Mùa xuân Munich 

Rời một cái Tết rộn ràng và một chúa xuân ứ mọng hương sẵc vàng đỏ tím xanh, những rồng những phượng huy hoàng ở Huế, trở lại vườn nhà Muenchen, bỗng rơi vào một thứ im vắng lạnh mát lạ thường, khu vườn trống trải với những cành gầy đang gom nắng xuân.

Xuân chưa tới nơi đây rõ ràng. Phảng phất trên những cành mận cành táo cành đào những nhú xanh còn e ấp, như ngại ngùng chưa muốn đưa nhẹ gót hài trên nền đất đã phơi bày chút xanh của mùa xuân trước được chừng vài hôm. Trời đã thanh thanh nét tú lệ với mây lụa là buông sợi rét …

Nơi đâu trên Trái đất hoa lá tưng bừng mà nơi đây còn vắng lặng trong sương mờ buổi sáng! “Tháng ba chứ không phải tháng năm” đâu mà đòi chúa xuân nơi đây bước vội! Vẫn chưa thôi chút rét giá trên cành. 

Tìm đâu cho ra màu xanh trong khu vườn tháng ba còn câm khúc ca xuân mới? Mọi thứ như đợi chờ điều chi, ngay cả chú chim sâu vừa đáp cánh xuống mái hiên tìm lại vết cũ của tổ ấm mùa xuân năm ngoái, cũng nghiêng đầu lắng nghe…

Còn nhớ những năm tháng nơi đây trong đông giá mình đã ngồi chờ hàng đêm nhánh liên kiều nở cho một nụ hoa vàng để cho mình tuồng như ăn một cái Tết Huế như ngày xưa kia ấy. Và trong những ngày tháng nhấp nhỏm nỗi “muốn về mà về chưa được” mình đã lui cui trồng cội liên kiều bên cạnh cổng tre ở ngõ sau. 

Màu vàng thương nhớ xuân quê khiến mình lại đi tìm những loại cây có hoa vàng nở trong mùa tuyết giá (dịp Tết ở Việt Nam), và khóm nhài Nhật Bản (Japanischer Jasmin) nơi góc kia vẫn còn đầy hoa vàng năm cánh như mai, đang lấp lánh rất rõ từ nhà nhìn ra!

Hoa tuyết chuông.
Hoa nhài Nhật Bản.

Mình đang nói oan cho hai thứ “mai giả vờ” đấy, vì khi mình về đến nhà nhìn ra sân thi chúng đã cười đón báo tin mùa hoa đang về! 

Nhưng với mình chúng chưa thiệt xuân! Như mùa xuân Munich mà mình nhớ!

Báo tin xuân thì phải có tiếng reo của chuông tuyết (Schneegloeckchen) chứ! Những búp hoa non nớt có hình quả chuông nhỏ màu trắng muốt trỗi lên từ những đám lá vàng ẩm ướt ủ tuyết cả một mùa đông, bằng một kiểng chân của cọng xanh non màu lục. Khi tuyết chuông xuất hiện, hình như cả khu vườn bắt đầu thở hơi xuân nồng nàn và nỗi chờ đợi hồi sinh tràn hy vọng, một thứ tin gọi có âm thanh trong trẻo ngân xa. 

Mới về nên còn lạ. Mãi hai hôm và sáng hôm sau nữa, sau một giấc ngủ mộng mị chu du, mở cửa vườn sau, mới biết chúa xuân đã dành cho người trở về trong khu vườn ấy, một sắc xuân, không phải mơ như mơ, mà là mộng như thật: trên con đường nhỏ bị lãng quên, mấy mươi năm riêng thân như ngõ vắng tâm sự của mình, thảm hoa Krokos dàn trải trước mắt, những đóa Krokos mong manh, còn run rẩy trong gió và sương mai, những cánh hoa tím nhạt, cơ hồ chưa nhuốm màu tím Huế đã trở nên sáo cũ, bất định trong tên gọi, dịu dàng hết mực, ngây thơ hồn nhiên, lặng thinh diễm ảo, và hơi thở của hoa, không nghe không thấy, nhẹ như một thoáng mong manh, lại có mãnh lực gọi cả mùa xuân trỗi dậy. 

Hơi thở mùa xuân ấy, nói như R.M. Rilke, khi nhà thơ muốn chỉ cho ta mùa xuân, đã dặn dò, không tìm nơi phố thị, mà nơi hoang dã, nơi những ngõ xa lạnh giá, phải đi tay trong tay im lặng để lắng nghe… Mình thì nghĩ đi một mình, sự tĩnh lặng để nghe hơi thở mùa xuân e còn hơn…□

 Bài đăng Tia Sáng số 7/2024

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)