Ngọn lửa và số học của Borges

“Borges là nhà văn viết bằng tiếng Tây Ban Nha quan trọng nhất kể từ Cervantes”, tiểu thuyết gia Mario Vargas Llosa đã đánh giá về ông như vậy.

Nhà văn Jorge Luis Borges

Điều “phi thực” nhất mà Jorge Luis Borges từng nói hẳn là điều này: “Tôi cố gắng hết sức để viết theo phong cách đơn giản. Tôi cố gắng hết sức để dùng những từ ngữ đơn giản. Tôi cố gắng hết sức để xem từ điển. Tôi nghĩ những gì mình viết, trên bề mặt, đều đơn giản” 1. Dù là trên bề mặt thì văn chương của Borges cũng hiếm khi đơn giản, ai cũng biết đọc Borges là đọc một mê cung không lối ra, mê cung của những thần thoại, những tôn giáo, những triết luận, những sách, những mật ngữ, những mặt gương, những giấc mơ, và cả những cơn ác mộng. Borges bảo “nghệ thuật là ngọn lửa cộng với số học”, thì văn chương ông chính xác là thế, bỏng rẫy như lửa và lắt léo ngoằn ngoèo như đại số, không thể đọc bằng đầu hay bằng tim mà phải phối hợp nhịp nhàng cả hai cơ quan ấy.

Sau tuyển tập Borges được dịch giả Nguyễn Trung Đức giới thiệu nhiều năm về trước, văn chương Borges cuối cùng cũng tái xuất ở Việt Nam, với bản dịch cuốn Ficciones, hay Truyện hư cấu, của Nguyễn An Lý, với gần 50 trang chú giải những danh từ riêng của mỗi truyện ngắn. Có những truyện ngắn dài 14 trang, phần chú thích dài thêm 7 trang, giống như đi dưới bóng những hàng cây tăm tối, tưởng chỉ đi một chốc đã ra đến đầu bên kia, nhưng không, mỗi cái tên lại rẽ nhánh ra một lối mòn dẫn bạn vào đất lạ, đôi khi là đất dữ, rồi bạn lại lặn lội trở ra con đường chính của mạch truyện, mất một lúc để định hình lại mình đang ở đâu, đi tiếp, lại thấy một rẽ nhánh khác, cứ thế mãi, 14 trang mà bạn cảm thấy như đã đi một vòng hành trình vĩnh cửu, và cuốn sách theo cách ấy “có thể trở thành vô tận”, như cuốn sách của Thôi Bản mà Borges đã mường tượng trong truyện ngắn Khu vườn những lối đi rẽ đôi.

Ngữ pháp của thời gian, vĩnh cửu và những vòng tròn luân hồi dường như là điều hằng hữu trong những câu chuyện chủ nghĩa phi thực (irrealism, không phải phản thực – antirealism hay không thực – unrealism) của nhà văn vĩ đại người Argentina. Có nhiều sắc thái của vĩnh cửu ở tập truyện này và sự phân loại dưới đây chỉ đến từ góc nhìn hạn hẹp của cá nhân tác giả bài viết.

Đầu tiên là vĩnh cửu trong cuộc đuổi bắt vòng tròn giữa anh sinh viên và một hình dung của Thượng đế trong Đường đến với Al-Mu’tasim, anh đi tìm đấng Siêu Việt và đấng Siêu Việt cũng tìm kiếm anh. Dạng thức vĩnh cửu này ta tạm gọi là vĩnh cửu gương, nơi người chủ ngữ nhận ra mình cũng là tân ngữ, như một kẻ tự nhìn ngắm chính mình trước gương và nhận lãnh những gì mình khởi động, hay dùng ngôn ngữ của Borges, “đối tượng của cuộc hành hương cũng là một kẻ hành hương” . Dạng thức ấy ít nhất còn lặp lại ở nhân vật vị pháp sư nằm mơ ra một con người và rồi nhận ra chính mình cũng được sinh ra từ giấc chiêm bao của kẻ khác trong Phế tích vòng tròn, và ở nhân vật vị điều tra viên lần theo manh mối một vụ án giết người bằng phương pháp suy lý giống nhân vật Auguste Dupin của Edgar Allan Poe, để rồi phát hiện mình thực chất là mục tiêu của hung thủ, kẻ cũng dùng phương pháp suy lý để luận ra đường đi nước bước của anh trong Cái chết và la bàn, hay trong người kể câu chuyện về sự phản bội hóa ra chính là kẻ phản bội trong Hình của kiếm.

Đọc Borges là đọc một mê cung không lối ra, mê cung của những thần thoại, những tôn giáo, những triết luận, những sách, những mật ngữ, những mặt gương, những giấc mơ, và cả những cơn ác mộng.

Nói rộng ra hơn nữa, kiểu hư cấu nghiền ngẫm bộ máy bên trong hư cấu của Borges có lẽ cũng thuộc về dạng thức vĩnh cửu này, khi văn chương vừa là nhà khảo cổ vừa là kim tự tháp, vừa là người khai quật vừa là kho báu chôn giấu, vừa là cỗ máy enigma vừa là enigma.

Một dạng thức vĩnh cửu khác trong tác phẩm của Borges, ta tiếp tục tạm gọi, là vĩnh cửu luân hồi, mà ở đó sự lặp lại là một động lực tự thân. Trong tiểu luận Historia de la eternidad (Lịch sử của vĩnh cửu) thuộc tập tiểu luận cùng tên, một tiểu luận truy nguyên về lịch sử khái niệm vĩnh cửu trong triết học và thần thoại, Borges sau khi đã trình bày các thuyết vĩnh cửu của Platon, Cơ Đốc giáo, Nietzsche, vân vân, đi đến một học thuyết của riêng ông, được trình bày giản dị (vâng, lần này thực sự giản dị) qua ký ức về một lần ông đi dạo quanh vùng ngoại vi bao lấy khu phố tuổi thơ, những nơi mà ông so sánh như “bộ xương vô hình” của mình, tức là đã luôn ở trong ta nhưng lại ngoài tầm mắt của ta, và bỗng chốc, ông cảm thấy nơi đây vẫn y như ba mươi năm trước, như những năm một ngàn tám trăm, và ông đang nhìn thấy những điều người chết đã thấy, ông là một “người quan sát trừu tượng với thế giới”, và không phải ông đang ngược dòng thời gian, mà ông “thuộc quyền sở hữu của cái ý nghĩa kín đáo, vắng mặt nơi từ ngữ bất khả tư nghị ấy, vĩnh cửu”.

Cảm thức luân hồi lặp lại này dường như phảng phất trong những truyện ngắn của ông, trong người viết lại Don Quijote một cách trùng khít y hệt như Cervantes ở truyện ngắn Pierre Menard, tác giả của Don Quijote, trong một người đàn ông nghĩ mình từng là Julius Caesar còn cái chết của anh như được sao chép từ Macbeth tựa như cuộc đời là một dự án được thiết lập nên ở truyện Chủ đề kẻ phản bội và vị anh hùng. Và mặc dù tôi sẽ xếp dạng thức vĩnh cửu trong Thư viện Babel vào một phân loại khác, nhưng trong truyện ngắn này cũng có dấu vết về triết lý của Borges về sự lặp lại, khi tồn tại những cuốn sách gần như lặp lại nhau tất thảy chỉ khác một từ.

Đôi khi vĩnh cửu ấy thậm chí mang tính chu kỳ, như lời dặn dò trước khi bị hành quyết của nhân vật điều tra viên với kẻ sắp ra tay với mình trong truyện Cái chết và la bàn: “[…] khi nào mày săn đuổi tao trong một kiếp khác, hãy giả vờ phạm (phạm thật) một tội ác ở điểm A […]Hãy giết tao ở D, như bây giờ mày sắp giết tao ở Triste-le-Roy”, và kẻ giết người đồng ý, hứa tiếp tục sẽ đuổi theo anh đến tận cùng thời gian: “Lần sau tao giết mày, tao hứa với mày sẽ dùng mê cung đó…” Như thế, cái chết không phải dấu chấm hết, sống và chết chỉ như những con số trên một dãy số vô hạn, không thể chặn nổi những con số khác trào ra tiếp sau, và trào ra đến vô cùng.

Bản dịch cuốn “Ficciones”, hay “Truyện hư cấu”, của Nguyễn An Lý, với gần 50 trang chú giải những danh từ riêng của mỗi truyện ngắn

Ngoài lề một chút, niềm tin này được Borges củng cố bằng tiểu luận La doctrina de los ciclos (Học thuyết về chu kỳ) – một phần của tập tiểu luận Historia de la eternidad, trong đó ông suy luận rằng tổng số lượng các nguyên tử tuy bao la nhưng hữu hạn, và như vậy chỉ có khả năng xảy ra một số hoán vị hữu hạn và sự quy hồi vĩnh cửu là không thể tránh khỏi, “một lần nữa bạn sẽ được sinh ra từ bụng mẹ, một lần nữa bộ xương của bạn sẽ phát triển, một lần nữa trang giấy này sẽ đến tay bạn, một lần nữa bạn sẽ đi theo tiến trình của tất cả các giờ trong đời cho đến tận cái chết không thể tin nổi của mình”.

Dạng thức vĩnh cửu tiếp theo cần đề cập đến là vĩnh cửu nhân bội trong hai truyện ngắn Funes toàn ký Phép màu bí mật. Truyện trên kể về một người có khả năng biết chính xác giờ giấc mà chẳng cần đồng hồ. Sau một tai nạn, anh bị liệt, nhưng bù lại, anh như sực tỉnh khỏi giấc mộng đã choán lấy đời mình suốt mười chín năm qua để nhận thức từng đường gờ thực tại. Nói thô thì đó là một người mắc chứng mất ngủ kinh niên, nhưng căn bệnh không thể lảng tránh sự tỉnh thức ấy là nguồn cơn cho sự nhân bội những chi tiết về thế giới.

Truyện ngắn này có thể khiến ta nghĩ về cơ học lượng tử – thế giới của cơ học lượng tử không phẳng nhẵn trơn tru như ta tưởng, nó sôi sục những dịch chuyển điên rồ, ta tưởng rằng thế giới mịn láng chỉ bởi vì điều kiện tri giác nghèo nàn của mình đấy thôi, và một nhân vật như Funes giống như người du hành vào mọi gồ ghề tí hon gần như vô hình: những đám mây phương Nam vào một ngày cụ thể, đường vằn trên cuốn sách, anh cảm nhận được thực tại sâu đến mức thay vì đếm theo các ngón nghề và thủ thuật giúp con người khái quát gọn gàng thế giới thành quy luật số học thông thường, anh đặt cho mỗi số một từ khác nhau, “một hệ từ vựng vô tận cho chuỗi số tự nhiên”… Funes chết vào một ngày nọ, đời anh bị giới hạn trong một khoảng thời gian, nhưng ký ức của anh nếu dàn ra có lẽ sẽ trải tới vĩnh cửu – một nghịch lý đâu đó nhang nhác với nghịch lý Achilles đuổi theo con rùa hay nghịch lý mũi tên bay mà Borges rất mực quan tâm từ thời ấu thơ, khi được cha ông giải thích cho nghe (với một bàn cờ)2.

Truyện Phép màu bí mật cũng tương tự về cái vô hạn trong lòng bàn tay, khi tưởng tượng ra một tù nhân bị đưa ra pháp trường chuẩn bị xử bắn, và trong cái sát na trước khi đi vào cõi chết anh đã mặc cả với Chúa để được ban cho một năm sống, qua đó anh có thể hoàn thành vở kịch của mình. Thời gian ở đây như mang cấu trúc cuộn, bề ngoài chỉ là một cái lều chật hẹp nhưng khi bước vào lại hóa thành một cõi mênh mông, và nếu con người, thay vì lướt qua thời gian hay trôi dạt trên thời gian, mà đi vào lòng thời gian, thì cuộc đời có thể mở ra thành vĩnh cửu, như thơ của William Blake, “để thấy vũ trụ trong một hạt cát; Và bầu trời trong một đóa hoa rừng; Hãy giữ vô cùng trong lòng tay bạn; Và thiên thu trong một khắc đồng hồ”.

Cũng có thể tạm xếp sự vô hạn của trò chơi ngẫu nhiên trong Xổ số thành Babylon vào dạng thức vĩnh cửu này, một dạng thức làm ta nhớ đến sự vô hạn đọa đày mà Kafka đã xây dựng trong vô số tác phẩm của ông, điển hình là Thông điệp của hoàng đế, một sự nhân bội những quy trình khiến ta không bao giờ tìm được đích đến cuối cùng, hay, “không quyết định nào là tối hậu”, còn bản chất của hệ thống điều hành thì bất khả tri.

Ngữ pháp của thời gian, vĩnh cửu và những vòng tròn luân hồi dường như là điều hằng hữu trong những câu chuyện chủ nghĩa phi thực (irrealism, không phải phản thực – antirealism hay không thực – unrealism) của nhà văn vĩ đại người Argentina.

Cuối cùng, nhắc đến vĩnh cửu của Borges thì không thể không nói về vĩnh cửu sách, vĩnh cửu văn chương, vĩnh cửu thư viện. Thư viện, với Borges, là vũ trụ, chứ không phải như vũ trụ. Động từ “là” rất quan trọng. Việc xếp “vũ trụ” và “thư viện” ở hai vế đối xứng nhau qua động từ “là” hẳn là tiên đề trong thế giới của Borges, cũng như tiên đề Euclid về điểm và đoạn thẳng trong thế giới chúng ta, nghĩa là chúng hiển nhiên đúng và không cần (hay không thể) chứng minh là đúng.

Borges thổ lộ trong một tiểu luận hồi ký những năm 70 rằng nếu phải gọi tên một sự kiện chủ chốt trong đời thì ông sẽ chọn cái thư viện của cha ông, và đôi khi ông nghĩ rằng mình chưa bao giờ đi chệch ra khỏi cái thư viện ấy, nơi ông đã đọc Mark Twain, Edgar Allan Poe, Longfellow, Emerson, Melville, Hawthorne, Thoreau… Từ đấy về sau, thư viện sẽ trở thành thực thể gắn liền với đời ông (Borges đã giữ chức Giám đốc Thư viện Quốc gia Argentina ở Buenos Aires), và như ta đã biết, vũ trụ của ông.

“Con người thường vin vào tấm gương này mà suy ra thư viện không phải là vô tận (nếu thật sự là vô tận, sao phải có sự nhân đôi ảo ảnh này?); tôi thì muốn mơ rằng những bề mặt sáng bóng kia hình dung tới và hứa hẹn về cái vô tận”, “Tôi khẳng định thư viện là vô tận”, “Thư viện là hằng hữu. Chân lý này, mà hệ quả trực tiếp là tương lai thế giới vĩnh cửu, không ai có đầu óc suy lý mà có thể nghi ngờ được”, Borges viết trong truyện Thư viện Babel. Nhân vật “tôi” trong truyện này, người dành cả đời mình đi tìm một cuốn sách tuần hoàn – hay Thượng đế – đến khi đôi mắt mù lòa, hẳn không ai khác, là bản ngã của Borges. Đó là người sống trong thư viện và chết cũng trong thư viện. Đó là người tin rằng thư viện chứa đủ mọi thứ, cả quá khứ lẫn tương lai. Nguồn gốc của thư viện bí ẩn như nguồn gốc Vụ nổ lớn, bách khoa thư hẳn là thánh kinh và người quản thư – người nắm được cách sắp xếp cấu tứ của thư viện – có vai trò ngang hàng với thánh thần. Không còn dáng vẻ khiêm tốn và nhún mình nữa, sách vở được đưa lên ngôi Chúa, là cái tạo tác ra không-thời gian bọc lấy con người.

Vĩnh cửu thư viện trở lại trong Khu vườn những lối đi rẽ đôi, với Thôi Bản người viết nên một cuốn tiểu thuyết cũng đồng thời là một mê cung, cuốn sách mở ra vô hạn như những vũ trụ song song cùng vô kể những nhánh đời. Một cách gián tiếp, ta sẽ thấy dạng thức vĩnh cửu này cũng xuất hiện trong truyện ngắn mở đầu tập truyện, Tlön, Uqbar, Orbis, Tertius, với một thế giới được hư cấu nên bởi rất nhiều người, cũng có nghĩa là một thế giới được phát minh trong sách, một thế giới sinh ra từ dây chuyền hoạt động theo phương thức văn chương và sức hấp dẫn của nó sẽ khiến người ta quên sạch những thế giới có thật khác, để sau rốt “thế giới sẽ là Tlön”, cái kỳ ảo sẽ đánh bại cái hiện thực, làm chủ cái hiện thực và tiếm quyền cái hiện thực. Chính ở sự ngây thơ đầy tham vọng này mà một người đọc sẽ không chỉ thán phục Borges hay run rẩy trước Borges, họ sẽ cảm động với ông, cảm động rưng rưng, bởi còn có ai dám hùng hồn nói với ta về quyền lực của hư cấu như Borges đã nói, không như thứ công cụ tiêu khiển giết thời giờ nữa, mà như bàn tay Phật tổ mà dù ta bay đi xa đến đâu thì cũng chỉ thấy cột trời là những cuốn sách mà thôi?

Borges viết rằng ông không thể nào hình dung một vũ trụ lại thiếu đi câu thơ của Edgar Allan Poe: “A, xin nhớ rằng khu vườn có phép màu”, còn tôi không thể hình dung một vũ trụ nào đó lại thiếu đi câu văn của Borges, rằng con người sắp tuyệt chủng rồi, “và chỉ có Thư viện còn tồn tại: thắp sáng, cô độc, vô tận, bất động hoàn hảo, chất đầy những pho sách quý báu, vô dụng, không thể hủy hoại và bí mật”. Không, tôi không thể hình dung một vũ trụ nào đó mà không có Borges cùng ngọn lửa của ông và số học của ông.□

—–

[1] Phỏng vấn Borges trên Los Angeles Review of Books

[2] An Interview with Jorge Luis Borges, Contemporary Literature, Vol. 11, No. 3, 1970

Tác giả

(Visited 49 times, 2 visits today)