Nạn buôn lậu hạt nhân
Hiểm họa khó lường Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh nạn buôn lậu hạt nhân. Một số nhà phân tích cho rằng, đây chỉ là một vấn đề nhỏ. Họ cho rằng, lượng vật liệu hạt nhân được vận chuyển qua đường buôn lậu chỉ là rất nhỏ và thậm chí chưa bao giờ đạt đến cấp độ có thể chế tạo được vũ khí.
Tuy nhiên, buôn lậu hạt nhân đang thực sự là một hiểm họa chết người. Hầu hết những thị trường trái phép đều giống như những tảng băng trôi, chỉ lộ ra một phần nhỏ. Và không có lý do gì để có thể coi nhẹ các chợ đen hạt nhân. So với ma tuý, nguồn cung cấp vật liệu hạt nhân hiển nhiên là nhỏ hơn nhiều, các cơ quan luật pháp cũng có ít kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này.
Thomas Cochran thuộc Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên ở Washington D.C ước lượng rằng, một quả bom đòi hỏi khoảng từ 3 đến 25 kg unrani được làm giàu hoặc từ 1 đến 8kg plutonium. Mỗi kg plutonium chiếm thể tích khoảng 50cm3, tức là bằng khoảng một phần bảy thể tích một lon nước thông thường.
Cái vỏ rỗng mà nhà vật lý Thomas Cochran đang cầm trên tay đã từng chứa khoảng 7 kilogram uranium. Chỉ cần một lượng uranium như vậy được làm giàu đến cấp độ bom là đủ để chế tạo một quả bom có khả năng huỷ diệt một thành phố nhỏ.
|
Mặc dù việc giám sát nghiêm ngặt có thể phát hiện được những hành vi vận chuyển phóng xạ, nhưng một số đồng vị nguy hiểm như uranium 235 và plutonium 239 lại có độ phóng xạ yếu đến mức chúng có thể được che dấu một cách dễ dàng khiến cho các ống đếm Geiger cũng như các thiết bị tương tự không thể phát hiện được. Các thiết bị tia X và nhiễu xạ neutron đặt ở sân bay dùng để phát hiện chất nổ hoá học cũng có thể dùng để phát giác chất phóng xạ, nhưng vì không được thiết kế cho mục đích này nên hiệu quả thực tế của chúng vẫn bị hạn chế.
An ninh lỏng lẻo
Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, mỗi bên từng có khoảng 650 tấn uranium được làm giàu ở mức độ cao. Những kho dự trữ này gây ra nhiều bất ổn, bởi vì việc kiểm soát chúng là rất hời hợt và không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là các kho của Nga, chúng đã từng ở trong tình trạng an ninh rất tuỳ tiện, quản lý kiểm kê sơ sài và đo đạc không đủ chính xác. Thiết bị xác định lượng plutonium khá thô sơ, không có chuẩn rõ ràng và không thể phát hiện được những thất thoát. Tình trạng an ninh gần như không có ở các cơ sở hạt nhân cũng góp phần gây ra các vấn đề. Sự sụp đổ của KGB đi kèm với sự tan rã của hệ thống kiểm soát hạt nhân. Nói đúng ra, ở Liên Xô cũ, an ninh cũng được thắt chặt nhưng thường là không hiệu quả. Các nhân viên làm trong lĩnh vực hạt nhân là những người trung thành và được trả lương cao. Tuy nhiên, khi điều kiện sống trở nên xấu đi, thái độ bất mãn của các nhân viên này trở nên phổ biến. Đối với những người phải làm việc trong điều kiện đặc biệt như vậy, việc mức lương thấp và thường xuyên bị muộn có thể dễ dàng đẩy họ đến hành vi trộm cắp. Các nguyên tắc, kỷ luật cũng như sự trung thành cũng theo đó mà bị huỷ hoại.
Tháng 11/1993, một tên trộm đã chui qua lỗ hàng rào để xâm nhập vào khu vực cấm ở bến tàu Sevmorput, gần Murmansk. Hắn đã sử dụng một cưa sắt để cắt khoá kho nhiên liệu tàu ngầm hạt nhân và lấy trộm một số phần của ba tổ hợp nhiên liệu. Mỗi tổ hợp chứa 4,5 kg uranium được làm giàu. Sau đó, may mắn là lượng uranium đã được lấy lại. Một sỹ quan tên là Mikhail Kulik đã hỏi cung tên trộm và ghi lại lời khai như sau: không có hệ thống báo động, không có đèn và hầu như không có bảo vệ. Kulik đã nhấn mạnh: “Bây giờ, thậm chí những củ khoai tây có lẽ còn được canh phòng tốt hơn những vật liệu hạt nhân.” Kể cả sau vụ việc đó, những cải thiện về tình trạng an ninh cũng ở mức rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, tình không hoàn toàn tiêu cực như vậy. Theo những báo cáo, một số thành phố hạt nhân – trước đây là những khu vực bí mật dùng làm nơi chế tạo bom – đều được đảm bảo an ninh tốt, và việc kiểm soát các vật liệu chế tạo vũ khí nói chung là nghiêm ngặt hơn những thứ khác. Mặc dù những thông tin về thành phố bí mật Arzamas-16 (phòng thí nghiệm thiết kế vũ khí đặc biệt của Nga, chạy đua với Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Hoa Kỳ) đã được tiết lộ nhiều hơn nhưng hệ thống an ninh có vẻ như vẫn rất hiệu quả. Moscow cũng đã có những nỗ lực nhất định nhằm tái thiết lập an ninh trong nền công nghiệp hạt nhân, chẳng hạn như ở Viện Năng lượng Nguyên tử Kurchatov ở Moscow. Tuy nhiên, nhiệm vụ lập lại kiểm soát hạt nhân vẫn quá là nan giải. Gần 1000 kho uranium và plutonium đã bị phát tán khắp Liên Xô cũ.
Những đường dây tội phạm
Trong tình trạng như vậy, chúng ta có thể hiểu được tại sao số vụ buôn lậu hạt nhân lại có giai đoạn tăng lên nhanh chóng. Chẳng hạn như theo báo cáo của chính phủ Đức, số vụ năm 1991 là 41, năm 1992 là 158, năm 1993 là 241 và năm 1994 là 267. Mặc dù đa phần các trường hợp này đều không liên quan đến những vật liệu có thể làm bom, nhưng khả năng xấu nhất có thể xảy ra là khá lớn.
Vào tháng 3/1993, theo một báo cáo từ Istanbul, sáu kg uranium được làm giàu đã lọt vào Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Aralik ở tỉnh Kars. Mặc dù người ta chưa có được những bằng chứng trực tiếp về vụ này, nhưng nó đã làm dấy lên sự lo ngại rằng các nhóm “Mafia” Chechen đã từng có được uranium làm giàu ở Kazakhstan. Việc Kazakhstan đồng ý chuyển uranium cho Mỹ vào năm 1994 đã chứng tỏ sự việc này cũng có một số cơ sở.
Tháng 10/1993, cảnh sát ở Istanbul đã thu giữ 2,5 kg uranium 238 và bắt giam bốn thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ cùng với bốn người Iran khả nghi. Một tạp chí ở Munich sau này đã đưa tin rằng, lượng uranium trên đã đến Thổ Nhĩ Kỳ qua nước Đức. Theo lời khai của một trong số những người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt, uranium đã được tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ qua một sân bay tư nhân của người Iran ở Hartenholm gần Harmburg.
Đáng chú ý là, vào năm 1994, những vụ có liên quan đến nhiên liệu bom hoặc rất gần với nhiên liệu bom đã được phát hiện. Vào ngày 10/5, cảnh sát ở Tengen (Đức) đã tìm thấy 6 gam plutonium 239 trong khi truy lùng chỗ ở của một kẻ buôn lậu tên là Adolf Jaekle. Số plutonium được phát hiện ngẫu nhiên trong một thùng chứa ở nhà để xe. Jaekle có những đường dây quan hệ rất rộng, bao gồm cả những mối liên kết với các sỹ quan cũ của KGB, Stasi (cảnh sát mật Đông Đức) và cả với Kintex, một công ty của Bulgari vẫn bị nghi ngờ về các hoạt động bất chính. Tất nhiên, hành động của Jaekle đã bị vô hiệu hoá, nhưng trong vụ này thực ra vẫn còn có nhiều uẩn khúc. Sẽ là ngu ngốc nếu người ta bỏ qua khả năng là số plutonium trên chỉ đơn giản là một mẫu hàng của một sự tàng trữ lớn hơn.
Vào ngày 10/8, chính quyền Munich đã bắt giữ một nha sỹ người Colombia và hai người Tây Ban Nha khi phát hiện 363,4 gam plutonium nồng độ cao và 201 gam lithium 6 (một loại nhiên liệu thành phần của bom hydro). Những người này đã thực hiện chuyến buôn lậu từ Munich tới Moscow và đã bị bắt giữ trong một cảnh náo loạn. Sau này, nội tình sự vụ mới được phơi bày, thì ra chính những mật vụ của cơ quan tình báo liên bang Đức BND đã xui khiến ba người này mang những vật liệu đó. Chuyện này đã gây ra một vụ tranh cãi lớn ở Đức, các mật vụ BND bị buộc tội tiếp tay cho nạn buôn lậu hạt nhân. Cả ba người bị bắt đều không dính líu đến các đầu nậu ma tuý Colombia lẫn bọn khủng bố ở xứ Basque, và không có bằng chứng cho thấy họ là những kẻ buôn lậu có kinh nghiệm. Họ chỉ đơn giản là gặp rắc rối về tài chính nên phải đi buôn plutonium và lithium để kiếm tiền. Tuy nhiên, trong tất cả những tranh cãi về chuyện tốt xấu đối với hành động của BND, có một điểm quan trọng đã bị bỏ qua. Người ta không biết, hoặc có thể là không muốn biết tại sao ba kẻ buôn lậu nghiệp dư lại có thể có được một lượng đáng kể plutonium nồng độ cao đến vậy.
Tiếp theo, ngày 14/12, cảnh sát ở Prague đã bắt giữ ba người trong một chiếc xe chứa 2,7 kg uranium 235 được làm giàu tới nồng độ rất cao (87,7%). Hai trong số họ là những công nhân làm việc trong lĩnh vực hạt nhân vừa mới đến Cộng hoà Czech: một người Nga đến từ thị trấn gần Obninsk và một người Belarus đến từ Minsk. Người thứ ba là một nhà vật lý hạt nhân người Czech, Jaroslav Vagner. Từ giữa năm 1994, một mẫu uranium nồng độ cao giống như vậy cũng đã xuất hiện ở Landshut, Bavaria, và vào ngày 22/3/1995, có thêm hai người nữa (trong đó có một sỹ quan cảnh sát) đã bị bắt giữ.
Ít nhất thì những vụ buôn lậu ở Đức cũng đã giảm kể từ khi vấn đề này được công khai. Những kẻ buôn bán bất chính có vẻ như đã chạy đến chỗ khác. Một số đã chạy qua Thụy Sỹ, Áo và Italy. Một số nhiều hơn có lẽ đã tìm được những đường dây phía nam để hoạt động ở các nước cộng hoà Trung Á và Biển Đen. Như cựu thanh tra của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) David Kay đã chỉ ra, những đường dây này hoạt động theo chiều ngược lại với những đường dây mà KGB từng sử dụng để buôn lậu hàng từ phương Tây vào Liên Xô cũ. Những kiểm soát biên giới ở đây yếu hơn nhiều so với Tây Âu, và có lẽ những “khách hàng tiềm năng” cũng tập trung ở xung quanh khu vực này.
Những vụ bắt giữ ở Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ cũng hơi cho thấy rằng, những nước “ngoài vòng pháp luật” như Iran cũng đã tìm kiếm các nhiên liệu hạt nhân chất lượng cao. Không loại trừ khả năng một số nước này đã thiết lập được mạng lưới riêng của họ. Cả Libya và Iraq có lẽ cũng đã có kinh nghiệm với những chuyện như vậy.
Hơn nữa, từ vụ Jaekle, người ta có thể thấy rằng, không phải tất cả những tên buôn lậu đều là những kẻ nghiệp dư ngớ ngẩn. Mặc dù người ta vẫn chưa thấy sự tồn tại của những băng đảng Mafia hạt nhân, những cựu gián điệp của Liên Xô cũ dường như đang nắm giữ vai trò cầm đầu trong những đường dây chuyên nghiệp. Rõ ràng là họ đã tham gia vào những vụ buôn bán liên quan từ những lĩnh vực hợp pháp công khai đến những thế giới ngầm bất chính.
Buôn lậu hạt nhân dĩ nhiên là thu được nhiều lợi nhuận, chính vì thế mà những nhóm tội phạm có tổ chức cũng liên quan đến vấn đề này. Có một số băng đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài việc buôn lậu đồ cổ chúng còn coi uranium như một mặt hàng béo bở khác. Ở Italy, một tài phiệt đang đầu tư vào buôn bán hạt nhân tên là Romano Dolce đã bị bắt giữ vì đã tham gia vào nhiều hành động tội ác. Trò đầu tư vào hạt nhân của y thực ra là để đánh lạc hướng nhiều hơn là để làm ăn.
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất có lẽ là liên quan đến bọn tội phạm có tổ chức ở Nga. Mặc dù buôn lậu hạt nhân không phải là công việc ưu tiên của những nhóm này nhưng đã có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy rằng chúng đang đa dạng hóa những hành vi buôn bán chất phóng xạ.
Làm chuồng trước khi mất bò
Mặc dù những nỗ lực nghiêm túc đã được thực hiện để chống lại nạn buôn lậu hạt nhân, nhưng cộng đồng quốc tế đã bị chậm trễ trong việc phản ứng đối với mối nguy hiểm này. Trước đây, cơ quan kiểm soát hạt nhân của Nga, GAN đã từng có khoảng 1200 nhân viên nhưng khả năng giải quyết các vấn đề về cả dân sự lẫn quân sự của tổ chức này không được đảm bảo cho lắm. Thêm vào đó, nếu giả sử GAN có thành công đi chăng nữa thì nó cũng phải mất vài năm để nâng cấp lực lượng bảo vệ, và trong thời gian ấy thì bọn buôn lậu đương nhiên là không có chuyện ngồi chơi. Trong khi đó, vào thập kỷ 1990, các tổ chức quốc tế với những chuyên gia về hạt nhân cũng chưa hợp tác có hiệu quả với các bên có trách nhiệm để ngăn chặn nạn buôn bán phi pháp này. IAEA và Uỷ ban Xét xử và Phòng chống Tội phạm của Liên hợp Quốc đều nằm tại Trung tâm Quốc tế ở Vienna nhưng nguyên tắc của IAEA lại không cho phép nó tham gia vào các hoạt động điều tra. Kết quả là mối liên kết của hai bên đã trở nên rời rạc và không có hệ thống.
Ở Washington, những phản ứng đầu tiên đối với vấn đề buôn lậu hạt nhân cũng rất yếu ớt và được tổ chức sơ sài. Kể từ năm 1994, Văn phòng Điều tra Liên bang đã làm việc chặt chẽ với Cơ quan Phòng vệ Hạt nhân và Cơ quan Phản Gián, nhưng Hoa Kỳ khi ấy vẫn còn chưa hình thành được một chính sách thích hợp.
Người ta đã mong đợi rằng, những giải pháp đa quốc gia và có hệ thống phải được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn chặn nạn buôn lậu hạt nhân ngay từ nguồn cung cấp cũng như cắt đứt đường vận chuyển và phong toả các “khách hàng” bất hảo. Tất nhiên, đối với với cái nạn “buôn lậu sự chết chóc” này, không ai có thể chấp nhận được cái chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” khi những thảm họa là thực sự có khả năng xảy ra.
Phil Williams và Paul N. Woessner