Người già kể chuyện để chuyển giao giá trị và ý nghĩa cuộc sống cho thế hệ sau

Nếu dành thời gian nghỉ lễ với những người thân lớn tuổi hoặc bạn bè, người ta có thể được nghe nhiều câu chuyện giống nhau lặp đi lặp lại – có lẽ là những câu chuyện đã được nghe qua nhiều năm hoặc thậm chí chỉ trong vài giờ trước.

Việc những câu chuyện kể được lặp đi lặp lại đôi khi khiến người nghe thấy bực bội, làm tăng nỗi lo ngại về khả năng suy giảm nhận thức, mất mát ký ức hoặc có lẽ thậm chí là biểu hiện của chứng mất trí nhớ của người thân.

Nghiên cứu của các nhà khoa học ở ĐH Queen cho thấy có một cách khác để nghĩ về những câu chuyện kể được lặp đi lặp lại, đó là khiến cho dễ dàng hơn cho việc lắng nghe và gắn kết giữa người nghe và người kể qua câu chuyện. Họ đã phỏng vấn 20 người trung niên, những người đã phải nghe từ bố mẹ mình những câu chuyện giống hệt nhau hết năm này qua năm khác. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị họ kể về những câu chuyện và sau đó ghi lại rồi viết chúng ra.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tiếp cận phân tích tường thuật (narrative inquiry approach) để phát hiện ra là việc kể chuyện lặp đi lặp lại là cách quan trọng để những người lớn tuổi truyền đạt những điều họ tin là quan trọng với con cái, cháu chắt và những người họ yêu thương. Phân tích tường thuật thường sử dụng văn bản các câu chuyện như dữ liệu nghiên cứu và tìm hiểu cách mọi người tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Chuyên chở những giá trị

Trên cơ sở gần 200 câu chuyện thu thập được, các nhà nghiên cứu tìm thấy có xấp xỉ 10 dạng câu chuyện mà bố mẹ ông bà thường kể đi kể lại cho con cháu mình nghe.

Giả thuyết đặt ra là việc các câu chuyện lặp đi lặp lại chính là chuyển giao giá trị liên thế hệ. Bằng việc khám phá các chủ đề của các câu chuyện này, các nhà nghiên cứu có thể nhận diện được ý nghĩa và thông điệp mà những bậc trưởng thượng gắn kết với những đứa trẻ họ yêu thương.

Mục tiêu cuối cùng là đưa ra một cách suy nghĩ mới về các câu chuyện được kể đi kể lại nhiều. Dưới đây là những gì các nhà nghiên cứu rút ra:

1. Có 10 dạng câu chuyện mà con người thường kể đi kể lại. Dù 10 không phải là một con số bí ẩn hay ma thuật gì nhưng dường như nó là con số phù hợp về các câu chuyện như vậy. Những người tham gia trả lời phỏng vấn thường cảm thấy khoảng 10 câu chuyện cho phép họ đủ năng lực áp dụng thông điệp từ lời kể của ông bà, bố mẹ.

2. Giữa những người trả lời phỏng vấn, có một con số đáng kể về các câu chuyện của bố mẹ họ – 87% – xảy ra khi họ ở tuổi teen hoặc ngoài 20. Thập kỷ thứ hai hoặc thứ ba của một người là khoảng thời gian họ thực hiện nhiều quyết định định hình cuộc đời phía trước của họ; một thời gian mà các giá trị được củng cố và hình thành căn tính của người trưởng thành.

3. Những gì quan trọng trong 10 câu chuyện không chỉ là những chi tiết thực mà còn là bài học đã nếm trải hoặc giá trị được củng cố – những giá trị như sự chung thủy gắn kết với bạn bè, đặt gia đình lên trên hết, vun đắp nhân tính ngay cả ở thời điểm khó khăn, có được học vấn, lên tiếng trước sự phi nghĩa, và làm những gì là đúng đắn.

4. Những chủ đề chính trong những câu chuyện này phản chiếu các sự kiện có ý nghĩa và những giá trị phổ biến trong những năm đầu hoặc giữa thế kỷ 20. Rất nhiều câu chuyện diễn ra trong chiến tranh, cả những trải nghiệm trong nước lẫn ở nước ngoài. Rất nhiều người trả lời phỏng vấn đã được nghe những câu chuyện di cư tới Canada, bắt đầu với chút vốn ít ỏi, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và làm việc chăm chỉ. Những câu chuyện thường phản chiếu một khoảng thời gian chính thức hơn khi điều quan trọng là phải giữ vững các tiêu chuẩn, tạo một ấn tượng tốt, biết vị trí của ai đó và tuân thủ các quy tắc.

5. Câu chuyện mà người cao tuổi kể thường xuất hiện một cách phù hợp với người đón nhận chúng. Các câu chuyện này có thể khác biệt đôi chút, nếu được kể lại với một đứa trẻ khác, vợ chồng hoặc bạn.

Các mẹo để lắng nghe

Các nhà khoa học đã đề xuất một số mẹo để lắng nghe các câu chuyện của người già:

– Tập trung vào 10 câu chuyện. Nó có thể khiến việc nghe dường như ít mông lung hơn.

– Viết chúng lại. Điều này khiến chúng ta đón nhận thẳng câu chuyện.

– Nhận thức được vai trò của người bạn yêu quý trong câu chuyện, khi thông điệp muốn trao gửi đóng vai trò chính.

–  Hãy đón nhận cảm xúc, sự căng thẳng hay thiếu thoải mái. Đó có thể là các tín hiệu hoặc manh mối liên quan đến ý nghĩa của một câu chuyện.

– Cuối cùng, hãy nhớ những câu chuyện đó được kể vì bạn – được lựa chọn và kể lại trong bối cảnh sự kết nối của bạn với người bạn yêu quý. Hơn nữa, đó là một món quà từ người đang không còn nhiều thời gian sống.

Tầm quan trọng cả việc đón nhận các câu chuyện

Kể chuyện là một quá trình thiết yếu của con người và một trải nghiệm phổ quát liên quan đến tuổi tác. Các nhà khoa học thần kinh đề xuất là việc kể chuyện có một giá trị sống còn thực tế với từng cá nhân và cộng đồng cũng như các lợi ích xã hội và tâm lý.

Nó có thể hữu dụng như liệu pháp y khoa, thuốc chữa với những người lớn tuổi phải chịu đựng chứng trầm cảm. Kể chuyện trở nên vô cùng quan trọng khi con người ngày một nhận thức được cái chết cận kề của họ – khi họ ốm, chịu đựng hay phải đối mặt với cái chết.

Con người không chỉ kể đi kể lại những câu chuyện giống nhau bởi họ đang mất dần chức năng nhận thức mà còn bởi những câu chuyện đó có vai trò quan trọng, và họ cảm thấy chúng ta cần đến chúng. Việc kể các câu chuyện lặp đi lặp lại không phải là tính hay quên hay mất trí. Đó là nỗ lực chia sẻ những điều quan trọng của cuộc đời.

Hy vọng của các nhà nghiên cứu là hiểu rõ hơn việc kể của những người già, những người chăm sóc có thể lắng nghe theo một cách khác với những câu chuyện đó và hiểu thông điệp chúng chứa đựng. 10 dạng câu chuyện đó có thể giúp chúng ta hiểu về những người chúng ta yêu thương ở một mức độ sâu sắc hơn và giúp đỡ ông bà, bố mẹ chúng ta thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của tuổi già.

Do đó, nghiên cứu này đề xuất một cách khác cho những người chăm sóc lắng nghe ông bà bố mẹ kể đi kể lại những câu chuyện tưởng chừng nhàm chán và trao lại món quà của việc biết được là mình được thấy và lắng nghe.

Thanh Hương tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2023-01-storytelling-elders-values-younger-generations.html

https://ottawacitizen.com/life/life-story/the-hidden-meaning-behind-the-stories-elders-tell-you-over-and-over

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)