Nghệ thuật dưới mái nhà sàn

Lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình có một sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.

Từ 17 – 26/10, tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình, đã diễn ra sự kiện nghệ thuật quốc tế – Workshop Đất Mường 2 & Asia Art Link 4 với tên gọi “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn”. Sự kiện này do nhóm nghệ sỹ Asia Art Link và Bảo tàng Không gian văn hóa Mường đứng ra tổ chức, với 65 nghệ sỹ của Việt Nam và 14 nước khác (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan, Mông Cổ, Nga, Tây Ban Nha, Australia, Romania, Bulgaria, Italia, Mỹ và Pháp). Sau workshop, các nghệ sỹ để lại hơn 130 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và sắp đặt.

Từ sáng kiến của họa sỹ Malaysia Ng Bee và họa sỹ Việt Nam Trịnh Tuân, nhóm Asia Art Link (Kết nối nghệ thuật châu Á) hình thành với ý nghĩa tập hợp các nghệ sỹ tự do ở châu Á cùng nhau sáng tác và triển lãm, không phụ thuộc, không tôn chỉ nghệ thuật và kết nối hoạt động của nghệ sỹ với công chúng sở tại. Qua hai lần tổ chức workshop, Sasaran, bang Selangor, Malaysia, quê hương của Ng Bee, từ một làng chài nhỏ với hơn 2.000 dân, đã trở nên nổi tiếng như một địa chỉ nghệ thuật. Năm 2011 có nghệ sỹ của 13 nước tham dự workshop Sasaran, Việt Nam có 10 họa sỹ.

Workshop là một hình thức hoạt động nghệ thuật mới do các nghệ sỹ tự tổ chức, tự bỏ tiền mua vé từ đất nước mình sang nước bạn. Chủ nhà sẽ lo ăn ở và vật liệu sáng tác tùy theo điều kiện, và người dân trong vùng không chỉ là khán giả mà tham gia vào workshop như là hoạt động văn hóa của chính họ. Cái này không có tiền lệ ở nước ta. Việc tổ chức ở các nước Đông Nam Á khác tương đối đơn giản, ngoài hộ chiếu nhập cảnh, không có đăng ký hộ khẩu và sáng tác xong không có kiểm duyệt. Hình thức hành chính đó không thể thiếu ở nước ta – mọi việc cần được sự đồng ý của cơ quan hành chính địa phương trước và sau đó, việc cấp phép triển lãm cũng phải tiến hành mau chóng vì các nghệ sĩ vẽ ngay tại chỗ, nên cũng không có gì để duyệt trước. Công tác tài trợ cũng là vấn đề lớn, nếu ở nước ngoài tìm kiếm tài trợ văn hóa khá dễ dàng, thì ở ta lại rất khó khăn. Bất chấp những điều kiện như vậy, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sỹ Vũ Đức Hiếu đứng ra đảm nhiệm vai chủ nhà cho 65 nghệ sỹ của 15 nước tham dự; kể cả tình nguyện viên, nhân viên bảo tàng, khách tham quan, lúc nào cũng có hơn 120 người vào ra tấp nập dưới các mái nhà sàn Mường. Đây là lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình có một sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế như vậy. Kết thúc workshop, tranh tượng và sắp đặt được chia ra làm hai phần, phần giữ lại triển lãm tại ngay Bảo tàng, phần triển lãm tại Đại học Văn hóa Hà Nội với tối khai mạc hôm 26/10 có màn trình diễn của các nghệ sỹ Philippines và sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Khi các nghệ sỹ quốc tế đến đất Mường họ mới biết rằng nơi đây rừng núi tươi đẹp, suối chảy rì rào, nhưng cả Bảo tàng chỉ có vài phòng tắm có nước nóng và muỗi thì rất nhiều, đồng thời cả tỉnh Hòa Bình không có cửa hàng họa phẩm nào. Bất kỳ vật liệu nào muốn mua thêm đều phải chạy xuống Hà Nội. Tất cả các nghệ sỹ đều ăn chung, tự rửa bát và ngủ chung trong các ngôi nhà sàn. Một mảnh đất trống trơn như vậy rõ ràng mới cần đến các nghệ sỹ tiền phong.

Tôi tham dự liên tiếp hai workshop Sasaran (Malaysia) năm 2011 và Poh Chang (Thái Lan) đầu năm 2012, cảm nhận được tính chất quảng giao xã hội của nghệ thuật. Không có sự phân cách giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa, giữa người xem và nghệ sỹ, cũng như không có sự đánh giá giá trị nghệ thuật của workshop, vì bản thân các sáng tạo là nhất thời, trong một khoảng thời gian ngắn. Sự kết nối, trao đổi mới là quan trọng. Nếu như workshop ở Sasaran cho thấy tính chất bình dân, sự hòa quyện giữa nghệ sỹ và người dân một làng chài bé nhỏ, phần đông là người gốc Phúc Kiến, nói thứ tiếng rất nặng, như thể tiếng Quảng Bình, Nghệ An xưa, thì workshop ở Poh Chang là một học viện nghệ thuật dành cho các thầy giáo, sáng tác ở đây nặng tính trường quy, tính nghiêm túc của những nghệ sỹ đồng thời là các giáo sư, giáo viên. Workshop ở Mường trở lại với tinh thần cởi mở trên mảnh đất văn hóa Mường cổ kính còn nhiều điều chưa được biết đến và người dân rất xa lạ với nghệ thuật đương đại. Tất cả các buổi tối đều có Art talk, các nghệ sỹ trình bày sáng tác của mình, nghe một đoàn Quan họ làng từ Thổ Hà và Diềm tới hát hoàn toàn theo lối cổ và nghe những người Mường sở tại trình diễn dân ca Mường.

Đoàn Đài Loan với Sài Chí Vinh (Tsai Chit Rong), nghệ sỹ hàng đầu của hòn đảo này, và những học trò của ông, với các bức họa có xu hướng phản ánh thời đại điện tử mã vạch đương đại. Ông giới thiệu với chúng tôi một loại nghệ thuật mới gọi là nghệ thuật điện tử, hay nghệ thuật kỹ thuật số, ví dụ như họ làm một sàn nhảy bằng điện tử, khi người xem bước vào đó chúng sẽ phát ra các ánh sáng màu sắc tùy thuộc vào cảm xúc và hành vi của người bước vào. Các nghệ sỹ Indonesia, Philippines, Mông Cổ có lối vẽ đậm đà bản sắc dân tộc đa đảo và du mục không lẫn vào đâu được, và tính huyền bí của những tín ngưỡng rất xa xưa. Những nghệ sỹ tự do từ Australia, Bỉ, Ý, Mỹ, Nga, Romania… mỗi người một vẻ trong cả cá tính sinh hoạt lẫn cái nhìn về văn hóa đất nước họ và đất nước họ đến.

Sự có mặt của các nghệ sỹ tự do cư trú là một nét mới của hoạt động nghệ thuật Đương đại. Tất cả đều nói tiếng Anh, đi lại và sáng tác ngoài xưởng vẽ, ngoài đất nước của mình, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đôi khi không quan tâm đến tác phẩm mình làm ra sẽ đi đâu, thuộc về ai. Họ trượt đi nhanh chóng và có lẽ cũng quên đi nhanh chóng cái mình làm ra để đến một nơi mới và làm ra một cái mới. Khi họ ở với nhau những gốc rễ văn hóa và ngôn ngữ dần hiện ra, ví dụ như tiếng Philippines rất gần gũi với tiếng Indonesia, tiếng Indonesia lại gần gũi với tiếng Malaysia. Các nghệ sỹ Malaysia lại nói đươc tiếng Phúc Kiến, tiếng Bắc Kinh và đương nhiên tiếng Anh. Dịch dần lên phía Bắc, những người gốc Malayo – Polinesia không xa lạ với người Thái, Mường và người Việt. Trong khi đó các nghệ sỹ Bulgaria, Nga và Mông Cổ lại chuyện trò với nhau thoải mái. Tất cả những khác lạ và gần gũi đó được chứng tỏ trong các workshop thông qua những cuộc nói chuyện của nghệ sỹ và ngôn ngữ thị giác không cần phiên dịch của họ.

Nhiều nhà báo, nhiều người hỏi chúng tôi về bản sắc văn hóa Mường thấy được trong các sáng tác quốc tế như thế nào. Đây là một quan tâm có lẽ rất thông thường, nhưng chúng tôi đành trả lời, họ sáng tác thế nào tùy thuộc vào họ, trong mười ngày không thể có ai đó hiểu biết được văn hóa Mường, và đó cũng không phải yêu cầu của workshop, cũng giống như chúng tôi ra nước ngoài vẫn sáng tác như ở nhà thôi. Dù là nghệ sỹ thì thói quen nghệ thuật còn bảo thủ hơn rất nhiều mọi tập tục khác.

Nếu để tìm những bậc thầy hay những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc có lẽ không thể có được ở workshop dù là ở tầm cỡ nào. Workshop cũng có những bậc thầy của nước này nước kia nhưng họ đến đó với tư cách quan sát nhiều hơn sáng tác, và sáng tác tốt nhất đối với mọi nghệ sỹ là ở xưởng họa của họ và một mình. Đến nơi đông người, mục đích chính là trao đổi, thay đổi không khí và nhìn người khác làm việc thế nào.

Những nghệ sỹ tự do cũng không quan trọng các giá trị nghệ thuật của sáng tác. Ở đây quá trình sáng tạo, trao đổi, tiếp xúc còn quan trọng hơn nhiều. Họ học hỏi văn hóa bản địa, học hỏi chúng bạn và tìm các cơ hôi đi lại cho tương lai. Đồng thời để lại địa phương những gì họ làm ra. Workshop là một hình thức nghệ thuật cộng đồng chứ không phải là hoạt động đỉnh cao của nghệ thuật.

Trong các nghệ sỹ Việt Nam, chỉ có một vài nghệ sỹ quen thuộc với hoạt động workshop quốc tế. Họ biết tiếng Anh, giao thiệp rộng, hiểu biết các thói quen văn hóa khác, cởi mở và nhanh chóng tìm tòi các cơ hội, dự án. Còn phần đông các nghệ sỹ Việt Nam thụ động, chờ đợi, và thói quen bao cấp vẫn nặng nề, trong đó bao gồm cả bao cấp về tinh thần. Cả về kỹ thuật lẫn nội dung nghệ thuật, các nghệ sỹ Việt Nam đang có vẻ tụt hậu so với các nghệ sỹ quốc tế, ngay cả sự quan tâm đến đời sống thường nhật của dân tộc mình cũng kém hơn. Các nghệ sỹ Việt Nam rất ngại tham gia các cuộc Art talk, ngại nói về nghệ thuật của mình bằng tiếng Anh, trong sinh hoạt cũng thường co cụm trong các quan hệ nhóm và tay đôi. Cũng cần mất nhiều thời gian hơn để xóa đi các khoảng cách, dù đó chỉ là khoảng cách về sinh hoạt.

Công chúng xem workshop ở ta cũng rất hy hữu so với các workshop ở nước ngoài. Họ chưa quen với hình thức hoạt động này, và không bao giờ nghĩ chính là dành cho họ. Ở các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan khi nhóm Asia Art Link tổ chức workshop, thì dân chúng hằng ngày kéo cả gia đình đến xem nườm nượp, họ coi nghệ sỹ là niềm vinh dự với mảnh đất làng xã còn thiếu vắng văn nghệ của họ.

Tự do không phải là cơ hội thỉnh thoảng, mà là quyền cơ bản của con người trong xã hội dân chủ, song có nó rồi để sử dụng trong sáng tạo nghệ thuật còn là một khoảng cách. Các nghệ sỹ cũng không hẳn là những người tự do tự tại như ta nghĩ mà phụ thuộc vào rất nhiều định kiến xã hội và các hình thức giáo dục. Họ chỉ là những người tiên phong trong việc đi tìm cái mới sao cho tự do hơn với nghệ thuật có trước, mạnh dạn kết nối các cá nhân, không phải để hòa tan nó, mà khẳng định nó rõ hơn trong lối sống ngày càng được san phẳng trên toàn cầu. Workshop là điều kiện cho hoạt động đó, nhằm khơi dậy những tiềm năng văn hóa truyền thống và đương đại, trình bày những mặt khác biệt của truyền thống và đương đại, nhưng không xa lạ hóa hai mặt đó. Có thể nói cội nguồn truyền thống được nhìn nhận lại từ văn hóa Mường, đất Mường và đời sống khoa học thông tin đương đại từ các nghệ sỹ quốc tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)