Nếp cũ
Nhiếp ảnh cũng như hội họa đều có thể loại ảnh phong cảnh, chân dung và tĩnh vật nhưng ở bên nhiếp ảnh, thể loại ảnh tĩnh vật rất ít người chụp, nhất là ảnh tĩnh vật – báo chí.
Ảnh: Phạm Đức Long
Tôi vẫn thèm được làm một cuốn sách ảnh tĩnh vật, xin nhắc lại là không phải ảnh tĩnh vật nghệ thuật để trang trí nhà cửa như kiểu ảnh hoa quả của Thái Lan bán đầy ngoài vỉa hè Sài Gòn, Hà Nội. Ảnh tĩnh vật như bức này chả khó chụp nhưng cách tìm và đặt vấn đề thì không dễ. Ảnh báo chí luôn đòi hỏi cái phông văn hóa của người chụp phải dày, vững. Tri thức và trải nghiệm sống của người chụp phải nhiều.
Mấy đồ vật ở bức ảnh này dường như ai cũng đã từng thấy, quen thuộc, chính xác là quen mắt, nhiều người, nhiều nhiếp ảnh gia đã nhìn nhưng không thấy, không chụp, không phát hiện ra được câu chuyện sau những vật tưởng như vô tri này. Họ không làm cho những đồ vật ấy cất tiếng. Như đã nói, nhìn bức ảnh này thì thấy rất dễ chụp, người không biết chụp cũng chụp được, ánh sáng tự nhiên, không đèn đóm, bố cục giản dị, máy không hất lên, không chúc xuống, ống kính không zoom, không wide… tất cả đều hướng đến cái mục tiêu tối thượng của nhiếp ảnh là trung thực. Nhìn sao chụp vậy, có sao nói vậy. Nhưng nói tức là những đồ vật tự nói chuyện của chúng chứ không phải là nhiếp ảnh gia nói, nói hộ bằng kiểu sắp xếp lại hoặc thêm mắm thêm muối để cài cắm, áp đặt ý tưởng nọ kia vào những đồ vật đó. Bàn kỹ một chút như thế bởi vì có một số người chụp mắc bệnh này. Trước hiện thực, nhiếp ảnh gia chỉ là người phát hiện vấn đề, hướng ống kính vào đó và để hiện thực kể câu chuyện của mình, người chụp tuyệt đối không được “xỏ nhầm giày” không được kể thay. Chỉ như thế, bức ảnh mới có sức thuyết phục. Lưu ý đây không phải là một bức ảnh cổ, Phạm Đức Long mới chụp năm 2007, hai cái đèn dầu với phần bầu đèn bằng gốm và cái vỏ phích nước Rạng Đông bằng nhựa là những sản phẩm đời mới. Nhưng lạ thay, vẫn có một điều gì đó cũ kỹ và một cảm giác tĩnh lặng trùm lên bức ảnh. Thời gian dường như ngưng đọng. Thời gian trôi qua ngôi nhà này như chậm lại. Từ đèn dầu, phích nước đến cái lọ hoa gốm Bát Tràng này là những đồ vật mới, mới nhưng làm kiểu cũ, làm bằng chất liệu mới nhưng design thì vẫn cũ. Mấy đồ vật này, mấy đồ vật mới – cũ này là những đồ ít tiền, cho người bình dân và cho những người cũ, những người kiểu cũ, những người già, những người còn giữ nếp cũ. Vào những gia đình kiểu cũ bao giờ cũng thấy có phích nước sôi để sẵn trong bếp, mấy cái đèn dầu, mặc dù bây giờ đã có nhiều loại phích dùng điện, bây giờ ở thành phố ít khi bị mất điện nhưng nếp cũ là vậy, giản dị, bình lặng và an lành. Thời trước cuộc sống đầy bất trắc nên chỉ những người cũ mới có thói quen đề phòng thế. Không phải tình cờ mà tác giả để cho một đồ vật cũ duy nhất (cũ đúng nghĩa) nằm ở trung tâm của bức ảnh, đó là bức tượng bằng thạch cao, chân dung nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven (1770-1827).
Suốt mấy chục năm chiến tranh và thời hậu chiến nghèo đói ở bất kể một hiệu sách, một cửa hàng văn hóa phẩm nào cũng bày bán các bức tượng như thế này, tượng được đổ bằng thạch cao, giá rẻ, bán nhiều, nhiều người mua, ai cũng mua được. Tượng Beethoven, Chopin, Mozart… Lạ thật, thời chiến tranh cận kề sống chết, thời hậu chiến đói nghèo thì văn hóa nền của toàn xã hội lại cao, thời bây giờ nhà cao cửa rộng, xe cộ bóng loáng xanh đỏ; váy váy quần quần nườm nượp thì văn hóa lại thấp. Thời trước mọi người luôn tôn trọng và hướng đến những giá trị tinh thần cho dù nghèo (nghèo vật chất). Nhìn lại rồi so sánh với những gì đang diễn ra hôm nay mà thấy đau. Cả một xã hội chen chúc nhau, dẫm đạp lên nhau chạy theo vật chất, tôn thờ vật chất. Tuy đã giàu hơn, bát cơm đã đầy hơn, miếng thịt đã to hơn nhưng giàu vật chất mà nghèo tinh thần thì giàu làm gì?