Người hàng xóm thân thiết
Các nhà nghiên cứu lịch sử hội họa, nhất là vào khoảng 100 năm gần đây hình như đều chấp nhận một sự thật hiển nhiên: giới thơ là những người hàng xóm thân thiết nhất cũng như đáng tin cậy nhất của hội họa.
Trong vận hành của hội họa, tự nhiên vừa là nguồn cung cấp chất liệu hay nói nôm na là nuôi hội họa đồng thời cũng là đối thủ nguy hiểm nhất của nó.
Cái đòi hỏi giống thật ngay từ những ngày đầu trăng đầu nước của mối lương duyên giữa tự nhiên và hội họa đã là nguyên nhân đáng tiếc của không ít những cảnh súp chẳng lành canh chẳng ngọt.
Từ trên diễn đàn trang trọng này tôi xin phép tuyên bố ngoài luồng rằng kẻ thù ngoan cố và dai dẳng nhất của hội họa chính là chủ nghĩa tự nhiên.
Một số nhà lý luận đứng đắn hẳn hoi cũng đã từng tuyên bố rằng nhiệm vụ chủ yếu của hội họa là ghi lại tự nhiên.
Đồ vật của con người – Tranh Đặng Xuân Hòa |
Không đợi đến các trường phái hiện đại một trăm năm gần đây, từ thuở trưởng thành chưa bao giờ hội họa tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phải ghi lại tự nhiên cả. Nó không có nhiệm vụ phải sao chép tự nhiên mà tạo ra một tự nhiên mang đậm dấu ấn văn hóa của con người.
Bức tranh La Joconde của Leonardo da Vinci không đơn thuần là chân dung của bà vợ ngài thương gia Joconde thành phố Milan- Nó dzậy mà không phải dzậy- Nó còn là chân dung của nữ tình.
Phân tích một cách chặt chẽ ra mọi tự nhiên trong một tác phẩm hội họa đều ít nhiều có tính chất siêu tự nhiên.
Nhà thơ Pháp Jean Cocteau đã diễn đạt ý kiến này theo phong cách bay bướm đặc trưng của ông:
“Cái chổi trong tranh Van de Velde bao giờ cũng là hơn một cái chổi, nó là một sinh linh có khả năng đối thoại với trăng sao”.
Người ta thường khen Cartierr Bretson nhà nhiếp ảnh người Pháp nổi tiếng thế giới đầu thế kỷ XX về những bức ảnh “đời thường” đã đạt tới mức kiệt tác của ông. Đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Những bức ảnh “đời thường” của Bretson đã trở thành dị thường dưới lóe chớp đốn ngộ của nhà nhiếp ảnh.
Việc ra đời của hội họa trừu tượng, dầu muốn hay không muốn đã đánh dấu một bước phát triển ngoạn mục của hội họa.
Tranh Lê Thiết Cương |
Nhiều người nói rằng lời phát biểu “trên cả tuyệt vời” sau đây: Trừu tượng là một hiện thực khác là của Kandinsky. Điều quan trọng không phải nhà danh họa có nói như vậy hay không. Điều quan trọng là ông đáng được nói câu ấy.
Những người cách tân trong hội họa (mà không phải chỉ riêng hội họa) thường bị chê trách là những kẻ phá bĩnh, không biết điều. (Thì ưu điểm nhất của họ là không biết điều). Thiên hạ cho rằng những gò bó của hội họa cổ điển quá khó nên một số họa sĩ trẻ bất tài mới phá phách làm càn.
Một nghệ sĩ mà không chế ngự được những gò bó dầu khó khăn đến đâu của nghệ thuật là một nghệ sĩ vét đĩa. Những họa phẩm phong cách cổ điển của Picasso đã đạt tới cái đẹp thánh thiện không thua gì Raphael.
Một nghệ sĩ cách tân coi khinh 15 phút những sự gò bó của nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật nào chẳng có những cái gò bó của nó, những cách tân của họ chỉ nhằm loại bỏ những gò bó lỗi thời, phi mỹ học và phản nhân tính, để tạo ra những gò bó mới thỏa đáng hơn, cao cấp hơn, tự do hơn.
Đã có thời người ta lòe rằng luật thơ Đường là cực khó. Số lượng khổng lồ thơ các cụ tại những đài phát thanh phường chứng tỏ rằng những niêm luật dọa người thật ra cũng chẳng có gì là ghê gớm.
Hoạt động sôi động của hội họa Việt Nam một thập niên gần đây với sự ra đời của một số họa sĩ có cá tính đã chứng tỏ rằng các nghệ sĩ trẻ không phải một đám người lập dị, bất tài.
Ngược hẳn lại, tôi cho rằng sự phát triển của hội họa không giá vẽ, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, thân thể họa, hội họa kết hợp với truyền hình là những nỗ lực đầy văn hóa của một lớp nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành và dám chịu trách nhiệm về mình.
Tự do chân chính bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm cao. Người nghệ sĩ một mình đứng trước tác phẩm, không còn được dựa vào những quy chiếu quen thuộc an toàn của quá khứ, chỉ hoàn toàn dựa vào lương tâm của mình có thể coi là hành động dũng cảm và mạo hiểm của những người mở đường.
Mở đường bao giờ cũng là một công việc khó khăn, sao ta không giúp đỡ mà lại cản đường họ?
Tôi rất tâm đắc câu của một nhà triết học già người Pháp, Paul Ricoeur: “Mỹ học hiện đại càng ngày càng gần với đạo đức học”.
ảnh trên cùng: Tranh Nguyễn Quân