Một thế hệ mới
Bốn mặt (chiến tranh, bao cấp, văn hóa truyền thống, chủ nghĩa Hiện đại) trở thành nội dung, mối quan tâm và thành công của những nghệ sỹ Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20, rồi trở nên đặc sắc trong nghệ thuật của các nghệ sỹ trẻ thời Đổi mới và mở cửa.
Nghệ sĩ Giang đang làm tác phẩm Sắp đặt “Bộ não” |
Chiến tranh là một ký ức bi thương và hào sảng, có khả năng quy tụ tinh thần dân tộc. Bao cấp là một thời kỳ khốn khó đến tận cùng, buộc tất cả phải thích nghi và ép xác. Văn hóa truyền thống vốn nằm sẵn có một cách phong phú trong các làng xã cổ, luôn là nguồn tri thức của các nghệ sỹ, bị phá hủy một cách nghiêm trọng bởi các quan niệm ấu trĩ về mê tín và bởi chiến tranh, cũng như nạn trộm cắp. Và cuối cùng là nghệ thuật Hiện đại dù đến Việt Nam đã muộn gần một thế kỷ nhưng có sức hấp dẫn lạ kỳ với mọi nghệ sỹ. Bốn vấn đề đó không còn chút giá trị nào đối với những thế hệ sinh những năm 1980, mà chúng tôi thường gọi là thế hệ 8X. Họ không có ký ức nào về chiến tranh và bao cấp, không hiểu biết và yêu thích văn hóa truyền thống, nếu không muốn nói nó là một gánh nặng đầy rẫy những tập tục kìm hãm tự do và ít giá trị có thể học hỏi. Chủ nghĩa Hiện đại đã thực sự lỗi thời, nếu như nó làm cho các họa sỹ như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái kính trọng và học hỏi, thì chẳng còn hấp dẫn đối với các nghệ sỹ trẻ. Nhiều người cho rằng họ hướng đến nghệ thuật Hậu Hiện đại, hoặc cái gì sau đó, hiện thời. Đây là một sự thực. Trước năm 2000, khi đi dạy học, tôi thấy phần nhiều sinh viên hào hứng với nghệ thuật cổ và các danh họa Việt Nam, nhưng từ sau năm 2000, thì hoàn toàn không. Ở tất cả mọi nơi, mọi trường nghệ thuật, tôi giảng dạy, sinh viên học cho có lệ và nói thẳng với tôi họ không còn thích môn này, cho đến khi tôi đưa vào bài giảng về design Việt Nam. Vậy thì họ cần gì và có những gì trong đời sống tâm hồn.
Những nghệ sỹ trẻ hiện tại thường thích làm sắp đặt, trình diễn và video art hơn là vẽ tranh. Nhưng đó chỉ là biểu hiện hình thức, dù ba nghệ thuật trên hoàn toàn là những ngôn ngữ khác. Một mặt thì ngôn ngữ hội họa dường như đã được khai thác tận cùng khi hội họa trừu tượng đã tràn lan mà không còn ai phản đối và rất nhiều thế hệ đàn anh đã làm hư hỏng hóa hội họa bằng những sản phẩm nhàm chán trên thị trường. Mặt khác, ba nghệ thuật trên vừa có phần mới mẻ, vừa có vẻ sáng tác tự do hơn, cũng như kiếm tài trợ dễ hơn và được các nhà trưng bày văn hóa nước ngoài tại Việt Nam khuyến khích. Việc từ chối của các gallery và các cơ quan văn hóa trong nước càng kích thích họ lao vào ba môn này. Sự việc trở thành đơn giản hơn khi Bộ Văn hóa chính thức tổ chức một triển lãm Sắp đặt cho các nghệ sỹ trẻ toàn quốc đầu năm 2006 tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tuy nhiên, ba nghệ thuật này vẫn thiếu người ủng hộ và căn bản không có khán giả trong nước, nếu có xem thì chỉ vì hiếu kỳ. Các trường nghệ thuật không giảng dạy các môn này, thiếu vật chất và không gian trưng bày, các nghệ sỹ trẻ chỉ có thể làm các nghệ thuật đó một cách nghiệp dư.
Trần Duy Nhân, Tâm trạng, điêu khắc sắt hàn |
Việc gây sốc để khẳng định mình và công khai những cảm quan tình dục là điều chưa từng có trong văn nghệ Việt Nam, khiến cho sáng tác của những nghệ sỹ trẻ bị hiểu lầm sâu sắc. Người ta nói đùa rằng cách hành xử và nội dung của nghệ thuật trẻ là nam yêu nam, nữ yêu nữ, nam nữ lẫn lộn và giật tóc móc mắt. Dẫu mang một diện mạo thế nào, thì nghệ thuật trẻ vẫn có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ vì nó thể hiện tâm trạng của những thế hệ tương lai ở Việt Nam. Truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư và thơ của Vi Thùy Linh là những cú sốc với giới văn nghệ và độc giả Việt Nam nói chung khi họ trực diện trình bày những khát vọng cá nhân, sự cám dỗ vô luân và những điều quỷ ám. Đến tập thơ Ngựa trời thì dường như không còn ai chịu được nữa, khi mô tả các bộ phận sinh dục và các quan hệ tính dục như là một diện mạo của lời ca. Những cái hay cái đúng của nghệ thuật trẻ đã bị che khuất dưới các hình thức tân kỳ và tàn bạo trần truồng đó, mặc dầu trong đó có nhiều vẻ rất thơ mộng. Tập văn thơ của thế hệ 8X cũng nằm trong trường hợp như vậy. Nó cho thấy sự bối rối và cô đơn vô cùng của nhiều thanh niên đang tìm mọi cách để lấy lại tự tin. Nếu như trước kia, các nghệ sỹ cần một hướng, hay định hướng gì đó để sáng tác, thì bây giờ những nghệ sỹ trẻ không cần cái đó nữa. Họ muốn tự khẳng định mình, dù điều đó không dễ, và một lần nữa cũng như nhiều cha anh, họ tìm đến bệ đỡ của văn hóa phương Tây. Trong văn nghệ của họ chứa đầy cảm giác không hiểu được xã hội hiện tại, dẫn đến cảm giác chán chường, buồn nôn (như văn học Hiện sinh từng nêu ra), lạc lối giữa mọi mâu thuẫn, giữa lý tưởng và thực tế, giữa tự do và đạo đức, giữa nhu cầu ngày càng lớn và khả năng ít ỏi, và nhìn chung họ rất gần với nghệ thuật Hiện sinh.
Nguyễn Mạnh Hùng, Bầu trời, Sơn dầu 2006 |
Nếu như trong thế kỷ 20, ảnh hưởng nghệ thuật Âu Mỹ rất chậm chạp, thường là muộn đến 50 năm so với nguồn ảnh hưởng. Các nghệ sỹ luôn giữ lòng tự hào dân tộc nhất định và muốn kết hợp những giá trị truyền thống với ảnh hưởng bên ngoài. Với thời đại thông tin, cập nhật bởi Internet, sự ảnh hưởng trở thành tức thời, không đủ thời gian và không cần chọn lọc. Những nghệ sỹ trẻ từ bỏ thẳng thừng sự kết hợp, bày tỏ nguyện vọng không chỉ là nghệ thuật mà cả con người muốn Tây hóa, hay nói chính xác ra là muốn hình thành một nghệ sỹ quốc tế, không quan trọng là thuộc dân tộc nào. Họ lý luận rằng: Vẫn cái máy ảnh ấy, người Việt chụp ra cái ảnh Việt Nam, người Tây chụp ra cái ảnh Tây. Và bây giờ mặc com lê là bình thường, còn mặc áo the khăn xếp mới là kỳ quặc. Trên thực tế những vấn đề hằng ngày của xã hội vẫn đập vào mắt các nghệ sỹ và còn là bản thân những vấn đề của họ. Đó là môi trường sống ngày càng kém đi trông thấy, thực phẩm ô nhiễm, đạo đức xã hội suy thoái, thanh niên thất nghiệp, làng xã biến thành đô thị dở dang, và sự tự do tình dục trở thành nỗi buồn vu vơ không tả. Trong các sắp đặt, trình diễn và video art, những vấn đề trên được biểu hiện theo nhiều cách trực tiếp và tế nhị.
Từ rất lâu, chúng tôi cảm thấy sự xâm nhập của văn minh phương Tây đã làm thay đổi hoàn toàn hướng đi của một nền văn nghệ phương Đông. Cảm thấy cách thức mà các nghệ sỹ Việt Nam lựa chọn để xây dựng một nền nghệ thuật mới có gì không ổn, khi mà chẳng lẽ nghệ thuật Việt Nam hiện đại chỉ là tái thể nghiệm các ngôn ngữ nghệ thuật phương Tây. Nhưng đến lớp trẻ hiện tại thì chẳng còn ai ngần ngại hay băn khoăn bê một kiểu mẫu Âu Mỹ về. Hip hop, graphiti được trình diễn đầy ngoài đường, sàn nhảy và các bức tường công cộng cũng như các hiệu ăn Mc Donal, ấy là chưa kể lối sống Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan cùng văn hóa của họ cám dỗ thanh niên Việt bằng phim ảnh rẻ tiền. Tất cả những điều này phản hưởng vào nghệ thuật, làm cho nghệ thuật trẻ mang một hơi thở rất đại chúng, mới mẻ nhưng hời hợt vô cùng và chẳng có một gốc rễ nào cả phương Đông lẫn phương Tây, có nhiều thiên hướng cá nhân, nhưng lại không có hoặc thiếu tính cách. Cái lâu đài văn hóa, bao gồm tôn giáo, triết học và nghệ thuật, nói như người Trung Quốc là: Nghệ thuật thiếu hẳn đi sự sâu sắc triết học và các tình cảm tôn giáo. Triết học lại mất đi tính trực giác của nghệ thuật và siêu việt của tôn giáo. Tôn giáo thiếu đi sự tao nhã của nghệ thuật và sự tinh tế của triết học (Đại dự đoán Trung Quốc thế kỷ 21, NXBVHTT 1999). Nếu như ngày xưa một sản phẩm nghệ thuật luôn là kết quả của ba mặt trên, thì trong một tác phẩm hiện tại ba mặt đó đã rã rời hoàn toàn, khiến cho nó trở nên nông nổi, không có sức sống lâu dài. Làm sao hình thành được một con đường phương Đông trong nghệ thuật Việt Nam đó là điều mà chúng tôi băn khoăn. Mỗi một con người đều phải đi vào và đi ra đối với cuộc sống. Phương Tây giúp ta đi vào và phương Đông giúp ta đi ra, khi mà đến một lúc nào vẫn phải quay lại cái hư vô và tuyệt đối của mình.
Một nghệ sĩ trẻ đang làm Trình diễn |
Việc du học nước ngoài và sống với Internet đã hình thành những thế hệ mới trong thời kinh tế thị trường và mở cửa. Thế hệ chúng tôi không khác nhiều lắm với những bậc tiền bối của trường Đông Dương, nếu có khác thì vẫn thông cảm cho nhau được, nhưng các nghệ sỹ trẻ hiện tại là một lớp người khác, khác hoàn toàn và không có gì để thông cảm được. Nếu chỉ bằng nghệ thuật thì không thể hiểu nguyên nhân tại sao, mà phải nghiên cứu trên nhiều phương diện xã hội khác. Nghệ thuật phản ánh một phần tâm trạng thất vọng của họ trước cha mẹ chỉ chúi đầu vào kiếm tiền và nghĩ rằng thế là tốt cho con cái. Đời sống làng xã cổ truyền và đại gia đình đã tan vỡ, điều đó tất yếu làm thay đổi sâu sắc sự hình thành các cá nhân hiện tại, nhưng vị thế văn hóa và kinh tế Việt Nam lại chưa cho phép các cá nhân ấy làm điều gì lớn lao hơn, dù tiềm lực của nó không phải nhỏ và trước tiên phải hoan hỷ mà thấy rằng một hoàn cảnh xã hội phức tạp nhất, bất trắc nhất chính là mảnh đất vô cùng màu mỡ cho nghệ thuật.