Một phát hiện mới của âm nhạc

Daniil Trifonov [1991] là một phát hiện mới của âm nhạc. Ở tuổi 21, anh đã chiến thắng tại Cuộc thi Piano Quốc tế Tchaikovsky ở Moscow [giải nhất, giải đặc biệt, giải do khán giả bình chọn, và giải Nghệ sĩ trình diễn concerto của Mozart xuất  sắc  nhất] và Cuộc thi Tài năng Piano Quốc tế Arthur Rubinstein ở Tel Aviv [giải nhất].

Về Trifonov, nhà văn, nhà phê bình âm nhạc Norman Lebrecht đã có bài viết: “Một nghệ sĩ piano cho phần còn lại của đời chúng ta”. Nổi tiếng và nhận được nhiều lời ca ngợi, nhưng ở anh không hề có bóng dáng của sự tự cao, tự phụ. Chúng tôi đã trò chuyện với nghệ sĩ trẻ người Nga này bên những tách cà phê.

Có phải anh xuất thân từ một gia đình âm nhạc?

Hầu hết mọi thành viên trong gia đình tôi đều là nghệ sĩ. Bà ngoại tôi là chỉ huy hợp xướng, cha tôi là nhà soạn nhạc, mẹ tôi là giảng viên lý thuyết âm nhạc, và các thế hệ trước đây, những người cụ của tôi, cũng là nghệ sĩ (cười). Mỗi người trong số họ đều có mối liên hệ hết sức mật thiết với âm nhạc.

Còn đời sống nghệ thuật và âm nhạc ở thành phố Nizhny Novgorod nơi anh sinh ra như thế nào?

Đó là một thành phố có bầu không khí rất dễ chịu, nhưng tất nhiên Nizhny Novgorod không nổi tiếng bên ngoài nước Nga. Nó không phải là trung tâm văn hóa như Moscow hay St. Petersburg; nhưng về dân số, đó là thành phố lớn thứ ba ở Nga sau hai thành phố nói trên. Ở đây có các nhạc viện và một dàn nhạc giao hưởng tốt, nó cũng có một số nghệ sỹ nổi tiếng ở các trường dạy piano. Một trong những lý do năm tôi lên tám, cả gia đình tôi chuyển đến Moscow là để tôi có thể tiếp tục học tại Trường nhạc Gnessin.

Tại Gnessin, tôi theo học bà Tatiana Zelikman, một nhạc sư dạy những học trò như Alexander Kobrin, Alexei Volodin… Tôi thấy bà là một trong những nhạc sư Nga giỏi nhất, người thật sự đem đến cho học trò nền tảng tuyệt vời. Dĩ nhiên, bà cũng là một nghệ sĩ đáng kinh ngạc. Khi tới Moscow, tôi đã hy vọng được chơi cho bà nghe, và cuối cùng, tôi được theo học bà tám năm liền, từ lúc 9 tuổi đến 18 tuổi… 9 năm chứ (cười lớn). Sau đó, tôi tới Mỹ.

Khi nào anh nhận thấy năng khiếu âm nhạc của mình có lẽ là khác thường?

Giáo viên của tôi đòi hỏi rất cao. Bà Tatiana Zelikman là một người thầy khắt khe, riết róng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng cái khoảnh khắc khi nhận ra ‘ồ cuối cùng thì mình đã đạt tới điều gì đó’ là tốt cho các nghệ sĩ. Phía trước lúc nào cũng còn việc để làm. Sự tiến bộ không bao giờ được ngừng lại.

Năm 13 tuổi, tôi bị gãy tay trái trong một lần bị ngã và tôi không thể chơi đàn suốt ba tuần. Đúng là một sự tra tấn. Đó là thời điểm tôi thấy rõ âm nhạc quan trọng đối với tôi như thế nào. Thật căng thẳng và khó chịu biết bao khi không được chơi đàn…

Ví dụ như bây giờ tôi không thể chịu được quá một ngày không tập đàn, và thường thì ngày đó chính là ngày tôi phải di chuyển (cười). Tôi đọc sách trên máy bay, và nếu có thời gian rỗi thì tôi không nghỉ ngơi. Tôi tập luyện hoặc nghiên cứu danh mục biểu diễn mới.

Anh đã giành giải thưởng [giải ba] tại Cuộc thi Chopin năm 2010 và sau đó chiến thắng ở cả hai cuộc thi Rubinstein và Tchaikovsky năm 2011. Vậy việc chuẩn bị cho hai cuộc thi sau có gì khác không?

Vâng, có khác chứ. Tôi muốn luyện một chương trình mới cho cuộc thi Rubinstein và Tchaikovsky. Tôi không nghĩ chơi cùng một chương trình cho các cuộc thi trong nhiều năm liền là tốt cho các thí sinh. Nó không tốt cho họ và cả các tác phẩm mà họ chơi. Tôi tin rằng tốt hơn nên đến một cuộc thi mới với những tác phẩm mới. Ở hai cuộc thi Rubinstein và Tchaikovsky, tôi chỉ có duy nhất một tác phẩm chung là bản concerto của Chopin. Tôi luyện các etude trong op.25 của Chopin ngay trước Cuộc thi Rubinstein, và tôi đã dành khoảng ba tháng để luyện bản concerto của Tchaikovsky. Sau nửa năm, tôi tin là mình đã thay đổi.

Tôi đã trò chuyện với Đặng Thái Sơn hồi năm ngoái về anh, và ông ấy cũng thấy có sự tiến triển đáng kể trong lối chơi của anh.

Đặng Thái Sơn ư? Tôi nghĩ nghệ thuật chơi đàn của ông ấy thật xuất sắc. Tolstoy có một câu như thế này: con người như những dòng sông. Chúng ta luôn thay đổi. Tôi không thể nói nửa năm nữa tôi sẽ tới đâu nhưng tôi có ý tưởng về nơi tôi sẽ tới và những ý tưởng đó là do chính tôi lựa chọn. Bây giờ tôi đã chơi khác đi và tôi vẫn đang luôn nghĩ khác đi.

Có người cho rằng, các nghệ sĩ piano ngày nay vẫn còn thiếu những yếu tố nhất định trong lối chơi của mình, rằng có lẽ họ quá quan tâm đến sự hoàn hảo về kỹ thuật. Vậy anh nghĩ gì về thẩm mỹ của kỷ nguyên này?

Có rất nhiều nét tự nhiên, thiêng liêng cũng như chất thơ trong lối chơi của những nghệ sĩ piano như Alfred Cortot và Dinu Lipatti. Các nghệ sĩ luôn luôn thay đổi theo thời gian, và chẳng có ai giống ai. Xét về danh mục biểu diễn, tôi chơi nhiều tác phẩm của Chopin và Scriabin. Và nếu như chơi các tác phẩm của họ theo kiểu ganh đua trong các cuộc thi như tôi trước đây thì thật khủng khiếp bởi vì những nhà soạn nhạc này đòi hỏi nhiều chất thơ. Tôi có thể nói rằng các nhà soạn nhạc làm thay đổi các nghệ sĩ rất nhiều. Mỗi khi bạn biểu diễn một tác giả nào đó, bạn lại thay đổi. Ví dụ, khi tôi tập các tác phẩm của Chopin, nó đã mang đến cho tôi những cá tính nhất định. Khi tập bản concerto Tchaikovsky, tôi trưởng thành cả về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ âm nhạc; nó khác với bất kỳ tác phẩm nào tôi tập trước đó. Và giờ đây đó là các bản sonata của Schubert và etude của Chopin… Luôn luôn có sự phát triển, đích đến cho chúng tôi vươn tới.

Trách nhiệm của người biểu diễn là trung thành với bản nhạc. Vậy một nghệ sĩ biểu diễn lớn có thể vượt qua được tầm nhìn của nhà soạn nhạc được không?

Trong mùa diễn từ năm 2011 đến 2013, Trifonov đã và sẽ xuất hiện lần đầu cùng nhiều dàn nhạc danh tiếng như Vienna Philharmonic Orchestra, London Symphony Orchestra, Mariinsky Orchestra, Russian National Orchestra, New York Philharmonic, Chicago Symphony…

Nếu anh nghe các bản thu âm của Rachmaninoff, anh sẽ thấy ông ấy luôn luôn thay đổi cách thể hiện tác phẩm của mình. Ông ấy đã làm nhiều điều chưa từng được viết ra trong bản nhạc. Thầy giáo của tôi, Sergei, nói với tôi rằng ông đã nhìn thấy chữ viết tay của Rachmaninoff trên bản nhạc, nhưng khi biểu diễn ông vẫn tiếp tục thay đổi ở một số đoạn nhất định. Vì thế, luôn luôn có sự tự do cho mỗi nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng dẫu sao anh không nên đặt bản thân mình lên trên mỗi tác phẩm âm nhạc.

Anh biết đấy, những chỗ ghi chú trong bản nhạc của Chopin rất nổi tiếng; ông ấy luôn luôn thay đổi mọi thứ. Anh đã nghe các bản thu âm piano của Scriabin chưa? Những điều tuyệt vời nhất khi ông ấy chơi tác phẩm của mình không hề được ghi trong bản nhạc! Làm sao anh có thể viết ra đầy đủ tinh thần hay không khí của nó? Anh chỉ có thể gợi ý xa xôi về nó – delicatissimo (tinh tế) hay bất cứ thứ gì – nhưng sự thấu hiểu của người biểu diễn cần phải đi xa hơn thế. Những chỗ thay đổi hay ghi chú của nhà soạn nhạc không nên trở thành nơi cầm tù trí tưởng tượng âm nhạc của anh. Tất nhiên, anh cần phải tôn trọng các nhạc sĩ nhưng anh cũng cần thấy và hiểu các lý do. Không phải là chơi bản nhạc một cách máy móc, mà anh cần tìm thấy các ý nghĩa về cảm xúc và tinh thần ở những chỗ ghi chú đó. Có rất nhiều sự tự do trong mỗi bản nhạc.

Chương trình biểu diễn của anh có đủ bộ các etude của Chopin. Vậy tác phẩm nào trong đó khó nhất cho đôi tay anh?

Vâng, mỗi tác phẩm đều vô cùng khó. Cần thời gian để đôi tay của anh hiểu được chúng phải làm gì. Về kỹ thuật thì etude quãng tám (etude số 10) trong op.25 và các etude số 1, số 2, và 12 ở op.10 – đều khó, nhưng một khi anh đã hiểu phải xử lý nó như thế nào thì…

Với các etude của Chopin, độ nhạy cảm của các ngón tay và đầu ngón tay rất quan trọng – đặc biệt ở etude số 2 và số 6 trong Op. 25. Nhưng sự linh hoạt của cổ tay cũng quan trọng không kém. Giống như anh phải không có xương vậy. Sự nới lỏng của đôi tay cũng tối quan trọng. Nếu anh chơi etude số 1 và số 2 mà đôi tay của anh không bị mệt mỏi, và nếu anh có thể lặp đi lặp lại điều đó, thì có nghĩa là anh đã hiểu đôi tay của mình cần phải làm gì (cười).

Các etude này cũng là một câu hỏi lớn trong âm nhạc. Mỗi etude là một bài thơ, và thật khó tin nổi Chopin lại kết nối được chúng với nhau. Tôi không tin rằng đó chỉ là các etude. Đó là một tổng thể vĩ đại mà mỗi tác phẩm đều có đời sống riêng. Tôi đã tập các etude số 4, 6, và số 8 khi còn nhỏ. Các etude khác tôi tập khoảng ba tháng trước các cuộc thi. Sau đó, vào đầu mùa thu này, tôi tập etude số 10.

Anh có những thói quen gì trong biểu diễn? Trí nhớ âm nhạc của anh như thế nào?

“Đêm qua tôi đã lắng nghe Daniil Trifonov chơi một lần nữa trên YouTube – anh ấy có tất cả mọi điều và còn hơn thế nữa. Những gì anh làm với đôi bàn tay của mình là điều không thể tin nổi về mặt kỹ thuật. Đó là cách anh chạm vào phím đàn – anh có sự mềm yếu dịu dàng và sức mạnh ma thuật. Tôi chưa bao giờ được nghe âm thanh nào tương tự như thế.”

 Martha Argerich

Vào ngày trình diễn, tôi thường không tập luyện. Anh có thể tập một giờ hoặc nhiều hơn vào buổi sáng. Nhưng tôi thích ngủ trước buổi biểu diễn để được tỉnh táo. Hiện giờ tôi tập khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Cách đây năm hôm, tôi tập đến chín tiếng. Nhưng tôi không khuyên mọi người làm như vậy vì còn sáng hôm sau. Anh không thể cảm thấy bình thường vào sáng hôm sau được (cười). Anh cần phải giữ cân bằng, và tôi cho rằng sáu giờ hoặc trong khoảng từ năm đến bảy giờ, là vừa với tôi.

Tôi ghi nhớ một bản nhạc nhanh như thế nào ư? Với Rachmaninoff, bởi vì tôi chưa từng chơi tác phẩm nào của ông, thì cần nhiều thời gian hơn một chút. Nhưng với một số tác phẩm, tôi có thể nhớ trong vài ngày. Ví dụ như tôi mất một tuần để nhớ bản Concerto số 1 của Prokofieff; với bản concerto của Chopin cũng vậy. Nhưng đó chỉ là ghi nhớ bản nhạc. Công việc thực sự bắt đầu sau đó cơ.

Bên cạnh âm nhạc, anh còn quan tâm đến những môn nghệ thuật nào?

Tôi yêu thích cách sử dụng ngôn từ của Tolstoy. Lúc này tôi đang đọc cuốn “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky, thật kinh ngạc. Tôi cũng yêu thích Oscar Wilde. Với hội họa, khi tôi ở Florence, tôi đã xem nhiều tác phẩm nguyên bản của Botticelli và da Vinci. Sau khi xem các bức họa này, tôi cảm thấy có điều gì đó còn thiếu ở những tác phẩm của những tác giả khác. Ở chúng sự thể hiện tự nhiên như không. Tất cả dường như sắp hóa thật. Những điều này cũng quan trọng tương tự đối với việc biểu diễn âm nhạc, đặc biệt là ở cái “như không”. Càng ít phải lên gân, anh càng có thể tập trung nhiều hơn cho sự bộc lộ cảm xúc. Khi anh nhận ra được mối liên hệ tự nhiên giữa các ngón tay và tâm hồn mình, anh có thể chơi đùa với âm nhạc.

Liệu tương lai của âm nhạc cổ điển có chắc chắn không?

Nó thật sự phụ thuộc vào các cuộc trình diễn và các nhà soạn nhạc. Có nhiều nhà soạn nhạc hiện đại rất thú vị. Tôi thích Carl Vine [người Úc, 1954], Ligeti [người Hungary, 1923-2006], Messiaen [người Pháp, 1908 –1992] và tôi thật sự thích nhạc jazz và cả Chick Corea [người Mỹ, 1941]. Tôi đã chơi một tác phẩm của ông ở Cuộc thi San Marino [2008]. Với các nhà soạn nhạc đương đại, họ có rất nhiều ý tưởng mới. Một nhà soạn nhạc có tác phẩm gợi hứng cho tôi là Mario Lanza [người Mỹ, 1921-1959]; nhưng ông ấy đương đại quá. Khi anh 20 tuổi, anh phải học chơi rất nhiều tác phẩm cổ điển. Nhưng trong tương lai, tôi sẽ chơi tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc đương đại.

Thanh Nhàn lược dịch theo examiner.com và daniiltrifonov.com

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)