Một ngày *

Một ngày tức là ngày 1.10.2010, bảy họa sĩ Nguyễn Phan Bách, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thế Dung, Đào Hải Phong, Phạm Trần Quân, Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Đình Vũ cùng nhau bước ra khỏi xưởng họa của mình để đi vẽ ngoài trời.


Một ngày
tức là một ngày đặc biệt, ngày sinh nhật Hà Nội tuổi 1.000, một ngày không như mọi ngày ngồi vẽ tranh trong nhà, mà ra ngoài vẽ trực tiếp, trực họa phong cảnh Hà Nội: cầu Thê Húc, cầu Long Biên, tháp nước Hàng Đậu, Văn Miếu… những cảnh những tên đã quen, đã thành biểu tượng của Hà Nội.

Một ngày tức là chỉ vẽ trong một ngày 1.10.2010 những cảnh tiêu biểu đó để cùng nhau vẽ thành một bức chân dung của Hà Nội, thành phố nghìn tuổi, nhưng cũng có thể hiểu là chân dung của Hà Nội trong cái ngày 1.10 đó, trong một ngày đó.


Hồ Thiền Quang – Đào Hải Phong

Cầu Long Biên – Phạm Trần Quân

Một ngày mà bảy họa sĩ vẽ Hà Nội còn người thứ tám là nhà nhiếp ảnh Trần Quốc Khanh chụp và nhà quay phim Vũ Đức Tùng, người thứ chín, quay cảnh các họa sĩ đang vẽ. Hình như đã có nhiều ảnh và phim về phong cảnh Hà Nội nhưng ít những hình ảnh các họa sĩ đang vẽ Hà Nội. Đã có nhiều triển lãm tranh nói chung, tranh vẽ cảnh đẹp Hà Nội nói riêng nhưng người xem vẫn thèm được xem hình ảnh của các họa sĩ đang làm việc, các thao tác nghề nghiệp, các chuyện đằng sau bức tranh, các chi tiết bếp núc làm nên tác phẩm.


Cầu Thê Húc – Nguyễn Đình Vũ

Vẽ trên sỏi – Lê Thị Thanh Tâm

Thêm một ý nghĩa khác của triển lãm Một ngày là sự kết nối giữa hội họa, nhiếp ảnh và phim tài liệu. Sự kết nối được tạo bởi hai yếu tố thời gian và không gian. Thời gian chỉ trong một ngày 1.10.2010 và không gian là cảnh đẹp Hà Nội. Tất nhiên mỗi loại hình có ngôn ngữ biểu đạt riêng nhưng sự hấp dẫn chính là ở chỗ với một hiện thực (qua ảnh và phim ấy) Cột cờ, Nhà thờ Lớn, cầu Long Biên… người xem sẽ thấy được khoảng cách thú vị giữa hiện thực, giữa cuộc sống khi nó trở thành nghệ thuật thế nào trong hội họa. Nói một cách đơn giản là cái cầu Long Biên trong đời, trong ảnh là thực thì khi vào tranh sẽ khác thế nào. Người xem tranh thường hỏi, hằng ngày tôi đi làm qua Hồ Gươm, hôm nay tôi đang ngắm bức tranh Hồ Gươm, nghệ thuật là gì? Trả lời, nghệ thuật nằm ở cái chỗ vênh, cái chỗ chênh vênh đó, nghệ thuật là cái sự khác đó. Nếu Hồ Gươm và Hồ Gươm trong tranh giống nhau như đúc thì không còn nghệ thuật nữa.


Nhóm họa sĩ trong triển lãm Một ngày

Tháp nước Hàng Đậu –  Phạm Trần Quân

Nhà Hát lớn – Nguyễn Thế Dung

Nhà Thờ lớn – Lê Thiết Cương

Một ngày không chỉ là kỷ niệm nghệ thuật của chín nghệ sĩ với nhau mà chính là kỷ niệm của mỗi người với Hà Nội, mỗi người mỗi khác với cùng một Hà Nội, một ngày Hà Nội.

—-

* Triễn lãm Một ngày diễn ra tại Không Gian Sáng Tạo Trung Nguyên, 36 Điện Biên  Phủ, Hà Nội, từ 15 đến 25/10/2010.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)