Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX
Quyển Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX được Nguyễn Quân hoàn thành bản thảo vào năm 2005. Đến nay (2010), tác giả và NXB Tri thức mới chính thức xuất bản lần đầu tiên.
Cuốn sách lần này in kèm phụ bản Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, vốn là một cuốn sách đã xuất bản năm 1982, để giữ tính lịch sử – cụ thể tại thời điểm của cuốn sách nói trên đã in ra gần 30 năm trước, cũng như những luận điểm “dự báo” vượt thời gian bắt nối vào những nhận định về sau, tác giả vẫn để nguyên phần sách này không sửa chữa.
Trong suýt soát một thế kỷ nghệ thuật tạo hình hiện đại với nhiều thành tựu, song hành với một thế kỷ “đau thương và hào hùng” của dân tộc, Nguyễn Quân đã phác lại những mô hình thời đại sinh ra các thế hệ nghệ sĩ tương ứng với bốn thời kỳ. Từ Mỹ thuật Đông Dương sản sinh ra nghệ sĩ tiểu tư sản – thị dân (ngấp nghé chuẩn bị tiến lên nghệ sĩ- trí thức) thì bỗng xoay vần theo thời cuộc vận mệnh nước non mà trở thành nghệ sĩ-chiến sĩ; rồi nghệ sĩ cán bộ-công chức (Mỹ thuật qua hai cuộc kháng chiến và Mỹ thuật Hiện thực XHCN) và cuối cùng thì chuyển sang nghệ sĩ tự do – đối diện với thị trường và xã hội thông tin ở thời Mỹ thuật Đổi mới Đương đại (lại vẫn ngấp nghé ở ngưỡng cửa chuẩn bị tiến lên). Một số ít nghệ sĩ ra nước
ngoài sớm và thành đạt ở hải ngoại thì vẫn chưa đủ để vực dậy “nền sản xuất” sản phẩm tinh thần “nội địa”. Quan trọng vẫn phải là lực lượng nghệ sĩ tại chỗ “ăn bát cơm, uống miếng nước ở nơi đó, chung chia sướng khổ với con người nơi đó”, cộng với những tầm nhìn quản lý khoát đạt thì nghệ thuật của dân tộc đó mới nở hoa đơm trái, góp vào cỗ máy giá trị nghệ thuật của nhân loại được.
Đọc Nguyễn Quân, thấy cuối cùng nhiều hơn cả vẫn là sự hy vọng. Những tổng kết vạch lối của ông về phương pháp, thiết chế; về vấn đề đặc trưng “động”, tính chất “cửa mở hai chiều” của văn hóa Việt Nam giao thoa hai hướng Đông Á- Đông Nam Á suốt dọc lịch sử, mô hình thẩm mỹ (cũng được ông gọi là) khuynh hướng cửa mở hai chiều bắt đầu từ thời Đổi mới; về những sau nhầm cố hữu và việc đâu mới là những hạt mầm tinh hoa độc đáo bản sắc Việt cần nâng niu phát triển… đáng là những bộ giá trị mở mà nhiều cấp, nhiều ngành văn hóa nên quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng cho hiện tại và tương lai.
Sau khi hoàn thành tiểu luận “đi suốt trăm năm” này, ý định của Nguyễn Quân là sẽ chấm dứt sự nghiệp “lập ngôn” về nghệ thuật. Nhưng tác giả vẫn mong mỏi đây là sự khởi đầu cho một tủ sách nghệ thuật Việt Nam được tập hợp lại có hình có vóc của NXB Tri thức, được chuyển ngữ để tiện bề giới thiệu ra thế giới, và ông đã dành không ít công sức để dọn đường cho những thế hệ sau bước tiếp…
Không chỉ là một nhà bình luận nghệ thuật đầy nghệ sỹ tính, ông còn là một họa sĩ Biểu hiện – Trừu tượng rất Việt. Vẽ tranh và tham gia triển lãm từ năm 1976, ông giữ được nhịp sáng tác đều đặn liên tục không bị ngắt quãng, bất chấp những bận rộn của việc quản lý, viết sách cũng như thăng trầm trong đời sống riêng tư. Sự lặng lẽ làm công việc sáng tác miệt mài này, có lẽ là niềm tự hào lớn nhất trổ ra được thành nhời của ông. Có lẽ ít họa sĩ hay nhà điêu khắc nào tự kể về tranh, tượng của mình, lại hay được như Nguyễn Quân, với cách dịch chuyển liên giác quan đầy thú vị, đầy “khoái thú thẩm mỹ”. Tác phẩm của ông hiện được sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Nghệ thuật Singapore; Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka Nhật Bản; Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương Vacsava Ba Lan; Bảo tàng Đức Minh và Sưu tập Trần Hậu Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cùng nhiều sưu tập cá nhân tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. |