Ngày xưa Tam Đảo, Ba Vì… giờ thì Sông Cái

Gần đây các triển lãm kiến trúc - xây dựng như Nhà Quốc hội, Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã thu hút khá đông dân chúng và dư luận xã hội của Thủ đô.

Hai triển lãm trên là về công trình kiến trúc, người dân cần biết và có ý kiến về hình thức của công trình, chứ những nội dung chuyên sâu khác, e khó với họ. Hình thức công trình thì có thể cảm nhận thị giác trong thời gian ngắn được. Triển lãm công trình kiến trúc dựa trên năng lực và thời gian cảm nhận này. Một đồ án, một dự án quy hoạch ở tầm vùng thì chắc là không thể cảm nhận thị giác như vậy, nó cần sự hiểu biết hơn nhận cảm thị giác. Cái triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội khiến dân thủ đô, chủ yếu là cư dân ven sông, đến đông chỉ bởi muốn biết “số phận” của mình trong này thế nào. Một khi chưa hiểu hết các luận cứ, các phương pháp tổ chức và tính toán, các giải pháp vật thể… của đề án thì khó có ý kiến hữu ích. Đây là một đề án tổng hợp, từ trị thủy đến tổ chức quy hoạch không gian vùng nên chắc khó có chuyên gia nào đủ kiến thức để hiểu và có ý kiến hữu ích, huống chi là người dân. Vậy thì mục đích chính của triển lãm này là gì, tôi thực sự chưa hiểu hết?
 

Phải đọc hết một số nội dung của đề án, mới có vài ý kiến nhỏ về tổ chức không gian của đề án này.
Còn nhớ những năm 1970 , Hà Nội được “phát triển hướng về Vĩnh Yên – Tam Đảo”. Những con đường được mở ra để… bỏ. Hàng loạt các trường đại học được di dời ra khỏi Hà Nội để… hối hả trở về Hà Nội. Rồi Hà Nội Bắc sông Hồng của các nhà tư vấn Âu – Mỹ như “món quà” của Daewoo. Đến lượt người Việt tự làm quy hoạch phát triển Thủ đô cho mình hướng về phía Tây, về Ba Vì – núi Tản. Những khu đô thị mới, những Trung tâm thể thao quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc gia, đường vành đai III… đều là ý tưởng và tiền bạc của chúng ta. Hướng này xem ra đến nay vẫn “chạy tốt”. Người Hàn không biết có nhiều nước như ta không nhưng “ôm ngay” cái nước “Tây Hồ Tây” và lần này thì cả tuyến sông Hồng qua Thủ đô Hà Nội.
Đất nước còn nghèo, Hà Nội còn nghèo cần rất nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài. Nhưng như “Lời tự thú của một sát thủ kinh tế” thì lợi nhuận làm cạn kiệt tài nguyên đất nước, mà lợi nhuận thì chúng ta được mấy phần, còn tài nguyên thì tất cả của chúng ta. Nói vậy để thấy rằng vốn đầu tư kêu gọi từ nước ngoài không thể quyết định hình thái phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội. “Cô gái Hà Nội” 1000 năm tuổi mà vẫn còn quá “xao xuyến” với những món nữ trang vặt. Cao giá hơn, Hà Nội chắc sẽ đẹp hơn.
Nếu đã xác định được hướng phát triển thì cần tập trung tài lực để có tấm có món cho hình hài mới của Hà Nội. Nếu chưa thì cần điềm tĩnh để nhận ra hướng đúng cho mình. Thành phố HCM vững tâm với khu đô thị mới phía Nam Sài Gòn. Bây giờ đã là một khu đô thị đáng tự hào nhất nước về hình ảnh phát triển đô thị. Tiếp đến sẽ là Thủ Thiêm. Còn cái hình ảnh đô thị ở khu R2 (Hồ Tây) của Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội có vẻ bất ổn và khiên cưỡng quá.
Thực sự Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội là một đề án (tạm gọi) tốt, có cấu trúc chặt chẽ. Nó gồm 5 nội dung chính:
– Chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch đường thuỷ;
– Quy hoạch xây dựng công viên ven sông;
– Quy hoạch xây dựng đường ven sông;
– Quy hoạch cải tạo và phát triển đô thị ven sông;
– Đánh giá tính khả thi và kế hoạch chiến lược phát triển.
Đề án có cấu trúc chặt chẽ, được thực hiện theo công nghệ tư vấn hiện đại. Việc lấy công tác chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch đường thuỷ làm yếu tố cơ bản để phát triển các khu chức năng khác là đúng và chính xác. Việc tổ chức các công viên sinh thái ven sông với các tính chất bảo tồn sinh thái, đa dạng hoạt động, giáo dục-giải trí và phục hồi sinh thái là thích ứng với sông Hồng. Nhưng việc phát triển đô thị ven sông, nhất là khu R2 (Hồ Tây ) cần được xem xét cẩn trọng.
Đấy là nơi hợp lưu của sông Đuống và sông Hồng, là nơi sông Hồng chuyển dòng làm nên Hồ Tây, là cái rốn thuỷ của cảnh quan ven tuyến sông, là mảnh đất đắt giá nhất của toàn đề án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Với 320 ha, khu vực Hồ Tây (R2) được hoạch định 80,7 ha cho nhà ở và  238,1 ha cho công trình thương mại và công cộng. Điều đó có nghĩa là tạo nên một dòng di chuyển lớn và độ tập trung người rất cao ở vùng này, tiếp tục chất tải dịch vụ đô thị và hạ tầng kỹ thuật nơi đây. Hầu như đề án cố tình giải phóng độ thoáng cảnh quan trên toàn tuyến để tập trung khai thác đậm đặc nơi miếng bánh béo bở này. Chỉ 3,2% (80,7 ha/2462 ha) đất đai toàn tuyến phải gánh 19,32% (66130 người /342180 người) dân cư toàn đề án. Chính điều này làm mất đi vẻ đẹp của các ý tưởng trị thuỷ, của các công viên sinh thái , của ý tưởng cơ bản của tổ dự án  “ Red River, Green Riverside”. Còn việc đưa vào đây “Khu phức hợp quốc tế kỹ thuật cao” với các hoạt động “tài chính quốc tế, nghiệp vụ quốc tế..” là lạc dòng sông đỏ – bờ xanh rồi. Khi tiến hành dự án cho Hà Nội, JICA cũng rất thận trọng khi đề xuất tổ chức không gian khu vực này, họ cho rằng nên để phần xanh là chính cho vùng đất này. Hà nội có 2 cái lớn thiên tạo: Hồ Tây và sông Hồng, chỉ ở chổ này mới chứa được hai cái lớn thiên tạo đó, tổ dự án đã nghĩ hết chưa khi tập trung các cao ốc và công trình công cộng nơi đây?
Tổ dự án đã bắt đầu với một ý tưởng đẹp: “Red River, Green Riverside”, hãy để cái đẹp ấy toả hương. Vùng Hồ Tây – sông Hồng là một chốn thiêng của Hà Nội, hãy điềm tĩnh và thân thiện với mảnh đất này.

KTS. Nguyễn Luận

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)