Ngày Tết nói chuyện Phúc Lộc Thọ

Có lẽ con người là con vật duy nhất trong muôn loài có được ý thức về tự thân tức là nhận biết ra vị trí của chính mình trong vũ trụ1. Người xưa vì vậy nói rằng: "Nhân linh ư vạn vật" (con người linh thiêng hơn muôn vật).

 Chữ “linh” trong lối chữ Nho tượng hình và biểu ý gồm bộ “vũ” là mưa, hợp với ba chữ “khẩu”, tức nhiều cái miệng cầu khấn, cùng với dưới là chữ “vu” có nghĩa là người thầy pháp tức ông đồng bà cốt làm việc thông thương giữa người thời nguyên thủy bộ lạc và trời đất. Linh thiêng là lối đọc trệch đi của chữ “linh thính” tức là nghe ra sự cộng thông của xã hội nông nghiệp cầu khấn mưa cho vụ mùa tốt tươi với cõi tự nhiên. Như vậy là với con người nguyên thủy sự tôn trọng nhất được dành cho đời sống và nền tảng của đời sống là trời đất, không thể tách lìa với hoạt động kinh tế cụ thể của cộng đồng. Mọi thứ linh thiêng khác, tách lìa với khung cảnh tự nhiên và kích thước đích thực của đời sống con người chỉ là sự tha hóa và đồi trụy của tầng lớp thống trị hay quyền lực thế

 
 Ba ông: Phước, Lộc, Thọ

Ý thức về tự thân, về cộng đồng, và về trời đất tức khung cảnh sống chính là cái mốc đánh dấu con người vượt thoát khỏi lối sống bản năng, hồn nhiên và im lìm của muôn loài; sự vượt thoát ấy từ cõi hỗn độn (chaos) sang một trật tự vũ trụ (cosmos) của không và thời gian. Cách nay vừa đúng 100 năm thuyết tương đối của Albert Einstein lần đầu tiên (1905) dùng vật lí toán học để chứng minh sự tương tục không-thời gian trong một trường thống nhất và mở ra một kỉ nguyên mới để con người khám phá không gian và đặt định những lí thuyết về hình thành vũ trụ vô tận nhưng có những chiều kích và hạn độ minh bạch, có thể tính toán được, có thể hiểu được bằng bộ óc của tiểu vũ trụ (microcosmos) là con người nhỏ nhoi nhưng có ý thức. Đó là phép lạ linh thiêng và huyền bí nhất, cũng là sự nhiệm màu tự nhiên, đời thường nhất.
Một trong những cảm thức nền tảng nhất của con người là cảm thức về thân phận của mình mà vị sáng lập Phật giáo là Đức Thích ca đã tóm gọn trong chân lí thứ nhất (Đệ nhất Diệu đế) tức “Đời là bể khổ”, với vòng khung “sinh, lão, bệnh, tử” (sinh ra, già nua, ốm đau, và chết đi). Tuy nhiên, chính nhờ có đau khổ mới nảy sinh ý thức. Lầm than và vinh quang chỉ là hai mặt không thể tách lìa của kiếp người. Có đau khổ mới biết thương yêu (từ bi) và mới có được nỗ lực giải thoát khỏi khổ đau (giác ngộ). Từ bi được dịch sang tiếng Anh bằng từ “compassion” có nghĩa là “cùng đau khổ với”. Giác ngộ được dịch là “enlightenment” có nghĩa là “đem vào sáng tỏ”. Ngày nay khoa nhân học và khảo cổ học thường nhận ra một cộng đồng sinh vật là thuộc cõi người hay còn ở cõi thú là nhờ dấu vết của việc thờ kính hoặc ma chay cho người chết; đánh mốc cho sự ý thức về cái chết và thời gian ngắn ngủi sống với nhau trên cõi đời, qua những nấm mộ từ thời tiền sử.
Nấm mộ hoặc hài cốt dù được bảo tồn trong dạng nào cũng là những vật hữu hình, nhưng còn những tình tự, những ước mơ, những nguyện vọng thì sao, ai nào thấy được. Những cái đó chúng ta chỉ còn cách tìm hiểu một cách gián tiếp qua ngôn ngữ, văn bản, hoặc trong những tranh vẽ, tượng khắc bằng gỗ hay bằng đá, bằng kim loại.
 


 Chú thỏ

Tranh khắc gỗ (mộc bản) truyền thống của dân tộc ở làng Đông Hồ (Bắc Ninh) hoặc ở phố Hàng Trống (Hà Nội) thường được sản xuất và bán trong dịp tết ở các chợ cho dân chúng mua về trang hoàng ngày xuân như để bộc lộ những ao ước, nguyện vọng mộc mạc suốt năm: mùa màng tốt tươi, đồng ruộng thảnh thơi, trâu no lợn mập, gà vịt béo tốt, gái trai đầy đủ, vinh hoa phú quý, sống lâu trăm tuổi. Bên cạnh đó là sự ghi khắc những sinh hoạt vui chơi như ngồi trâu thổi sáo, hái dừa, đánh ghen; những thẩm mĩ nghệ thuật và văn học như tranh tố nữ, cầm kì thi họa, trúc cúc mai lan, tranh Kiều, tranh Lục Vân Tiên; những tranh danh nhân lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn…; và những tín ngưỡng dân gian như tranh ngũ hổ, tranh đạo nội Tam phủ, Tứ phủ, Bà Chúa Thượng ngàn, Bà Mẫu Thoải…v.v.
Một trong những bộ tranh thờ và được trí tuệ dân gian lưu giữ phổ biến nhất là bộ tranh tam đa, tức bộ Phúc, Lộc, Thọ.
Tam đa và ngũ phúc là hai công thức quy kết ngắn gọn quan niệm bình dân về ước vọng hạnh phúc đời này.
Ngũ phúc (năm điều phước, tức tốt lành) là: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khoẻ), và ninh (an toàn).

Trong Kinh thi tức Thi kinh là bộ sách do Khổng tử và các đệ tử san định, sưu tập và dẫn giải 305 bài gồm phong dao bình dân (phong) cũng như những ca từ của giới quý tộc (nhã và tụng) của các nước nhỏ từ 2500 năm trước ở Trung Quốc, thì ngũ phúc gồm: phú (giàu có); an ninh (yên lành); thọ (sống lâu); du hảo đức (có đức tốt); và khảo chung mệnh (vui, hết tuổi trời).
Tam đa (ba cái nhiều) là tài (tiền), lộc (ơn vua), và tử tôn (con cháu). Một lối sắp xếp khác là tử (con trai), tài (tiền), và thọ (sống lâu). Tuy nhiên cách gọi phổ biến nhất vẫn là: phúc hoặc phước (những sự tốt lành), lộc (ơn vua, ơn trời đất), và thọ (sống lâu).
Như thế chúng ta thấy rằng bộ Tam đa chỉ là sự rút gọn của bộ Ngũ phúc. Hai thành tố bị giản lược là khang và ninh tức là sức khoẻ và an toàn có thể nhập vào với thành tố thọ vì phải có sức khỏe thì mới sống lâu được, và có lộc thì sẽ có yên lành.
Quan niệm phúc (tốt lành) gần như lại mở rộng đến mức độc chiếm, đi tiên phong trước cả lộc và thọ, vì tốt lành là phải có cả sang cả sống lâu. Quan niệm phúc cũng bị nhòe và đồng hóa với phú (giàu có) vì trong thời xưa phong kiến làm sao có thể giàu có nếu không được hưởng lộc thánh ơn vua và an toàn trong phép nước. Phú và Tài cũng có thể thay thế cho nhau khi xã hội sử dụng đồng tiền trong trao đổi thay cho hiện vật.

 
 Ba ông Phúc, Lộc, Thọ

Quan niệm lộc chuyển hóa từ ơn mưa móc của trời đất tự nhiên, của thần thánh, sang triều đình quân chủ, rồi trở thành lương bổng triều đình, địa vị xã hội, giai cấp kinh tế.
Quan niệm thọ có tính cách cá nhân cũng dần dà thay thế cho quan niệm về tử tôn tức là có con trai và cháu trai đích tôn nối dõi khi chế độ gia trưởng và đạo hiếu giảm bớt tính cách độc tôn chuyên trị. Sống lâu là hưởng thụ tuổi trời trong đời mình. Có con trai và cháu đích tôn nối dõi là kéo dài thọ mạng của họ hàng, dòng giống.
Theo sách Bách khoa thư Văn hóa Cổ điển Trung Quốc2 thì: “Trong ba ngôi sao Phúc, Lộc Thọ thì sao Thọ xuất hiện sớm nhất. Đời cổ gọi sao này là Nam cực lão nhân, cai quản vận nước dài hay ngắn, sau đó chuyển biến chuyên cai quản về tuổi thọ của loài người, nhờ vậy gọi là Thọ tinh (sao Thọ) và lập miếu thờ tự. Sao Lộc là thần xuất hiện sau đời Đường Tống. Theo sách [Tân] Đường thư chép, thứ sử Dương Thành [ở] Đạo châu[,] triều Đức tông nhờ trị dân có đạo đức, người ở đó lập đền thờ; đó là Phúc thần bản địa. Đến đời Nguyên, Minh bị lầm là người Hán Võ đế, phong tục tế lễ phổ biến khắp thiên hạ, sau đó coi như chuyên giữ về Lộc. Tế lễ Phúc thần đã có nguồn gốc từ rất sớm trong dân gian, nhưng nhiều truyền thuyết khác nhau, có người mượn hoa văn chữ “Phúc” thành hình con dơi bằng cách hài âm tượng trưng cho cát tường. Có người cho Chân Võ đại đế là Phúc thần. Dân gian lại có thuyết “Thiên quan tứ phúc” [quan trời ban phước]. Nhân đó gần đây dần dần nhất trí coi “Thiên quan” là Phúc thần, cùng phối hợp với hai thần Lộc, Thọ. Đến đây hình tượng ba ngôi sao ba thần Phúc Lộc Thọ mới chính thức xác lập”. (tr. 768).

 
 Phú Quý – Tranh Đông Hồ

Phú Quý

‘Thọ tinh, đời cổ có hai nghĩa: một chữ tinh tú trên trời thuộc Nhị thập bát tú tức sao Giác và Cang ở phương Đông; một chỉ sao Nam cực lão nhân ở Tây cung. Nghĩa thứ nhất chỉ dùng trong thiên văn học, chẳng qua vì đó là sao đứng đầu các sao nên có tên là Thọ. Còn đến đời Tần và sau đó dựng nên các miếu thờ Thọ tinh thì đây là Nam cực lão nhân. Hình tượng Thọ tinh được thờ gần đây đều có dáng một ông tóc trắng, chống cây trượng cong queo với trán cao đầu dài.
Thọ tinh bổn mệnh: bổn mệnh một người thuộc năm tháng ngày theo can chi 60 Giáp Tí. Người ta sùng bái tế lễ Thọ tinh trong ngày bổn mệnh ấy để cầu bình an. (tr.724).
‘Tài thần: Thần chiêu tài tiến bảo [gọi tiền dâng của báu] được dân gian Trung Quốc cung phụng. Tục thờ thần tài là Triệu Công Minh, cũng gọi là Triệu nguyên soái, Triệu huyền đàn. Tương truyền là người Chung Nam Sơn, tu hành đắc đạo, có thể trừ tà khử bệnh, cầu tiền bạc trong buôn bán. Dân gian cũng chia văn võ tài thần: võ tài thần tức Triệu Công Minh, hình tượng đầu đội mũ sắt, một tay giơ roi sắt, một tay cầm ngọc quý, mặt đen râu rậm, cỡi trên cọp đen, mặc nhung y; văn tài thần là Phạm Lãi thời Xuân thu – Chiến quốc. Phạm giúp Câu Tiễn phá Ngô rồi cỡi thuyền nhẹ ra biển, đổi tên tuổi, buôn bán giàu có, hiệu là Đào Chu công [ông đồ gốm], người làm nghề buôn bán phần nhiều sùng bái ông. Ngoài ra còn có nơi thờ Quan đế [Quan vũ, tức Quan Vân Trường] làm tài thần, lại có nơi thờ Ngũ lộ thần làm tài thần. (tr.764).
Theo tài liệu trong sách Dân gian thần tượng3 thì Phúc thần hay Phúc tinh là Tuế tinh (sao Thái tuế chủ về năm) trong 28 tinh tòa, tức Mộc tinh, 12 năm quay hết một vòng quanh mặt trời. Nhân cách hóa sao này là thứ sử ở Đạo châu là Dương Thành xin vua tha thuế cho dân nên được gọi là Phúc thần của địa phương, sau lan ra toàn quốc. Còn Lộc thần là do Lộc tinh – căn cứ vào một trong 8 sách của bộ Sử kí do Tư Mã Thiên soạn cách đây 2000 năm là “Thiên quan thư” thì Lộc tinh là vì sao thứ 6 trong tinh toà Văn xương quan, chuyển quản về công danh lợi lộc. Nhân cách hoá là Trương Viễn Tiêu là người sống đời Ngũ đại ở Mi sơn tỉnh Tứ Xuyên, tu tiên đắc đạo ở núi Thanh Thành trừ được tai hoạ cho dân. Có thuyết khác lại cho rằng thần tượng “Trương tiên tống tử” là Hậu Thục Hoàng đế tên là Mạnh Sưởng bên cạnh tượng thờ có một em bé để ban con cho người cầu xin. Nếu giàu có là giấc mơ của mọi người, nhất là nông dân, thì quan lộc công danh là giấc mơ của toàn thể lớp người học trò sĩ tử, và sống lâu là hi vọng của toàn thể loài người. Thọ thần hay Thọ tinh gốc từ hai chòm sao Giác và Cang, xưa nhất trong hai 28 chòm sao nên gọi là Thọ. Người ta cho rằng Thọ tinh xuất hiện thì thiên hạ thái bình, nếu không thì có đao binh nên từ đời Chu, đời Tần nhà nước đều chủ trì điển lễ trọng đại tế tự, mãi tới đời Minh mới không có quy định đó. Thọ tinh nhân cách hoá là một ông già tức Nam cực tiên ông, mắt mi từ thiện, đầu hói và nhọn, râu dài, cầm gậy và trái đào.
Nói chung ước mơ của dân gian là từ ngàn xưa, sự nhân cách hoá và gán ghép cho các nhân vật lịch sử là về sau, với chủ ý kiểm soát của triều đình phong kiến hoặc tô vẽ của giới văn nhân nho sĩ áp đặt lên dục vọng hồn nhiên của nhân dân. Chúng ta không nên bị huyễn hoặc và lệ thuộc vào những thêu dệt xuyên tạc của đời sau.
Phúc Lộc Thọ là những nguyện vọng của người dân xuyên qua suốt lịch sử nên có giá trị của những biểu tượng (symbols) hoặc nói theo tâm lí chiều sâu của Carl Gustav Jung thì đó là những sơ tượng, những nguyên mẫu (archetypes) của con người đại đồng ở muôn thuở muôn nơi. Qua quan niệm hoàng đế hay quân vương là người cai quản chư thần và có thể dùng bằng sắc để phong thần trong toàn quốc. Các quan niệm này do đó bị lịch sử hóa và nhân cách hóa thành những nhà tu đạo giáo đắc đạo thành tiên hoặc những văn quan, võ tướng chịu sự sai phái của thiên tử (con trời). Cung điện trên trời của Ngọc hoàng Thượng đế và thập điện Diêm vương dưới địa phủ đều chỉ là phóng chiếu theo mô thức của triều đình phong kiến mà thôi. Qua trên 2500 năm của lịch sử thành văn, những biểu tượng và nguyên mẫu ấy mang một lớp sơn phết của phong kiến nhưng cốt lõi vẫn là những khát vọng có thực và tha thiết của con người.
Tính tượng trưng của các biểu tượng còn có thể thấy trong cách hài âm: Phúc là điều lành, hài âm với phúc là bụng (to), với bức là con dơi. Chữ phúc còn được dán ngược tại cửa nhà để quan trên trời trông xuống thuận chiều mà ban bố. Lộc là ân thánh của trời đất, triều đình hài thanh với lộc là hươu nai, hoặc lộc là chồi non nên giao thừa và ngày tết dân chúng có tục lệ đi hái lộc tức cành cây non và đến đình chùa miếu xin ban ơn. Trong tục này ngày xưa đưa con người tiếp giáp với cây cỏ ngày xuân và là dịp cho trai gái hẹn hò gặp gỡ trong khung cảnh tự nhiên. Tuy nhiên, ngày nay khi con người quá đông đúc và cây cỏ quá thiếu hụt thì sự lạm dụng tục hái lộc đầu xuân có thể gây ra sự phá hoại môi sinh – lầm hiểu ý nghĩa tượng trưng của nó, không khéo trở thành giặc. Tốt nhất nên chuyển thành tập tục trồng cây non trong dịp xuân, nhất là với giới trẻ thanh niên, học sinh. Thọ là sống lâu nên hình ảnh vị tiên ông râu dài cầm trái đào có lông tơ và có khía tượng trưng cho cơ quan sinh dục của phái nữ cũng như đầu hói và cây gậy tượng trưng cho cơ quan sinh dục của phái nam. Âm dương hài hoà là thọ mạng bền lâu. Còn Thần tài và Thổ địa cũng là những biến thiên và rút gọn nhất của tam tinh Phúc Lộc Thọ, vốn đã thường được kết hợp chung trong một bức tranh. Tài thần gồm cả hai ban văn võ nhưng khi hết thời của triều đình phong kiến (Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi 1911 và Việt Nam sau biến cố thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945) thì Thần tài chủ yếu chỉ là một ông tiên hay ông quan tay cầm đồng tiền hay đĩnh bạc hình thoi như con thuyền ban xuống cho người cầu khấn.
Ước mơ rất hồn nhiên của người bình dân nước ta có gắn bó hiện thực với cuộc sống cụ thể hàng ngày của kiếp này, đời này. Dân Việt Nam không mơ ước viển vông đến một cõi Thiên đàng, đến một đời sau không ai kiểm chứng được như trong những tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo tức Islam). Dân Việt căn bản không chấp nhận hi sinh hạnh phúc trong tầm tay để chết tuẫn đạo cho một cõi không tưởng hay dùng thuốc an thần bằng một lời hứa hẹn bất tử mơ hồ trong đời sau cõi chết. Giấc mơ đó thể hiện rõ rệt trong mâm cúng ngày tết của người dân gồm trái na tức mãng cầu (trong cách phát âm Nam bộ được đồng hóa với mãn cầu  tức thỏa đáp sự mong mỏi), trái dừa (phát âm đồng hóa với vừa đủ), trái đu đủ (tức đầy đủ), và trái xoài (đồng hóa với xài tức tiêu dùng). Việc này cũng đồng nghĩa với lời cầu nguyện của Jesus: “Xin cho hàng ngày dùng đủ” trong Kinh Lạy cha; cũng như thành ngữ “tri túc tiện túc” (biết đủ tức là đủ) của nhà Nho chấp nhận “an phận thủ thường” (yên với phần số, giữ cái thường hằng).
Không lạ gì khi ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn (Tín Nghĩa ngân hàng) trước 1975 đã chọn ông thần tài làm biểu tượng và khu buôn bán sầm uất nhất của người Việt ở nước ngoài mang tên Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) ở bang California, Hoa Kì cũng mang tên và trưng bày cả tượng của ba vì sao ước mơ: Phúc Lộc Thọ
——————————————————————————-
1 Thiều Chửu (1942), Hán Việt tự điển, Bản in lại của Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999, tr. 128. “Xưa đi nay lại gọi là vũ, như nói vũ trụ suốt gầm trời. Vũ là nói về khoảng hư không (không gian); trụ là nói về khoảng thì giờ (thời gian) nghĩa là không gì là không bao quát hết cả ở trong đó vậy”‘.
2 Nguyễn Tôn Nhan (biên soạn), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.768.
3 Tôn Kiến Quân (chủ biên), Dân gian thần tượng (2001), là sách chú giải các tranh và tượng thờ của dân gian Trung Quốc, Thiên Tân nhân dân xuất bản xã, Thiên Tân, Trung Quốc, tr. 100-117.

Nguyễn Tiến Văn 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)