Nghe tiếng mõ cá
Nhân bàn chuyện Đất & Nước, nhà văn Nguyên Ngọc kể: cái ngày mà Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức ASEAN, ông Trần Văn Giàu bảo: hôm nay Việt Nam trở về ASEAN, chứ không phải là gia nhập ASEAN. Ai cũng hiểu, ông muốn nói đến cái nguồn gốc Nam Đảo, nguồn gốc Nước của người Việt cổ.
Và thêm một băn khoăn nữa: phần lớn các ngôi đình ở Miền Bắc đều treo một cái mõ bằng gỗ hình con cá. Trống, chuông, khánh thì đã đành nhưng mõ thì…? Mà tại sao mõ lại không phải là hình chim hay thú? Liệu cái mõ cá có liên hệ gì với cái gốc biển, gốc nước của người Việt cổ hay không?
Hiện nay ở một số địa phương, sông hay biển cũng vậy, sau khi quăng lưới, người ta vẫn vỗ tay, gõ mõ hoặc gõ vào mạn thuyền để gọi cá.
Đình Mông Phụ |
Đất cũng nước, làng cũng nước, lúa cũng nước, rối cũng nước. Trong bộ gõ của dàn nhạc rối nước vẫn sử dụng mõ cá. Rối nước 99% là của người Việt nhưng 10% vẫn bị nghi là xuất sứ từ bên Tầu, nhưng tôi nghĩ rằng ngược lại. Cái xuất sứ của rối nước (tức cái 10% ấy) là từ Nam đảo. Cách tạo hình, cụ thể là bổ, gọt, khắc vạch nhất là đẽo, rất thô, vụng, mộc không bao giờ là tinh thần Trung Hoa cả, thậm chí là đối lập. Nó gần gũi với nghệ thuật điêu khắc của thổ dân các đảo ở Châu Đại Dương.
Đừng xem mấy điêu khắc gia tốt nghiệp trường Mỹ Thuật rồi về các đoàn rối để làm con rối. Hãy xem mấy người nông dân ở các phường rối nước làm rối thì sẽ rõ hơn: phường Trần Sơn, Bình Phú, Thạch Xá (Hà Tây), phường Nguyên Xá (Thái Bình) và phường Nam Trấn (Nam Định).
Mấy sử gia ở Hà Nội cho rằng: người Nam đảo sau khi vượt biển đến khu vực miền Trung Việt Nam, lên bờ nhưng không sống được vì đất ở đây hẹp, núi ra đến sát biển, người lại đông, nên họ đã bị đẩy ngược lên đến vùng Tây Nguyên. Cái vùng đất biệt lập hiểm trở không có người ở đã dung họ đến tận hôm nay. Đến ở mà không phải hoà nhập, không phải pha trộn lại không có hàng xóm cho nên mấy tượng nhà mồ của các tộc người ở Tây Nguyên vẫn vậy, vẫn nguyên bản mấy nghìn năm, không thay đổi (thực ra thì vừa hay lại vừa dở) và nó rất gần với phong cách nghệ thuật điêu khắc của người thổ dân vùng biển.
Một bộ phận khác của người Nam Đảo sau khi cập bến vào vùng biển phía Bắc, họ lên bờ và bắt đầu một quá trình hòa nhập với đất mới, người mới, văn hóa mới và đó là cái lõi của nghệ thuật Việt. Nghệ thuật Việt là nghệ thuật làng (ý của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng) trong đó trung tâm là điêu khắc đình làng. Chính sự pha trộn này làm ra cái độc đáo. Nó không còn quá nhiều Nam Đảo như ở điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên. Nó không Trung Hoa, không cánh Đồng Chum, không Chăm, không Angkor, không Ấn Độ. Bao xung quanh toàn là những nền văn hóa lớn như vậy mà vẫn giữ được mình, vẫn thu được của người để làm thành của mình thì cũng lạ. Nên xin đổi lại cái trống đồng (bản sao) trưng bày ở trụ sở Liên Hiệp Quốc để đại diện cho nghệ thuật Việt về và thay vào đó là một cái mõ cá ở đình Mông Phụ thì cá biệt hơn rất nhiều. Càng vào cái thời hội nhập WTO như thế này thì càng cần độc đáo.
Nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam thế kỷ 16,17,18 đẹp và riêng ở chỗ thô, mộc, vụng về, ngây thơ, tình cờ,dân dã, nhiều tình ít lý, gần gũi, không tinh xảo, kỹ lưỡng, chi ly, cầu kỳ, khéo léo. Và không thể không nói đến một điểm nữa là sự khoẻ mạnh cả trên bề mặt hình thức lẫn sức mạnh bên trong. Một ngàn năm Bắc thuộc mà sau đó vẫn phát triển rực rỡ ngay và không hề có dấu ấn phương Bắc. Cứ xem dòng gốm hoa nâu đời Trần thì rõ. Sức mạnh của nghệ thuật Việt cũng là sức mạnh của người đi biển, người vùng biển. Nó chắc khoẻ, dẻo dai, ham sống, dễ thích nghi, lạc quan. Đó là sức mạnh của nước, giống như nước, yếu mà mạnh, mềm mà cứng. Nó tiềm ẩn, lưu truyền trong con người Việt và nghệ thuật Việt.
Trở lại câu chuyện cái mõ cá. Nó được tạc từ nguyên một thân cây (tượng ở đảo Bali- Indonesia phần lớn làm kiểu này) giống như cái thuyền độc mộc, khá to và nặng, treo cố định ở đình. Gõ vào vẫn kêu nhưng ít ai dùng có lẽ vì nó đẹp quá. Còn người đóng thế là anh mõ, thằng mõ sẽ đi rao khắp làng trên xóm dưới mỗi khi làng có việc để gọi bà con ra đình hội họp. Đình dù có bao nhiêu chức năng đi nữa thì nơi tụ họp của dân làng vẫn là chức năng đầu tiên. Qua cái mõ cá sẽ nhìn thấy sự ra đời của đình rõ hơn. Có người, có làng là tự nhiên có đình, dù bây giờ chỉ còn nhìn thấy những ngôi đình Mạc như đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây)v.v… Không phải đợi đến khi có lệ thờ thành hoàng làng thì mới có đình.
Thế là cá đã hóa thân thành người. Trước kia thì người gõ mõ gọi cá, còn nay cá lại gọi người. Và không chỉ gọi, cái mõ cá còn nhắc người Việt nhớ đến cái gốc biển của họ, gốc Nước của họ.