Mùa Xuân, hát đối: Buổi đầu học thuật của Nguyễn Văn Huyên
Mùa xuân, chính xác là ngày 17 tháng 2 năm 1934, Nguyễn Văn Huyên, lúc bấy giờ mới 29 tuổi, đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne. Rất nhanh chóng, luận án của chàng trai Hà Nội được công bố thành sách, "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam", và giới khoa học châu Âu, chủ yếu là Pháp, từ đây đã có thêm một tham khảo hữu ích khi tìm biết về xứ sở mà tri nhận chung của họ vẫn chưa phải kĩ lưỡng.
Hát đối như một “sự kiện xã hội tổng thể”
Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, theo tôi hình dung, trước tiên là một nghiên cứu thơ và sự ứng tác thơ ca từ góc nhìn dân tộc học. Đặc điểm soạn tác và tổ chức thơ ca tiếng Việt trong truyền thống từng chứng kiến những trải nghiệm song song của người có học lẫn người bình dân. Dựa trên nền tảng thi ca bình dân, hay nói đúng hơn, trên các đơn vị ngôn ngữ có tính thơ được xuất hiện trong đời sống thường ngày của người dân, giới cầm bút tinh hoa có thể phát triển, xây dựng chúng thành những thi phẩm trọn vẹn. Bởi vậy, nhận diện đặc trưng thơ tiếng Việt thì cần quay về những hình thái sơ khai ban đầu của nó. Nguyễn Văn Huyên lựa chọn khảo sát thơ, mà biểu hiện sinh động nhất là những bài hát đối đáp trong các lễ hội định kì mùa xuân và mùa thu, trên phương diện tổ chức ngôn từ và khả năng ứng tác. Bằng phương pháp ngôn ngữ học phân tích văn bản, Nguyễn Văn Huyên nhận thấy sự vận hành và tổ chức của thơ ca tiếng Việt có nhiều yếu tố đặc trưng cho phép người bình dân có thể tham gia một cách tài tình, tài hoa. Theo đó, tiết tấu, âm luật, số lượng từ trong đơn vị câu và thanh điệu là những thành tố cơ bản giúp câu thơ tiếng Việt tồn tại, vận hành lâu dài, dễ nảy sinh theo các chủ đề khác nhau và đồng thời, nó được tiếp nhận, ghi nhớ rộng rãi, kể cả thơ ca bác học.
Quá trình tổ chức ngôn ngữ thơ, trên thực tế, chỉ thực sự phức tạp khi người sáng tác muốn phá vỡ một vài qui tắc có tính ràng buộc về vần luật, thanh điệu. Tuy vậy, thành tố thực sự làm cho thơ ca tiếng Việt biến hóa, và sẽ là nền tảng cho sự ứng tác thần kì trong hát đối, lại nằm ở “các nhóm từ”, một dạng đơn vị ngôn ngữ xuất hiện nhằm để bảo đảm tiết tấu, nhịp điệu của thơ, và cho phép người làm thơ thay đổi linh hoạt tùy theo lớp nghĩa mà bản thân muốn hướng tới. Các nhóm từ thông thường có hai, bốn, năm hay sáu từ, có thể gắn liền với hành ngôn thường ngày của người bình dân, tạo thành cấu trúc cơ sở để từ đó, các câu thơ hình thành. Chẳng hạn, “Dây cà ra dây muống; Hàng thịt nguýt hàng cá; Việc bé xé ra to”. Trong thơ ca bác học, các nhóm từ có khả năng tạo nên độ âm vang và tiết tấu, tựa như một khuôn nhịp nhanh hoặc chậm, hài hòa hoặc đối nghịch, song song hoặc tương hỗ nhau. Ở Truyện Kiều chẳng hạn, các câu thơ có sự đa dạng khuôn nhịp này luôn chiếm số lượng lớn: “Này chồng/này mẹ/này cha”; “Còn về/còn nhớ/đến người hôm nay”; “Cậy em/em có chịu lời”; “Dọc ngang/nào biết trên đầu/có ai”; “Nhẽ/cho thưa hết một lời/đã nao”… Cùng với các nhóm từ, việc lặp lại nguyên âm, phụ âm hay thanh điệu, cũng góp phần đẩy câu thơ về phía âm vực hài hòa, một lí do sâu xa khiến người Việt thích ngâm (đúng với tinh thần “ngâm nga”) các sáng tác của Bà huyện Thanh Quan, Truyện Kiều hoặc Cung oán ngâm khúc. Điều này, tự bản chất, thể hiện tư duy nhạc điệu và tâm tính thiên về duy cảm, trọng sự nhẹ nhàng, cân đối, du dương của người Việt, một kiểu tính cách có phần cỗi gốc từ khung cảnh địa lí và văn hóa nông nghiệp lâu đời.
Những phân tích văn bản ngôn ngữ thơ của Nguyễn Văn Huyên, có thể nói, là đầu tiên và bài bản nhất về sự tổ chức thơ ca tiếng Việt cho đến thời điểm đó. So với các nghiên cứu thơ của Lương Đức Thiệp (Việt Nam thi ca luận, 1942), Ngô Tất Tố (Thi văn bình chú, 1941) hay Hoài Thanh (Thi nhân Việt Nam, 1942) thiên về tìm hiểu phong cách thơ mà sau này dễ bị cho là cảm tính, ấn tượng chủ nghĩa thì cách thức và thao tác của Nguyễn Văn Huyên, rõ ràng, mang đậm dấu ấn của khoa học phân tích ngôn ngữ thơ, đồng thời, được bồi đắp thêm tri thức dân tộc học nên các kết luận, quan điểm nêu ra có tính khái quát và duy lí hơn rất nhiều. Trong đó, các phát hiện về tiết tấu, nhịp điệu, đơn vị nhóm từ (mô hình lời thơ) không chỉ là một tham khảo cho ngành ngữ văn học hiện đại mà còn tạo điều kiện để Nguyễn Văn Huyên trực tiếp khảo sát sự ứng tác thơ diễn ra tại các lễ hội hát đối.
Luận án “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam” giờ được tập hợp cùng với các tác phẩm khác của Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Sinh hoạt của người Việt: kiến trúc – cư trú – hát đối” do Nhã Nam phát hành vào cuối năm 2020.
Nguyễn Văn Huyên chọn Lim, nơi được coi là một trung tâm hội hè lớn trong vùng châu thổ Bắc Bộ, để quan sát và phân tích khả năng “ứng khẩu dễ dàng” của người bình dân. Theo ông, những người hát đối trong đời sống thường ngày vốn dĩ đã sử dụng thường xuyên các nhóm từ có nhịp điệu, và nhờ đầu óc giàu liên tưởng, họ có thể làm cho các hình tượng hoặc trở nên gần nhau hoặc đối lập, đối nghịch. Mặt khác, vốn liếng học vấn ở trường làng và qua các đợt thi cử văn chương cũng sẽ nhập tâm mỗi cá nhân. Việc ứng khẩu thơ và câu đối, do đó, gần như là một sinh hoạt thiết yếu, phổ biến trong xã hội Việt Nam. Khi hát đối, người bình dân có thể vay mượn ngôn từ, các nhóm từ của văn chương bác học, hoặc chêm xen, lắp ghép vốn từ ngoại quốc vào lời hát để gây khó dễ cho bạn hát. Chẳng hạn, cô gái hát: “Người ta bảo rằng anh biết tiếng Tây/Em hỏi anh điều này, anh trả lời ra sao?/Anh gọi ananas (quả dứa) là gì/Goyave (quả ổi) này, banane (quả chuối) này, hỡi anh”, thì chàng trai sẽ đáp: “Ananas gọi là na-na/Goyave là gô-âp, banane là ba-nan/Man-dê là manger (ăn)/Boa-lô là boire de l’eau (uống nước); aller au lit (đi ngủ) gọi là cu-xê/Le poulet (con gà) gọi là phu-lê/Le canard (con vịt) là ca-nac, le pore (con lợn) là cu-xoong”… Cách thức pha trộn ngôn từ như một khoái cảm ngữ điệu và chơi chữ ấy, dầu biến đổi cho hợp không khí thời cuộc, cũng gắn với tập tục đố chữ, đối chữ ở khắp mọi làng quê. Như vậy, sự ứng tác thơ của người bình dân, bên cạnh khoảng cách gần giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ thơ, còn có chiều dài của nền nếp văn hóa, giáo dục hình thành nên.
Nhưng sự ứng tác thơ trong hát đối không đơn giản chỉ là sự phô diễn khả năng vận dụng, sáng tạo ngôn từ, nhịp điệu trên khuôn thức âm nhạc có sẵn và đơn giản. Vấn đề trọng tâm, và cực kì thú vị, là nằm ở chủ thể người hát, ở thế giới tinh thần của anh ta khi được lựa chọn đại diện cho làng, tổng tham gia hát đối, khi vận dụng các tri thức văn chương, ngôn ngữ của mình để tranh tài. Chịu ảnh hưởng của Marcel Mauss về quan điểm “sự kiện xã hội tổng thể”, của L. Lévy-Bruhl về “sự tham dự thần bí”, Nguyễn Văn Huyên đã tiến hành mô tả sâu và giải thích các mạng nghĩa xuất hiện trong hình thức hát đối mà thơ ca chỉ như một bộ phận nổi bật. Trước hết, hát đối xuất hiện như một sự kiện xã hội tổng thể: diễn ra định kì theo lịch trình sản xuất nông nghiệp (mùa xuân, mùa thu); do chính quyền làng xã hoặc bởi các gia đình giàu có, chức sắc tổ chức; thể hiện khát vọng chinh phục đám đông bằng tài năng thi phú; hát đối gắn với lễ dạm hỏi; hát đối nảy sinh các liên kết về mặt tụ cư trong làng xã và là điều kiện để thúc đẩy mối quan hệ xã hội giữa nhóm, giai tầng khác nhau; hát đối còn triển khai cùng với múa, trò chơi và các nhạc cụ đơn giản. Thứ nữa, hát đối biểu thị sự tham dự bí ẩn của thần linh, thần thánh: người chiến thắng trong hát đối, ngoài năng lực cá nhân, còn được cho là có sự phù trợ, mách bảo của thần linh. “Theo tín ngưỡng dân gian – Nguyễn Văn Huyên viết, trong ứng khẩu có sự can thiệp của một sức mạnh thần thánh hay siêu tự nhiên […] cả người hát ứng khẩu lẫn kẻ nghe họ hát đều không thể nghĩ rằng cảm hứng là vấn đề ngôn ngữ và thông minh”. Cảm hứng, trong trường hợp này, nằm ngoài cá nhân, nghĩa là đã được dẫn dắt, khơi gợi bởi thần linh. Thế nên, trên thực tế, muốn chiến thắng trong các cuộc hát đối, người tham dự phải “giữ mình sạch sẽ, tắm gội trước ngày hội, mặc những cáo quần đẹp nhất, đi lễ ở các đền chùa”. Như vậy, đúng như Nguyễn Văn Huyên chỉ ra, vấn đề ứng tác thơ trở nên rất phức tạp vì chúng vẫn gắn tư duy duy linh và sùng bái cái thiêng trong điều kiện xã hội đã bước sang thời hiện đại. Hát đối từ chỗ là sự kiện tập thể đã dần chuyển hóa thành sự kiện cá nhân với trung tâm là người chiến thắng, người được tôn vinh như thủ lĩnh, người hùng của cộng đồng. Anh ta mang lại niềm vui, sự hãnh diện và báo hiệu những điều tốt đẹp, tươi sáng cho làng tổng của mình. Nếu chiến thắng càng vang dội, cộng đồng càng đặt niềm tin vào những sức mạnh vô hình như vị trí, phương hướng tụ cư của làng, hình thế và dòng chảy của con sông, hay đơn giản là vị trí một ngôi mộ nào đó. Phẩm chất và giá trị cá nhân, trong cái nhìn nhuốm màu đức tín, đã được soi chiếu ở mức độ ưng thuận và phò trợ thần bí của thần linh. Điều này, dù rất khác với sự phong tặng của triều đình, vẫn đảm bảo cho anh ta một vị thế và tầm ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng. Thái độ sùng bái cá nhân, trọng thị người chiến thắng cuộc thi hát đối, có thể nói, khá gần gũi với niềm tin dân gian đề cao các mẫu hình người á thần lập nên những chiến công, kì tích lớn lao. Ứng tác thơ của người bình dân Việt Nam và rộng ra là ở phạm vi Đông Nam Á, từ đó, cho phép những liên tưởng với quan niệm về sự mặc khải, siêu nhiên trong thơ ca lãng mạn và văn hóa phương Tây kéo dài nhiều thế kỉ.
Hai anh em Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Hưởng ở Montpellier, năm 1928. Nguồn: Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam.
Một vấn đề thú vị khác nảy sinh trong hát đối là chủ đề của bài hát và sự giao tiếp của nam nữ. Chúng ta có thể mường tượng khung cảnh mà Nguyễn Văn Huyên đã phác thảo trong cuốn sách: Trên cánh đồng chưa hết rạ rơm giữa tiết xuân đương rộn rã, từng đôi nam nữ sẽ hát cho tới khi phân định thắng thua. Các cô thì đầy vẻ thách thức, ẩn giấu sự chủ động dưới vành nón lá, các chàng trai thì ra bộ nhường nhịn nhưng lại giỏi ứng khẩu, linh hoạt chuyển đổi chủ đề làm khó đối phương. Những chàng trai thắng cuộc sẽ mang tiếng thơm về làng, được gia đình người con gái thua cuộc mời sang nhà. Nếu người thua là phụ nữ đã có chồng, thì chồng nàng rất muốn tiếp người thắng cuộc, vì trước mắt mình là một thi sĩ đích thực! Những bài hát đối đặc biệt xoay quanh chủ đề tình yêu bao giờ cũng đầy khiêu khích, bộc lộ nhiều khao khát yêu đương trần thế mà không quá vướng bận vào mớ giáo lí đạo đức Nho giáo từng gài cắm sâu đậm trên vùng đất này. Chính khi hát đối, những người lao động chân tay, dân cày, đám thợ thủ công hay nhóm người buôn bán nhỏ, đúng như Nguyễn Văn Huyên nhận định, đã phá vỡ rào ngăn trai gái rất khắt khe mà tầng lớp quí tộc học hành đặt ra. Sự kiện hát đối, bởi thế, cho thấy tâm hồn người bình dân chưa bao giờ trùng khít hoàn toàn với quá trình Hán hóa dai dẳng, khốc liệt và nhiều hệ lụy. Tỏ tình, dạm hỏi và cưới xin diễn ra trong và sau khi hát đối cũng bộc lộ một “đột khởi của tình cảm dân gian”, được bảo chứng bởi những ấn tượng về cá nhân xuất sắc trong các trò chơi hoặc bởi sự quen biết, tiếp xúc trong quá trình lao động sản xuất thường ngày. Do đó, hát đối định kì hay bột phát đều thể hiện một phần nhu cầu tự thân để hợp lí hóa hôn nhân sau thời gian tìm hiểu, tư tình.
Minh chứng một tính cách văn hóa riêng khác
Cần chú ý rằng cách cắt nghĩa, phân tích của Nguyễn Văn Huyên về trạng thái tự do trong tình cảm trai gái ở hát đối là một chia sẻ tri thức chung với nhiều học giả đương thời khi chỉ ra tính chất riêng khác của văn hóa bình dân so với sự kiến tạo văn hóa của tầng lớp tri thức Nho giáo. Lực đẩy của quá trình hiện đại hóa, canh tân và sức hút của văn hóa phương Tây giai đoạn giao thời đầu thế kỉ XX đã khiến những Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Trương Tửu lên tiếng nhấn mạnh đặc trưng folklore dân gian Việt Nam nhạt chất Nho giáo, không thua kém hoặc ít ra, không hoàn toàn là tấm gương chiếu hậu của văn hóa Trung Hoa. Phan Khôi, vào năm 1938, cho rằng trong phong dao “những câu nói về trai gái hay vợ chồng chiếm một phần lớn, chẳng khác trong Quốc phong của Kinh Thi bên Tàu những bài thơ tình chiếm số nhiều […] Chưa nói đến cái hay, chỉ nói cái nhiều, cũng đủ thấy chỗ đặc sắc của phong dao xứ ta”. Vẫn điểm nhìn so sánh như thế, trước đó, trong bài diễn thuyết Người nông dân Bắc kỳ qua tiếng nói bình dân (1929), Phạm Quỳnh nêu nhận định: “Trong khi những nhà nho tự giam mình trong tháp ngà và vui thích soạn những câu thơ Trung Hoa giống như những câu thơ tiếng Latin, hoặc để bình những tác phẩm cổ điển, thì nhân dân làm công việc hình thành ngôn ngữ và sáng tác ra nền văn học bình dân phong phú […] Trong khi bằng những câu thơ bác học, các nhà nho ca ngợi những con người và những sự vật Trung Hoa, thì những bình dân lại tìm được những giọng điệu như vậy để biểu hiện hoài niệm tình yêu và nỗi buồn kỉ niệm”. Còn Trương Tửu trong Kinh Thi Việt Nam (1940) thì liên tục đính chính: “cái lí thuyết nam nữ hữu biệt, nam nữ thụ thụ bất thân của Nho gia có thực hành chỉ là sự thực hành trong giai cấp quí tộc sĩ phu thôi chứ không thể thực hành ra được trong dân gian […] Ở đây, sự làm việc đã cho phép trai và gái gặp nhau, trò chuyện với nhau, tư tình với nhau và yêu nhau”. So với các tác giả này, nghiên cứu hát đối của Nguyễn Văn Huyên còn được kiểm chứng trên thực địa nên quan điểm, cách diễn đạt của ông có phần trầm tĩnh hơn. Nhìn chung, giới nghiên cứu nhân văn lúc đó đã không còn giữ nguyên mặc định rằng Nho giáo chi phối tất cả mọi mặt. Họ đến với folklore dân gian để lọc ra cứ liệu và tháo gỡ phần nào nút thắt Trung Hoa trên cây gia hệ văn hóa Việt. Cùng với hoạt động bài Hoa trong thực tế , việc bóc tách đâu là phạm vi đích thực chịu ảnh hưởng của Nho giáo trong văn chương và xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, rõ ràng, phản ánh ý thức của thế hệ trí thức mới đang cố gắng thoát cái bóng Trung Hoa đã bao trùm cả ngàn năm. Đấy có lẽ là sự vận động tất yếu khi mà ý thức quốc gia dân tộc đã trưởng thành không ngừng sau bao năm cập nhật phương Tây và đồng thời, dù chưa triệt để, đã bắt đầu tìm kiếm được nội lực của mình.
Thành tựu khởi đầu
Các nghiên cứu về folklore, văn hóa dân gian hay lễ hội ngày nay ít nhiều đều nhìn thấy trong công trình này một số gợi dẫn về thao tác, cách thức xử lí nhuần nhuyễn, tinh tế các dữ kiện vừa tồn tại ở dạng vật chất, văn bản, vừa tồn tại ở những thực thể vô hình, khó nắm bắt. Độc giả ngày nay thì cũng sẽ nhận ra ở công trình này một kiểu lối viết, xin nhấn mạnh, thấm đẫm cảm xúc, tình yêu văn hóa và dân tộc Việt Nam của người trí thức trẻ tuổi. Và nó luôn dành và mời gọi bất kì ai và bất kì kiểu đọc nào, từ đọc chơi thư nhàn cho đến đọc để tiếp nhận, vỡ lẽ hiểu biết của hôm nay.□