Nghệ thuật và vật lý: Cách nhìn song song không gian, thời gian và ánh sáng
"Nghệ thuật và vật lý" của Leonard Shlain là một cuốn sách hay trên cả tuyệt vời, bàn về mối tương quan giữa nghệ thuật và vật lý.
Đặc điểm đáng lưu ý nhất là cuốn sách này nhấn mạnh đến vật lý học chứ không phải khoa học nói chung và trình bày một cách thuyết phục về mối tương quan giữa hai phạm trù nghệ thuật và vật lý thông qua rất nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong nghệ thuật và vật lý. Nhiều vấn đề đề cập đến trong cuốn sách này đã vượt khỏi nghệ thuật và vật lý như triết học, phân tâm học, thần kinh học. Chắc chắn cuốn sách sẽ đem lại những gợi ý cho sáng tác không chỉ đối với các độc giả hoạt động trong nghệ thuật và vật lý mà còn đối với nhiều độc giả hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Trong suốt cuốn sách dày trên 480 trang,[1] tác giả đã nêu lên một luận thuyết độc đáo rất hấp dẫn: Những cảm nhận cách mạng trong nghệ thuật tiên đoán được các trào lưu ý tưởng mới mẻ trong vật lý. Khi những cảm nhận của người nghệ sĩ vốn hình thành trong bán cầu phải của não bộ được tích hợp với những linh cảm tiên đoán (precognition) thì nghệ thuật có khả năng báo trước được những nhận thức tương lai về thế giới khách quan. Trước tiên người nghệ sĩ đưa ra một cách nhìn mới về thế giới, sau đó các nhà vật lý sẽ định dạng từ đó một cách suy nghĩ về thế giới. Và tiếp theo sau các thành phần khác sẽ du nhập những quan điểm mới đó vào các lĩnh vực khác nhau của nền văn hóa. Như vậy Leonard Shlain đã đặc biệt đề cao vai trò trước nhất là của các nghệ sĩ và sau đó là của các nhà vật lý trong văn minh loài người.
Những vấn đề đề cập trong cuốn sách thật phong phú và hấp dẫn, sau đây có thể liệt kê một số ít tiêu biểu:
– Phương Tây & phương Đông
– Trào lưu fauvism[2] và ánh sáng
– Trào lưu futurism[3] và thời gian- Trào lưu siêu thực[4] và các biến dạng trong lý thuyết tương đối
– Không thời gian và khối lượng-năng lượng
– Các dạng thức không trọng lượng và lý thuyết hấp dẫn
– Trái và phải
– Dionysus và Apollo[5]
Chúng ta đã biết đến một nhận định của hai nhà thần kinh học Marshall Gladstone và Catherine T.Best: bán cầu phải của não bộ phụ tải các cảm nhận nghệ thuật trong lúc đó bán cầu trái phụ tải các hoạt động khoa học. Như thế sự hiểu biết thế giới khách quan được hình thành trong quá trình dịch chuyển thông tin từ bán cầu phải sang bán cầu trái của não bộ. Dường như có sự tương tự của hai bán cầu não bộ với không gian và thời gian, với Dionysus và Apollo, hai vị thần trong thần thoại Hy lạp.
Leonard de Vinci là một người đặc biệt. Hình như hai bán cầu não bộ được nối liền với nhau. Ông có thể viết xuôi và viết ngược (viết như trong gương). Leonard de Vinci có khả năng điều khiển hai quá trình tư duy, một gắn với không gian, một gắn với thời gian. Ông nắm được sự tinh tế của chiều sâu trong cách nhìn nhận thế giới. Hãy nói đến bức tranh Mona Lisa, một tuyệt tác hội họa. Khuôn mặt của nhân vật được Leonard khắc họa từ hai bình diện không trùng nhau: bình diện này xa hơn bình diện kia. Chính điều nghịch lý này đã tạo ra nụ cười bí ẩn của Mona Lisa.
Sau đây xin giới thiệu một số minh họa của Leonard Shlain cho luận thuyết nói trên.
A/ Siêu thực & Einstein và Bohr
Bức tranh A Bar at the Folies-Bergere (1882)(Quầy rượu ở Folies-Bergere) (hình 1) của danh họa Edouard Manet nói lên một cách sâu sắc và độc đáo về tính bổ sung (complementary) của không thời gian. Bức tranh này là một trong những bức tranh cuối đời của danh họa và được hoàn thành khi Manet đang lâm bệnh. Và tính kỳ lạ của bức tranh được gán cho một tâm trạng bi thương của Edouard Manet. Song bức tranh này lại tiên đoán được những phát hiện lớn trong vật lý học. Manet là một họa sĩ báo hiệu hội họa hiện đại, ông đã đưa vào bức tranh này những yếu tố cơ sở cho lý thuyết tương đối 44 năm trước Einstein và lý thuyết bổ sung 55 năm truớc Bohr.
Trong bức tranh, một cô gái phục vụ quán rượu trẻ, vô cảm đứng trước một tấm gương phản chiếu thế giới mà Manet quen thuộc: đám thị dân cởi mở, vui nhộn, trào lộng lui tới Folies-Bergere[6]. Tuy rằng được thực hiện trong không gian hai chiều nhưng bức tranh gây một ấn tượng mạnh mẽ về chiều sâu. Phản chiếu trong bức tranh là một đám đông xa xa mà bóng dáng mờ dần theo chiều sâu. Và dường như không tồn tại giới hạn đối với đám người hiện lên trong một không gian vô tận. Một chùm ánh sáng chiếu trên đầu đám đông dường như không xuất phát từ một ngọn đèn treo nào gắn trên trần mà trông như xuất phát từ những sao của một thiên hà nào đó.
Ngoài ra, Manet như đã kéo mất tấm thảm dưới chân đám đông gây nên ấn tượng dường như đám đông lơ lửng trong không gian. Chú ý trên góc trái có hai chân đung đưa như từ một xà đu gây ấn tượng về tác động bằng không của hấp dẫn. Sau cô gái là một viễn cảnh vũ trụ.
Nghiên cứu kỹ bức tranh chúng ta có thể phát hiện một cấu trúc khác lạ mới. Trong tấm gương lưng cô gái được phản chiếu về phía phải, ở đấy cô đang nói chuyện với người chủ quán. Song chú ý một điều: cô gái phản chiếu hơi nghiêng về phía trước lúc trò chuyện cùng ông chủ quán trong khi ở bình diện thứ nhất của bức tranh thì cô gái lại đứng thẳng. Chúng ta thấy mất hẳn cái kiến trúc của bức tranh với một người (chủ quán) đứng trước mặt cô gái trong cảm nhận ban đầu. Như vậy từ một góc nhìn này thì người đó là hiện hữu còn từ một góc nhìn khác thì người đó không tồn tại. Bức tranh này là một bức tranh ẩn dụ song ngẫu: Manet đã mô tả quán rượu ở Folies-Bergere từ hai góc nhìn. Mỗi góc nhìn cho ta những thông tin mà ta không có được từ góc nhìn khác. Tính song ngẫu này cũng có thể được hiểu là hai góc nhìn đó thuộc hai khoảnh khắc khác nhau của quán rượu.
Phương thức nghệ thuật của Manet đã báo trước quan điểm của Einstein và Bohr: phải tích hợp hai khía cạnh bổ sung của thế giới khách quan mới hiểu được thực tại khách quan.
Việc tách não bộ thành hai bán cầu có nhiều hệ quả. Thứ nhất sự phân chia đó cho phép chúng ta tiếp cận được với hai phạm trù sinh đôi là không gian và thời gian. Điều này gần ba triệu năm sau dẫn Einstein đến với nhận thức không thời gian chỉ là một. Để hiểu được điều này chúng ta cần thống nhất hai nửa bán cầu của não bộ thành một cũng như phải nối liền hai phạm trù nghệ thuật và vật lý lại với nhau. Nghệ thuật và vật lý là hai khía cạnh bổ sung để mô tả thế giới khách quan. Hai điều này tích hợp lại thành cái gọi là trí tuệ tổng thể (universal mind). Người La Mã đã tạo nên vị nam Thần Janus còn người Hy Lạp tạo nên nữ Thần Techne. Danh từ Techne chính là tiền thân của danh từ technique (kỹ thuật). Tác giả Leonard Shlain cho rằng hai vị thần này có một mối liên quan nhất định. Theo thần thoại thì Thần Janus là một vị thần có hai mặt. Janus có khả năng ghi nhận được nhũng điều đã xảy ra và tiên kiến những điều sắp xảy đến, Janus quét (scan) được hai góc nhìn trong không gian và thời gian và nếu liên tưởng đến hai phương diện nghệ thuật và vật lý thì người nghệ sĩ và nhà vật lý tuy là hai nhân vật nhưng sự tích hợp cả hai nhân vật này mới cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về thế giới khách quan.
B/ Hội họa và các biến dạng trong lý thuyết tương đối
Hình 2 . Tính bền của ký ức, Salvador Dali
Hãy nhìn bức tranh The persistence of memory (Tính bền của ký ức) (hình 2) của danh họa Salvador Dali thuộc phái siêu thực vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ các công trình về phân tâm học (psychoanalysis) của Sigmund Freud (Đức, 1856-1939) . Trong bức tranh này họa sĩ gắn liền hai biểu tượng của thời gian: đồng hồ và cát. Trong cách nhìn của họa sĩ các đồng hồ như tan chảy trên một bãi biển rộng và hoang vắng làm liên tưởng đến cát của thời gian. Họa sĩ đã đưa vào một đám kiến đang bò có dạng những chiếc đồng hồ cát . Các chi tiết như cát, đồng hồ cát và những đồng hồ tan chảy làm người xem bất giác suy nghĩ về bản chất và ý nghĩa của thời gian. Tất cả chi tiết đó rải rác trên một bãi biển mênh mông kéo dài về phía xa xăm. Tính dẻo mềm (plasticity) của các chi tiết gợi nên khả năng có thể làm chậm dòng chảy con sông thời gian cho đến mức đặc quánh.
Einstein như chúng ta biết đã chứng minh rằng thời gian có thể co giãn vì vận tốc trong lý thuyết tương đối nối liền không thời gian. Nếu có người nào thử hỏi Einstein xin ngài hãy nêu lên một ẩn dụ hình tượng về tính giãn nở của thời gian thì chắc chắn Einstein sẽ chỉ đến bức tranh Tính bền của ký ức của danh họa Salvador Dali! Bức tranh siêu thực này đã diễn tả được một tính chất của thời gian mà e rằng nhiều lời nói khó lòng làm được.
C/ Dạng thức phi trọng và năng lượng tối
Xin hãy chiêm ngưỡng bức tranh Lâu đài (hình 3) của Rene Magritte. Chúng ta đồng thuận rằng lý thuyết hấp dẫn của Newton là hữu hiệu. Nhưng bức tranh Lâu đài của Rene Magritte dường như muốn đặt lại cơ sở hấp dẫn đó. Trong tâm trí của chúng ta ít điều gì gây nên ấn tượng đồ sộ với trọng lượng lớn như một quả núi, một lâu đài. Rene Magritte đã kết hợp hai đối tượng: một quả núi đội vương miện là một lâu đài cổ và treo chúng lơ lửng trong không gian thách thức định luật hấp dẫn của Newton.
Phải chăng bức tranh tiên đoán sự tồn tại của năng lượng tối (dark energy) gây lực đẩy ứng với hằng số vũ trụ của Einstein? Như chúng ta biết để giải thích hiện tượng vũ trụ giãn nở có gia tốc mà thiên văn quan trắc được trong thời gian gần đây thì các nhà vật lý lý thuyết phải đưa hằng số vũ trụ vào phương trình của Einstein!
***
Ba minh họa trên chỉ mang ý nghĩa giới thiệu các ý tưởng chính của Leonard Shlain trong việc chứng minh chủ thuyết của tác giả mà không thể nào lột hết nội dung phong phú bao trùm nhiều vấn đề liên quan đến văn học, triết học, phân tâm học, thần kinh học, lịch sử, thần thoại kể cả những chương trình bày một cách nghệ thuật những vấn đề khó hiểu về vật lý như lý thuyết tương đối, lý thuyết hấp dẫn v.v…
Bạn đọc sẽ tìm được trong quyển sách này tất cả những điều cần thiết về mối tương quan giữa nghệ thuật và vật lý xét từ mọi phương diện trong suốt lịch sử văn minh của loài người.
—————–
Chú thích:
[1] Cuốn sách của Leonard Shlain có tên tiếng Anh là: Art & Physics Parallel visions in space, Time, and Light.
[2] Fauvism, trào lưu nghệ thuật và hội họa đầu thế kỷ 20 ở Pháp. Gốc danh từ là chữ fauves trong tiếng Pháp có nghĩa là động vật hoang dã. Trong trào lưu này các họa sĩ sử dụng những gam màu có cường độ lớn trong một cung cách táo bạo, không kiềm chế. Một đại diện là họa sĩ Henri Matisse (Pháp, 1869-1954).
[3] Futurism, trào lưu nghệ thuật phát sinh từ Italy vào năm 1909, ca tụng kỷ nguyên máy móc, động học con người cùng với các sản phẩm nhân tạo.
[4] Siêu thực, trào lưu nghệ thuật có chịu nhiều ảnh hưởng từ các công trình phân tâm học của Sigmund Freud (German, 1856-1939). Những đại diện: Rene Magritte (Bỉ, 1898-1967), Salvador Dali (Tây Ban Nha, 1904-1988).
[5] Thần thoại Hy Lạp: Dionysus (con của thần Zeus) thần của âm nhạc, kịch, múa, thơ ca, hội họa, điêu khắc. Apollo (con của Zeus) thần của khoa học, quân sự, công nghiệp, giáo dục, y học, luật, triết học.
[6] Folies-Bergere, một phòng hòa nhạc nổi tiếng ở Paris.