Nét chì của Tiệp: Cảm quan Đông và Tây
Trong trạng thái thăng hoa, nghệ thuật có thể giúp bản ngã hữu hạn của người nghệ sĩ lột xác và chạm đến sự rung động vô hạn. Nhưng để đi từ hữu hạn đến vô hạn, bản thể cần cơ duyên tìm thấy con đường đi phù hợp để tự khai mở chính nó và làm tuôn chảy dòng năng lượng nội tâm mạnh mẽ tiềm ẩn bên trong.
Với nghệ thuật vẽ chì, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp thử chinh phục một con đường kỳ lạ và riêng biệt. So với các chất liệu khác, chì thiếu sự bùng cháy và loang chảy, nhưng đổi lại lợi thế là sự linh hoạt, có lúc nó cho phép sự minh giản rành rọt, có lúc lại tàng ẩn những sắc thái mong manh ẩn hiện.
Khởi đầu từ 2014, series tranh vẽ chì của Nguyễn Xuân Tiệp* đã phát huy tối đa các ưu thế của chất liệu. Ông dùng sự rạch ròi của nét chì để thúc đẩy tinh thần Lập thể qua các khối và diện vặn vẹo xung đột. Đồng thời cũng dùng cả những nét đan cài li ti để tạo sắc độ mờ ảo, gần với cảm quan Á Đông trong quốc họa Trung Hoa.
Con đường của nét vẽ Lập thể gắn với cảm quan Hiện đại của phương Tây, nó giúp bản thể lột xác khỏi vẻ bề ngoài từ một điểm nhìn, cho phép dòng năng lượng nội tại được tự do xung phá, không ngừng lật mở các khả năng và bẻ vỡ mọi khuôn khổ. Ở chiều ngược lại, con đường của nét vẽ người họa sư Trung Hoa mang tinh thần trầm mặc, ghìm giữ năng lượng nội tâm sau những tầng tầng lớp lớp không gian đậm nhạt hư ảo, được nén lại trong khoảnh khắc cô đọng, như có như không.
Hai con đường theo những kênh đối ngược đều có thể chạm tới sự rung động vô hạn, một bên là dòng chảy năng lượng ào ạt tưởng chừng tuôn trào tràn lấp ra ngoài khuôn khổ khung tranh, phía bên kia là dòng trôi tự tại thản nhiên, thấu hiểu vạn sự không thể vượt ra ngoài vòng quay của tạo hóa.
Chính sự đan xen của những dòng chảy hoàn toàn khác biệt như vậy tạo nên khởi đầu dồi dào năng lượng và hứng khởi cho series tranh chì của Nguyễn Xuân Tiệp. Tuy nhiên, với bản năng quyết liệt, nhất định không thỏa hiệp, ông không tự thỏa mãn với cái đẹp chiết trung, dù nó đầy cuốn hút. Hệ quả là ông buộc cả hai dòng chảy phải giao thoa với nhau từ sâu trong bản chất. Điều ấy khiến một cách tự nhiên, chúng chuyển hóa lẫn nhau. Tinh thần Lập Thể trở nên thuần dưỡng hơn, tính nhịp điệu dần thay thế cho tính đối kháng gay gắt. Ở chiều ngược lại, các sắc độ đậm nhạt mờ ảo gắn với cảm quan Á Đông trở nên minh giản hơn, phơi bày đường đi của từng nét vẽ. Theo đó, hai dòng chảy đã thực sự hòa thành một, cho phép năng lượng luân chuyển tự do trên khắp mặt tranh bằng một hệ thống nét vừa đa sắc thái, vừa nhất quán, trở thành công cụ mạnh để biểu đạt bản ngã của tác giả.
Người nghệ sỹ nén năng lượng lại bằng những nét đậm dày đặc xoáy tròn hoặc chải song song, có lúc lại buông lỏng ra bằng những nét vuốt mờ dần miên man. Dòng năng lượng lưu chuyển khi nén lại, khi nhả ra, có lúc được chốt vào trong ánh mắt nhân vật, nơi cũng có thể là cửa sổ mở ra một chiều không gian khác. Những sự lưu chuyển ấy tạo thành tính giai điệu, kết hợp với tính hợp âm là sự phối hợp đồng thời của những sắc thái tương phản cao độ, giữa những nét xác quyết đanh gọn với những chùm nét vần vũ dao động mãnh liệt, có khả năng tạo ra những hình ảnh hàm súc với biên độ rung động cảm xúc mạnh mẽ.
Hệ thống nét chì linh hoạt và độc đáo ấy của người nghệ sỹ hẳn có nhiều nguồn ảnh hưởng, từ cả Đông và Tây. Dường như có cả tinh thần của nét chạm khắc Việt truyền thống, đâu đó có nét họa tiết rồng thời Lý. Song sau tất cả những ảnh hưởng ấy, nó vẫn trở thành một thực thể đứng rành rẽ, độc lập, và đầy thuyết phục bằng khả năng gợi mở vô vàn các khả năng biểu đạt cảm xúc.
Nhưng mặt trái của một hệ nét chì luôn rạch ròi khúc chiết là sự tiêu hao năng lượng tinh thần. Không tự cho phép mình dễ dãi nương náu vào sự rung nhòe, loang chảy, người nghệ sỹ buộc phải thường trực tự đối diện mình trên trang giấy trắng, đưa ra những lựa chọn trên con đường không ngừng nghỉ, vừa đi tìm mình vừa tránh lặp lại mình. Trên khuôn khổ tác phẩm càng lớn, năng lượng tinh thần tiêu hao càng khổng lồ, đặc biệt càng gian nan để biểu đạt những cảm xúc mãnh liệt.
Với một bản ngã vừa sẵn sàng tự đối diện, vừa không chấp nhận sự thỏa hiệp, việc tìm cách vượt qua chướng ngại tưởng chừng bất khả thi là một phần của điều khiến Nguyễn Xuân Tiệp đích thực là mình. Cũng bởi vậy, những khoảnh khắc xuất thần mà ông vượt thoát được trong series lần này lại càng đáng giá. Như Camus từng nói, “hành trình gian nan chinh phục những đỉnh núi, chỉ vậy thôi cũng đủ lấp đầy trái tim một con người”.□
——–
* Loạt tranh gồm 63 tác phẩm do họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp sáng tác từ 2014 đến 2022, được bày tại triển lãm cá nhân NGỰA. NGỰA–NGƯỜI. NGƯỜI-NGỰA trong thời gian 2-9/10/2022, tại không gian triển lãm Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.