Người đưa hội họa vào gốm
Nguyễn Trọng Đoan là người luôn tìm cách vượt ra ngoài sự kiềm tỏa. Ông muốn tự do biểu đạt thật nhiều sắc độ cảm xúc trên bề mặt của gốm.
Với hội họa, người họa sỹ được phép thổi bùng lên toan vẽ mọi xúc cảm tức thời, tự do chọn lựa tương đối chính xác những màu sắc và đường nét như mình mong muốn. Còn với nghệ thuật gốm, người nghệ sỹ thường phải làm việc trong một tâm thế tiết chế, vì tác phẩm sau khi nung ra lò có thể hoàn toàn khác với hình dung ban đầu. Một chút nhiệt độ cao hơn hay thấp hơn gây biến đổi màu men, hay một góc tác phẩm nào đấy có thể co ngót không đồng đều với các phần khác, những thực tế ấy đều không thể lường trước, và sẵn sàng phủ quyết không thương tiếc những dự tính ban đầu của người sáng tạo. Đến với gốm, người nghệ sỹ phải biết chấp nhận sự thường xuyên không chắc chắn, cũng giống như con người phải chấp nhận sự bất toàn của đời sống.
Theo khía cạnh này, người nghệ sỹ gốm phần nào có phẩm chất của một thiền gia. Họ nhào đất, vuốt trên bàn xoay, tạo tác hình khối, gây dựng đường nét, hòa sắc, rồi kiên nhẫn chờ đợi đứa con tinh thần sinh thành trong lò lửa. Tạo hóa không cho họ quyền được định đoạt kết quả cuối cùng, và họ an nhiên chấp nhận sự kiềm tỏa ấy của số phận.
Nhưng Nguyễn Trọng Đoan là người luôn tìm cách vượt ra ngoài sự kiềm tỏa. Ông muốn tự do biểu đạt thật nhiều sắc độ cảm xúc trên bề mặt của gốm.
Hội họa giá vẽ được tự do bay nhảy phóng khoáng trên tấm toan phẳng, trong khi sáng tạo trên gốm đa phần bị vô vàn hạn chế, không chỉ về độ bất ổn định của chất liệu do phải nung qua lửa, mà còn hạn chế cả về không gian của tác phẩm. Không gian của gốm từ hàng nghìn năm nay vẫn thường đa phần bị giới hạn trên những khối trụ tròn. Thứ không gian ấy nhìn được mặt này thì khuất mặt kia, và dù sáng tạo bay bổng kiểu gì thì bàn xoay lại đưa điểm kết thúc về đúng điểm khởi đầu. Gốm tiết chế và tròn trĩnh, giống như truyện ngụ ngôn. Đừng ai mang tham vọng làm cuộc cách mạng, mong muốn chuyển tải tiểu thuyết vào nó.
Ấy vậy mà Nguyễn Trọng Đoan vẫn đưa được chất đa cảm vào gốm, nhuần nhụy thường tình như cơm ăn nước uống. Ông nắm được yếu quyết về thứ không gian tròn trĩnh của gốm để không cảm thấy bị trói buộc tù túng. Ông cứ tự do đi, đi mãi với mối tâm tư của mình. Khối trụ hữu hạn vào tay ông thoắt hóa thành trời cao đất rộng, nơi ông gửi gắm tâm tình về cõi nhân sinh, về cảm quan thân phận.
Tâm tình của Nguyễn Trọng Đoan xuất phát từ sự tin cậy mà ông trao gửi vào đất. Đất che chở, đất làm điểm tựa, đất là nơi trở về. Màu nâu đất thường chiếm một diện đáng kể trên bề mặt gốm Đoan, kết hợp với dáng gốm trì nặng, trọng tâm thấp, tạo ra cảm giác yên bình và vững chãi. Màu của đất cũng là màu thời gian, màu của sự bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, kinh qua những biến đổi thăng trầm.
Trên cái nền đất mộc mạc thân thương ấy, người nghệ sỹ thả mình vào những tiềm thức, với các biến hóa mang đậm chất dân gian, lúc là cá, lúc là gà, có lúc lại là sự hóa thân, pha trộn. Hình họa tiết của gốm Đoan đặc trưng cho ngôn ngữ Lập thể. Hình tướng sự vật trong thiên nhiên và dân gian chỉ là cái cớ để người nghệ sỹ giãi bày lòng mình qua cách bố trí những đường thẳng, đường cong.
Những đường cong làm thành giai điệu, trong khi những đường thẳng và góc nhọn đóng vai trò khơi thông, giải tỏa, phá thế tù túng. Cong và thẳng lúc khoan lúc nhặt như âm hưởng của dân ca, một thứ nhạc điệu âm thầm tạo thành sức sống bền bỉ, chảy trên bề mặt gốm căng tròn, với nền là màu đất thâm trầm gợi mở về sự sinh và diệt.
Cảm thụ gốm Đoan không phải là điều dễ dàng. Thoạt nhìn ta chỉ thấy những hình Lập thể mang đậm ảnh hưởng của dân gian. Phải trải qua thời gian chung sống bên tác phẩm, qua những thăng trầm mà đời sống dội vào, một lúc nào đó những đường nét bình thường ấy mới nhói lên, bật ra những âm hưởng được tích tụ và dồn nén từ bên trong. Đó là khoảnh khắc gốm Đoan cởi bỏ diện mạo bình dị bên ngoài để tỏa ra ánh sáng thực sự của nó.
Nhưng điều này sẽ không kéo dài. Chỉ một khoảnh khắc sau khi ta nhìn lại, những hình tướng ấy lại quay về với trạng thái ngây thơ và thản nhiên. Gốm Đoan đa phần khiêm nhường, và có một đời sống độc lập mà cả tác giả lẫn người xem đều không thể khiên cưỡng áp đặt.
Và trên con đường sáng tạo, dù bản lĩnh đến đâu thì vẫn đến lúc người nghệ sỹ gốm phải dừng lại vòng xoay, trao đứa con tinh thần của mình cho lửa. Dù tâm tình còn chưa dứt, và chưa kịp gửi gắm được tất cả mọi điều. Để rồi lại bắt tay vào tác phẩm mới, những vòng xoay hữu hạn mới. Nguyễn Trọng Đoan thường nói: “tôi muốn đi, đi mãi, và không bao giờ đến”.