Nền văn minh Việt cổ
Với mong muốn “góp phần nhỏ bé của mình để khôi phục lại một phần nền văn minh Việt cổ – công lao của tổ tiên xưa – hy vọng trường tồn trong lòng dân tộc Việt hiện đại”, GS.TSKH Hoàng Tuấn đã viết cuốn “Nền văn minh Việt cổ” (NXB Văn học – 2013), trong đó ông cho rằng cư dân vùng Đông Nam Á- trong đó có dân tộc Việt cổ ở lưu vực sông Hồng, sông Mã hiện nay - đã là chủ nhân vùng đất này từ rất lâu đời.
Họ đã sinh sống không những chỉ ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã và ven biển Bắc Bộ hiện nay mà đã là chủ nhân của cả vùng đồng bằng các con sông lớn là Dương Tử và Hoàng Hà xưa. Thời gian xa xôi đó tuy chưa hình thành xã hội nhưng những bộ lạc Bách Việt đã di thực lên khắp các vùng đồi núi sát các triền sông lớn trên.
Dân tộc Việt cổ đó đã hình thành nền văn hóa “Việt Nho cổ”. Tiêu biểu nhất là tư tưởng “Triết học Dịch” dựa trên hai bảng số Âu Đồ và Lạc Thư cổ cùng nền “Lịch Toán Can Chi” phục vụ nông nghiệp.
Tia Sáng xin giới thiệu phần Nhập đề cuốn sách đó.
* Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu, sau này được Ngô Sĩ Liên đời Lê biên soạn lại thì, nước ta dựng nước từ thời họ Hồng Bàng, với vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương vào năm Nhâm Tuất, tức năm 2879 trước Công nguyên, tính đến năm 2013 này thì đã 4892 năm. Sau Kinh Dương Vương là 18 đời các vua Hùng nối tiếp, với tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang thời đó rộng lớn, phía bắc là miền đồng bằng phì nhiêu thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Hồ Động Đình, phía nam giáp Lâm Ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay tên Kinh Dương Vương cũng đã mang ý nghĩa rõ ràng về “vua của hai vùng đất rộng lớn là châu Kinh và châu Dương cổ – nay đã thuộc về Trung Quốc.”
Nhiều người còn nghi ngờ về thời kỳ lập nước xa xôi trên với lý do duy nhất là 18 đời vua Hùng không thể kéo dài đến hàng ngàn năm! (Mỗi đời vua trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này cũng chỉ từ 15 đến 30 năm). Thời các vua Hùng nếu mỗi đời kéo dài đến 50 năm thì 18 đời Hùng Vương cũng chỉ là 900 năm. Như vậy thời Hùng Vương kéo dài đến hàng ngàn năm là hoang đường! Tuy nhiên, nếu xét thời gian chỉ ngắn ngủi như trên thì không phù hợp với nhiều hiện tượng bành trướng xâm lược của Đế quốc Hán Mông xưa. Vì vậy 18 đời vua Hùng chỉ là 18 chi họ Hùng Vương, mỗi chi gồm nhiều vị nối tiếp nhau cai trị đất nước đều gọi là đời Hùng Vương thứ nhất hoặc thứ hai… Nếu chi họ đó không có con trai hay người tài nối vị thì dòng họ gần kề sẽ lên nối ngôi và được gọi là đời Hùng Vương thứ ba hay thứ tư v.v… Điều này phù hợp với thời đại Thái cổ của Tổ tiên xưa: người dứng đầu các bộ lạc thời “săn bắn và thuần hóa súc vật” đều được gọi là Phục Hy; người đứng đầu các bộ lạc thời “nông nghiệp đầu tiên” đều được gọi là Thần Nông. Vì vậy thời Phục Hy và Thần Nông, mỗi thời kỳ đều có nhiều vị đứng đầu cùng tên nối tiếp nhau. Tiếp đến thời Hùng Vương cũng thế: thời Hùng Vương thứ nhất hay thứ hai, thứ ba… cho đến thứ 18, mỗi đời đều gồm nhiều vị vua Hùng. Thời gian như thế mới phù hợp với nhiều hiện tượng lịch sử mà các sử gia Trung Quốc sau này đã ghi.
Nước Văn Lang được thành lập dưới thời Kinh Dương Vương chắc chắn là vào thời kỳ nền nông nghiệp đã phát triển khá mạnh vì thời đó đã có nền lịch toán vững chắc để phục vụ nghề nông.
* Cổ sử Trung Quốc cũng đã viết: “Vào thời vua Nghiêu (năm 2357 trước CN – tức sau khi nước Văn Lang được thành lập 522 năm), có sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía Bắc sông Hoàng Hà – tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng một con Thần Quy (rùa lớn), vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau…”
Vua Nghiêu sai người chép lại và lưu vào “tàng thư” gọi là “Lịch Rùa”. Sách “Thông Chí” của Trịnh Tiều xưa cũng đã ghi rõ về việc Thị tộc Việt Thường tặng Lịch Rùa cho vua Nghiêu .
Nếu tính từ năm thành lập nước Văn Lang đến nay thì lịch rùa chắc chắn cũng đã có từ gần 5000 năm trước.
Tại sao vào thời xa xưa đó mà người Việt Thường lại có thể giải thích được “việc trời đất từ khi mới mở đến sau này”? Rõ ràng họ đã có một nền văn minh “lịch toán” rất phát triển. Vì sao? Vì đó là yêu cầu của nền nông nghiệp đã được hình thành từ lâu đời (nghề canh tác lúa nước). Để dự báo thời tiết cho nông nghiệp bắt buộc họ phải phát triển lịch toán.
Và cơ sở của “Lịch Toán” này chắc chắn đã được khắc trên mai rùa đem sang tặng vua Nghiêu để cầu bang giao. Vì thế mà cổ sử Trung Quốc mới ghi lại là “…trên lưng rùa khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc trời đất từ khi mới mở trở về sau này”. Như vậy là người Việt Thường đã nghiên cứu Vũ Trụ rất sớm, đã đi sâu tìm hiểu Vũ Trụ từ khi mới sinh thành và đã đem những hiểu biết đó để làm lịch phục vụ nông nghiệp.
Lịch đã được khắc trên mai rùa mang sang cống vua Nghiêu chỉ có thể là hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư – cơ sở của Lịch toán xưa – mà sau này người TQ đã đổi tên gọi là Hà Đồ và Lạc Thư cho hợp với sự giải thích hoang đường và thần bí của họ.
Trải qua hàng ngàn năm bị dân tộc Hoa – một dân tộc du mục thiện chiến phương Bắc – tràn xuống xâm chiếm lãnh thổ, tiếp theo là hàng ngàn năm bị đô hộ và “đồng hóa” nền văn hóa cổ của cả một dân tộc bị ra sức xóa bỏ cùng với chữ viết “Khoa Đẩu”. Tuy nhiên cốt lõi của nền văn minh nông nghiệp phát triển rất sớm của dân tộc này cùng những thuần phong mỹ tục đi theo thì không thể xóa bỏ, nhưng đã bị “đồng hóa” vào nền văn hóa của kẻ chiến thắng, thành nền văn hóa Hán tộc, nhất là từ sau khi chữ Hán Nho được phổ biến. Rất nhiều tinh hoa của nền văn hóa này có nguồn gốc từ nền “văn minh Khoa Đẩu” và tiếp là nền văn hóa “Việt Nho cổ”. Tiêu biểu nhất là tư tưởng “Triết học Dịch” dựa trên hai bảng số Âu Đồ và Lạc Thư cổ cùng nền “Lịch Toán Can Chi” phục vụ nông nghiệp. Kẻ chiến thắng thống trị đã biến chúng thành sản phẩm văn hóa của chính mình. Là con cháu nòi giống Việt Thường xưa, sau gần 5000 năm lịch sử – tác giả tuy sự hiểu biết có hạn – cũng xin góp phần nhỏ bé của mình để khôi phục lại một phần nền văn minh Việt cổ – công lao của tổ tiên xưa – hy vọng trường tồn trong lòng dân tộc Việt hiện đại. Đây không phải là sự phủ nhận nền văn hóa vĩ đại của nước Trung Hoa suốt quá trình lịch sử lâu dài, mà chỉ là để góp phần chứng minh sự đóng góp quan trọng của nền văn minh Việt cổ trong nền văn hóa rộng lớn của các nước Á Đông mà Trung Quốc là đại diện hiện nay. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót, tác giả mong bạn đọc bổ cứu để làm sáng tỏ thêm nền văn minh Việt cổ của tổ tiên xưa đã bị thất truyền.