Muốn học phải có sách

Muốn học phải có sách; muốn có sách phải mở rộng giao thương, muốn mua sách phải làm ăn để có tiền; và muốn hiểu sách thì phải “dịch ra tỏ tường” bằng “chữ quốc ngữ” vì đó là “hồn trong nước” để cho “một người học muôn người đều biết” (Chiêu hồn nước). Chân lý giản dị và đanh thép ấy đang được chúng ta nhắc lại, hôm nay, đúng một thế kỷ sau!

Điều ngẫm lại thật đáng ngạc nhiên là cách đây ngót 50 năm, đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và nói chung còn rất nghèo, nhưng, ở thành phố Hội An lúc bấy giờ còn rất bé nhỏ và hẻo lánh, hầu như nhà nào ít nhiều cũng có một tủ sách. Gia đình tôi, dù trải qua mấy cuộc “tản cư”, nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn giữ được một tủ sách riêng kha khá. Thế là trong những lúc rảnh rỗi (tuổi thơ của chúng tôi lúc bấy giờ rất rảnh rỗi!), tôi tha hồ miệt mài với kho “truyện Tàu” tưởng như vô tận: ngao du cùng Lỗ Trí Thâm, hành hiệp với Tôn Hành Giả, mơ màng với Dương Quý Phi, cảm khái với Hàn Tín… Còn ở trên cao kia là mấy bộ Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân… trang nghiêm, chưa có dấu tay người; chắc hẳn các cụ mua không phải để đọc mà muốn… dành cho con cháu khám phá. Cho đến một hôm, mới bước vào tuổi 12, với tất cả sự tò mò và bỡ ngỡ, tôi tình cờ gặp được một ông triết gia vĩ đại tên là Descartes! Đó là quyển “Triết học Descartes” của tác giả Nguyễn Đình Thi, in bằng “giấy bỗi”, một loại giấy mỏng, xốp, rất cổ kính và cũng rất bền. Liều lĩnh… đọc thử và tất nhiên không hiểu gì cả, nhưng quyển sách quả đã gây nơi tôi một ấn tượng mãnh liệt, khó phai. Tôi chợt nhận ra rằng ngoài những Tây du, Phong thần quen thuộc, còn một thế giới khác, gồm toàn những chuyện rắc rối, bí hiểm ở đâu đâu và cũng chẳng thấy xuất hiện bóng dáng một nhân vật cụ thể nào cả! Cảm ơn các tủ sách gia đình đã mở ra cho tuổi thơ một chân trời khát vọng. Gần đây, có dịp đến thăm nhiều ngôi nhà sang trọng, tôi thấy nhiều tủ rượu thật đẹp nhưng hiếm khi thấy có bóng dáng các tủ sách gia đình, và tôi chợt ái ngại cho trẻ em của chúng ta ngày nay. Chúng quá bận rộn với bài vở nhà trường, với những trò chơi làm hao mòn trí não hơn là với những cuộc “phiêu lưu” có sức gợi mở cho tâm hồn non trẻ. Sách quả thật không phải hoàn toàn là thứ hàng hóa mua về để “tiêu thụ” ngay như thực phẩm; nó còn là “gia tài” tinh thần để lại lâu dài cho con cháu nhằm ủ mầm, gây men cho lòng khao khát hiểu biết, và từ đó, cho lòng yêu khoa học và quý trọng đạo lý. Tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi tại sao các nhà xuất bản, các công ty sách không liên kết với các nhà sản xuất hàng nội thất để “khuyến mãi” những tủ sách gia đình “trọn gói” với nhiều mức giá khác nhau, vừa đẹp, vừa thuận tiện cho những người chủ gia đình. Hãy thử tưởng tượng có hàng vạn, hàng triệu những tủ sách nho nhỏ như thế khắp mọi “hang cùng ngõ hẻm” trên đất nước ta để có hàng vạn, hàng triệu những trẻ em đang mơ mộng… Bài toán phổ cập tri thức, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cả cải thiện… nhuận bút cho tác giả, dịch giả biết đâu cũng được giải quyết nhẹ nhàng! Việc làm đơn giản và thiết thực ấy, theo tôi, cũng rất phù hợp với chủ trương và lòng mong mỏi của các bậc tiền bối trong phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục trước đây: “Bất kỳ dân tộc nào, kẻ thượng trí cùng hạ ngu thường thường có ít mà trung nhân thì nhiều, nên đều cần có sự phổ thông tri thức”(1).
2/ Lúc thiếu thời tôi được may mắn chứng kiến mối giao tình thâm trọng, gần như là lòng biết ơn của các vị thuộc thế hệ nhà nho cuối cùng, trong đó có thân phụ tôi và mấy vị phụ huynh đối với các cụ người Hoa làm chủ các tiệm sách, bấy giờ chỉ còn lác đác ở miệt Chùa Cầu, Hội An. Nền cử nghiệp cũ đã qua lâu rồi, nhưng những kỷ niệm lúc thiếu thời giữa các cụ dường như vẫn còn sống động. Nửa đùa nửa thật, các cụ thường bảo đất Quảng Nam có được “Ngũ phụng tề phi” một phần không nhỏ cũng là nhờ các tiệm sách ấy. Lý do có lẽ thật giản dị: nhờ có thương cảng Hội An mà sách vở, giấy bút… đến tay các sĩ tử đất Quảng sớm nhất và nhiều nhất. Các cụ thường kể cho tôi nghe bao câu chuyện cảm động về nhiều sĩ tử từ Quảng Ngãi, Bình Định… xa xôi, phải lặn lội gian nan đến Hội An ăn chực nằm chờ để mua sách và thường là… xin chép sách. Nền khoa cử đã có từ ngàn năm, nhưng thử hỏi bao nhiêu sĩ tử thời bấy giờ có trong tay số lượng tối thiểu những “kinh, sử, tử, truyện” chứ chưa nói đến những tư liệu cần thiết khác, càng không thể chờ đợi có được những bộ sách hiếm, nói gì đến bản dịch (ra tiếng Việt!) của những “tân thư” như “Bàn về Tự do” của J. S. Mill mà nước Nhật đã dịch từ 1868 với hai triệu ấn bản như thông tin mới đây của nhà văn Nguyên Ngọc(2). Nền kinh tế và ngoại thương nhỏ bé đã ảnh hưởng như thế nào đến việc học và giao lưu văn hóa, khoa học có lẽ các cụ là những người thấm thía hơn ai hết. Chẳng thế mà ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 – khá lâu trước khoa thi chữ Hán cuối cùng –, các cụ đã sớm nhận ra hai vế của vấn đề: phổ biến tri thức bằng tiếng Việt và hợp sức xây dựng thực lực kinh tế, với cao vọng rất lớn về việc xây dựng một mẫu người Việt Nam mới nắm vững và dung hòa được cả hai nền văn hóa Đông Tây:
Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tỉnh trước dân ta
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na
Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường
Nông, công, cổ trăm đường cũng thế
Họp bàn nhau thì dễ toan lo
Á Âu chung lại một lò
Đúc nên tư cách mới cho rằng Người

(Huỳnh Thúc Kháng, Chiêu hồn nước, 1902-03)(3)
Sự tiên tri, tiên giác của các cụ thật đáng khâm phục, nhưng thực tế phũ phàng cũng thật đáng giận, đáng thương!
Tóm lại, muốn học phải có sách; muốn có sách phải mở rộng giao thương, muốn mua sách phải làm ăn để có tiền; và muốn hiểu sách thì phải “dịch ra tỏ tường” bằng “chữ quốc ngữ” vì đó là “hồn trong nước” để cho “một người học muôn người đều biết” (Chiêu hồn nước). Chân lý giản dị và đanh thép ấy đang được chúng ta nhắc lại, hôm nay, đúng một thế kỷ sau! Rồi còn bao điều khác đang vẫn còn phải chờ đợi; chẳng hạn về phương pháp dạy và học: “cho phép học trò bàn bạc tha hồ đối đáp, tự do không phải nề hà, không cần thể cách gì hết”; “cưỡng bức giáo dục đã đành mà đối với những điều phát minh[…] lại cổ lệ khuyến khích, về đường tư tưởng không có luật pháp ngăn cấm”. Còn đối với việc chuộng thực học, thực nghiệp, bỏ óc khoa cử và hư danh: “Tưởng nên đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người khéo tay, nhanh trí khôn để cho vào học(…). Những ai giỏi về cách trí, khí học, hóa học… thì làm cho họ được vẻ vang sang trọng hơn những người đỗ đại khoa” (Văn minh tân học sách)(4).
Mới hôm qua đây, một cô sinh viên đang chuẩn bị viết đề cương để nhận đề tài làm luận án thạc sĩ triết học đã rất vất vả mới tìm được địa chỉ của tôi, nhờ giúp đỡ một số tư liệu. Cô định viết về một triết gia Đức rất quen thuộc; và vị giáo sư hướng dẫn yêu cầu cô phải sử dụng “tài liệu gốc”. Yêu cầu thật chính đáng nhưng đã làm… khổ cho cô. Tôi hứa mua tặng bản dịch tiếng Anh (cô không dùng tiếng Đức mà cũng không biết cách nào để mua sách từ nước ngoài!) và hỏi cô có dùng được tiếng Anh không. Cô lúng túng cho biết sẽ… thuê người dịch! Tôi giật mình: tiền đâu mà thuê dịch cả mấy bộ sách? Làm sao kiểm tra xem dịch có đúng không? Một luận án thạc sĩ trích dẫn từ một bản dịch “thuê” không được thẩm định thì có ổn không? Rút cục, cô đành đồng ý với gợi ý của tôi là hãy gác lại đề tài đã ôm ấp bấy lâu nay và chọn tác giả khác, nhờ đã có được mấy bản dịch tiếng Việt. Khổ thế, nhưng nào phải do lỗi của cô! Bạn bè đồng lứa của cô ở nước ngoài, kể cả ở những nước phát triển nhất, cũng không ai bị buộc phải đọc sách triết bằng ngoại ngữ cả, trừ khi làm luận án về ngữ văn. Cô đang rơi vào tình cảnh của các sĩ tử Quảng Ngãi, Bình Định… vào đầu thế kỷ trước!
***
Ở phương Tây thế kỷ 19, một câu nói của Nietzsche làm chấn động tâm tư cả một thế hệ: “Thượng đế đã chết”(5). Còn ở ta, có lẽ câu nói sau đây của cụ Phan Châu Trinh cũng cay đắng xé lòng như thế: “Người Nhật học [thế giới] như vậy, ta chẳng học gì cả, mất nước là phải”(6). Để giữ vững lòng lạc quan, tôi xin chép lại mấy câu trong bài “Hiệp thương ca” [Bài ca hợp tác làm ăn kinh tế] của Trần Quý Cáp, vị liệt sĩ của phong trào Duy Tân mà ngôi trường phổ thông trung học lớn nhất ở Hội An được vinh dự mang tên cụ:

Người có của kẻ có công
Xúm nhau lại cùng đem lòng thân ái
Hiệp bãi cát gây nên non Thái
Hiệp ngàn lòng nên cái Biển Đông”(7).

—————————————————–
(1) Muốn cho khỏi lầm. Tiếng Dân 23.2.1929, dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân, các khuôn mặt tiêu biểu, NXB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 97-98.
(2) Nguyên Ngọc: Đem tinh hoa tri thức của nhân loại về cho đất nước. Một sự nghiệp lớn và cấp thiết. Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, số 2, tháng 5.2007, tr. 76.
(3) Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr. 70
(4) Văn minh tân học sách, nt, tr. 102
(5) Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Bản dịch của Trần Xuân Kiêm, NXB Văn hóa thông tin, 2003, tr. 31, 33.
(6) Nguyên Ngọc, Bài đã dẫn, tr. 76.
(7) Trần Quý Cáp, Hiệp thương ca, trong Cổ học tinh hoa, Hội Khổng học Quảng Nam 1961, dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr. 104.

Bùi Văn Nam Sơn

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)