Nghề sách cũ và mới: Từ sự hấp dẫn của lỗi thời

Làng sách thế giới vừa chứng kiến một hiện tượng kỳ thú: người đọc lũ lượt xếp hàng chờ đón một cuốn sách, dù lần đầu xuất bản, nhưng lại tỏ ra đã lỗi thời. Đấy là cuốn Go Set A Watchman, cuốn sách thứ hai của nữ văn sĩ Harper Lee, tác giả của cuốn tiểu thuyết lừng danh: To kill a Mockingbird (đã được dịch sang tiếng Việt dưới tựa đề “Giết con chim nhại”).

Go Set A Watchman thực ra được viết trước To Kill A Mockingbird, chính xác hơn là bản thảo đầu tay của tác phẩm này. Nhưng rồi tác giả bỏ đi, viết lại, cũng với những nhân vật và bối cảnh cũ. Cuốn sau, tức là  To Kill a Mockingbird, được xuất bản vào thập niên 1970. Khi đó, Harper Lee chẳng chút hy vọng thành công, còn nhà xuất bản cũng chỉ mong bán được vài ngàn cuốn.

Nhưng rồi cuốn sách nằm chễm chệ suốt 48 tuần trong danh sách bestseller (bán chạy nhất) của tờ New York Times. Và kể từ đó, Happer Lee thề rằng bà sẽ không xuất bản tiếp cuốn sách nào khác nữa.

Thế mà, ở tuổi 89, mắt đã mờ, trí đã lãng, Go Set A Watchman, cuốn tiểu thuyết thứ hai của bà, lại đến tay công chúng. Và thật không thể tin được: đã có hơn 2 triệu lượt đặt mua cuốn tiểu thuyết này. Giá mỗi cuốn là 20 đô la Mỹ, vị chi, doanh thu ban đầu đã là 4 triệu đô la Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết tưởng đã lỗi thời đó, lại được in gần như y nguyên bản thảo, hầu như không biên tập, chỉnh sửa, thế mà tạo nên một hiện tượng khiến độc giả xếp hàng rồng rắn vào nửa đêm tại các nhà sách để rinh về.

Hiện tượng kiểu Go Set A Watchman thi thoảng cũng xảy ra với một vài cuốn sách của một số văn hào. Chẳng hạn, cuốn True at First Light của Ernest Hemingway kể chuyện đi chơi ở châu Phi, viết hồi thập niên 1950, mãi đến 1999 mới xuất bản, sau khi ông mất.

Còn The Rum Diary của Hunter S. Thompson thì từ những năm 1960 bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Thế mà sau khi ông này nổi tiếng thì cuốn sách lại trở thành một tác phẩm rất có giá trị, thống lĩnh vị trí bestseller của làng sách trong nhiều năm liền. Số phận của cuốn Harry Porter cũng tương tự. Và giờ thì đến lượt Go Set A Watchman.

Nhà xuất bản HarperCollins’s cho hay đây là cuốn sách được đặt mua trước nhiều nhất trong lịch sử của họ. Kể từ khi thông báo từ tháng Hai, thì đến nay, Go Set A Watchman giữ vị trí số một trên Amazon.com, và trở thành sách được đặt hàng trước nhiều nhất trong bốn năm qua.

To Kill a Mockingbird thì đến nay đã bán được hơn 40 triệu cuốn, vượt xa các bom tấn như là  The Catcher in the Rye, tựa tiếng Việt là  Bắt trẻ đồng xanh, hay The Great Gasby, tựa tiếng Việt là  Đại gia Gasby. Mỗi năm đều đặn To Kill a Mockingbird mang về cho tác giả 3,2 triệu đô tiền bản quyền.

Hiện tượng cá nhân hóa

Khi cả thế giới đang hướng về Mỹ với Go Set A Watchman, thì ở Anh, một công ty công nghệ đang chuẩn bị cho ra đời tác phẩm thứ hai của mình. Không phải sách bom tấn, chẳng bán trong các nhà sách hay trên Amazon.com, và chỉ dành cho các trẻ con từ hai đến sáu tuổi.

Nhưng đó có thể là tương lai của một ngành xuất bản. Công ty có tên là Lost My Name, tạm dịch là “Lạc mất tên mình”, một phần tựa đề của cuốn sách đầu tiên “The Boy Who Lost His Name” hoặc “The Girl Who Lost Her Name”, tùy theo giới tính của trẻ.

Đấy là một mô hình kinh doanh sách đặc biệt, theo kiểu cá nhân hóa, tức là tên của đứa bé đang đọc chính là nhân vật của cuốn sách. Cuốn sách là cuộc hành trình tự khám phá thế giới của một đứa trẻ, và trên hành trình đó gặp phải một loạt các sinh vật như con heo đất, nàng tiên cá, nhện sát thủ… đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đứa trẻ ra tay giúp đỡ và mỗi lần như vậy được đền đáp một con chữ trong bảng chữ cái. Cuối hành trình thì đứa trẻ tìm được tên của mình và tỏ vẻ vô cùng phấn khích. Thật đơn giản nhưng là một trải nghiệm vô cùng lý thú.

Để mua sách, các ông bố bà mẹ chỉ cần bắt đầu lên website của công ty, gõ tên và giới tính của con mình vào. Công nghệ xử lý phần còn lại. Nghe thì đơn giản, vậy mà trong hai năm qua Lost My Name đã bán ra được hơn 600.000 cuốn, giá mỗi cuốn là 30 đô la Mỹ. Ở Anh, cuốn sách nằm trong tốp sách truyện tranh bán chạy nhất. Ở Australia và Canada, cuốn sách này cũng rất được ưa chuộng. Còn ở Mỹ thì gần 125.000 bản đã được bán ra.
Thể loại sách cá nhân hóa không phải là một điều gì mới mẻ mà xuất hiện từ mấy chục năm nay. Thế nhưng, những năm gần đây đã phát triển khá mạnh, nhất là ở Mỹ, và nhiều tay chơi có hạng như Walt Disney cũng đã nhảy vào, cả phiên bản sách in lẫn sách điện tử. Công ty non trẻ như Lost My Name vì thế đang đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Mới đây thì Lost My Name vừa mới hoàn tất vòng gọi vốn đầu tiên, thu được 9 triệu đô la Mỹ. Các nhà đầu tư tỏ ý tin công ty này có thể biến thể loại sách cá nhân hóa này thành một hiện tượng giải trí của trẻ em trong thời gian tới.

Trước mắt, cuốn sách mới đang được chuẩn bị tích cực để ra mắt. Người mua lại phải vào website của công ty, điền vào địa chỉ của con mình. Lần này, hành trình sẽ bắt đầu từ ngoài không gian và kết thúc tại cánh cửa nhà của đứa trẻ. Trên hành trình đó, công nghệ xử lý một loạt các yếu tố phức tạp để tạo nên những tình tiết độc đáo, kết hợp nhiều nguồn dữ liệu, kể cả hình ảnh từ cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Trong tương lai, Lost My Name còn dự định sẽ cho ra đời các bộ phim hoạt hình cá nhân hóa nữa. Bằng cách nào thì chưa thể biết được, vì điều đó đòi hỏi công nghệ hết sức phức tạp, nhưng cứ dự định thế đã.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)