Nguyễn Ái Quốc – người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa đăng báo

Ở Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ có rất nhiều chất biếm họa mà nổi bật là những bức Đánh ghen, Hứng dừa, Đám cưới chuột… lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận sự ra đời của tờ báo Quốc ngữ Việt Nam đầu tiên là tờ Gia Định báo, 1865. Nhưng tranh biếm họa được chính thức đăng ở một tờ báo Việt Nam thì muộn hơn rất nhiều: vào đầu những  năm 30 của thế kỷ trước ở trên tuần báo LOA, tuần báo Phong hóa, tuần báo Ngay nay… Đặc biệt, với sự ra đời của hai nhân vật biếm họa huyền thoại Lý Toét – Xã Xệ… Nhưng ai là người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo?

Người Việt Nam đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo chính là Nguyễn Ái Quốc, đó là những tranh biếm họa đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản ở Pháp từ tháng 4- 1922 đến tháng 4-1926. Cụ thể là hai bức tranh: Văn minh bề trên (Civilisation su pé rieure) và Triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale) đăng trên số 2.

Nguyễn Ái Quốc tham gia vẽ biếm họa cũng như phần lớn các họa sĩ biếm họa trên thế giới, không kinh qua trường lớp hội họa và là những người tự học xuất thân từ đủ mọi tầng lớp xã hội khác nhau như kỹ sư, thầy thuốc, thợ cơ khí, thợ ảnh, doanh nhân, sĩ quan quân đội, chính khách… chính vì thế họ người hơn, đời hơn, sâu sắc hơn và nhạy cảm, bức xúc hơn với những vấn đề cấp bách của xã hội, của con người và tất nhiên là họ phải rất trí tuệ… Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp họa sĩ biếm họa vào giới trí thức. Biếm họa của Nguyễn Ái Quốc thuộc tranh biếm họa chính trị.

              
                                 Tranh đả kích do Nguyễn Ái Quốc vẽ đăng báo Le Paria số 26 tháng 6-1924

Người vẽ biếm họa chính trị cũng được coi là nhà báo vẽ. Trường hợp này càng đúng khi chúng ta đều biết rằng Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 20 của thế kỷ 20 đã là một nhà báo lớn về tầm tư tưởng, sắc sảo về lý luận, giỏi về châm biếm. Đến nay người ra đã xác định được có năm tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc được đăng ở báo Le Paria, ngoài hai bức tranh nêu trên, còn có ba bức khác là: Hội nghị An-giê (La Confé rence D’Angier), Vi hành (Incognito!…), Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông (Represailles de Toutan Kamon).


                            Tranh đả kích do Nguyễn Ái Quốc vẽ đăng báo Le Paria tháng 5-1922

Điều làm chúng ta phải suy nghĩ là cho đến nay hầu như không có bất kỳ một họa sĩ biếm họa Việt Nam nào vẽ về những đề tài quốc tế khi nó không liên quan trực tiếp đến Việt Nam, trong khi đó cả năm bức tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc đều đã đề cập trực diện đến những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng lúc bấy giờ là chủ nghĩa thực dân, áp bức, nô lệ, nô dịch văn hóa… Phần lời ở bức tranh một người dân An Nam gầy gò đội cái nón lá, mặc quần áo rách, phải kéo một ông chủ Tây to đùng, nằm ngửa mồm phì phèo xì gà, quát nạt người phu xe được ghi bằng ba thứ tiếng: Việt Nam, Tây Ban Nha và Pháp… Kiếp thân trâu ngựa kéo xe cho thực dân không chỉ còn là nỗi nhục của người Việt Nam, mà nó cũng là nỗi nhục chung của tất cả các nước thuộc địa. Ở một bức tranh khác, tính khái quát còn cao hơn: Một ông chủ thực dân đứng thẳng người hai chân giạng ra, dẫm lên đầu, lên cổ một người da đen châu Phi, một người da vàng châu Á đang ở trần, tay hắn cầm một túi vàng dang ra, đắc thắng. Ở phía sau là vài cây cọ, một cái cuốc chim còn cắm vào mảnh đất sỏi đá nhọc nhằn của miền thuộc địa… Của cải của họ đã bị bọn thực dân trắng trợn chiếm đoạt hết.

Còn bức tranh Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông thể hiện tầm tri thức của người vẽ và đòi hỏi người xem cũng phải có kiến thức nhất định về Ai Cập cổ đại…

Bút pháp trong tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc khá phóng khoáng. Tranh đơn giản, không sa vào chi tiết… làm cho người xem dễ nhận ra chủ ý của tác giả, họ cảm thấy những bức tranh biếm họa này gần gũi với cuộc sống của chính họ, chia sẻ với nỗi thống khổ của họ, làm cho họ phải nghĩ về số phận của mình, nỗi bất công mà mình đang gánh chịu.

Biếm họa của Nguyễn Ái Quốc là minh chứng tốt nhất chứng tỏ biếm họa chính là nguồn tư liệu lịch sử trung thực, quý báu. Từ những tranh biếm họa như thế này, chúng ta và thế hệ mai sau sẽ học được rất nhiều điều về lịch sử của chính mình.

“Biếm họa là đứa con dĩnh ngộ của báo chí. Ở Việt Nam khi báo chí xuất hiện được hơn sáu mươi năm thì biếm họa mới “chào đời”.
Cha già con cọc? Hoàn toàn không phải như vậy. Biếm họa Việt Nam đã bắt rễ vào truyền thống “đất cười”, không gian “làng cười” của dân tộc để trở thành một môn nghệ thuật độc đáo, thú vị, đồng hành với lịch sử hiện đại của dân tộc.
Các tác giả biếm họa với những tác phẩm và nhân vật của họ được Lý Trực Dũng giới thiệu qua loạt bài viết đầy trào lộng có lẽ đã đủ để dựng nên một cuốn “Lược sử biếm họa Việt Nam”, một bức tranh khái quát và sinh động về “Làng Cười Việt”.

                                                                                 Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân

Tác giả

(Visited 229 times, 1 visits today)