“Người đã đi rồi, chữ còn để lại”

Đời người thì ngắn nhưng đời sách thì dài. Bởi khi đặt cái dài rộng thâm sâu của con chữ vào giữa cái hạn định khuôn khổ của trang sách, con chữ đã được chắp cánh để sống một cuộc đời khác, và bao hàm thêm những ý nghĩa khác.

Từ trái qua phải: họa sĩ Dương Bích Liên, nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần và họa sĩ Nguyễn Sáng tại nhà của nhà thơ Đặng Đình Hưng năm 1988. Ảnh: Hà Tường

Mỗi cuốn sách đều có một số phận riêng, cũng như con người. Có biết bao thứ vô thanh nằm giữa những chữ cái, dấu câu, từ ngữ, đoạn văn, chương phần, giữa những chữ những từ bị gạch xóa và những chữ những từ được thêm vào, giữa các khoảng trống và khuôn chữ, bìa sách, gáy sách… Đó là một chuỗi những công việc “con mọn” âm thầm và gặp không ít trở ngại nhưng không được phép vội, nản, mất kiên nhẫn hoặc buông xuôi cho qua, nhất là khi mình không làm sách cho mình mà cho bạn mình. Đó là những gì mà họa sĩ Lê Thiết Cương, người sáng lập Gallery 39, nếm trải, chiêm nghiệm trong vòng gần hai thập niên trở lại đây, khi tự đứng ra tập hợp, tổ chức bản thảo rồi in sách “cho những người tôi đã rất thân thiết”, như chia sẻ của anh với Tia Sáng

Hai thập niên ấy, dù rất bận rộn với những ý tưởng, dự án hội họa riêng chung, nhưng anh vẫn dành một góc, một khoảng không gian độc lập để dành cho những người bạn của mình, phần lớn là bạn vong niên, để nghĩ về họ và tác phẩm của họ. Việc dấn thêm một bước, làm sách cho bạn không chỉ đòi hỏi những kỹ năng khác với tư duy hình khối, đường nét, không gian, màu sắc… ở người họa sĩ mà còn buộc anh phải ẩn mình đi, nén cái tôi xuống. Hiểu bạn, trân quý bạn như thế, ở đời được mấy người!

Tất cả những điều đó đều bắt nguồn từ những cuộc chơi thơ, chiếu thơ.

*****

Gần hai thập niên làm sách của họa sĩ Lê Thiết Cương bắt nguồn từ một mối quan hệ đặc biệt trong những năm 1980 và mối quan hệ ấy đưa anh bước vào một salon nghệ thuật gần như “vô tiền khoáng hậu” tại Việt Nam, cho đến tận bây giờ.

Đó là không gian văn hóa của nhà thơ Đặng Đình Hưng và bạn bè ông, một vòng tròn kết nối mà như cách nói của Lê Thiết Cương “toàn những ông kễnh” thi ca và hội họa: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu… Mỗi người đều có một vị trí nhất định trên văn đàn nghệ thuật Việt Nam, và giờ đây, với hậu thế, câu chuyện cuộc đời họ và những khổ nạn, thăng trầm nghệ thuật của họ giữa lúc sung sức sáng tạo không còn gì là bí mật cấm kị. “Vào những năm 1960, một sự kiện văn học đã đẩy tôi vào một tình trạng hết sức trầm luân về vật chất cũng như tinh thần” – chuyện của ‘tôi’, Lê Đạt, cũng là chuyện của những người “đồng bệnh tương lân” khiến họ “Một đời trọn nghi can tội chữ” (Mở, Lê Đạt). Qua con mắt của nhà văn Nguyên Ngọc “anh Lê Đạt, một trong những nhân vật trung tâm của sự kiện đó… Trần Dần, như có người gọi, là ‘thủ lĩnh trong bóng tối’. Hoàng Cầm thì rất tài năng và cũng rất bản năng. Thậm chí đấy là nghệ sĩ lớn mà yếu đuối”.  


Nếu “họa là thơ vô thanh, và thơ là họa hữu thanh” như cách nói của nhà triết học Hy Lạp Plutarch thì họa sĩ Lê Thiết Cương đã may mắn ở điểm giao nghệ thuật thi và họa, vô thanh và hữu thanh, nơi mở ra cho anh vô số con đường mới.

“Sự kiện văn học” Nhân văn Giai phẩm, hay “bi kịch văn chương” như cách nói của gia đình nhà thơ Trần Dần (trên báo Đại đoàn kết), đã loại nhiều nhà thơ, nhà văn khỏi dòng chảy văn nghệ chính thống, nghĩa là không được xuất bản sáng tác của mình, bị chỉnh huấn, kỷ luật và mất việc làm. Khủng khiếp hơn nữa, trở nên cô đơn, lạc lõng giữa chính nơi mình sống. “Làm sao có thể tưởng tượng được mình đang là người tử tế thế này, một buổi sáng thức dậy, bỗng nhiên trở thành thằng hủi, bạn bè hôm qua tay bắt mặt mừng, hôm nay nhìn thấy mình đi bên này là phải đổi sang hè bên kia…”. Nỗi đau đớn trầm uất của nhà thơ Lê Đạt cũng là nỗi đau đớn trầm uất của những bạn văn cùng cảnh ngộ, khi bàng hoàng nhận ra “Tôi như người xa xứ ngay trên quê hương mình”.

Cuộc sống của họ ngày một khó khăn bởi những năm hậu chiến và trước Đổi mới cũng là những năm khủng hoảng lương thực (GS. Trần Đức Viên, nguyên Hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ở thành phố, đâu đâu cũng trong tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm và các loại hàng hóa do tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, không được phép mang hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác. Hầu hết các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày như gạo, thịt, nước mắm, đường… đều phải phân phối theo chế độ tem phiếu nhưng được hưởng chế độ này là cán bộ, công nhân viên làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nhà nước. Những người trong vụ Nhân văn Giai phẩm hoặc không còn trong biên chế nhà nước, không được hưởng chế độ tem phiếu, phải tự kiếm sống hoặc chỉ được hưởng một khoản trợ cấp không đáng kể, nên sống rất chật vật.

“…Cuộc sống hằng ngày 

nhỏ nhen 

tàn bạo

Rác rưởi gia đình

miếng cơm

manh áo

Tàn phá con người…” 

(Cha tôi, Lê Đạt)

Trong cảnh khổ sở quay quắt đó, nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần… xin được đến thư viện mượn tài liệu ngoại văn, bởi theo nhà thơ Lê Đạt “một là kiếm sống, thư viện có nhiều tài liệu có thể dịch sinh nhai, hai là bổ sung vốn kiến thức mà tôi cảm thấy còn nhẹ ký cũng như thiếu cập nhật vì đã gần 20 năm do bận kháng chiến và hoạn nạn, tôi không có điều kiện trau dồi”1. Đó cũng là cách để nhà thơ Đặng Đình Hưng có thu nhập. Những người bạn của ông như nhạc sĩ Huy Du, Trọng Bằng, Đỗ Nhuận, người là Giám đốc Nhạc viện, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ, Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhạc sĩ… đã nghĩ ra cái mẹo để ‘cứu bạn’. “Rất nhiều tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp của Nhạc viện đều được đưa cho ông Hưng dịch vì ông là cao thủ. Từ trước năm 1954, ông ấy đã đi dịch cho phái đoàn Mỹ ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ở phố Quán Thánh rồi”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể.

Các bìa sách họa sĩ Lê Thiết Cương làm cho bạn bè. Ảnh: Lê Thiết Cương.

Giữa bầu không khí đầy u buồn uẩn ức đó, một sự kiện văn hóa chợt đến như một phép cứu rỗi và trở thành điểm khởi đầu cho salon nghệ thuật Đặng Đình Hưng: tháng 10 năm 1980, Đặng Thái Sơn, con trai nhà thơ Đặng Đình Hưng và nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, giành giải nhất cuộc thi Chopin, một kỳ tích của nghệ sĩ châu Á đầu tiên và người Việt Nam đầu tiên. Năm 2013, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kể lại “Năm 1970, mẹ tôi được đến cuộc thi quốc tế Chopin tại Warsaw với tư cách khách mời, chỉ để quan sát. Và bà đã mang về từ cuộc thi toàn bộ bản nhạc và bản thu âm các tác phẩm của Chopin. Bản thu âm đầu tiên tôi được nghe trong đời là bản concerto cung Mi thứ của Chopin do Martha Argerich chơi. Cho đến lúc đó, tôi chưa hề được nghe bất kỳ tác phẩm nào của Bach, Mozart, hay Beethoven – duy nhất chỉ có Chopin… Hằng đêm, cùng với mẹ, tôi im lặng đọc các bản nhạc của Chopin dưới ánh nến. Mẹ tôi chơi cho tôi nghe một vài giai điệu ngắn – những bản nocturne và mazurka. Tôi thấy tất cả đều thật đẹp đẽ và tôi yêu thứ âm nhạc này. Tôi tập nhạc của ông ngày đêm, và tôi cảm nhận âm nhạc của Chopin chảy trong máu mình từ đó”2.

Dẫu biết “sông có khúc, người có lúc” nhưng đó thực sự là một thay đổi ngoạn mục. Cho đến khoảng năm 1983, nhà thơ Đặng Đình Hưng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng căn hộ hai buồng ở khu tập thể Giảng Võ, kèm một cái điện thoại. Căn hộ đó dạng tiêu chuẩn cán bộ, liền tường nhà giáo sư violin Bích Ngọc và diễn viên điện ảnh Trà Giang. Chỉ có thể thấy được giá trị của món quà này khi đặt nó vào bối cảnh xã hội bấy giờ, “một căn hộ có thể được phân cho vài ba gia đình, thậm chí có những căn tám, chín người thuộc ba, bốn thế hệ khác nhau cùng sinh sống”, như nhận xét của PGS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. “Hồi đó, nó là kinh khủng. Tôi nhớ cạnh điện thoại có cuốn sổ bé tí với chiếc bút chì ghi chỉ khoảng dăm số điện thoại, bởi vì Hà Nội khi ấy mấy ai có điện thoại. Những người bạn ông hay giao du như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần thì làm gì có điện thoại. Thỉnh thoảng có việc gì đó thì tiếng chuông mới reo lên, ví dụ anh Sơn về thì thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi điện thoại mời hai bố con lên ăn cơm gia đình thân mật”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể.

Chiếu thơ Đặng Đình Hưng đã góp phần gìn giữ cho thi ca Việt Nam một mạch ngầm sáng tạo của những tiếng thơ cách tân. Tranh Lê Thiết Cương

Ngoài một mái nhà, nhà thơ Đặng Đình Hưng bắt đầu có một nguồn “viện trợ” có phần tươm tất từ con trai. “Mỗi lần như vậy, anh Sơn đều gọi thông báo trước. Bác Hưng giao cho tôi đi nhận thùng hàng, tôi nhớ có lần thùng chứa hai xe máy Honda đỏ, khoảng trống còn lại trong thùng hàng là một tí sơn dầu Nga cho bố vẽ, một vài miếng toan, túi xà phòng bột to năm cân một”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể. “Bác Hưng bảo bán một chiếc xe máy ngay cửa hàng miễn thuế lấy tiền uống rượu, tiêu pha, còn lại, tôi chia túi xà phòng bột vào từng túi giấy báo, mỗi túi nửa cân. Tôi đèo xe đạp mang đến cho từng địa chỉ, ví dụ như các bác Trần Lưu Hậu, Dương Tường… mỗi người nửa cân. Quý lắm, quà anh Sơn gửi”.

Trong chốn riêng đó, nhà thơ Đặng Đình Hưng thường tổ chức những cuộc tụ họp bạn bè, những “chiếu thơ”, từ năm 1984 đến khi ông qua đời vào tháng 12 năm 1990. Các cuộc rượu thơ ấy, ngoài các nhà thơ, còn có cả các họa sĩ, thiếu Nguyễn Sáng là đủ bộ tứ “Liên, Nghiêm, Sáng, Phái”, trong đó “ông Liên nhà ở dốc Bà Triệu, sang trọng từ bé, thường đi xe đạp tới”. 

Việc mời mọc bạn bè, ông trông cậy cả vào họa sĩ Lê Thiết Cương. “Vào thời đó, thứ nhất là điện thoại không có, thứ hai là không có xe máy, cũng không mấy có xe đạp, nên ‘điện thoại’ toàn là Lê Thiết Cương”. Anh đi đến phố Lãn Ông mời nhà thơ Lê Đạt, tới phố Lý Quốc Sư mời nhà thơ Hoàng Cầm, tới phố Vũ Lợi mời nhà thơ Trần Dần…, cứ thế từng người một. “Thường tôi đi đến phố Lãn Ông, truyền cái tin đó cho cụ Đạt. Cụ thường hỏi mấy giờ, chiều thì cụ bảo ‘tao tự lên’ còn nếu là ngay bây giờ thì tôi đi vòng vèo ra cửa chợ Đồng Xuân, ở đó có rất nhiều xích lô, dong một cái về, đặt cụ Đạt lên đó, sau đó đưa về Giảng Võ rồi mời các cụ ăn cơm, uống rượu, đọc thơ. Xong rồi lại xích lô, đi ra chỗ triển lãm Giảng Võ gọi xích lô để đưa cụ Đạt về”. Nhà thơ Hoàng Cầm lúc đó tinh thần hay trầm uất, sức khỏe yếu, uống rượu dễ bị say nên nhà thơ Đặng Đình Hưng dặn ‘loong toong’ Lê Thiết Cương “cẩn thận dìu ông xuống nhà. Riêng với ông Cầm, con luôn nhớ là xích lô khứ hồi” – “có nghĩa đưa ông Cầm về đến Giảng Võ, dìu ông lên trên gác, sau đó xuống đưa tiền cho ông xích lô hẹn hai tiếng sau đến đón”, họa sĩ Lê Thiết Cương giải thích.

Tuy diễn ra trong bối cảnh chồng lấn sự thiếu thốn vật chất “áo cơm ghì sát đất”, cái bóng tỏa “nghi can tội chữ” nhưng các cuộc tụ họp này hầu hết là dành cho thơ, những dòng thơ mới sáng tác nóng hổi tuôn trào như nham thạch giữa những kẻ “cùng hội cùng thuyền”. “Các cụ tụ tập toàn nói chuyện văn nghệ và chủ đề trong các cuộc rượu là thi ca, mà chủ yếu là nói bằng tiếng Pháp”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhớ lại. Thi thoảng mới thấy chen vào đó một vài câu chuyện đời thường cá nhân, “như bác Trần Dần tâm sự về con trai (Trần Trọng Vũ) muốn được đi học ở nước ngoài nhưng vì lý lịch của bố nên rất khó khăn. Vậy là phải nhờ bạn thân của ông là đạo diễn điện ảnh Trần Vũ nói với trên bộ…”. Cuối cùng, chính đạo diễn Trần Vũ bảo lãnh cho Trần Trọng Vũ đi Pháp và bảo lãnh cho Trần Trọng Văn, anh Vũ, được học quay phim ở trường Sân khấu điện ảnh.

Có lẽ, hậu thế sẽ vĩnh viễn không hiểu được rành rẽ điều gì khiến những người thơ ấy, trong những ngày khốn khó của đời mình, vẫn giữ được mạch nguồn sáng tạo, dẫu vẫn còn lời chia sẻ của nhà thơ Lê Đạt “Tôi quyết tâm phải vui vẻ để vượt qua, để viết vì tôi biết một khi mình còn viết được là mình còn sống được mà sống được là sẽ có ngày mình chiến thắng”. Không rõ cái tấm tình chung thủy với thi ca đã trở thành nguồn sống cho những người thơ ấy hay chính họ âm thầm tự gặm mòn thịt xương mình để nuôi thi ca. Nhiều thi phẩm đã được ra đời trong thời kỳ này. Và khi không được xuất bản thơ thì họ đọc thơ cho nhau nghe. “Tôi còn nhớ những bài thơ mới làm của ông Cầm toàn là đọc ở nhà ông Hưng. Có lúc tôi xin ông Cầm một hai câu thơ, thế là ông ấy chép một đoạn, mình xin về cất đi. Có những bài thơ của ông Cầm, tôi thuộc từ hồi đó”, họa sĩ Lê Thiết Cương trầm ngâm trở về những ngày yêu ngay câu thơ còn tươi nguyên trong giọng đọc Hoàng Cầm:

“Ta như con bê vàng lạc dáng chiều xanh 

    đi mãi tìm sim chẳng chín”  

Chiếu thơ độc nhất vô nhị ấy, có lẽ là nơi cứu rỗi cho những nhà thơ bị đặt bên lề. Thật kỳ lạ, trong rủi có may, khi không còn được sống ở một khuôn khổ định chế của nhà nước (formal space), họ đã cùng thảo luận và tạo dựng một không gian sáng tạo không chính thức của riêng mình (informal space). Sự chia sẻ không gian cá nhân với bạn bè của nhà thơ Đặng Đình Hưng không chỉ góp phần giúp những người thơ cùng nhau vượt qua nỗi cô đơn, lạc lõng do bị cô lập với xã hội mà còn thiết lập được một mạng lưới tương tác, gắn kết để trao cho nhau những phẩm vật thi ca. Nhờ vậy, thi ca đã được xuất bản theo một hình thức đặc biệt, giữa những người “đói sân chơi, hành khất chân trời” (Lê Đạt). 

Cái đẹp thường mong manh, salon nghệ thuật của nhà thơ Đặng Đình Hưng cũng vậy, chỉ tồn tại trong chừng năm, sáu năm cho đến khi ông qua đời vào tháng 12 năm 1990. Có thể nói rằng, dẫu quãng thời gian ấy quá ngắn ngủi với đời người thì salon ấy vẫn góp phần gìn giữ cho thi ca Việt Nam một mạch ngầm sáng tạo của những tiếng thơ cách tân. 

Và nó cũng gieo thêm một hạt mầm nhân duyên mà mấy chục năm sau bừng nở thành các trang sách bạn bè.

*****

Ký ức trơn trượt theo các nấc thời gian. Năm 2007, nhóm nhà thơ “chiếu nhất” của salon Đặng Đình Hưng là Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm cùng được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Trước đó, người bạn vong niên ngày nào đã trở thành họa sĩ với bút pháp theo phong cách Tối giản (Minimalism) và có triển lãm ở nước ngoài (năm 1995). “Cổ nhân có một câu rất hay là mình được ngồi với người tài thì bằng đọc vạn trang sách. Tôi được tiếp xúc với các cụ nhiều nên thấy được giá trị của tri thức và văn hóa. Nếu không được gặp các cụ thì tôi không được như ngày hôm nay”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về mối nhân duyên vô tiền khoáng hậu trong đời mình. 


Họa sĩ tối giản yêu thơ làm sách cũng tạo ra cái hay và cái khác biệt ngay từ bìa sách. Tối giản nghĩa là quên đi cái đao to búa lớn, cũng quên đi cái nổi bật khiêu khích trình diễn ở các bìa sách.

Nếu “họa là thơ vô thanh, và thơ là họa hữu thanh” như cách nói của nhà triết học Hy Lạp Plutarch thì họa sĩ Lê Thiết Cương đã may mắn ở điểm giao nghệ thuật thi và họa, vô thanh và hữu thanh, nơi mở ra cho anh vô số con đường mới. Chuyện làm sách, do đó, đến một cách ngẫu nhiên không định trước. Trước năm 2000, “cuốn đầu tiên tôi làm, mỏng thôi, một cuốn thơ của Chu Điền, một ông bạn thân của ông Hưng, học trường Y thời Tây, sau làm ở Bộ Y tế”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể. Lúc ngồi “chiếu ba”, lang bang vòng ngoài, anh nghe lỏm thơ thấy “thơ ông ấy rất lạ, nghe cái thuộc ngay. Ông Hưng cũng rất thích những thi liệu Việt Nam từ những chi tiết rất dung dị trong thơ Chu Điền:

Anh trót dại làm nải chuối tiêu tháng rét

Để mùa cốm thơm hồng ngọt em qua

Anh trót dại làm chiếc chổi tre bung lạt

Để vườn em lá mục cỏ xanh rì”. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương đã bỏ công tập hợp các bài thơ của Chu Điền. Bản thảo sau đó được anh đưa cho cháu ruột của ông xem trước khi gửi đi nhà in. 

Nhà thơ Đặng Đình Hưng và họa sĩ Lê Thiết Cương tại nhà ông Hưng (tập thể C4 Giảng Võ) năm 1984.

Cuốn thơ đầu tiên ấy đã mở đường cho họa sĩ Lê Thiết Cương đến với việc làm sách. Không phải vồ vập “bắt quàng làm họ” những người nổi tiếng mà là làm sách cho những người mình biết, mình yêu quý, có nhiều kỷ niệm. “Tiền in sách là tiền bán tranh, thôi thì thay vì uống rượu, mình dành tiền in sách cho bạn”, anh nói.

Gần 20 cuốn sách anh làm cho bạn bè, cuốn nào cũng là kỷ niệm, trang nào cũng đầy ký ức.

Tôi đi xa ra phố nửa giờ

Tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày

Những câu thơ Đặng Đình Hưng ghim vào não từ ngày ấy, cả phần chữ lẫn phần họa. Bởi ông thường có thói quen vẽ thơ trên toan, một cách chơi thơ rất lạ. “Anh Sơn gửi toan gửi sơn về cho bố. Tôi là người quét nền, đưa cho ông chấm cái bút vào sơn dầu rồi viết câu thơ xong rồi tôi đóng đinh, treo lên tường cho ông”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể. Thông thường, anh trải toan trước mặt nhà thơ, ông thường chọn một vài màu mình thích, rồi nhờ pha màu, quét nền. Cao hứng làm hớp rượu, chấm vào bảng màu, phết bút lên mặt toan câu thơ “Tôi đi xa ra phố nửa giờ…”. 

Cuốn “Di cảo Đặng Đình Hưng” ra mắt vào năm 2024

Cuộc hành trình đơn độc theo một con đường khác của nhà thơ Đặng Đình Hưng đã gợi lên ở họa sĩ Lê Thiết Cương rất nhiều suy ngẫm. “Mọi cuộc đi đều làm phấn khích, nhất là phập phồng hy vọng được tới một bến lạ, trong một chiều nâu αlfa, bằng những bước chân Mêta… Chữ là vật chất – hiện thực, nhưng cuộc chơi với từng chữ cái đã là một hành trình đầy thử thách”3. Đó là lý do mà sau khi cùng với các bậc đàn anh Hoàng Hưng, Đặng Hữu Phúc và con trai nhà thơ, Đặng Thái Sơn xuất bản “Bến lạ” vào cuối năm 2021, Lê Thiết Cương nghĩ về một tập thơ khác mà trong con mắt của anh, thực sự mở ra cho hậu thế thấy cuộc chơi thơ, họa chữ của Đặng Đình Hưng. “Sau khi ‘Bến lạ’ ra đời, một vài người bạn thân có nói rằng ‘trong ngăn kéo gia đình tôi, bố tôi có thơ của Đặng Đình Hưng tặng, bây giờ tôi đưa cho Cương, biết chỉ có Cương mới có thể làm sách về những bài thơ chưa được ai biết đó được ra đời’. Do đó, tôi tự bỏ công sức, bỏ tiền làm cuốn ‘Di cảo Đặng Đình Hưng’”, Lê Thiết Cương kể.

Với một tấm tình với nhà thơ Đặng Đình Hưng, anh chọn một cách thể hiện mới cho cuốn thơ này, “nguyên văn ông Hưng bố cục chữ như thế nào thì tôi đưa vào bản thảo như vậy”. Quá trình chuẩn bị cho cuốn Di cảo lấy mất của Lê Thiết Cương hai năm bởi nỗi băn khoăn là có cần hỏi lại nghệ sĩ Đặng Thái Sơn không? Sau khi nhà thơ mất, GS. Đặng Đình Áng, em ruột của ông, quản lý toàn bộ di cảo của ông, và sau khi ông Áng ốm nặng rồi qua đời thì quyền đó chuyển sang Đặng Thái Sơn. Nhưng những bài thơ vô tình mà hữu ý rơi vào tay Lê Thiết Cương đều không có trong tập thơ của gia đình. Cuối cùng, Lê Thiết Cương quyết định gửi đi in ở NXB Hội Nhà văn, sách dày 250 trang in trên giấy đẹp kèm theo những thủ bút của nhà thơ và bạn bè ông. 

Mỗi cuốn sách là một thao thức cùng con chữ. Với những người làm sách, ai cũng biết rằng, có trong tay chất liệu quý là những trang bản thảo hay đã là điều kiện cần nhưng để phô diễn, khơi gợi được vẻ đẹp, chiều sâu nội tâm của con chữ lại cần nhiều đến điều kiện đủ là mạch tư duy của người tập hợp bản thảo và tổ chức bản thảo. Tư duy ấy, cách nhìn nhận ấy lại phải đủ mới để có được một cấu trúc bản thảo khác biệt so với vô số cuốn sách đã xuất bản của cùng tác giả. “Năm 2023 là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm. Gia đình ông đã cùng với nhà thơ Hoàng Hưng tái bản cuốn ‘Về Kinh Bắc’. Tôi cũng muốn làm điều gì đó với ông nhưng không thể làm một cuốn y hệt được. Vì vậy, tôi nghĩ mình cần làm một cuốn Hoàng Cầm tinh tuyển 100 bài, toàn bài mình thích”, Lê Thiết Cương nói. “Cấu trúc cuốn sách tôi tự làm. Với tôi đó là việc dễ bởi tôi mê thơ ông Cầm, nó giống một thứ dân gian hiện đại, ví dụ ‘ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh’ thì ai cũng biết nhưng khi thành thơ thì nó rất hiện đại, ‘đi mãi tìm sim chẳng chín’”.

Họa sĩ tối giản yêu thơ làm sách cũng tạo ra cái hay và cái khác biệt ngay từ bìa sách. Tối giản nghĩa là quên đi cái đao to búa lớn, cũng quên đi cái nổi bật khiêu khích trình diễn ở các bìa sách. Chỉ thấp thoáng những nét vẽ co rút gần về không, thoạt nhìn thì rời rạc, lặn xuống, chìm khuất đi song hóa ra lại nói được nhiều, lay động được nhiều, để rồi cảm được một thứ tình nằm sâu ở bên trong nhưng hóa ra lại vô cùng mãnh liệt. “Cuốn tôi làm cho nhà thơ Thanh Tùng cũng có nét đặc biệt bởi tôi suy nghĩ rất lung. Tên tuổi Thanh Tùng gắn với bài thơ ‘Thời hoa đỏ’ thì hẳn cái bìa cũng cần toát lên được điều đó”. Vậy là anh đi Sài Gòn, ghé thăm cụ Thanh Tùng và tặng cụ một lọ gốm anh làm, trên đó có viết một câu thơ trong bài “Thời hoa đỏ” rồi nói ‘Cháu chuẩn bị làm cho chú cuốn thơ’. Nhà thơ lấy bút chép một đoạn “Thời hoa đỏ” tặng họa sĩ Lê Thiết Cương. Trang thơ đó sau được họa sĩ scan lại và đưa lên trang bìa sách…

Những năm đọc sách, làm sách song hành với họa đem lại cho Lê Thiết Cương một sự cẩn trọng, tưởng chừng không ăn nhập với tư chất nghệ sĩ thường thiên về bốc đồng ngẫu hứng. “Có một buổi ông Hoàng Cầm lên Giảng Võ một mình, nói được cho phép in thơ và đi đọc thơ. Lúc đó, ông Hưng nói đùa ‘cậu phải chú ý kỹ khâu biên tập, kẻo họ ‘bôi’ Nhân văn. Nói đùa nhưng sau thành thật, do sự nhếch nhác trong biên tập, sửa morasse (chính tả) mà sách được in nhưng sai be bét, đầy lỗi chính tả”, họa sĩ Lê Thiết Cương kể lại lý do vì sao mà anh rèn được tính cẩn trọng trong làm sách. 

Cái cẩn trọng ấy, không ngờ, đem lại cho anh cơ hội có được một bản thảo độc nhất vô nhị của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người mà nhà văn Nguyên Ngọc từng tự hỏi “hay anh thuộc một loài người khác, ở đâu đó không biết, cải trang, hóa hình, sống chen chúc giữa cõi đời này của chúng ta, để theo dõi quan sát cái thế giới người ngộ nghĩnh và khá lôi thôi này của chúng ta” (Dọc đường). Quãng năm 1995-1996, Lê Thiết Cương bắt đầu gặp Nguyễn Huy Thiệp, con người đã nổi danh từ năm 1988 khi được đăng một số truyện ngắn trên báo Văn nghệ, truyện đã được các nhà xuất bản, các đầu nậu in nhiều và cũng lỗi nhiều. “Anh em thỉnh thoảng ngồi với nhau ở quán cà phê Quỳnh Bát Đàn, lân la nói chuyện mới biết ông Thiệp có mở xưởng làm khung tranh cho các họa sĩ. Từ đó, thay vì đóng khung chỗ cũ thì đóng ở chỗ ông Thiệp. Dần dần thân với nhau”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhớ lại. 

Ấn bản truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp năm 2006

Vì thế, mới có chuyện là vào năm 2006, họa sĩ Lê Thiết Cương đứng ra làm tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, “một chuyện cực kỳ quan trọng” như cách nói của anh, đòi hỏi sự cẩn trọng tới từng chi tiết. Để có được một bản thảo tốt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hầu như ngày nào cũng tới nhà Lê Thiết Cương, ngồi vào máy tính, dò lại từng chữ một, phát hiện ra ‘chỗ này họ đánh sai chữ này chữ kia’. Cứ mỗi buổi chiều hoặc hai, ba buổi chiều mới xong một truyện. 

Làm sách cho bạn mới công phu như thế, và làm sách thế mới thú! Cái thú ở đây còn là đi mời mười mấy họa sĩ, như Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Thành Chương…, để minh họa cho sách. “Mình tự tay in truyện, mang đến nhà từng người, hẹn ngày hẹn giờ đến lấy bản minh họa của các ông các bà ấy về chụp lại rồi trả lại bản gốc cho họ”. Tỉ mẩn và công phu nên mùa hè năm 2006, tập sách ra đời trong sự mãn nguyện của tác giả. “Tập truyện ngắn năm đó của Nguyễn Huy Thiệp như một cuốn từ điển của ông Thiệp, không chỉ vì ông sửa từng câu từng chữ mà còn là cuốn tuyển tập đầu tiên mà ông tự lựa chọn. Ông cũng tự viết vài dòng giải thích tại sao tôi lại chọn truyện ngắn này. Cho đến năm 2006, chưa có cuốn nào được xuất bản mà lại có ghi chú của chính ông Thiệp ở cuối truyện”, họa sĩ Lê Thiết Cương nói. 

Bạn bè, hội họa, thi ca, những lớp lớp giao thoa chồng lấn trên miền không, miền có. Những cuốn sách làm cho bạn bè như đường nối những cá tính nghệ thuật, đặt họ vào một không gian, nơi những tấm tình với chữ nghĩa tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ.

Bởi thấy chữ là thấy người, trong thăm thẳm tâm can. □

Tài liệu tham khảo:

Lê Đạt. Đối thoại với đời và thơ. NXB Trẻ. 2008

Nguyễn Văn Chính. Tự sự dân tộc học. NXB Hà Nội. 2023

———–

1. https://tiasang.com.vn/van-hoa/tho-va-vat-ly-hien-dai-28584/

2. https://tiasang.com.vn/van-hoa/am-nhac-nang-con-nguoi-len-cao-hon-6053/

3. https://tiasang.com.vn/van-hoa/gap-ben-la-mot-chieu-nau-lfa-6247/

Bài đăng Tia Sáng số 12/2025

Tác giả

(Visited 52 times, 50 visits today)