Ngày vô tích sự.
Có những ngày như thế, vô tích sự. Tôi ngồi ngoài quán cà phê từ sáng đến trưa, chuẩn bị ngồi từ trưa đến chiều thì ông chủ quán đi ra tay cầm một xấp giấy dày cộp. Ông bảo: “Lịch đấy. Định mỗi ngày mỗi xé một tờ, nhưng không làm được. Quay đi quay lại hết một tuần”. Thấy tôi không có việc gì làm, ông đưa cho xấp giấy bằng bàn tay ấy, rồi vào trong.
Ngày 11 tháng 3: Khởi nghĩa Ba Tơ (1945). Ngay lần đầu tiên nghe cái tên này tôi đã có cảm giác lạ lùng. Ba Tơ. Âm phát ra cứ lãng đãng như sương. Lần đầu tiên nghe từ ấy cũng là thời gian mà mỗi sáng mở mắt lại thấy nhiều điều lạ lẫm. Không chỉ đám trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng phải tập làm quen với nhiều điều mới. Ngày nào đến trường cũng được hát. Hát vào đầu buổi học. Ra chơi giữa giờ, chạy nhảy mồ hôi đầm đìa vào, cũng hát. Mặt đỏ phừng phừng. Anh Kim Đồng ơi! anh Kim Đồng ơi! Tuy anh xa rồi. Gương anh sáng ngời. Đội ta cố noi… Lúc ấy tôi chỉ như thằng bé đang đánh giày ngoài kia. Nhưng đó là thời người ta bỏ giày để đi dép, những đôi dép mòn vẹt, đứt được khâu lại bằng những sợi thép. Một cây kim nóng soi lỗ, luồn dây. Nghề đánh giày suy tàn, cách kiếm ăn phổ biến nhất là bán thuốc lá dạo. Lắm bạn cùng lứa bỏ học, suốt ngày đeo hộp gỗ trước ngực, nắp bật lên bày ra một quầy thuốc lá đen không đầu lọc; Điện Biên, Đồ Sơn, Tam Đảo… Cha tôi rất rõ ràng; không đủ gạo ăn, áo rách vai quần thủng đáy, nhưng lúc nào cũng chỉnh chu áo bỏ trong quần. Một tuần hai lần cha chở tôi trên chiếc xe đạp xọc xạch đi học đàn. Cây đàn cao hơn đầu đứa bé. Giá lúc ấy tôi có thể thuyết phục được ông điều mà thực tế sau này chứng minh rõ ràng, rằng, tôi hoàn toàn không có khiếu âm nhạc thì hai cha con đã tiết kiệm được bao nhiêu là thời gian.
Phía dưới bên trái lịch ghi: Tháng Giêng (Đ), 23. Năm Đinh Hợi. Tháng Nhâm Dần. Ngày Giáp Thìn. Giờ Giáp Tí. Trong những thông tin ấy tôi chẳng hiểu thông tin nào. Ngoại trừ con số 23. Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.
Tôi không phải là người mê tín dị đoan, dù vẫn hay xem ngày. Đường từ nhà tôi muốn vào phố phải ngang qua chợ Bưởi, chợ này có những phiên đặc biệt chuyên bán cây cối chim chóc vào mồng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng. Xem lịch để lạc quan hay rầu rĩ chút ít nhưng rồi cũng phải đi vì không có đường nào khác, dù sẽ phải chịu cảnh chen lấn, sẽ phải ghìm cơn bực tức khi đàn bà ngắm cây đàn ông ngắm chim tràn cả ra đường, biến phố thành làng, xem tiếng còi xe giận dữ không hơn gì tiếng chim ríu rít trong lồng. Hay hai câu thơ trên chẳng phải kinh nghiệm hun đúc gì, mà chỉ là bài tập gieo vần lục bát của người xưa vì ngộ nghĩnh nên lưu truyền mãi? Nhưng với bà ngoại tôi thì mọi việc phải nhất nhất tuân theo lời cổ nhân. Vào những ngày ấy bà không đi ra ngoài, ở nhà chơi bài. Hàng xóm cũng xem lịch để đến nhà phục vụ bà món cờ bạc, hy vọng vét sạch túi bà cụ một phen dù lần nào cũng không thành. Những ngày ấy cả xóm rôm rả. Dù sao đi nữa, hai câu thơ cũng đã vượt ra ngoài chức năng thi ca hay khuyến cáo để trở thành thước đo con người; đo tính cách, đo tuổi già, đo sự ngạo mạn, đo sự tự tin, đo sự yếu đuối… Cứ xem cách ứng xử theo hai câu lục bát ấy, có thể biết ngay anh là người như thế nào.
Tận cùng góc trái, có một hàng chữ rất bé, li ti: Nhiệt độ trung bình/tháng – Hà Nội 20oC, Đà Nẵng 24,1oC, TP.HCM 27,9oC. Trời bắt đầu nóng thì điện cũng bắt đầu cắt. Mất điện từ sáng đến tối mịt. Mọi người được phép ra khỏi văn phòng, tùy nghi di tản. Nay thì văn phòng nằm trong chiếc máy tính xách tay. Cứ tìm quán cà phê nào có biển Wi-fi mà vào, gọi một ly nước tiếp tục công việc cho đến hết ngày. Tiện nghi thế nên lớp trẻ hoàn toàn không có cảm giác gì về chuyện điện đóm, khác hẳn ấn tượng về cảnh cúp điện ba mươi năm trước nay nhiều người vẫn nhớ. Bạn tôi thuộc loại người tuy lạc quan nhưng vẫn có trách nhiệm; nghĩ rằng mươi năm sau chuyện cúp điện có thể sẽ thành truyền thuyết, nên cần phải tạo ấn tượng để con không quên ngày hôm nay bằng cách sắm cho cậu bé một bể cá. Cá sống nhờ ô-xy bơm vào bằng mô-tơ điện. Mất điện một lúc, cá thoi thóp. Thằng bé lo xanh mặt, xin mẹ cho nghỉ học, cắm ống hút thổi hơi phù phù vào bể. May thay, chú hàng xóm mua giúp cho cái bơm chạy pin, nhờ thế mà cả người lẫn cá đều có khí mà thở. Nhưng nuôi cá là tự nguyện, chứ phải chạy xe kiếm sống ngoài đường vào giờ mất điện thì thật phiền toái. Không đèn giao thông, va quệt, cãi cọ. Thiếu điện thì cho cúp điện, đốt pháo lãng phí thì cấm pháo, chấn thương xe máy thì buộc đội mũ bảo hiểm… Phạt. Cắt. Cúp. Cấm. Buộc. Anh quản lý chỉ chọn thứ đường một chiều, dễ đi. Mất mát hay bất tiện phía sau không cần biết. Nhìn xa chỉ đến tầm như thế thì thể nào hết điện rồi đến nước, thiếu sẽ vẫn sẽ tiếp tục thiếu. Chấn thương không kiểu này cũng kiểu khác sẽ có cách đến với người. Ở tầm ấy bàn gì đến chuyện văn hóa hay truyền thống, vốn vô hình vô ảnh trong cái nhìn vô cảm, để mất thêm thời gian. Chả trách không khí Tết nức lòng người qua hàng thế kỷ chỉ trong mươi năm đã tàn tạ, chỉ thêm một thế hệ nữa sẽ trở thành thứ di sản văn hóa mồ yên mả đẹp.
Dòng cuối cùng của tờ lịch thật đơn giản: Không tái tạo đàn thủy cầm. Câu này có âm hưởng thanh bình. Vào một tuổi nào đấy có lẽ tôi sẽ tìm về một nơi hoang vắng như thế, tạo cho mình một thế giới ít người. Thủy cầm ở đây có lẽ là bạn bè giống loài cá tôm, thứ tôi không rành rẽ. Nhưng gia cầm thì với tôi đã từng một thời thân thiết tột cùng. Mỗi lần về làng biển Hải Thịnh, tôi thích ghé vào cái chợ con, ngắm trong góc chợ lầy lội ấy một đàn gà vịt mới nở lông vàng chóe, mỏ xinh xinh, thấy nhẹ cả lòng. Khởi đầu của một đứa trẻ nào cũng như thế, lăng xăng bên thú nuôi trong nhà. Mối liên hệ ấy không có đối thoại, nhưng hiểu nhau và nâng niu đến cùng. Thế mà theo thời gian mọi chuyện cứ xấu đi mãi, người mỗi ngày một xa rời những gì mình yêu quý, bám riết lấy đám đông đầy những người lạ rồi phiền muộn thêm. Loay hoay quay cuồng, để đến một ngày ngồi uống cà phê vỉa hè chợt nhận ra mình đang ở lưng chừng không đến được với bờ bến nào. Không có được háo hức của đứa bé đang chập chững tập đi kia, cũng không có được sự thong dong của ông già ngáp vặt trên ban công chung cư đối diện.
Trời đã tối hẳn. Tôi không biết làm gì với những tờ lịch còn lại. Một ngày cuối tuần chỉ nghĩ loanh quanh quả là vô tích sự. Đành tự an ủi rằng đã đọc được gì đó. Trong một ngày như thế, đọc được đến cùng bất cứ gì rơi vào tay, dù chỉ một tờ lịch nhỏ cũng quá tốt rồi.
Vì như thế, ngày vẫn còn chưa phải vứt đi.
Phía dưới bên trái lịch ghi: Tháng Giêng (Đ), 23. Năm Đinh Hợi. Tháng Nhâm Dần. Ngày Giáp Thìn. Giờ Giáp Tí. Trong những thông tin ấy tôi chẳng hiểu thông tin nào. Ngoại trừ con số 23. Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.
Tôi không phải là người mê tín dị đoan, dù vẫn hay xem ngày. Đường từ nhà tôi muốn vào phố phải ngang qua chợ Bưởi, chợ này có những phiên đặc biệt chuyên bán cây cối chim chóc vào mồng 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hàng tháng. Xem lịch để lạc quan hay rầu rĩ chút ít nhưng rồi cũng phải đi vì không có đường nào khác, dù sẽ phải chịu cảnh chen lấn, sẽ phải ghìm cơn bực tức khi đàn bà ngắm cây đàn ông ngắm chim tràn cả ra đường, biến phố thành làng, xem tiếng còi xe giận dữ không hơn gì tiếng chim ríu rít trong lồng. Hay hai câu thơ trên chẳng phải kinh nghiệm hun đúc gì, mà chỉ là bài tập gieo vần lục bát của người xưa vì ngộ nghĩnh nên lưu truyền mãi? Nhưng với bà ngoại tôi thì mọi việc phải nhất nhất tuân theo lời cổ nhân. Vào những ngày ấy bà không đi ra ngoài, ở nhà chơi bài. Hàng xóm cũng xem lịch để đến nhà phục vụ bà món cờ bạc, hy vọng vét sạch túi bà cụ một phen dù lần nào cũng không thành. Những ngày ấy cả xóm rôm rả. Dù sao đi nữa, hai câu thơ cũng đã vượt ra ngoài chức năng thi ca hay khuyến cáo để trở thành thước đo con người; đo tính cách, đo tuổi già, đo sự ngạo mạn, đo sự tự tin, đo sự yếu đuối… Cứ xem cách ứng xử theo hai câu lục bát ấy, có thể biết ngay anh là người như thế nào.
Tận cùng góc trái, có một hàng chữ rất bé, li ti: Nhiệt độ trung bình/tháng – Hà Nội 20oC, Đà Nẵng 24,1oC, TP.HCM 27,9oC. Trời bắt đầu nóng thì điện cũng bắt đầu cắt. Mất điện từ sáng đến tối mịt. Mọi người được phép ra khỏi văn phòng, tùy nghi di tản. Nay thì văn phòng nằm trong chiếc máy tính xách tay. Cứ tìm quán cà phê nào có biển Wi-fi mà vào, gọi một ly nước tiếp tục công việc cho đến hết ngày. Tiện nghi thế nên lớp trẻ hoàn toàn không có cảm giác gì về chuyện điện đóm, khác hẳn ấn tượng về cảnh cúp điện ba mươi năm trước nay nhiều người vẫn nhớ. Bạn tôi thuộc loại người tuy lạc quan nhưng vẫn có trách nhiệm; nghĩ rằng mươi năm sau chuyện cúp điện có thể sẽ thành truyền thuyết, nên cần phải tạo ấn tượng để con không quên ngày hôm nay bằng cách sắm cho cậu bé một bể cá. Cá sống nhờ ô-xy bơm vào bằng mô-tơ điện. Mất điện một lúc, cá thoi thóp. Thằng bé lo xanh mặt, xin mẹ cho nghỉ học, cắm ống hút thổi hơi phù phù vào bể. May thay, chú hàng xóm mua giúp cho cái bơm chạy pin, nhờ thế mà cả người lẫn cá đều có khí mà thở. Nhưng nuôi cá là tự nguyện, chứ phải chạy xe kiếm sống ngoài đường vào giờ mất điện thì thật phiền toái. Không đèn giao thông, va quệt, cãi cọ. Thiếu điện thì cho cúp điện, đốt pháo lãng phí thì cấm pháo, chấn thương xe máy thì buộc đội mũ bảo hiểm… Phạt. Cắt. Cúp. Cấm. Buộc. Anh quản lý chỉ chọn thứ đường một chiều, dễ đi. Mất mát hay bất tiện phía sau không cần biết. Nhìn xa chỉ đến tầm như thế thì thể nào hết điện rồi đến nước, thiếu sẽ vẫn sẽ tiếp tục thiếu. Chấn thương không kiểu này cũng kiểu khác sẽ có cách đến với người. Ở tầm ấy bàn gì đến chuyện văn hóa hay truyền thống, vốn vô hình vô ảnh trong cái nhìn vô cảm, để mất thêm thời gian. Chả trách không khí Tết nức lòng người qua hàng thế kỷ chỉ trong mươi năm đã tàn tạ, chỉ thêm một thế hệ nữa sẽ trở thành thứ di sản văn hóa mồ yên mả đẹp.
Dòng cuối cùng của tờ lịch thật đơn giản: Không tái tạo đàn thủy cầm. Câu này có âm hưởng thanh bình. Vào một tuổi nào đấy có lẽ tôi sẽ tìm về một nơi hoang vắng như thế, tạo cho mình một thế giới ít người. Thủy cầm ở đây có lẽ là bạn bè giống loài cá tôm, thứ tôi không rành rẽ. Nhưng gia cầm thì với tôi đã từng một thời thân thiết tột cùng. Mỗi lần về làng biển Hải Thịnh, tôi thích ghé vào cái chợ con, ngắm trong góc chợ lầy lội ấy một đàn gà vịt mới nở lông vàng chóe, mỏ xinh xinh, thấy nhẹ cả lòng. Khởi đầu của một đứa trẻ nào cũng như thế, lăng xăng bên thú nuôi trong nhà. Mối liên hệ ấy không có đối thoại, nhưng hiểu nhau và nâng niu đến cùng. Thế mà theo thời gian mọi chuyện cứ xấu đi mãi, người mỗi ngày một xa rời những gì mình yêu quý, bám riết lấy đám đông đầy những người lạ rồi phiền muộn thêm. Loay hoay quay cuồng, để đến một ngày ngồi uống cà phê vỉa hè chợt nhận ra mình đang ở lưng chừng không đến được với bờ bến nào. Không có được háo hức của đứa bé đang chập chững tập đi kia, cũng không có được sự thong dong của ông già ngáp vặt trên ban công chung cư đối diện.
Trời đã tối hẳn. Tôi không biết làm gì với những tờ lịch còn lại. Một ngày cuối tuần chỉ nghĩ loanh quanh quả là vô tích sự. Đành tự an ủi rằng đã đọc được gì đó. Trong một ngày như thế, đọc được đến cùng bất cứ gì rơi vào tay, dù chỉ một tờ lịch nhỏ cũng quá tốt rồi.
Vì như thế, ngày vẫn còn chưa phải vứt đi.
Phan Triều Hải
(Visited 1 times, 1 visits today)