Người nào của ấy
Cuộc sống nào, con người nào thì sẽ sinh ra nghệ thuật đó. Cuộc sống hiện nay với vài đặc trưng như tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học kỹ thuật, khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng được rút ngắn. Cái gì cũng nhanh, cũng ngắn, cũng gấp gáp.
Một đặc điểm nữa là cái sự toàn cầu hóa, nhiều đường biên nhỏ bị phá bỏ. Xu hướng hòa nhập, hội nhập đang là mốt. Sự sáp nhập của những tập đoàn thành những đại tập đoàn. Xu hướng tổng hợp, kết hợp nhiều trong một điển hình là cái “cục sắt bé tí” vừa alô được vừa chụp ảnh, quay phim, kết nối internet được. Trước đây chỉ có hai môn nghệ thuật tổng hợp là sân khấu và điện ảnh nhưng nay thì khác. Mấy nghệ sỹ làm trình diễn, sắp đặt v.v…, là tổng hợp của tổng hợp. Các loại nghệ thuật mới này không lấy sự bền vững làm tiêu chí như trước. Ngay cả hội họa giá vẽ cũng không chỉ là sơn dầu trên vải mà đã là mix medium. Tất cả các loại hình nghệ thuật đều có trong các tác phẩm của Matthew Barney(1) và Bill Viola(2).
Có cổ điển, tân cổ điển rồi mới đến hiện đại và sau đó là hậu hiện đại. Có thể nói thế này. Bọn cổ điển nhìn hiện thực thế nào thì cố kể lể lại như thế. Bọn hiện đại loay hoay với việc thay đổi hình thức diễn đạt, nào là lập thể, trừu tượng, biểu hiện… Hậu hiện đại không quan tâm đến kể nữa. Nhạc sỹ không làm nhạc nữa. Họa sỹ không vẽ bằng bút trên vải nữa. Nguyễn Văn Cường “vẽ” bằng cách dùng archet kéo vào những cái nan hoa của bánh trước xe Honda Dream. Vũ Nhật Tân chơi nhạc bằng cách dùng “nhạc cụ laptop” trộn âm thanh thông qua card âm chuyên dụng và phần mềm Virtual DJ studio. Thơ của Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… vẫn chỉ là món ăn hiện đại, họ chú trọng vào việc thay đổi cách kể hoặc nỗ lực làm mới chữ. Nguyễn Thúy Hằng qua “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý” không làm thơ nữa, chữ là nguyên liệu để cô ta sắp đặt. Sắp đặt chữ. Nó có mùi hậu hiện đại. Nguyễn Việt Hà hơi cố chấp khi đề chữ tiểu thuyết vào bìa cuốn “Khải huyền muộn” chứ thực ra thì không cần vì nó không hẳn là tiểu thuyết “kiểu cũ” nữa khi anh bê nguyên cả lịch sử tôn giáo, nhật ký gia đình, sự kiện, người thật vào. Khó định nghĩa được nghệ thuật hậu hiện đại là gì nhưng dễ nhận ra rằng: nó không hay, không đẹp, không hấp dẫn, không nhã nhặn như nghệ thuật hiện đại. Cũng phải nói nốt rằng nghệ thuật nào thì người thưởng thức đó. Hai người Việt nói chuyện với nhau cho một người Anh nghe thì hoặc là hai người đó phải nói bằng tiếng Anh, hoặc người Anh phải học tiếng Việt. Không thể bắt người xem tranh thời Raphael thế kỷ 16 thích tranh của George Baselitz(3). Y phục phải xứng kỳ đức. Đi kèm với nghệ thuật hậu hiện đại là phương tiện, chất liệu, cách sử dụng và người thưởng thức hậu hiện đại. Anh N, họa sỹ nhờ tôi mua rẻ hộ mấy kg bao cao su phế phẩm để sắp đặt một tác phẩm về đề tài phòng chống lây nhiễm HIV. Anh T, nhạc sỹ khoe tôi một bản nhạc mới sáng tác cho đàn tranh. Tôi xem và thấy một số ký hiệu rất bí hiểm, anh bảo mình muốn đoạn đó nhạc công thay vì gẩy đàn phải là cấu, véo dây đàn thì mới tạo ra được âm thanh mà mình muốn. Ngẫm một lát thấy cũng có lý. Nghệ thuật hậu hiện đại nếu có ít người quan tâm và ủng hộ thì cũng là lẽ thường. Một người nặng tai vẫn có thể xem được tranh Trừu trượng của Picasso nhưng anh ta không thể xem được một Video art.
Mấy người làm nghệ thuật hiện đại vừa làm vừa sợ nhỡ quá tay sẽ bị mất thơ, mất họa, mất tiểu thuyết, mất nhạc. Ngược lại, mấy người làm nghệ thuật hậu hiện đại làm việc với tinh thần không có gì để mất.
Hình ảnh John Cage phẫu thuật cây đàn dương cầm Stainway & Sons để sửa chữa cấu trúc bên trong của nó nói lên sự “tham lam” của hậu hiện đại. Hiện đại loay hoay cách tân trên năm dòng kẻ, hậu hiện đại muốn nổi loạn triệt để ngay từ gốc rễ.
Chú thích:
(1) Matthew Barney: nghệ sỹ đương đại người Mỹ sinh năm 1967.
(2) Bill Viola: nghệ sỹ người Mỹ (sinh năm 1951) đi tiên phong trong lĩnh vực Video art.
(3) George Baselitz: họa sỹ Đức, sinh năm 1938.
Chú thích ảnh trên: Anh chàng này “Hậu hiện đại” bằng cách vẽ lên chính mình chứ không phải lên toan, vừa là tác giả vừa là “bức tranh”