Một quá trình tích cực nhằm sáng tạo ra chính mình

Tìm kiếm bản sắc dân tộc cũng giống như đi tìm hồn quê. Đó là cuộc kiếm tìm nhiều khi thật vô vọng. Ít ai không cảm nhận được nó, thấy nó là một hiện hữu, một hiện thực. Nhưng tới gần thì nó cứ như bóng trong gương, trăng đáy nước, ảo ảnh trên sa mạc. Người tìm kiếm luôn phải đối diện với những câu hỏi nát óc: bản sắc là đơn thể hay tổng thể? thuộc nội dung hay hình thức? là thuộc tính hay phẩm chất? gồm cả tiêu cực hay chỉ thuần tích cực? là di sản hay luôn là tài sản? bất biến hay hằng biến? đóng hay mở? chỉ là kết tinh hay luôn là quá trình? là bệ phóng hay rào cản? chỉ khư khư giữ lấy hay cần cả cải cách làm mới? v.v... Dường như đó là vấn đề luôn làm vô vọng mọi nỗ lực nắm bắt thì phải. Nó chỉ cho người ta đến gần, chỉ tiệm cận chứ khó mà tiếp cận, khó mà chiếm lĩnh.

Xung quanh câu hỏi về nguồn gốc, có người muốn tìm những yếu tố qui định bản sắc một dân tộc. Như vấn đề môi trường sinh thái, vấn đề văn hóa và lịch sử, thậm chí, vấn đề gene. Nhiều người đã nghĩ đến yếu tố Nho giáo trong văn hóa và yếu tố tiểu nông trong sản xuất như là những nhân tố quan trọng qui định, chi phối bản sắc Việt… Tôi quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi về bản chất. Để trả lời câu hỏi bản sắc là gì, trước đây, người ta thường nghiêng về tìm kiếm các đơn thể. Đến nay, việc chỉ ra một số cái này hay cái kia, rồi bảo rằng đó là bản sắc của dân tộc không còn là cách nhận diện tin cậy nữa rồi. Giữa cái và kiểu, xem ra bản sắc thật, nghiêng về kiểu nhiều hơn. Người Việt mình tài hoa. Đúng rồi. Nhưng bảo đó là bản sắc thì không đúng. Nói thế khác nào bảo người các dân tộc khác không tài hoa, khác nào xem tài hoa là độc quyền của người Việt. May chăng, có thể thấy dấu ấn nằm ở kiểu. Tài hoa kiểu này ra người Trung Quốc, tài hoa kiểu kia ra người Khơmer, tài hoa kiểu nọ ra người Nhật Bản, tài hoa kiểu khác ra người Việt Nam… Vì thế, ở phần tích cực, phần ưu điểm, bản sắc không chỉ nằm ở các giá trị, mà còn nằm ở cung cách tạo ra các giá trị, lựa chọn các giá trị nữa.
Tôi nghĩ, vẫn về phần tích cực thôi, bản sắc nằm nhiều ở kiểu lựa chọn những giá trị sống. Nói giá trị sống là nói giá trị tổng quát, có khả năng bao trùm tất cả mọi khía cạnh của việc sống và sáng tạo đối với mỗi cá thể cũng như đối với từng cộng đồng (nó không đơn thuần chỉ là 12 giá trị mà chương trình giá trị cuộc sống của Liên hợp quốc chủ trương). Việc cá nhân hay cộng đồng chọn loại giá trị này mà không chọn loại giá trị khác, xem trọng loại giá trị này hơn loại giá trị khác, chính là một khía cạnh quan trọng của bản sắc. Do đó, nếu xem bản sắc bao giờ cũng có phía kết tinh và phía biến đổi, thì nội dung các giá trị là phần dễ biến đổi (động), còn kiểu lựa chọn các giá trị khó biến đổi hơn (tĩnh). Có thể so sánh tương quan giữa giá trị và kiểu lựa chọn các giá trị trong bản sắc văn hóa với tương quan giữa phần ngữ pháp và từ vựng trong một ngôn ngữ. Ngữ pháp là phần tương đối ổn định, từ vựng thì biến đổi không ngừng. Vì thế, có thể xem kiểu lựa chọn như là một hạt nhân tương đối ổn định, giúp định dạng cho phía kết tinh của bản sắc. Không có sự định dạng này, thì cũng không thể có cái gọi là bản sắc.
Song, dù là hạt nhân chi phối việc lựa chọn giá trị, nhưng kiểu lựa chọn này cũng không hoàn toàn nhất thành bất biến. Nó chỉ là phần ổn định hơn cả để có thể có một định dạng nào đó cho bản sắc mà thôi. Bản thân nó cũng không thể không biến đổi, dù biến đổi khó hơn, chậm hơn. Vì thế, tôi tin rằng bản sắc của một dân tộc cũng như một cá thể nằm rất nhiều ở quá trình: quá trình liên tục lựa chọn để tự phủ định và khẳng định nhằm vừa định dạng vừa làm mới khuôn mặt của mình trong không gian và thời gian. Tức là một quá trình tích cực nhằm sáng tạo ra chính mình.

Chu Văn Sơn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)