Người Trung Quốc cần nhận rõ mình

Tạp chí Kinh tế và chính trị thế giới của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc số 3/2007 có bài viết của học giả Kim Xán Vinh, cho rằng một phần do hiểu lầm, còn chủ yếu là do không có thái độ khách quan và thiếu khiêm tốn, nên người Trung Quốc thường so sánh không đúng về trình độ phát triển văn minh và tư thế vốn cách nhau rất xa giữa Trung Quốc và Mỹ.

Người Trung Quốc thường tự hào là dân tộc mình có 5.000 năm lịch sử, còn Mỹ chỉ có hơn 200 năm. Đó tuy là sự thực không cần tranh cãi, nhưng nếu đặt sự so sánh này trong cùng một tiêu chuẩn thì rõ ràng là cần phải nhìn nhận lại sự tự hào đó.
Trung Quốc có 5.000 năm lịch sử là nói đến lịch sử văn minh, còn “hơn 200 năm lịch sử của Mỹ” là nói đến lịch sử hiện đại của nước Mỹ, hai tọa độ hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc có 5.000 năm lịch sử thì nguồn gốc lịch sử văn  minh của nước Mỹ cũng có thể truy ngược đến thời cổ Hy Lạp cách đây hơn 3.000 năm. Quả thực sau thập niên 60 thế kỷ trước, ở nước Mỹ có xuất hiện Chủ nghĩa đa nguyên văn hóa, nhưng đến nay dòng văn hóa chủ lưu ở nước Mỹ vẫn là dòng văn hóa xuất phát từ nền văn minh phương Tây có nguồn gốc châu Âu, trong khi đó nước Mỹ có thể được coi là một quốc gia tập trung của nền văn minh lớn phương Tây. Từ xa xưa khi những thế hệ di dân đầu tiên ở châu Âu đến Bắc Mỹ, lớp người này đã mang theo văn hóa-văn minh của châu Âu từ mấy nghìn năm trước đó, hơn nữa có một số yếu tố lớn tích cực trong nền văn minh châu Âu hiện vẫn đang tồn tại trong đời sống của nước Mỹ ngày nay. Các học giả nói chung gọi văn minh phương Tây là nền văn minh Do Thái- Cơ Đốc giáo. Nếu khái quát theo cách nhìn chính diện (vì nếu xem xét từ góc nhìn phản diện, văn minh phương Tây cũng có nhiều yếu tố tiêu cực hay cặn bã) thì nền văn minh phương Tây ít nhất có bốn yếu tố lịch sử lớn, đó là tinh thần hướng tìm chân lý của người Hy Lạp, truyền thống pháp trị của người La Mã, tín ngưỡng Thượng đế của đạo Do Thái- Kitô và tinh thần tự do của “người dã man cao quý” mà Gaius Julius Caesar đã nhắc đến trong cuốn “Gaul chinh chiến ký” (Caesar là nhà chính trị, quân sự cổ La Mã trước Công Nguyên, người đã chinh chiến và thống trị vùng đất Gaul, một bộ phận của Đế quốc La Mã cổ đại). Ở nước Mỹ ngày nay, những yếu tố lịch sử phương Tây nói trên đã được dung hợp và chuyển hóa để biểu hiện ra bằng khoa học, pháp trị, công dân tham chính theo nguyên tắc người người bình đẳng trước Thượng đế, thái độ hoài nghi truyền thống trước quyền uy thế tục, mưu cầu quyền lợi và tự do cao độ đối với cá nhân.
Xét từ lịch sử quốc gia hiện đại thống nhất thì lịch sử nước Mỹ có thể nói còn sớm hơn cả Trung Quốc. Nước Mỹ với thể chế liên bang thành lập năm 1789, hiến pháp nước Mỹ là bộ hiến pháp thành văn hiện đại đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc thì lịch sử quốc gia hiện đại của Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu từ năm 1949, hay cũng có thể nói dấu mốc Trung Quốc xây dựng quốc gia hiện đại năm 1949 là tương đương với nước Mỹ từ năm 1789, cách nhau 160 năm. Theo quan điểm cá nhân của tác giả bài viết thì Trung Quốc với Chủ nghĩa phong kiến lâu đời trước năm 1949 và thuộc địa nửa thực dân nửa phong kiến sau năm 1840 vẫn chưa phải là một quốc gia hiện đại theo đúng tiêu chuẩn. Năm 1931 khi Nhật Bản xâm nhập Trung Quốc, tuy đã có một Chính phủ trung ương tại Nam Kinh nhưng phạm vi kiểm soát trên thực tế của Chính phủ Trung Quốc nói trên chỉ có được ở 5 tỉnh phía Đông Nam, các địa phương khác lần lượt bị 130 tập đoàn quân phiệt kiểm soát. Qua tám năm kháng chiến, một trong những thu hoạch lớn nhất của Trung Quốc là ở đại bộ phận dân chúng thông thường đã hình thành nên được ý thức thừa nhận quốc gia. Nếu coi Trung Quốc là nước tham gia các quan hệ quốc tế với tư cách là nước độc lập theo đúng tiêu chuẩn, thì quá trình này được  bắt đầu từ năm 1949, vì trong lịch sử cận-  hiện đại, Trung Quốc phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, lần đầu tiên có một chính phủ hiện đại thực sự có khả năng tổ chức lại xã hội và bảo vệ lãnh thổ một cách hữu hiệu. Nhưng một thời gian sau đó, Trung Quốc đã đi vòng vèo trong quá trình hiện đại hóa. Nói một cách nghiêm khắc, Trung Quốc bắt đầu quá trình hiện đại hóa theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại từ năm 1979.
Xét từ lịch sử quốc gia hiện đại, cần phải thừa nhận Mỹ là nước đi trước Trung Quốc 160 năm; đồng thời khi nhìn nhận vấn đề từ lịch sử văn minh, chúng ta không thể tự cao tự đại mà phải tôn trọng, thậm chí có phần học hỏi từ nước Mỹ với tư cách là nước tập trung của nền văn minh lớn phương Tây. Vì vậy cùng với sự phát triển của công cuộc hiện đại hóa, lòng tự tin của người dân Trung Quốc được khôi phục, cái tôi đã một thời đánh mất được tìm trở lại, chúng ta cần có thái độ đúng đắn hơn trong đối xử với người khác và với chính mình.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)