Mozart và Cuộc sống

Đại thi hào Nga Alexander Pushkin đã từng viết rằng : “Tình yêu cái đẹp, đó là phần quan trọng nhất để làm nên một nhân cách vẹn toàn”. Ở đây, tôi không hề có ý định đưa ra định nghĩa về cái đẹp, bởi vì điều đó là không cần thiết và cũng không thể làm được. Cái đẹp có lẽ đã tồn tại từ ngay bên trong mỗi con người chúng ta, khi nào chúng ta biết yêu cái đẹp, khi đó chúng ta có được cảm nhận về hạnh phúc. Khi Karl Marx viết “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất” thì tức là ông muốn đề cao cái đẹp trong sự cống hiến của con người dành cho con người. Nói đến đây thì tôi có thể quả quyết rằng, theo một khía cạnh nào đó, một trong những con người hạnh phúc nhất trên đời này chính là Wolfgang Amadeus Mozart.

“Mozart, đó là tuổi thanh xuân của âm nhạc, là nguồn nước mãi mãi trẻ trung đem đến cho nhân loại niềm vui khi mùa xuân về và sự hài hòa của tâm hồn” .
Trên đây chính là những dòng viết đầy chân thật và sâu sắc của nhà soạn nhạc Xô Viết lừng danh Dmitri Shostakovich. Một thiên tài khác, Piort Irlich Tchaikovsky cũng đã phải thốt lên:

“Tôi khẳng định một cách sâu sắc rằng, Mozart là đỉnh cao nhất mà cái đẹp trong âm nhạc có thể đạt tới” .
Vâng, người ta luôn coi Mozart là biểu tượng, là hiện thân, là những gì tinh túy và thuần khiết nhất của âm nhạc.
Ông sinh ngày 27 tháng giêng năm 1756 ở Salzburg, Áo. Đúng vừa tròn khoảng thời gian bằng một phần tư thiên niên kỷ đã trôi qua, cả thế giới vẫn nhớ đến ông như nhớ đến một con người chứ không phải một vị thánh. Bởi vì họ vẫn luôn luôn sống với âm nhạc của ông, một thứ âm nhạc tự nhiên nhất, bản thiện nhất và con người nhất, một thứ âm nhạc vừa mang những màu sắc vô cùng phong phú về cuộc sống lại vừa dễ thương, gần gũi và đơn giản một cách kỳ diệu.
Khi còn rất nhỏ tuổi, Wolfgang Amadeus Mozart đã thể hiện là một thần đồng âm nhạc với tài năng phi thường, mới lên sáu tuổi, cậu đã cùng với bố và chị gái đi lưu diễn vòng quanh châu Âu. Năm 12 tuổi, cậu đã có thể sáng tác được những bản giao hưởng, sonata và opera đầu tiên. Năm lên 14 tuổi cậu đã có một vở opera được trình diễn tại một nhà hát ở Milan, Italy.

 

Mozart là một nghệ sỹ sống rất tự do, đó là một sự tự do theo cái nghĩa là rất trung thành với niềm say mê âm nhạc của mình, ông có những nguyên tắc riêng trong cuộc đời âm nhạc và lao động nghệ thuật của mình. Ông không thể chịu nổi sự gò bó và ngột ngạt của những công việc khô cứng. Vì lẽ đó mà ông đã từ bỏ công việc trợ lý tổng giám mục ở Salzburg để làm một “nghệ sỹ tự do”, kiếm sống bằng công việc biểu diễn, dạy học, nhận viết nhạc và bán các tác phẩm của mình. Một cuộc sống như vậy đã nhiều lần đẩy Mozart đến sự bất ổn và khó khăn về tài chính, nhất là trong những năm cuối đời.
Trong cái xã hội mà Mozart đã sống, giống như cụ Nguyễn Trãi đã viết: “…hoa thì hay héo cỏ thường tươi…”, Mozart là một thiên tài, vượt trên tất cả những người khác, cái nhìn của Mozart về cuộc sống là một cái nhìn trong sáng của trẻ thơ, ham vui và có cả sự bốc đồng. Đối với Mozart thì mọi con người đều được bình đẳng trong tình yêu âm nhạc, đều được tự do đi tìm kiếm thú vui và giá trị trong nghệ thuật âm nhạc. Khi ông cho ra mắt vở opera Đám cưới Figaro, giới quý tộc thành Vienna đã hoàn toàn quay lưng lại với ông, bởi vì ông đã đưa hình ảnh của những người dân thường vào trong vở opera. Kể từ đó, sự nghiệp của ông bắt đầu đi xuống. Mozart thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, và điều đó đã vắt kiệt sức lực của ông. Ông qua đời vào ngày 5/10/1791 ở tuổi 35 và vì không đủ tiền nên người ta đã chôn cất ông trong một khu mộ tập thể.
Mozart đã từ biệt cuộc sống ngắn ngủi trong sự vô danh, lạnh lùng và ảm đạm. Nhưng cuộc sống của ông chính là sự chắt lọc của những gì đẹp đẽ nhất, tươi trẻ nhất và thánh thiện nhất của con người. Ông là sự hội tụ của những bản năng trí tuệ thuần khiết trong nghệ thuật. Cuộc đời của ông gắn bó với âm nhạc như một nguồn sống, chính âm nhạc đã giúp ông vượt lên trên tất cả những nghịch cảnh và định mệnh trớ trêu để luôn giữ được một tâm hồn trẻ trung, tràn đầy sức sống, khao khát vươn đến cái đẹp và cống hiến cho cái đẹp. Trong những ngày tháng cuối cùng, Mozart đã viết: “Tôi vẫn tiếp tục sáng tác, bởi vì như vậy tôi sẽ ít mệt hơn là không làm gì cả… tôi cảm nhận được giờ khắc của cuộc đời tôi, nó đang tới gần; tôi sắp chết… nhưng cuộc sống thì thật là tuyệt diệu”.
 

Mozart là một con người không có tuổi già, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở ông, chỉ có sự trưởng thành cần thiết để làm nên những kỳ tích vĩ đại được thể hiện qua di sản âm nhạc mà ông để lại. Con người nhỏ bé với 35 năm cuộc đời này đã viết khoảng 60 giao hưởng (41 bản được đánh số), 21 vở opera, 30 concerto cho piano, 6 concerto cho violon, 40 sonata violon, 22 sonata piano, 27 tứ tấu dây… và rất nhiều các concerto cho khí nhạc khác, các serenade (khúc nhạc chiều), divertimento (khúc giải trí), thanh nhạc, ballet, ca khúc…            
Âm nhạc của Mozart mang vẻ đẹp tuyệt vời và hiếm có của giai điệu, sự duyên dáng và dịu dàng rất đặc trưng, sự hài hòa, cân đối, nhất quán được tạo nên trong sự sắp xếp hình thức cấu trúc rất thông minh, tài tình và bác học. Nhưng điều đó lại không làm mất đi cái vẻ tự nhiên và giản dị một cách kỳ lạ, một sự tinh tế không thể giải thích được. Các tác phẩm của Mozart không chỉ đi vào cuộc sống như những niềm say mê không tả xiết mà còn là những biểu tượng chuẩn mực cho nghệ thuật âm nhạc của nhân loại.
Hai trăm năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Mozart được sinh ra, đã có biết bao nhiêu con người được hưởng niềm hạnh phúc mà âm nhạc của ông mang lại. Trong số đó, có cả những con người luôn luôn muốn đi tìm sự sâu sắc, và cái đẹp diệu kỳ ẩn chứa trong những điều đơn giản. Albert Einstein đã học violon từ năm lên sáu tuổi, nhưng chỉ khi khám phá ra những niềm vui kỳ lạ trong các sonata của Mozart, ông mới thực sự trở nên say mê âm nhạc và thậm chí coi âm nhạc là yếu tố quyết định cuộc đời của mình. Einstein đã viết với đại ý: “Đứng trước những tranh luận tầm phào, tôi chỉ muốn im lặng, không nói gì cả, mà sẽ chơi một khúc nhạc của Mozart với vĩ cầm”. Bà Elsa, vợ thứ hai của Einstein, vốn là em họ ông, nhớ lại: “Khi còn là một cô gái nhỏ, tôi đã yêu Albert bởi vì anh ấy chơi nhạc của Mozart thật tuyệt vời trên cây vĩ cầm”.  
Trong xã hội của chúng ta hiện nay, âm nhạc cổ điển nói chung và âm nhạc của Mozart nói riêng vẫn chưa được cảm nhận, chưa được yêu thích một cách phổ biến và đầy đủ. Tuy rằng nhiều tác phẩm của Mozart, như Giao hưởng số 40 giọng Sol thứ, Serenade Sol trưởng (Einekleine Nachtmusik), Hành khúc Thổ Nhỹ Kỳ (trích từ Sonata La trưởng)… đã đi vào đời sống thường nhật như những nhạc hiệu của cuộc sống, nhưng đối với nhiều người, Mozart dù nổi tiếng nhưng vẫn còn là xa lạ. Đó hoàn toàn không phải vì âm nhạc của Mozart xa lạ với cuộc sống, mà là vì chúng ta có mở rộng tâm hồn để đón nhận vẻ đẹp của âm nhạc và niềm hạnh phúc mà âm nhạc mang lại hay không. Âm nhạc của Mozart là dành cho tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều có quyền tìm đến một cái nhìn trong lành và trẻ thơ về cuộc sống, một niềm vui sướng, một niềm khát khao cống hiến, và một sức mạnh tinh thần mới mẻ, tươi tắn để sẵn sàng bước vào cuộc sống, làm nên những điều có ích. Cũng có những định kiến sai lầm cho rằng, âm nhạc cổ điển là thứ âm nhạc quý tộc(?), tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể quy kết như vậy được, ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đừng nhầm lẫn các khái niệm về sự phân chia đẳng cấp với với sự bình đẳng của mỗi con người trong việc tìm đến những niềm hạnh phúc mà âm nhạc mang lại. Ludwig van Beethoven đã nói một câu rất hay: “Tôi chỉ thích đến với những ai thực sự biết yêu cái vẻ đẹp của âm nhạc còn hơn là đến với những kẻ tuy lắm tiền nhưng lại chứa đựng tất cả sự nghèo nàn trong chính con người của họ”.         
Chúng ta không thể trả lời được câu hỏi: “Đối với Mozart, âm nhạc đã tạo nên Cuộc sống hay Cuộc sống đã tạo nên âm nhạc?”. Chỉ biết rằng, ngay lúc này đây, và cả trong nhiều thế kỷ tiếp theo nữa, âm nhạc của Mozart sẽ mãi mãi có được sức sống của mùa xuân, đem lại cái đẹp và niềm hạnh phúc cho cuộc sống con người, cũng như đem lại sự giáo dục rất tự nhiên về nhân cách, thẩm mỹ và trí tuệ cho con người. 
 

“Âm nhạc của Mozart thuần khiết và đẹp đến mức người ta có cảm giác rằng ông chỉ đơn giản là tìm thấy nó, lấy nó ra một cách tự nhiên và nguyên vẹn như thế nó vốn đã tồn tại như một phần cái vẻ đẹp sâu kín  của vũ trụ, đang chờ được khám phá”

Albert Einstein


Trung Dũng

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)