Nan giải trong gìn giữ nghề truyền thống

Sẽ thật nan giải khi cố gắng khôi phục, phát triển những nghề truyền thống đang dần tàn lụi trong bối cảnh xã hội hiện đại hóa không ngừng.

Rối bóng ở Trung Quốc

Những năm gần đây, rất nhiều nghề, làng nghề truyền thống có giá trị lịch sử, thẩm mỹ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa cần phải bảo tồn trước nguy cơ bị mai một, biến mất. Nhưng thật sự quá nan giải để làm được điều đó khi mà chính những nghề thủ công, thực hành nghi lễ, nghệ thuật biểu diễn liên quan đến nó… không còn phổ biến ở các xã hội đó.

Người trẻ thờ ơ với rối bóng Trung Quốc

Đã một thời, ở khắp nơi thế giới, người dân rất hào hứng với những hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống, người Trung Quốc cũng vậy, họ chờ mong từng buổi diễn rối bóng. Còn giờ đây, hầu hết người Trung Quốc không còn thực sự quan tâm tới rối bóng nên những làng nghề rối bóng đang lụi tàn sẽ biến mất khi những người nghệ nhân cuối cùng về bên kia thế giới. Để trở thành một nghệ nhân rối bóng, người ta cần đào tạo học viên tới hàng chục năm, từ khi mới chỉ là một đứa trẻ cho tới tận tuổi thành niên. Nhưng lớp trẻ ngày nay, những “đối tượng tiềm năng” để đào tạo và truyền nghề đã không còn quan tâm đến điều đó nữa. Thay vì cặm cụi làm ra những con rối, họ bỏ thời gian tìm kiếm những cơ hội chuyển cư và nâng cao chất lượng sống ở những thành phố khổng lồ như Bắc Kinh, Thượng Hải, hay thậm chí là dành thời gian cho những thú vui thường ngày như Ipad, học tiếng Anh, nhậu nhẹt, xem truyền hình…

Điêu khắc gỗ ở Ấn Độ, xăm truyền thống ở Nhật Bản “lỗi thời”

Trong khi khảo sát về làng nghề tranh khắc gỗ ở Ấn Độ, tôi đã được chiêm ngưỡng các tác phẩm tuyệt vời của những nghệ nhân vẫn miệt mài đeo đuổi nghiệp này ở Rajasthan, một thành phố ở phía Tây Ấn Độ. Tôi thực sự cảm thấy rằng, không gì đáng trân trọng hơn giờ khắc những tác phẩm vô cùng tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc đang hiện ra dưới bàn tay nghệ nhân. Đó là những tác phẩm nghệ thuật mà sản phẩm “tầm thường” của nền sản xuất công nghiệp hiện đại không thể so sánh nổi. Nhưng đó cũng là những giờ khắc cuối cùng mà tôi còn được chứng kiến hơi thở còn sót lại của nghề thủ công có nguồn gốc từ thời Ấn Độ cổ đại này. Nghề này sẽ không có người kế tục, sẽ không còn là sinh kế của các gia đình nghệ nhân, và chuỗi những tri thức dân gian đó sẽ kết thúc tại đây. “Khắc gỗ không đủ sống, còn lũ trẻ không còn say mê chạm khắc lên những tấm đàn hương này nữa, chúng muốn làm việc bằng máy tính hơn” là những lời nói đầy ám ảnh của những nghệ nhân cuối cùng ở Rajasthan. 

Tại Nhật bản, tôi nghiên cứu nghệ thuật xăm mình truyền thống tại Kyoto và biết rằng, mỗi nghệ nhân phải mất hàng thập kỷ để thuần thục nghề này. Cũng chỉ còn vài nghệ nhân có thể xăm mình bằng tay theo phương thức truyền thống mà không sử dụng bất kỳ một loại máy móc phụ trợ nào. Những thế hệ thợ xăm hình sau này đã ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, những kiểu dáng mới để xăm mình, nhưng kiểu xăm truyền thống thì sẽ mãi mãi lụi tàn.

Ngay cả những nơi xa xôi nhất trên thế giới này, tình trạng quay lưng với nghề truyền thống cũng dần trở nên phổ biến hơn. Ở những khu rừng mưa Guatemala, nơi người Maya sinh sống, tôi cũng chứng kiến những người trẻ đang rời khỏi cộng đồng của mình và di cư vào thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm, tham gia vào nhịp sống hiện đại. Thông thường, những người trẻ này sẽ trụ lại ở thành thị, lập gia đình và bỏ nền văn hóa của họ lại phía sau.

Trên toàn thế giới, từ rừng già Amazon cho tới dãy Himalaya, Các xã hội đang thay đổi, những cấu trúc cũ đã không còn tồn tại bền vững, những hệ giá trị mới được thiết lập. Những thực hành văn hóa cũ không còn hợp với những bộ quần áo kiểu phương Tây, điện thoại thông minh, máy tính, những sản phẩm thủ công truyền thống không còn hợp với những căn hộ chung cư kiểu mới. Nghề truyền thống đang dần lụi tàn trước sức ép của công nghiệp hiện đại, văn hóa sẽ dần lụi tàn đi khi chính những chủ nhân của nền văn hóa ấy di cư đi nơi khác, hoặc không còn ai trong số những người ở lại muốn thực hành những nếp cũ.

Bảo Như tóm lược.
Nguồn: http://www.vagabondjourney.com.

Theo Christopher Moore, hiệu trưởng của Trường Thời trang Anh (British School of Fashion), “lối thoát” cho các nghề và làng nghề truyền thống là phải “lột xác” mẫu mã, thương hiệu, thậm chí cả công năng sử dụng của những sản phẩm thủ công và nhắm vào thị trường hàng hóa xa xỉ. Điều này đòi hỏi phải có một thế hệ trẻ tài năng, nhanh nhạy với thị trường và có kiến thức vững chắc về mỹ thuật và thiết kế. Xưởng dệt Hosoo ở quận dệt vải Nishijin, Kyoto, Nhật Bản là một ví dụ. Với kỹ thuật gia truyền 300 năm là dệt vải sợi kết hợp với những lá bạc và vàng óng ánh, Hosoo đã cộng tác với nhà thiết kế nội thất thời trang nổi tiếng Peter Marino, nghệ sĩ điêu khắc Teresita Fernández ở New York (một nghệ sĩ ảnh hưởng lớn bởi văn hóa Nhật và nổi tiếng với việc nắm bắt những vật thể vô định hình bằng những vật liệu cứng) và bắt tay với nhà thiết kế giày cổ quái Masaya Kushino để chuyển đổi từ dệt vải làm kimono truyền thống sang các sản phẩm thời trang và đồ nội thất. Hiện nay Hosoo là nhà cung cấp cho nhiều hãng thời trang danh tiếng như Luis Vuitton, Chanel, Dior… Nằm ở một nơi khuất nẻo tại Kyoto nhưng xưởng dệt Hosoo hiện là địa điểm du lịch nổi tiếng cho các chính khách và nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới khi đến thăm Nhật Bản để biết về làng nghề Nishijin một thời. Hảo Linh lược dịch Nguồn: www.businessoffashion.com.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)