Người của một thời
Nhà thơ Xuân Diệu, phần lớn người Việt Nam đều biết. Bọn chúng tôi, thuở học trò mới lớn, ít nhiều đều chép vài bài của ông. Đặc sản Xuân Diệu là thơ tình, chủ yếu viết trước 1945.
Xuân Diệu- Vũ Quần Phương (1983).
Nhưng đến thời tôi, đem ra tán gái thế nào lại không hiệu quả. Có thể sở thích của nữ sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa nó khác, không chấp nhận các tư tưởng uỷ mị tiểu tư sản, hay là giọng mình đọc lên nó không được du dương. Hoặc đơn giản là không có tiền mua ô mai? Chịu! Thế nào nhớ nhất lại là bài Mũi Cà Mau (Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi tàu ta đó mũi Cà Mau) vì là bài giảng văn trong sách giáo khoa.
Lúc tôi còn bé, ông hay qua 22 Trương Hán Siêu nói chuyện thơ văn với bố. Thuở đó, xe đạp là một gia tài. Ông có một cái xe khung bóng loáng, chắc là đồ ngoại. Nhà Trương Hán Siêu là kiểu nhà ống, ngày xưa một chủ ở, sau đó phân ra cho mấy gia đình, mỗi gia đình một phòng. Hành lang rất hẹp nên dắt xe vào khó, ông phải để ở ngoài vỉa hè. Tôi được phân công nhiệm vụ trông xe. Mặc dầu đã khoá một cái khóa to kệch, nhưng cứ trông cho chắc. Vả lại được trông cái xe đẹp, tư thế cũng lên vài phần. Trẻ con hàng phố đi qua, mỗi đứa ngắm nghía bình luận vài câu, có anh lại đòi trèo lên ngồi thử một cái.
Nhà Trương Hán Siêu, có lẽ vì gần trụ sở báo Văn Nghệ và hội nhà văn, nên các cụ tiền chiến rẽ qua chơi nhiều. Bố bảo không được nói leo các cụ, nhưng ngồi nghe lỏm chuyện nào cũng hay. Nhưng Xuân Diệu vẫn hay nhất, vì chẳng những ông có tài diễn thuyết, mà chỉ có ông hay cho Văn kẹo. Những năm 70, kẹo vô cùng quí hiếm. Mà kẹo của ông lúc nào cũng độc đáo. Có một lần sinh nhật, chắc độ 6,7 tuổi gì đó, ông cho mấy cái sô cô la. Đây là sô cô la của Pháp, loại làm giống đồng tiền vàng, có chữ in nổi trên vỏ. Nâng niu cất lên đặt xuống không dám ăn, để bày cho đẹp, rồi đem ra ngoài phố khoe với bạn, uy tín lên cao phải được mấy ngày. Đến lúc mở ra ăn thì nó bị chảy gần hết.
Khi bố tôi ra đời, Xuân Diệu đã là lãnh tụ của thi đàn Việt Nam. Chẳng những ông có văn tài, mà kiến thức kim cổ cũng rất uyên bác. Nhưng khi nói chuyện với các nhà văn trẻ, thái độ ông rất trân trọng, xưng hô đều dùng tên riêng. Cái kiểu anh anh chú chú nửa trịnh thượng nửa bỗ bã đang thịnh hành từ công sở đến quán bia hiện nay hồi đó tôi chưa từng nghe thấy. Xuân Diệu sống một mình, trong một căn phòng của một biệt thự trên phố Điện Biên Phủ. Ông tự nấu ăn, nồi niêu xoong chảo cái nào cũng be bé. Tự chăm sóc bản thân. Có lần ông khuyên ông Phương đi thực tế ở địa phương này thì nên mua nhiều cà chua, vì ăn nó bổ. Mà muốn mua được nhiều, thi phải mua làm hai loại, cà chua chín rồi về ăn ngay, và loại xanh xanh để thêm được vài tuần.
Mùng một Tết Ất Sửu (1985), ông ăn Tết tại nhà tôi, lúc đó đã chuyển vào khu tập thể Bách khoa. Những năm đó không có khái niệm liên lạc bằng điện thoại. Sáng mùng một Tết, bố Phương lọc cọc đạp xe lên Điện Biên Phủ để chở ông xuống. Cùng lúc, thể nào ông lại nhờ được ông thông gia với nhà thơ Huy Cận đi xe máy chở lên. Hai ông đến thì chủ nhà không có nhà, lại kiêng cữ gì đó không dám vào xông đất, nhà thơ lớn cứ đợi co ro ở dưới gác. Chú tôi lại tức tốc đạp xe xuống Điện Biên Phủ để gọi ông anh về. Ông mừng tuổi bố một mảnh vải để may áo, bảo may sơ mi cộc tay thôi vì vải nó ngắn. Đó là Tết cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu, ông mất cuối năm 85.
Thế hệ của Xuân Diệu ra đi, qui củ hội nhà văn sau đó cũng thay đổi dần, không còn như xưa nữa.