghĩ đôi chút về tôn giáo, về bản chất con người chẳng qua cũng chỉ nhằm để đối chiếu và làm sắc nhọn thêm bản lĩnh quỉ dữ của nó mà thôi”. Tìm “đạo”, nếu không đối diện với “con quỉ dữ” trong mình, thì làm sao có thể viết văn, như ông nhấn mạnh, “đẩy tính cách nhân vật và các vấn đề nêu ra đến hết, thậm chí đến cái chết”, làm sao nhà văn dám “trung thực với mình đến tận đốt xương sống” (Nhà văn và bốn trùm “mafia”) để tạo ra thứ “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải”? (Giọt máu). Dù đời sống, lòng khao khát ham sống của người viết không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng mỗi trang văn, mỗi câu chữ của anh ta, khó khăn thay, cần phải thúc giục mỗi người sống nhân đạo hơn, “có ý nghĩa hơn, văn minh hơn, sướng hơn” (Thời của tiểu thuyết). Người ta đọc Nguyễn Huy Thiệp cũng bởi họ tin sống dễ lắm, nhìn vào mắt trẻ con mà sống.

Nguyễn Huy Thiệp, nếu xét ở điểm nào đó không đắc ý nhất, thì vẫn như chàng Chương tuổi trẻ kia, đang hướng về phía biển cả, phía những đàn cá voi xanh cất tiếng tự do và bộc lộ vẻ trác tuyệt của mình. Ông “sang sông” nhưng vòng sóng đón nhận tác phẩm của ông không dừng lại. Theo nghĩa đó, văn chương Việt Nam thời đổi mới, nơi ông là hạt nhân, cũng không dừng lại. Nguyễn Huy Thiệp kéo giai đoạn ấy gần hơn với bạn đọc, giới nghiên cứu hôm nay, và e chừng, sẽ còn rực rỡ hơn với thì tương lai gần. Ông không có mặt ở các kì cuộc hội ngộ, gặp gỡ văn chương bây giờ song lại dành tặng điểm xuất phát lớn mang tên tư tưởng, bút pháp Nguyễn Huy Thiệp cho ai đó tài năng tiếp tục bứt phá thêm. Và ông cũng dành tặng nụ cười xòa cho những vội vàng, sơ suất của văn đàn trong những bài viết, cuốn sách và sự kiện tưởng nhớ, tôn vinh ông. Như thể, ông biết rõ, đời sống không thiếu những sự nhầm lẫn đan cài nhau và sự phi phàm đời văn còn tùy vào sức chịu đựng nhầm lẫn ấy, nhiều năm tháng về sau. □

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)