Một ngành khoa học liên quốc gia và liên truyền thông, chuyên ngành
Trong khi ở Việt Nam, các nhà khoa học vẫn đang hô hào và bằng những nỗ lực cá nhân của mình, bước đầu xây dựng cơ sở cho ngành văn học so sánh với tư cách một ngành khoa học thì ở Tây Âu , các học giả đã nhắc đến sự “rút lui”, đến những “nguy cơ ngành”, thậm chí là “cái chết” của ngành văn học so sánh. Mới đây, khi bài viết “Phản tư về văn học so sánh thế kỷ XXI”của tác giả Susan Bassnett được dịch và đăng trên tạp chí “Văn học so sánh Trung Quốc” đã gây ra những cuộc tranh luận trong giới học giả nghiên cứu văn học so sánh ở nước này. Việc Susan Bassnett nói đến sự “thoái lui” của văn học so sánh với tư cách ngành học, và rộng mở của quan niệm không giới hạn về một ngành văn học so sánh, đương nhiên đã gây ra những “cú sốc” thực sự ở một đất nước mà ngành văn học so sánh vẫn còn non trẻ như Trung Quốc. Chúng tôi chọn dịch bài viết của tác giả Trương Anh Tiến như một phản ứng khá điển hình của giới học giả nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc, cũng là để độc giả Việt Nam có thể tiếp cận những động thái mới của giới lý luận Âu Mỹ trong một ngành học còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Sự tập trung vào các vấn đề liên quan đến tính liên quốc gia và liên ngôn ngữ chính là truyền thống của văn học so sánh châu Âu. Sự tác động tương hỗ giữa các tác giả, tác phẩm, các cuộc vận động văn học cho đến các trào lưu ở các quốc gia châu Âu đã sản sinh ra cái mô thức “nghiên cứu ảnh hưởng”, với mục đích là tìm hiểu quá trình “cấy ghép”, lưu biến “vượt biên giới” của một dạng thức, một loại hình, một phong cách, một thể loại, một hình tượng hoặc một khái niệm nào đó.
Đương nhiên, những tương đồng trong sự chuyển di và lưu biến hoàn toàn không phải chỉ giới hạn trong mối tương quan giữa các nền văn học của các quốc gia, nó còn có thể tồn tại ở giữa những loại hình nghệ thuật khác nhau, giữa những ngành khoa học và thậm chí giữa các phương tiện truyền thông. Khái niệm văn học có thể đến từ thi học, mỹ học, triết học; sự sáng tạo các hình tượng giữa văn học, hý kịch và nghệ thuật cũng rất khác nhau. Đây cũng chính là chỗ mà mô thức “nghiên cứu song song” trong văn học so sánh Mỹ tạo ra điểm đặc sắc cho riêng nó. Ở đây, không thể không dẫn ra một sự giới định của tác giả Remaque trong cuốn “Văn học so sánh: Định nghĩa và chức năng”: “Văn học so sánh là sự nghiên cứu văn học vượt qua phạm vi của một quốc gia, nó nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và các tri thức khác cũng như các lĩnh vực tín ngưỡng, bao gồm cả nghệ thuật (như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc,… ) triết học, lịch sử, và các khoa học xã hội (như chính trị, kinh tế, xã hội học) khoa học tự nhiên, tôn giáo,… ” Ở đây, rất dễ nhận thấy rằng, điều mà Remaque muốn nhấn mạnh chính là một ngành văn học so sánh liên ngành và liên truyền thông.
“Mục tiêu của hành vi so sánh tất yếu là phải nhằm vào chỗ khác biệt: Sự so sánh văn bản, tác giả hoặc sự vận động văn học tốt nhất là phải vượt qua những biên giới của ngôn ngữ”. |
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nếu như về bản chất văn học so sánh là một ngành khoa học có tính liên ngành thì sự lo lắng về những “nguy cơ” hay “cái chết” của văn học so sánh sẽ không thể xảy ra. Vì rằng, tính liên ngành của một ngành khoa học cũng có nghĩa là bản thân của ngành khoa học đó không hề có đặc điểm “độc nhất vô nhị”. Trên ý nghĩa đó, sự “thoái vị” của ngành văn học so sánh mà Susan Bassnett nêu ra, hoàn toàn không phải một “sách lược tạm thời” như người dịch bài báo của bà đã viết trên tờ “Văn học so sánh Trung Quốc” mà là một kiến nghị thẳng thắn và đầy thành ý: “Văn học so sánh và nghiên cứu dịch văn học đều không nên coi là một ngành học: Chúng đều là những phương pháp nghiên cứu khoa học, là những phương pháp hỗ trợ nhau trong đọc văn học”. Và vì thế, Susan Bassnett cũng kiến nghị chúng ta “hãy bỏ qua những cuộc tranh luận vô vị về các định nghĩa và thuật ngữ, và tăng cường sự tập trung vào việc nghiên cứu bản thân văn bản, chú trọng vào tính liên văn hóa, xuyên thời gian của quá trình tiếp nhận và quá trình viết tác phẩm”. Sự trọng thị của Susan Bassnett với “bản thân văn bản” gần như hô ứng với quan điểm về sự khẩn thiết phải khảo sát lại “tính văn học” được Haun Saussy đề ra trong báo cáo 10 năm của Hiệp hội văn học so sánh Mỹ. Văn học so sánh, trong khi đang vật lộn với cơn sốt lý luận Âu Mỹ và sự chuyển hướng trong nghiên cứu văn hóa lại tựa hồ như đang quay trở về với những sở trường quen thuộc vốn là độc quyền của nó. Vấn đề là ở chỗ, báo cáo của Haun Saussy hoàn toàn không nhằm vào việc định nghĩa “tính văn học” mà bản thân “tính văn học” cũng hoàn toàn không phải là “bản quyền” của văn học so sánh.
Trong gần 30 năm qua, lĩnh vực nghiên cứu văn học so sánh ở Mỹ đã xuất hiện những biến đổi to lớn. Phương pháp và lý luận của nó gây ra rất nhiều tranh luận trong giới học giả. Susan Bassnett cho rằng, “một mô hình mới của văn học so sánh mang tính chính trị hóa”, cái mà Gayatri C. Spivak đề ra, “hoàn toàn không phù hợp với mô hình văn học so sánh châu Âu”. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến Susan Bassnet phản đối Gayatri C. Spivak chính là vì ông này là đại biểu cho lập trường “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) của chủ nghĩa hậu thực dân. Bản thân chúng tôi trong quá trình hơn 10 năm biên soạn một tuyển tập bằng tiếng Anh các bài viết về văn học so sánh đã đặt tên sách là “Trung Quốc, thế giới đa trung tâm”. Trên thực tế, không chỉ châu Âu không thể tiếp tục là trung tâm của thế giới, bản thân văn học cũng không thể tiếp tục là trung tâm duy nhất của nghiên cứu văn học. Trong mấy chục năm chiếm vị trí chủ đạo trong lý luận nghiên cứu văn học ở phương Tây, từ chủ nghĩa Mark mới đến chủ nghĩa hậu kết cấu đều hoàn toàn không phải là lý luận văn học hay mỹ học thuần túy về mặt ý nghĩa mà phần nhiều là lý luận triết học và xã hội. Chính vì bối cảnh của “nguy cơ ngành học” văn học so sánh chính là những nguy cơ của văn học tinh anh phổ biến ở Tây phương. Vì thế nếu như không xuất phát từ lập trường tinh anh của truyền thống thì trước mắt, nghiên cứu văn học phương Tây vẫn chưa thể tạo thành được những “cái chết” hay “nguy cơ” của văn học so sánh.
Cũng giống như Susan Bassnett, phương hướng nghiên cứu “không gì không làm” của các học giả Trung Quốc đã thể hiện những lo lắng về sự phát triển đa nguyên hóa văn học so sánh sẽ “tiến thêm một bước dẫn đến sự mở rộng ngành”. Có học giả còn dự đoán rằng, cơn sốt lý luận và nghiên cứu văn hóa “không chỉ dẫn đến sự đánh mất phạm vi của văn học so sánh mà còn có thể dẫn đến việc rối loạn thêm một bước về ý thức ngành học”. Điều đáng chú ý là, mô hình nghiên cứu cũng như ý thức về ngành học mà các sách giáo khoa của Trung Quốc về văn học so sánh đại đa phần đều phát triển trên nền tảng lý luận về văn học so sánh Âu Mỹ trong quá khứ. Ưu điểm coi trọng truyền thống giúp tri thức về lịch sử ngành văn học so sánh của các học giả Trung Quốc có thể tốt hơn các học giả Âu Mỹ, tuy nhiên khuyết điểm lại nằm ở chỗ, ở thời điểm hiện tại, những gì mà các sách giáo khoa về văn học so sánh ở Trung Quốc trình bày không còn tương thích với hiện trạng của văn học so sánh Âu Mỹ nữa. Hiện tại, điều các học giả Âu Mỹ quan tâm là, làm thế nào để giải trừ được những “điểm mù” trong khoa học nhân văn, làm thế nào để khai phá những đề tài nghiên cứu mới chứ không phải là việc đổ công sức đi xác định ranh giới cho định nghĩa văn học so sánh.
Làm thế nào để phát triển văn học so sánh trong bối cảnh đối thoại học thuật quốc tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều học giả. Việc đề xuất “Học phái Trung Quốc” vào những năm 80 của thế kỷ trước đã thể hiện nguyện vọng của tiếng nói Trung Quốc trong một thế giới đa trung tâm. Gần đây hơn nữa, những nghiên cứu “liên văn minh” cũng đã biểu đạt những ý tưởng đầy sáng tạo của các học giả Trung Quốc. Không phải nghi ngờ rằng, hai hướng đi này đều phù hợp với tính chất “sẽ thành” và “sẽ phát sinh” đã được Gayatri C. Spivak nhắc tới. Tự nhận là có cảm hứng đối với nghiên cứu văn học so sánh “đã hình thành”, Susan Bassnett lần này lại hô hào mọi người coi trọng dịch văn học: “Bất kỳ nghiên cứu văn học so sánh nào đều cần phải đặt lịch sử dịch văn học vào vị trí trung tâm”. Nghiên cứu dịch văn học là một trong những lĩnh vực mà Susan Bassnett dành rất nhiều tâm huyết, hơn nữa sự trọng thị đối với dịch văn học hiển nhiên là ý thức chung của các học giả nằm ngoài khu vực Bắc Mỹ. Mục đích của Susan Bassnett là: “Làm bật lên tác dụng của người đọc, đồng thời chú ý đến ngữ cảnh lịch sử của hành vi viết và hành vi đọc”. Dịch văn học là một sự viết lại sau khi đọc mang tính liên ngôn ngữ và xuyên quốc gia, còn nghiên cứu dịch văn học thì chính là một dạng “viết lại” của loại hình “viết lại” này. Dịch giả và học giả giống nhau ở chỗ đồng thời đều là độc giả và tác giả, hơn nữa, có thể đồng thời quan tâm đến những tài liệu học thuật và truyền thông khác nhau. Nói cách khác, nếu như chúng ta coi một bộ phim được cải biên từ tác phẩm văn học cũng là một bản dịch thì khái niệm phương pháp văn học so sánh mà Susan Bassnett miêu tả trong bài viết của mình có thể mở rộng ngành văn học so sánh thành một ngành liên chuyên ngành, liên truyền thông.
Như vậy, có thể nói nếu như văn học so sánh là một ngành học liên chuyên ngành thì phương pháp nghiên cứu của nó không thể tránh khỏi việc lan truyền sang những ngành học khác. Lịch sử ngành văn học so sánh đã chứng minh rõ điều này. Với tư cách là một ngành khoa học liên chuyên ngành, ý thức ngành của văn học so sánh phải được rộng mở, phương pháp và mô hình nghiên cứu của nó tất nhiên phải đa dạng, đa nguyên, phương pháp so sánh của nó có thể là liên ngôn ngữ, liên quốc gia và liên truyền thông.