Ngô Thì Nhậm và tư tưởng Nho – Phật song hành trong Đại Chân Viên Giác Thanh

Trong các danh nhân văn hóa Việt Nam, Ngô Thì Nhậm hẳn là người biểu đạt tư tưởng một cách có hệ thống hơn cả. Tác phẩm Đại Chân Viên Giác Thanh của ông là sự chiêm nghiệm bao quát cả hai hệ tư tưởng cổ đại lớn của nhân loại, Nho giáo và Phật giáo. Qua nhiều thế kỷ chịu ảnh hưởng bởi hai hệ tư tưởng trên, dù nước ta có nhiều nho sĩ, nhiều thiền sư, nhưng tới thời Ngô Thì Nhậm vẫn chưa có ai dám tham vọng làm nghiên cứu một cách có hệ thống được như ông, dù chỉ tập trung vào một trong hai hệ tư tưởng nói trên. Việc so sánh đối chiếu, tìm ra các mấu chốt tương đồng, tương phản, thì lại càng không có. Vì vậy, Đại Chân Viên Giác Thanh thực sự là tác phẩm vừa độc đáo, vừa có tham vọng tri thức lớn, rất cần được nghiên cứu chuyên sâu.

Hiện nay chúng ta đã có khảo cứu chú thích rất tỉ mỉ của cố giáo sư Cao Xuân Huy. Nhưng vẫn còn thiếu các nghiên cứu biện giải. Điều này có thể hiểu được, vì Ngô Thì Nhậm viết Đại Chân Viên Giác Thanh theo lối viết công án của các thiền sư. Ông để mình đóng vai Hải Thượng đại thiền sư, lần lượt trải qua các tình huống luận giảng trước đồ đệ. Lối viết công án rất giàu tính ẩn dụ, và đặc biệt đòi hỏi người đọc có am hiểu nhất định về các trải nghiệm tâm lý trong quá trình tu hành.

Qua bài viết này, tôi cố gắng biện giải lần lượt 24 chương của Đại Chân Viên Giác Thanh, bản dịch của Cao Xuân Huy (1). Vì sao phải đi qua cả 24 chương? Vì các phần có sự kết dính chặt chẽ với nhau, cái trước khởi phát cái sau. Đây là đặc điểm quan trọng, phân biệt công án thiền của Ngô Thì Nhậm với các công án thiền khác ở Việt Nam (và có lẽ cũng rất hi hữu trên thế giới, cần có các nghiên cứu rộng hơn). Quan trọng hơn, đây là cách truyền đạt duy nhất mà tôi thấy có thể bảo toàn phần nào không gian văn hóa của tác phẩm.

Tuy nhiên, trong từng chương, tôi không biện giải toàn bộ, mà chỉ lược dẫn các mệnh đề chính, và các phép ẩn dụ minh họa cho các mệnh đề này (tất cả đều được in nghiêng để phân biệt với các dòng biện giải). Thông qua bố cục hệ thống các mệnh đề chính của 24 chương, chúng ta có thể tạm có một cái nhìn bao quát đối với tư tưởng của tác giả và tác phẩm. Qua đó người đọc có thêm một phương án tham khảo cho các nghiên cứu sâu và rộng hơn.

1. Không thanh

Thế giới quan Phật giáo khởi đầu bằng tính Không. Không thanh không phải là không có âm thanh mà là một trạng thái minh tĩnh khi không còn dư âm từ các tạp niệm. 
Các tạp niệm có hình thức là các lý lẽ. Lý lẽ thực ra là công cụ để người ta biện giải chân tướng các sự vật. Nhưng mỗi lý lẽ đều nương tựa trên một lý lẽ khác, hay một giả định khác. Không thể có cái lý vừa khách quan, vừa tối hậu cuối cùng. Vậy nên Ngô Thì Nhậm thông qua nhân vật Hải Lượng đại thiền sư đã nhận xét: “Lý giống như cái thớ cái đốt của cây”, (lưu ý, thớ và đốt khác với gốc rễ) và “cái Lý không thể noi theo hết được”.
Lý lẽ không thể nhận biết hết được không chỉ vì sự phức tạp, mà chủ yếu là vì tư duy của con người luôn bị chi phối bởi các nhu cầu tâm lý bản năng. Hải Lượng đại thiền sư nói: “Dậy, dậy, dậy, đánh chẳng dậy; ngủ, ngủ, ngủ, chửi vẫn ngủ”. Khi tâm lý bản năng đủ mạnh thì người ta có thể suy nghĩ bất chấp lý lẽ, bất chấp tư duy.
Bản năng là thứ không thể điều chỉnh cưỡng bức. Tuy nhiên, bản năng cũng có quy luật chứ không hoàn toàn hỗn loạn. Hải Lượng đại thiền sư nói: “Dục là như nước chảy xuống, lửa bốc lên”.
Như vậy là, lý lẽ không thể khách quan đến cùng, trong khi bản năng tâm lý thì luôn chi phối rất mạnh, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn trên, con người cần minh tĩnh. Minh tĩnh bắt đầu từ buông xả. Buông xả tức là không để tình cảm bị chi phối sâu theo những biến đổi tự nhiên của ngoại cảnh đời sống. 
Nhà sư bên hữu, một trong hai học trò của Hải Lượng thiền sư đọc kệ: “Nước xuôi thì thả thuyền, đường hiểm thì dừng ngựa; khi dừng hay khi đi, đều không phải do ý ta”.
Tuy nhiên, ngay cả quá trình buông xả cũng không thể cưỡng cầu một cách chủ quan. Không phải cứ buông xả thì chân tướng sự vật tự nó hiển hiện thông suốt. Có lúc sự vật tự thân nó rất phức tạp. Và có lúc bản năng chi phối quá mạnh, khiến cho không thể ngay một lúc mà buông xả được. 
Nhà sư bên tả tiến lên nói: “Ngựa gặp đường phẳng đi bon bon, gốc cây chằng chịt bửa không ra”. Nghĩa là nội tâm con người khi đã thông suốt thì mọi sự vật tự nhiên thông suốt. Còn khi đã không thông suốt thì lý lẽ không thể giúp gì được. Nhà sư bên hữu đứng dậy đáp: “Đường phẳng là ngựa thuận Lý, gốc rắn là cây nghịch Lý, Lý có thuận nghịch, cho nên người không chấp trước [tức là không bị vướng trong định kiến] thì không bắt buộc phải noi theo Lý.
Trong chương đầu này Ngô Thì Nhậm đã có sự đối chiếu về nền tảng của hai hệ tư tưởng Nho và Phật. Khái niệm đạo đức nền tảng của Nho là Nhân là một khái niệm rất mở. Với từng học trò, Khổng Tử biện giải một cách riêng. Người học theo Nho phải tự tổng kết, rút ra mấu chốt cho mình. Vì vậy Nho giáo là thứ tư tưởng đòi hỏi thực hành, thông qua thực hành để tự bồi bổ dần nền tảng lý thuyết. Cũng như nhiều Nho sĩ khác, Ngô Thì Nhậm thấu hiểu điều này. Tuy nhiên, thông qua nền tảng thế giới quan Phật giáo mà khởi đầu từ tính Không, ông tìm thấy điều còn thiếu để bổ khuyết vào chỗ trống cho mình.

2. Ngộ thanh
Đồ đệ bạch với thầy rằng: “Lý không noi theo hết được, Dục không cắt đứt hết được hay sao?”
Thầy nói:
Không cắt đứt thì đứt, cắt đứt thì lại không đứt. Cuồn cuộn nước chảy, chảy thì khô cạn. Lốm đốm lửa dập, dập thì bốc.
Câu nói này làm rõ hơn ý ở phần trước. Bản năng của con người tuy mạnh thật, không thể miễn cưỡng áp đặt ý chí lên nó (lửa đang cháy mà dập thì khói sẽ bốc), nhưng tự bên trong bản năng cũng có sự chuyển hóa theo quy luật riêng (nước để tự do chảy thì có lúc sẽ khô cạn).
– Nước xem là nước, thì đó không phải là nước thật. Lửa xem là lửa thì đó chính là lửa giả. Nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được.
Nhận thức luôn chịu tác động bởi cách đặt tên cho sự vật. Khi hình dung sự vật thông qua tên gọi, vô hình trung đã có sự áp đặt cố định về tính chất của sự vật đó, trong khi bản thân nó vẫn đang liên tục biến đổi.
Đồ đệ lại bạch rằng:
– Trong thiên hạ vật gì là tốt?
Thầy đáp rằng:
– Mọi vật đều tốt cả. Vật gì ta thích thì tốt, ta không thích thì không tốt. Cho nên có cái tốt mà không tốt, có cái không tốt mà tốt.
Ở đây Ngô Thì Nhậm lại tiếp tục có sự câu dẫn về tác động mật thiết giữa nhận thức và tâm lý bản năng (Lý và Dục). Nhận thức chịu tác động của nhu cầu tâm lý, trong khi nhu cầu tâm lý thì luôn biến đổi.

3. Tiếng ầm
Trải qua các giai đoạn không thanh, ngộ thanh, tâm trí trở nên tỉnh táo hơn, đầy đủ hơn. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì không bị chấp thường (chủ quan cho rằng sự vật nào đó tồn tại vĩnh viễn), cũng không bị chấp đoạn (chủ quan cho rằng sự vật nào đó có điểm kết thúc).
Hải Lượng đại thiền sư nói:
– Có sinh là bất sinh, có diệt là bất diệt
Câu này nghĩa là, cái mà ta thấy là được sinh ra, thực ra thì nó vốn có nhưng ở một hình thức khác mà ta không nhận thức thấy. Cái mà ta thấy là bị diệt vong, thực ra không mất đi, mà đã chuyển sang một hình thức khác mà ta chưa nhận thức được.
Chương này có tên gọi là tiếng ầm, để thể hiện tính biến đổi trùng điệp của sự vật. Sự vật trở nên to lớn, không có khởi đầu, không có kết thúc.

4. Phát tưởng thanh
Hải Lượng đại thiền sư đang ăn mà nghẹn. Đồ đệ bạch thầy rằng:
– Thầy nghẹn thì có Tưởng hay không?
Thầy đáp:
– Ta Tưởng cái Phi Tưởng, chưa đến được cái Phi Phi Tưởng.
Ngô Thì Nhậm rất sáng tạo khi dùng hình ảnh ẩn dụ đang ăn mà nghẹn để biểu đạt trạng thái tâm trí bị vướng bận. Người đang ăn mà nghẹn là vì tâm trí khi ấy không chuyên chú vào việc ăn mà đang hướng tới sự vật khác. Nếu như đang bị cuốn trong tạp niệm, thì mức độ tu hành chưa phải là cao. Cho nên đồ đệ mới truy vấn về sự tưởng tượng của thầy.
Tưởng là trạng thái cảm nhận bị chi phối bởi bản năng tâm lý. Phi Tưởng là trạng thái cảm nhận được rằng cái ta đang tưởng tượng đó chưa hẳn đã đúng. Phi Phi Tưởng là trạng thái minh tĩnh, cảm nhận được rằng cả Tưởng lẫn Phi Tưởng đều vẫn bị chi phối bởi bản năng tâm lý, từ đó mà thoát khỏi được cả hai.
Lưu ý ở đây chúng ta dùng khái niệm cảm nhận thay vì nhận thức, vì cảm nhận bao hàm một sự nhất quán giữa nhận thức và cảm xúc. Người nghiên cứu sâu về Phật giáo đều ít nhiều hiểu khái niệm Phi Phi Tưởng, nhưng để luôn sống nhất quán trong nó bằng cả nhận thức lẫn cảm xúc thì cần phải qua một quá trình tu tập nhất định. Ngô Thì Nhậm để cho nhân vật Hải Lượng đại thiền sư chưa đạt tới được Phi Phi Tưởng, chính là tạo cớ để bàn tiếp về sự tu thân. Tri thức người tu hành đã được khai mở qua các phần Không thanh, Ngộ thanh, tiếng Ầm, nhưng cảm xúc vẫn chưa thoát khỏi các vướng bận.

5. Kiến thanh (tiếng Thấy)
Qua các chương Không thanh, Ngộ thanh, tiếng Ầm, nhận thức con người đã được khai mở để thấy cái Phi Tưởng, nhưng vẫn còn hoang mang chưa biết đâu là điểm tựa. Kiến thanh chính là nền tảng để đặt chân.
Trong thành nước Hỏa Xa có vô số trai lành, gái lành, đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni để cầu xin con trai, con gái. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bèn hóa làm trăm vạn ức thân La hán (người đã thoát khỏi mọi phiền não). La hán sâu mắt, con trai con gái cũng sâu mắt. La hán đen mông, con trai con gái cũng đen mông. Nhưng cũng có con trai con gái thân thể thanh tú không giống La hán. Người người dâng hoa, lễ bái Hải Thượng đại thiền sư mà hỏi cái thân chân thực của mình. Đại Thiền Sư niệm Thích Ca Mâu Ni Phật, thấy thân của Phật Thích Ca Mâu Ni, mà không thấy trăm nghìn vạn ức thân La hán.
Câu chuyện trên đồng nghĩa với câu nói tương truyền của đức Thích Ca Mâu Ni: “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sắp thành, cho nên [ta/các ngươi] bước thấp giữa mọi người”.
Với việc nhận ra Phật tính trong mọi người, ta nhận ra sự đồng điệu giữa mình và thế giới. Ta cũng trân trọng bản thân và trân trọng mọi người hơn. Đây là nền tảng để an tâm.

6. Tiếng gọi
Hải Lượng đại thiền sư nói:
– Người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh
Câu này tương phản với ý của phần trước (Kiến thanh) rằng Phật tính ở trong vạn vật. Ý của phần này là tuy Phật tính ở trong vạn vật, nhưng hình thức chúng sinh mà ta thấy khác nhau.
– Mắt vốn tỏ mà hoa, tai vốn tỏ mà ù
Hình thức của chúng sinh khác nhau, theo cách nhìn Phật giáo thì chính là do nghiệp quả. Mà nghiệp quả chịu ảnh hưởng bởi việc làm. Việc làm lại chịu tác động của cảm nhận. Khi Phật tính trong chúng sinh bị chìm lấp, cảm nhận bị cuốn trong tạp niệm, thì nghiệp quả kết thành trùng điệp, tạo ra vô số hình thức khác nhau của chúng sinh.
Chương Tiếng gọi bắt đầu sau chương Kiến thanh, là sự thúc giục chúng sinh bất chấp khác biệt bởi hình thức bên ngoài, tự mình vượt qua tạp niệm, để điểm chung bên trong là Phật tính được khởi lên.

7. Tiếng thoát 
Hải Lượng đại thiền sư nói:
– Phật Thích Ca Mâu Ni sinh sau vua Thuấn (2), tiếp thu được cái phép phá địa ngục [của Thuấn] để mà cứu độ chúng sinh
Đồ đệ bạch với thầy rằng:
– Vua Thuấn cho Cao Dao làm sĩ sư (quan coi hình ngục), như thế là tạo ra ngục trong cõi người, còn phá địa ngục nỗi gì?

Đại thiền sư nói:
– Ngục trong cõi người dễ ra, địa ngục rất khó ra, không phá thì không ra được. Vua Thuấn là người có đại lực mới phá được, Thích Ca Mâu Ni cũng có đại lực nên tiếp thu được cái phép phá ngục
Đồ đệ bạch với thầy rằng:
– Vua Thuấn có phép gì vậy?
Thầy nói:
– … Vua Thuấn lấy cái phép Tinh Nhất mà phá nó. Thích Ca Mâu Ni lấy cái phép Tinh Tiến mà phá nó.
Đây là phần có sự so sánh một cách có hệ thống nhất giữa hai hệ tư tưởng Nho – Phật. Về mục đích thì cả hai cùng hướng tới diệt khổ trong cõi nhân gian. Biện pháp tuy có khác biệt, nhưng bản chất sâu bên trong giống nhau ở chỗ cùng thông qua sự lược bỏ đi các tạp niệm, mầm mống của nghiệp chướng. Quan hệ giữa tiếng gọi và tiếng thoát là ở đây.
Vua Thuấn đặt ra quy định luật pháp để trị nước. Sau này Khổng Tử mềm dẻo hơn, chú trọng nhiều ở Lễ, tức là những quy luật hành xử đúng mực, vừa có tính giúp ổn định xã hội, vừa có chức năng làm ổn định tâm tính. Tính chất Tinh Nhất nhìn trên diện rộng xã hội thì thể hiện sự lược bỏ đi những điểm bất cập, hướng tới một hệ thống hài hòa trong quan hệ giữa người và người. Nhìn vào không gian riêng của từng cá nhân thì việc tuân thủ pháp luật và hành xử theo Lễ giúp người ta tự khép mình vào quy củ, tinh lọc đi những suy nghĩ và hành động gây ra khổ não cho bản thân và đồng loại.
Tính Tinh Tiến trong tư tưởng Phật giáo đến từ việc minh tĩnh để lược bỏ các tạp niệm. Nhưng sự tinh lọc trong việc tu thân của Phật giáo mang tính chất liên tục biến động. Lớp tạp niệm lớp ngoài được lược bỏ thì tiếp đến sẽ là lớp tạp niệm ở sâu hơn trong tiềm thức. Chữ Tiến trong Tinh Tiến là để thể hiện điều này.

8. Thu thanh (tiếng thu lại)
Hải Lượng đại thiền sư nói rằng:
Bậc Đại Bồ Tát vô lượng lực (3) thì không xuất gia … Thánh nhân “xem thiên hạ là một nhà” (4). Còn chúng sinh vì nặng nghiệp, vì [bất an bởi] lòng tham và hận, nên xuất gia. Khổng Tử nói “chim muông ta không thể cùng bầy được, nếu không bạn bè với người thì ta còn bạn bè với ai?(5) Kinh Liên Hoa nói rằng: “ta xem hết thảy đều bình đẳng, không có lòng yêu ghét này nọ. Ta không tham cái gì, cũng không có cái gì hạn định và trở ngại cả”. Đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia.
Nhìn theo khía cạnh tâm lý thì khi con người vượt qua chướng ngại trong nội tâm, bắt đầu cảm thấy yên ổn, thì chính là lúc có nhu cầu kết nối với đồng loại, đóng góp cho đồng loại. Quy luật tự nhiên của tâm lý con người sau khi tu thân cũng như vậy. Cho nên là Bậc Đại Bồ Tát hay thánh nhân thì lòng dạ càng rộng lớn, tâm muốn kết nối với muôn nhà.
Tinh thần yêu thương con người cùng vạn vật nói trên vốn khởi phát từ tính Không ở phần Không thanh (không còn nhận thức phân biệt giữa các sự vật), sâu sắc hơn qua việc nhìn thấy Phật tính trong mọi chúng sinh ở phần Kiến Thanh. Tới phần này, Ngô Thì Nhậm khẳng định rằng tinh thần Nho gia cũng có cái nghĩa đại đồng như vậy.
Qua đó ông ủng hộ chủ trương nhập thế của Nho, coi việc hòa nhập vào đời sống, tự rèn luyện mình giữa thế cuộc, là hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Phật giáo.  

    (Xem tiếp kỳ sau)
 
Chú thích:

1. Cao Xuân Huy, Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh; Ngô Thì Nhậm – Tác phẩm, tập III;
2. Nguyên văn trong bản dịch của Cao Xuân Huy là Đế Thuấn Hữu Ngu Thị. Vua Thuấn theo truyền thuyết Trung Hoa là vua giỏi thời cổ đại.
3. Bồ Tát là một cấp độ tu hành trong Phật giáo. Đại Bồ Tát vô lượng lực tạm hiểu là người tu hành tới cảnh giới rất cao.
4. Luận Ngữ, thiên Vi Tử
5. Luận Ngữ, thiên Nhan Uyên

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)