Người khách đêm giao thừa

Hắn bước vội vào nhà tôi, đúng hơn là đẩy cửa phòng tôi vào lúc mười một giờ đêm. Giời ạ, mười một giờ đêm giao thừa cơ. Ai đã mời hắn vào? Xưa nay tôi vốn có lệ cho vợ con làm bữa cơm tất niên thật thịnh soạn, mời chú dì, cô bác nội ngoại hai bên cùng họp mặt vui vẻ.

Trong bữa cơm,  chúng tôi mượn chén, có điều không phải với nhau đều nhờ rượu nói bằng hết. Cơ bản là để mấy bà chị em dâu được dịp nói xấu chồng công khai trước mặt họ hàng, một cách thể hiện tình yêu thời dân chủ. Sau khi tiễn mọi người hỉ hả ai về nhà nấy, tôi thường đóng cửa phòng riêng, ngồi nhâm nhi tách cà phê pha thật ngon để thức chờ giao thừa. Tai tôi vẫn nghe mẹ con nhà nó lách cách dao thớt dưới bếp sửa soạn cỗ cúng đón năm mới. Đấy cũng là dịp để tôi ngồi kiểm điểm những kế hoạch bị phá sản trong năm vừa qua, cho chúng trôi đi theo vị đắng cà phê, đồng thời vạch ra những kế hoạch năm mới để có cái mà tiếp tục phá sản.
Ấy đấy, giữa lúc cơ thể tôi đang lơ mơ hấp thu một cách thỏa mãn rượu thịt bữa tất niên thì hắn đẩy cửa phòng bước vào. Nhác trông hắn có vẻ hơi cổ lỗ trong bộ com lê màu xám nhật, vẻ người thanh tú với nước da mai mái cớm nắng của các thày ký khi xưa. Hắn nhẹ nhàng đóng cánh cửa phía sau lại. Tôi hơi bực mình. Nảy đâu ra ông khách vô duyên đến thăm vào giờ này nhỉ? Có chuyện quan trọng chăng?
Không kịp suy đoán kỹ càng, tôi đã phải lịch sự chìa tay bắt tay hắn, mở đầu bằng một câu giao đãi xuề xòa:
– Giờ mới thong thả được một tí ông ạ.
Hắn nhếch mép cười cười:
– Thôi thế cũng là qua một năm…
– Vâng, qua cái vèo! Lắm lúc nghĩ mình vô tích sự trong ba trăm sáu mươi nhăm ngày đêm ăn hại cơm giời. Thấy tóc bạc nhanh quá mới tiếc… Mời bác dùng chút cà phê với tôi. Vừa pha xong đấy.
Tôi chia nửa cốc cà phê trong phin, đặt trước mặt hắn vừa đưa mắt tò mò ngắm gương mặt lạ hoắc. Hắn cúi đầu cảm ơn, cố tỏ vẻ lịch lãm trong dáng ngồi, đôi tay mảnh dẻ xanh xao chắp lại trên đùi. Tôi không tả nổi vẻ không bình thường của hắn được. Chỉ biết hắn có sức kích thích mạnh mẽ trí tò mò ở tôi. Rút cục hắn có chuyện gì phải đến đây vào giờ này?
– Buổi sáng tôi rất cảm tạ tấm lòng của ông đối với ông chủ tôi, ông nhà văn tội nghiệp hiện đang ở bệnh viện ấy…
Hắn mào đầu bằng giọng xúc động, với một âm điệu u buồn bí hiểm rất hợp vẻ mặt cô hồn của hắn.
– Xin lỗi, tôi không rõ bác nói tới chuyện gì?
– Chắc ông sẽ bất ngờ thấy tôi hiểu được tâm trạng ông. Vâng, ai không xót xa khi phải gạch chéo một đoạn văn hay như thế. Nhất là người có lương tâm…
Tôi vô cùng ngạc nhiên. Làm sao hắn biết chuyện này? Đích thực hắn là người hay ma?
Buổi sáng tôi vừa duyệt xong bản thảo cuốn tiểu thuyết “Gió lạ” của nhà văn X. Đã nhiều năm ông nhà văn có sừng có mỏ này vắng mặt trên văn đàn. Bỗng nhiên đầu năm ông cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết vang dội. Mới tung ra vài tháng đã phải tái bản. Rồi dư luận khen, chê ầm ĩ. Tôi rất mừng cho ông cũng như mừng cho nhà xuất bản của tôi. Chả thế cuối năm anh em cơ quan chúng tôi nhận được món tiền thưởng tết khá hậu hĩnh. “Gió lạ” dày ngót ngàn trang là cuốn tiểu thuyết thứ ba ông nhà văn X vừa gửi tới. Nghe nói ông nằm liệt trong bệnh viện đã hơn một tháng, hoàn thành bản thảo trên giường bệnh.
Lòng đầy ngưỡng mộ lẫn háo hức, tôi quyết định duyệt cho xong tập bản thảo trước ngày nghỉ tết. Tiếng hót cuối cùng của một con chim hấp hối bao giờ cũng thiết tha. Tôi đồ chừng viết xong những dòng tâm huyết này ông nhà văn sẽ khăn gói ra đi đây thôi. Tội nghiệp!
Quả thế, nhiều trang bản thảo khiến tôi vừa đọc vừa ứa nước mắt. Rất tuyệt! Xứng đáng là cuốn sách để “giã biệt cây bút”.
Tuy nhiên đọc tới ba trang kết tôi gai cả người. Tuyệt thì vẫn tuyệt, nhưng có thể ví chúng như những quả bom khủng bố. Ông nhà văn trút vào đó mọi nỗi bức xúc, mọi ẩn ức của mình qua miệng cô nhân vật chính. Tôi có cảm giác cô ta vén váy chửi cả làng Vũ Đại theo kiểu chú Chí Phèo thời Acòng. Chưa ai dám đáo để hói huỵch toẹt những điều húy kị như cô ta. Đến nhắc lại ở đây tôi cũng còn chả dám, e rằng phạm thượng nữa là. Tôi đồ chừng chúng được viết ra trong sự phấn hứng giữa những cơn mê sảng.
“Tôi trao các anh tập bản thảo này coi như trao đứa con cuối cùng cho cuộc đời. Mỗi dòng có thể gọi là mỗi giọt máu của tôi tặng lại nhân gian. Giá tôi kịp nhìn thấy mặt mũi nó trước khi nhắm mắt… Sẽ hạnh phúc biết bao”.
Lá thư ngắn ngủi đính ở trang cuối khiến tim tôi nhói lên. Giờ ạ, như vậy ai nỡ nhẫn tâm cắt xén ba trang kết đây? Nhưng để lại thì dứt khoát không ổn. Tôi mới leo lên cái ghế Phó tổng biên tập chưa được nửa năm, chân ghế vẫn còn rung rinh. Phó là chức chuyên đại diện cơ quan những dịp tang ma hiếu hỉ, thực quyền đâu đến phần mình, chỉ hứng tai ba vạ gió cho thiên hạ. Dù vậy tôi vẫn sứt đầu mẻ trán mới leo được lên ghế, đâu dám coi làm thường. Và nồi cơm của chức vụ quèn ấy không phải nồi cơm thần Thạch Sanh, nó có nguy cơ rỗng tuếch bất cứ lúc nào, nếu tôi sơ suất để lọt lưới những dòng bản thảo phạm luật chơi. Mà giả dụ tôi uống thuốc liều cho qua ba trang kết đầy gai sự này, chắc gì đã vượt cửa ải lão Giám đốc nhà xuất bản. Lão luôn sẵn sàng quắc mắt nạt nộ mọi người: “Làm ăn thế à? Mắt mũi anh để vào đâu? Có muốn đi nghỉ mát không đấy?”. Và lão vứt toẹt ngay bản thảo “Gió lạ” vào sọt rác như thể nó chứa bom vi trùng. Chấm hết!
Tôi quyết định cầm bút lên. Nào, gạch chứ? Tự nhiên miệng tôi lẩm bẩm nhai đi nhai lại một câu có vần có điệu như một thằng hâm nặng:
Cái kết giết chết cả thầy… Hừ, cái kết giết chết cả thầy…
Tôi cũng chẳng hiểu mình định nói gì. Triệu chứng của sự bí quẫn, cần phải thốt ra thành lời.
Tôi còn nhớ khi cầm bút gạch ba trang kết tôi đã nhắm mắt lại. Chắc chắn nét gạch này là một nhát búa tạ phang vào đầu kẻ hấp hối tội nghiệp. Ôi, sao ông nhà văn không ngất hộ tôi trước khi viết những trang kết có hơn không!
Nhưng tại sao hắn, kẻ đang ngồi đây, lại biết được lòng dạ tôi như ma xó thế?
– Ông đừng lạ, tôi có thể đoán ra những chuyện nằm ở tận cùng tâm khảm người ta. Tuy thế tôi không phải ma quái. Tôi là xương là thịt như ông thôi, có điều phận tôi kém cỏi thiệt thòi hơn người. Âu cũng tại cái số cả.
Nói chưa dứt câu, người đàn ông lấy tay che mặt. Tôi để ý hai bàn tay hắn mỏng, trong, với những đốt nhỏ kiểu tay đàn bà. Rồi hắn đột ngột buông tay xuống nhìn thẳng vào mắt tôi như để tạo một sự tin cậy cần thiết.
– Thưa ông tôi là ngón tay út của ông chủ tôi, nhà văn tác giả “Gió lạ” ông biết đấy. Vâng, tôi chỉ là ngón tay út của ông ấy theo nghĩa đen, một ngón út đau khổ.
Tôi dụi mắt, hoang mang không hiểu mình đang say rượu hay đã chìm vào một giấc mơ kỳ quái. Nhưng hắn vẫn ngồi trước mặt tôi sờ sờ, thậm chí còn hơi ngọ nguậy để chứng minh sự tồn tại… Ô hay, thì cứ mặt kệ hắn, mặc kệ tôi xem là chuyện gì. Nghĩ thế tôi mỉm cười khích lệ hắn:
– Nghĩa đen, nghĩa bóng cũng chẳng mấy quan trọng đối với tôi. Vậy có thể gọi ông là Ông- ngón- út chăng?
– Đúng thế ạ. Hay gọi cho có cả họ đầy đủ thì: Ngón-út-của-nhà-văn X. Bởi vì chúng tôi tuy đều út ít như những người con sinh sau đẻ muộn trong gia đình, nhưng nếu là ngón út của anh thọ rèn số phận chưa biết chừng may mắn hơn ngón út nhà văn rất nhiều.
– Chớ oán trách giờ kẻo phải tội ông ạ. Thời nay thằng cả như tôi cũng có sung sướng gì đâu ông. Một thứ tướng hão, sinh ra đã gánh trách nhiệm đầu tàu, nào gương mẫu, nào nhường nhịn, nào chia sẻ, nào bao bọc… Ông thích thì tôi đổi cho!
Nghe tôi đùa, hắn chỉ thở dài:
– Ông Cả nhà tôi còn lâu mới học được những điều ông vừa kể. Cứ trông cái tướng dùi đục của hắn ông khắc hình dung ra tính cách ấy thô bạo nhường nào. Hắn chỉ huy tất. Hắn bắt anh Trỏ nhà tôi răm rắp theo lệnh: “Cấm lấy cái này, xé nát cái kia, đưa bút viết chữ nọ, xóa bỏ chữ khác… Rút cục Trỏ đóng vai trò một tên tay sai đắc lực. Hay nói cách khác, cả hai gã ấy tự tung tự tác mọi việc. Ông có biết, chỉ đến việc gãi ngứa hay nắm lấy giẻ lau, năm chúng tôi mới được đối xử bình đẳng.
– Dào ôi, tôi lại thích người ta cứ mặc xác tôi, quên tôi đi càng tốt.
Hắn đưa mắt liếc xéo tôi, môi hơi bĩu ra, vẻ chê trách:
– Ông nói đùa thôi. Ở trên đời không được sống cho ra sống, hỏi còn gì ý nghĩa? Nói ông tha lỗi, tôi rất ghét anh chàng Ba nhà tôi cái thói thờ ơ, vô thưởng vô phạt ấy đấy. Anh Ba cũng chẳng mang chức phận gì, nhưng được cách nghênh ngang to xác. So với ông Cả, Ba đàng hoàng hơn hẳn, phong độ lẫn vị thế cũng hơn hẳn. Với vẻ ngoài ấy, lẽ ra hắn phải giữ vai trò người cầm cân nảy mực trong gia đình. Ai ngờ hắn hèn, chỉ lăng xăng, bợ đỡ hai thằng đầu gấu kia. Tôi chả hiểu vì sao giờ cho hắn cái bộ mã cao to nhất hội để làm gì. Ông chủ tôi cầm bút viết văn, hay làm việc tầm thường như cầm đũa ăn uống, hắn chỉ len lén khéo léo đưa đẩy. Là hắn sợ hai gã đầu gấu khiển trách nên phải gồng mình gánh vác mọi nhọc nhằn, nhưng không được ra mặt kể công đấy thôi.
Tôi suýt cười phá lên vì chợt nhớ đến truyện ngụ ngôn “Lục súc tranh công”. Vui thật. Hay người đàn ông này thần kinh không bình thường? Thì đã sao. Rất có thể một hôm nào đấy tôi mắc chứng hoang tưởng, ngỡ mình là một ngón chân cái chẳng hạn.
– Xin ông đừng giễu tôi. Nếu không đau đớn vì thân phận, tôi đã không tới đây giãy bày cùng ông vào thời khắc này. Tôi sinh ra đâu được phép chọn lựa. Tôi nói giả dụ được làm ngón út của anh thợ rèn chưa biết chừng sẽ sung sướng hơn. Là bởi anh thợ rèn không thể không trọng dụng tất cả các ngón tay mình để hành nghề. Anh ta không thể nhón cái búa bằng hai ngón tay, điệu đàng giống các tiểu thư nhón đóa hoa được.
– Ông hãy bình tĩnh. Xưa nay mỗi người làm tròn bổn phận mình mới là đáng quý. Đứng núi này trông núi nọ chưa chắc khôn ngoan. Tôi nhận thấy, người ta thường chỉ nhớ nỗi thua thiệt ở đời, ít ai biết bằng lòng với số phận. Hãy nghĩ kỹ đi, thể nào giời chả ban cho ông những giây phút sướng vui?
– Tôi không mang tội vô ơn với giời ông ạ. Nếu quả thật đời tôi có thứ đáng gọi là niềm vui thì nó vừa đi qua mất rồi, đi qua vĩnh viễn. Người ấy lấy chồng, mang theo nguồn sống của trái tim tôi. Nhưng mãi mãi tôi biết ơn Nàng, cảm tạ giời đã cho tôi những giây phút thần tiên.
Có ai nghe ngón tay út mình yêu đương bao giờ chưa? Một là hắn tâm thần, hai là tôi tâm thần. Đối thoại giữa tôi với hắn không phải vậy sao? Cầu cho cả hai cùng chập mạch  nặng hơn nữa mới thích!
– Ông bạn ơi, tôi rất khoái nghe những chuyện tâm tư tình cảm. Trên đời có đến ngàn lẻ một kiểu thất tình, nhưng một ngón tay út thất tình thì quả duy nhất mới thấy mình ông thôi.
Hắn hơi có vẻ phật ý. Nhưng nhìn tôi hồn nhiên ngoác miệng cười không ra tiếng, hắn dịu nét mặt lại. Vả hắn đang cần trút bầu tâm sự, giận tôi hắn trút vào đâu?
– Ông cứ việc đánh giá tôi lố bịch, nhưng sự thật chuyện đó đã xảy ra. Tôi xin ông hãy trân trọng, không phải với tôi mà với ông chủ tội nghiệp của tôi cơ. Trái tim ông ấy còn tan nát hơn tôi nhiều. Tôi thề rằng sau khi biết tin chuyến xe hoa đã khởi hành ông chủ tôi mới đột ngột ngã bệnh. Tất nhiên cô chủ Nàng lấy chồng, Nàng cũng bỏ lại trái tim ứa máu của tôi đi theo cô chủ. Nhưng tôi là người đàn ông cứng rắn, biết gượng dậy để sống, không cho phép mình gục ngã một cách đớn hèn. Đây này, mới nhắc đến Nàng, trái tim tôi đã run lên từng đợt. Sức chịu đựng của nó có hạn, phải không ông?
Tôi tin lời Ngón- út. Hắn nhăn nhó ôm ngực, đau đớn thực sự, không làm bộ kiểu cách. Tôi vội đưa cho hắn một chén nước lọc cùng vài viên B1 giấu trong ngăn kéo bàn làm việc. Đành rằng B1 không phải thuốc chữa thất tình, càng không chữa được bệnh đau tim, nhưng tôi đã thử nghiệm sự thần kỳ của B1, ngoài tất cả mọi sách y học: chữa bệnh sôi máu của vợ tôi. Mỗi lần cô ấy ghen long sòng sọc với một nữ đồng nghiệp của tôi trong nhà xuất bản, tôi vờ lôi lọ “thuốc độc” này ra, dọa sẽ viết thư tuyệt mệnh, lập tức cửa nhà tôi trở lại bình yên. Tôi liền nghiệm ra rằng người ta dùng B1 chữa bệnh tâm lý là chính.
Quả nhiên thuốc vừa khỏi miệng Ngón-út đã hết nhăn nhó. Nhưng gương mặt hắn thật rầu rĩ.
– Cảm ơn ông. Giá người ta khóc được lại nhẹ nhõm hơn. A, câu nói ấy của ai nhỉ?
– Phải rồi, buổi chiều cuối cùng họ đến với nhau, ông chủ tôi nói đúng như vậy. Hai người ngồi bên cửa sổ trông ra khóm hoa hồng trong vườn nhà, cô chủ Nàng, một thiếu nữ xinh đẹp nhất mà tôi từng nhìn thấy, cô khóc lặng lẽ sau khi báo tin mươi ngày nữa sẽ bị ép lấy chồng, một Việt kiều giàu có nhưng cô không hề yêu thương. Cô van vỉ ông chủ tôi hãy đưa cô đến phương trời nào ông muốn để cùng nhau chung sống. Nghèo khổ bao nhiêu cô cũng chịu, bởi cô tha thiết yêu ông, trân trọng tài năng của ông, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác, bất chấp sự phản đối của gia đình, của bè bạn lẫn dư luận xã hội. Cuối cùng cô dọa sẽ tự vẫn nếu ông không chiều ý cô.
– Chao ôi, sao lại có một tình yêu dữ dội đến thế? Giá tôi được nghe một lần những lời có cánh ấy… thì dù chết cũng cam.
– Vậy mà ông chủ tôi chỉ dịu dàng can ngăn cô thiếu nữ. Dẫu ông ấy chưa biết có sống nổi không sau khi cô bước lên xe hoa, nhưng ông quyết không lạm dụng tình yêu thiêng liêng của cô, bắt tuổi xuân thì đẹp đẽ ấy dâng hiến cuộc đời cho một ông già hơn sáu mươi tuổi. Cô có cả một tương lai rực rỡ phía trước trong lúc ông như mặt trời sắp rụng dưới mặt biển, bất lực, khốn khó. Ông phân tích cho cô biết tình cảm của họ chỉ nhất thời bồng bột, trước sau sẽ gây đau khổ cho cả hai mà thôi.
– Rất chính xác. Người có lương tâm tất phải cư xử như vậy. Tôi kính phục ông chủ của ông. Tôi biết một ông bác chơi trống bỏi, cưới cô vợ gái quê, kém cả tuổi con út mình, rốt cục “cháu nó” trốn theo anh trai trẻ hàng xóm mất tăm. Thế đấy.
– Tôi chẳng dám bình luận, nói thực ra lúc đó tôi cũng không còn hồn vía để đánh giá hay phản đối ông chủ. Tôi còn đang tan nát theo kiểu của tôi. Bao lâu  nay tôi thường quen mỗi buổi chiều Nàng- ngón-út theo cô chủ đến ngồi đây, tôi được tha hồ ve vuốt làn da mịn màng, thân thể trắng trong thánh thiện mà Nàng e lệ nép vào tôi. Chúng tôi được mặc sức tình tự, tất nhiên trong khuôn khổ lễ giáo và điều kiện của ngón tay út cho phép. Khi từ biệt ra về, Nàng thường ôm siết lấy tôi say đắm thì thầm: “Tạm biệt anh thân yêu, người tình dịu dàng nhất đời của em”. Ôi ngọt ngào xúc động làm sao…
– Thầy trò ông hạnh phúc thật!
– Nói đúng ra tôi may mắn hơn ông chủ tôi. Ông ấy đâu dám thả hồn yêu đương như tôi. Ông ấy giữ gìn mọi ngả. Hành động duy nhất của ông là nắm tay cô chủ nàng ngồi hàng giờ, kể những câu chuyện nảy ra trong đầu ông khiến cô chủ đắm đuối nuốt từng lời. Do đó tôi với Nàng có dịp gần gũi nhau, quên cả trời đất lẫn ông bà chủ. Còn họ tay trong tay, mắt trong mắt. Đôi lần ông đặt nhẹ môi hôn cô chủ. Khi ấy cô bối rối đến tội nghiệp… Và cũng xin đừng hiểu sai. Tuy da thịt chúng tôi liền kề như thế, gần gũi như thế, không một mảnh vải ngăn cách như thế, nhưng thề với ông, tôi vẫn gìn giữ phẩm tiết cho Nàng trọn vẹn theo gương ông chủ tôi.
Một anh Ngón-út “làm ăn” theo kiểu gì đây? Hắn ra cái điều “giữ gìn phẩm tiết” cho Nàng mới ngộ chứ! Chả lẽ tôi hỏi thẳng rằng “cái ấy” của hắn mọc ở chỗ kín nào vậy? Nghĩ thế tôi lại ngoác miệng cười không thành tiếng.
– Ông không tin tấm tình trong sáng của chúng tôi sao?
– Tôi tin chứ. Ông đừng giận, tôi hay vô cớ cười ngớ ngẩn vậy thôi.
– Có những cái vô cớ lại khiến người ta muốn khóc lên. Thí dụ tôi suýt khóc khi nghe ông vô cớ lẩm bẩm: “Cái kết giết chết cả thầy...”. Chính vì vậy tôi mới mạo muội tới đây tâm sự cùng ông.
– Cảm ơn sự tin cậy của ông. Nhưng tôi không rõ sẽ giúp gì được hai người, ông chủ ông cũng như ông?
– Ồ, giờ thì chẳng ai giúp được ông chủ tôi đâu. Cô thiếu nữ xinh đẹp ngây thơ đã lên xe hoa, chuyến xe chuyển thẳng ra xứ Tây. Nàng- ngón-út của tôi tất nhiên gắn bó ruột thịt với cô chủ, giờ cũng ở phương trời xa tít. Ông chủ tôi lập tức ngã bệnh, không có thuốc gì chữa nổi. Trước đây biết bao lần tôi ra sức phân tích, van vỉ, thậm chí dùng từ xúi bẩy cũng được: Ông chủ ơi, hãy mau mau dấn tới hạnh phúc đang chờ đợi, đừng để có ngày hối tiếc. Ông hãy sống đích thực cho mình lấy một lần, sợ gì thói đời đen bạc, sợ gì những bi kịch có thể xảy ra sau này. Cứ để cái gì đến phải đến. Nhưng ông chủ tôi bịt chặt tai lại…
– Kể cũng tiếc thật. Chả phải tay tôi…
– Tính nết ông chủ tôi là thế. Tính toan, e sợ đủ thứ. Tôi có may mắn sống sát với anh Nhẫn, nghe bao nhiêu tâm tư xót xa của Nhẫn, càng hiểu tính nết nhút nhát đến vô lý của ông chủ. Ông biết không, cách nay khoảng ba chục năm trước, ông chủ tôi từng đã đeo vào người anh Nhẫn một cái nhẫn cưới xinh xinh bằng vàng ròng. Phải nói tôi cũng sung sướng lây. Ánh sáng lấp lánh của cái nhẫn tỏa hào quang lung linh và chúng tôi luôn mang bộ mặt vênh váo hãnh diện nhìn ngó mọi người.
– Nghĩa là ông chủ anh từng lấy vợ?
– Than ôi ông chủ tôi đã có thể có vợ, có hạnh phúc bình thường như mọi người. Chỉ do tính sợ hãi thâm căn cố đế nên hỏng tất. Chả là cô dâu tương lai đã đồng ý đính hôn, trao nhẫn cho nhau, chỉ chờ bà mẹ ở xa về sẽ làm lễ cưới. Nhưng ngoài ông chủ tôi cũng còn một người nữa theo đuổi cô dâu. Người này lại là tay chân thân tín một vị quan chức to lắm. Hắn cậy quyền cậy thế, cậy cả sức mạnh như trâu vâm, đe dọa ông tôi. Hắn lu loa lên rằng trong khi hắn đi công cán nước ngoài, với một sứ mạng trọng đại của quốc gia, ông tôi ở nhà đã tán tỉnh người vợ chưa cưới nhẹ dạ của hắn. Hắn ngầm đe hai người phải bước qua xác hắn mới có thể lên được xe hoa. Thấy thái độ quyết liệt của hắn, ông tôi quá hoảng sợ muốn đánh bài chuồn. Cô dâu hụt hẫng, uất quá cũng thoái hôn luôn, chẳng chọn đối thủ nào, bỏ ra nước ngoài sinh sống. Khi nghe tin cô dâu đã vượt biên, ông chủ tôi ném cái nhẫn vàng ròng xuống sông Hồng… Từ đó ông chủ cứ trông thấy phụ nữ là lẩn trốn. Có lẽ ông mặc cảm sao đó. Nhưng cũng nhờ vậy ông viết được cuốn Kẻ hèn nhát giấu mặt mà nhân vật chính sinh động đến mức làm độc giả kinh ngạc. Chuyện đó ông thừa biết chứ?
– Vâng, chính tôi có viết một bài tranh luận, bênh vực cho nhân vật chính. Nhân loại hãy cảnh giác, khi sức mạnh thô bạo lên ngôi thì bệnh hèn nhát sẽ trở thành đại dịch tựa như đại dịch cúm gà, hủy hoại thế giới…
Hắn thở dài đánh sượt:
– Ông lại mắc bệnh đao to búa lớn. Ông chủ tôi chỉ chế giễu bản thân mình thôi. Nhưng chương cuối cuốn Gió lạ ông vừa gạch mới thật sự là những dòng ông chủ tôi tâm huyết nhất. Những đêm ấy, biết mình không qua khỏi, ông tôi gắng gượng tựa vào đống chăn đệm, chong đèn ngồi viết, say như người nhập đồng. Tôi biết giây phút này ông chủ đang sống thật nhất, không sợ hãi, không đắn đo. Hai gã Cả, gã Trỏ run như giẽ, chỉ chực buông cây bút xuống. Chúng lấy cớ ông chủ tôi đang vào giai đoạn sức tàn lực kiệt, cần phải nghỉ ngơi. Nhưng tôi đi guốc vào bụng dạ hèn nhát của chúng. Chúng sợ liên đới trách nhiệm. Còn gã Giữa nịnh thần với anh chàng Nhẫn thì tảng lờ, giả câm giả điếc.
– Ông cư xử như thế mới đáng mặt anh hùng!
– Hùng hiếc gì, chẳng qua tôi đoán chừng ông chủ tôi sẽ chẳng bao giờ cầm nổi cây bút nữa, phải khích lệ ông sống thật với lòng mình, ít nhất lấy một lần. Cả đời viết văn ông ấy phải quanh co, che giấu những ý nghĩ, những bức xúc mãnh liệt trong lòng, tự mình làm một nhà kiểm duyệt khe khắt đến buồn cười. Đắn đo từng chữ, từng cái dấu phẩy. Tôi cũng thế, cả đời bị mấy gã anh em to xác, đứa cậy sức mạnh, đứa cậy chỉ huy, đứa nhân danh khôn ngoan… chúng đè bẹp tôi xuống mặt bàn làm việc, không cho ngóc đầu lên. Ngày đêm dưới ánh mặt trời hay dưới ánh đèn điện, tôi đều bị chúng che lấp, ấn sấp ấn ngửa sát mặt giấy, để chúng mặc sức dẫn dắt cây bút đồng lõa của ông chủ. Nhiều bận tôi muốn phát điên lên ông ạ.
– Tôi hiểu. Vâng, nhiều khi con người không tự chủ được…
– Có kể dài dòng ông mới thông cảm cho. Giây phút ông gạch mấy trang kết của tập “Gió lạ” đau đớn vô cùng. Lời nói đọi máu, nhất là những lời cuối cùng trước khi vĩnh việt thế gian… Dù là chuyện đã rồi, tôi chỉ muốn hỏi giúp ông chủ tôi một câu thôi. Đó là lý do đánh liều tìm tới đây giãi bày cùng ông… Ông gạch chúng tôi đâu phải vì ghét bỏ, có phải vậy không thưa ông?
Tôi thấy máu chảy rần rật trên mặt. Biết trả lời thế nào trước đôi mắt khẩn nài của Ngón-tay-út? Tôi thường có thể lấy một lý do dối trá trả lời chất vấn của bất cứ tác giả nào, nhưng không thể lừa dối một ngón-tay-út.
Theo thói quen, hai tay tôi máy móc đưa lên xoa mặt. Xoa mặt nghĩa là muốn mình có thể có một bộ mặt khác, mới mẻ hơn cái thớt mình vẫn trình diễn hàng ngày. Rồi lấy hết can đảm tôi quyết định nói sự thật với hắn.
Nhưng khi mở mắt ra, tôi hốt hoảng thấy Ngón-út mặt tái xanh tái xám, hai tay giơ lên, miệng há hốc (tôi thấy rõ cả hai hàm răng trắng của hắn cơ mà!) hắn đang dần một mờ đi dưới ánh điện. Tôi vụt đứng dậy để níu hắn lại nhưng không kịp. Hắn bốc hơi nhanh quá. Thứ cuối cùng tôi còn ghi nhận được là một làn khói trắng đục, mơ hồ tỏa nhanh trong không gian căn phòng.
Đúng lúc đồng hồ báo hiệu giao thừa!
Trời đất ơi, tôi vừa đối thoại với ai đây? Như vô thức, tôi chìa hai bàn tay mình, giơ ra trước ánh đèn, chằm chằm ngó vào ngón út. Hay tôi vừa đối thoại với chính nó? Tự nhiên tôi sợ hãi muốn gào lên. Mọi người ơi, hãy giơ tay nhìn thử ngón út xem nó có thành tinh không thế?
Trong những ngày đầu Xuân, tôi được biết ông nhà văn X ra đi đúng giao thừa, muộn hai phút. Hai phút chắc để chờ ngón út kịp trở về.
Xóm Núi
12- 2005

Đoàn Lê 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)