Nguyễn Tấn, nhà khoa học quân sự đầu tiên của xứ Đàng Trong
Một góc khuất nhưng đầy những bi hùng trong lịch sử xứ Đàng Trong thời đó, rất may mắn được một chứng nhân với nhận thức rất rõ sứ mệnh chính trị của mình, đã ghi lại trong một tác phẩm có thể nói là độc nhất vô nhị về mặt trước tác. Đó là trường hợp của Tiểu Phủ sứ Nguyễn Tấn với tác phẩm Vũ Man Tạp Lục thư, một tập sách mà mấy chục năm sau đó Thượng Thư Bộ Học kiêm Tổng Tài Quốc Sử quán triều Thành Thái, cụ Cao Xuân Dục đã đánh giá là dùng để bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều chưa tường tận.
Tuy nhiên, sau chiến thắng Canh Dần từ Quảng Bình vào đến Phú Yên và cả Tây Nguyên thời đó vẫn còn những đợt phong ba khói lửa trong nhiều thế kỷ liên tiếp. Một góc khuất nhưng đầy những bi hùng trong lịch sử xứ Đàng Trong thời đó, rất may mắn được một chứng nhân với nhận thức rất rõ sứ mệnh chính trị của mình, đã ghi lại trong một tác phẩm có thể nói là độc nhất vô nhị về mặt trước tác. Đó là trường hợp của Tiểu Phủ sứ Nguyễn Tấn với tác phẩm Vũ Man Tạp Lục thư, một tập sách mà mấy chục năm sau đó Thượng Thư Bộ Học kiêm Tổng Tài Quốc Sử quán triều Thành Thái, cụ Cao Xuân Dục đã đánh giá là dùng để bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều chưa tường tận.
Nguyễn Tấn, tên đầy đủ là Nguyễn Công Tấn, sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại phủ Kiến Xương (Thái Bình), thuở nhỏ là người thông minh dĩnh ngộ. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843) ông theo cha về quê ở phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thăm mộ phần tổ tiên, nhân có kỳ thi Hương ở đó đã đầu đơn ứng thí và đỗ cử nhân. Sau khi thi đỗ, Nguyễn Tấn được bổ làm Huấn Đạo, nhưng sau đó do thấy còn trẻ nên triều đình quyết định rút ông về tòng sự tại Quốc Tử giám, sau đó lại bổ nhiệm chức Hành Tẩu Cơ Mật viện. Do có người thân quyền uy trong triều nên không bao lâu Nguyễn Tấn được cử làm Tri phủ An Khánh. Tuy nhiên đời làm quan của ông nổi tiếng là người thẳng thắn, liêm khiết và quyết đoán. Làm quan một đời dù quyền uy có sẵn trong tay nhưng cuộc sống vẫn rất thanh bần, khi thất lộc ở tuổi 50 ông chỉ để lại vỏn vẹn 3 nén bạc. Xót thương cảnh nghèo túng của gia đình Nguyễn Tấn, vua Tự Đức phải cho làm một việc hi hữu là cấp nguyệt bổng cho mẹ ông, điều mà trước đó triều đình chưa bao giờ làm đối với những gia đình quan viên nơi thôn dã.
Đang ở chức Gián đài, ông vâng mệnh vua đi Đằng Châu (Hưng Yên), nhanh chóng lập được công trạng nên được bổ nhiệm Án sát Hưng Yên. Năm Quý Hợi (1863) đang làm Án sát Thái Nguyên, nghe tin ở quê nhà có loạn, Nguyễn Tấn dâng sớ về triều đình xin đảm nhận công cuộc bình định. Sự nghiệp của Nguyễn Tấn có lẽ được nhắc nhở về sau là do thời gian 8 năm ông nhận trọng trách dẹp yên loạn lạc vùng sơn cước Quảng Ngãi. Tiểu Phủ sứ (ngạch tam phẩm) là chức vụ mà lần đầu tiên triều đình nhà Nguyễn đặt ra cho một viên quan địa phương rồi trao cho Nguyễn Tấn trước nhất trong số những vị quan đảm nhận trọng trách bình định ở vùng Quảng Ngãi sau này. Chính trong thời gian trấn nhậm vùng biên viễn này Nguyễn Tấn đã quyết định ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về địa dư, lịch sử, cá tính, phong tục, ngôn ngữ… của các bộ lạc thiểu số tại địa phương với mục đích xây dựng một cẩm nang kinh nghiệm cho những người sau có trách nhiệm trấn giữ nơi vùng cao đầy khó khăn như Quảng Ngãi. Phụ Chính Đại thần Hoàng Cao Khải, trong bài tựa dành cho Vũ Man Tạp Lục thư viết vào năm Mậu Tuất (1898) đã đánh giá tác phẩm là: “có kế hoạch ra quân ngay trên sách vở vậy”.
Vũ Man Tạp Lục thư viết bằng Hán văn*, in và phát hành năm Thành Thái thứ 10 tức năm Mậu Tuất (1898). Kết cấu tác phẩm được chia thành 3 phần chính (quyển) gồm địa lý, nhân văn và lịch sử.
Phần địa lý gồm các mục sơn xuyên, cương vực, lý lộ (thuộc quyển 1). Mục sơn xuyên ghi chép kỹ càng tất cả các ngọn núi lớn nhỏ, sông suối ao đầm cùng diễn biến các cuộc hành quân do Nguyễn Tấn hoặc các tướng dưới quyền thực hiện với những chi tiết lý thú. Mục cương vực và lý lộ chủ yếu mô tả độ rộng hẹp của những khu vực đầu nguồn, cự ly giữa các trục giao thông. Đa số các địa danh trong phần này đều viết bằng chữ Nôm phiên âm từ lối phát âm của người Thượng hoặc do người Việt bản địa đặt ra.
Phần nhân văn gồm các mục ngôn ngữ, thuế khóa, thổ nghi (tính chất đất đai, nước) được tác giả sưu khảo tỉ mỉ chiếm từ nửa quyển 1 đến gần hết quyển 2. Phần này cung cấp rất nhiều dữ liệu liên quan đến phong tục, nhà cửa, lối ăn mặc, đồ dùng, binh khí lẫn nhạc khí… có lẽ chủ ý của tác giả muốn giúp những người sau trang bị kiến thức thực tế cho các hoạt động giao dịch với các sắc dân thiểu số ẩn náu nơi rừng sâu núi thẳm theo phương châm tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng.
Phần lịch sử gồm các mục kế hoạch đánh dẹp, phương sách phòng ngự, kiến trí duyên cách và sự tích các danh tướng (cho đến hết quyển 3). Trong phần này mục kế hoạch đánh dẹp được tập trung thể hiện hết sức tỉ mỉ nhưng súc tích, đặc biệt là các chiến dịch hành quân trên địa hình đồi núi hiểm trở. Kinh nghiệm binh pháp ở đây được truyền đạt rõ ràng các đường lối tiến thoái, cách phục binh, dụ chiến cùng những yêu cầu cơ bản đối với một viên tướng cầm quân như mưu lược, am tường tình hình, cẩn trọng khi ra quân và được lòng thuộc hạ. Mục này cũng không bỏ qua những kinh nghiệm phủ dụ để dẹp yên loạn giặc mà không cần động binh.
Tinh thần chung của tác phẩm là một thái độ làm việc khoa học, thận trọng và cân nhắc, đặc biệt khi tác giả đề cập đến những sự kiện thuộc về quá khứ cũng như những câu chuyện chưa được xác tín. Chẳng hạn đối với những sự việc Nguyễn Tấn nghe được về danh tướng Bùi Tá Hán**, nhận xét của ông là rất mới mẻ và tiến bộ, thậm chí là rất gần với quan điểm bộ môn địa lý phong thổ học. Tất nhiên phong cách khoa học của Nguyễn Tấn trước tiên được xây dựng trên một sự nghiệp đã được sử sách xác nhận với tư cách một nhà quân sự kiên trì, đảm lược và hành động vững vàng, một nhà hành chánh khéo léo và đức độ. Và với Vũ Man Tạp Lục thư, theo nhận xét của Đông Các Đại Học sĩ Trương Quang Đản, ông lại tạo nên một bản sắc độc đáo so với các bậc danh tướng trước ông như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, và những người sau ông như Trương Quang Đệ, Nguyễn Văn Ngoạn.
Một điểm cần lưu ý là sử liệu do các nhân tự biên soạn đa số đều là những nguồn sử liệu tiên nguyên, sử liệu trực tiếp hay là sử liệu đầu tay, nghĩa là tác giả trực tiếp biết sự kiện hoặc là nhờ chính mắt thấy, chính tai nghe và chính tác giả là người đã đóng một vai trong các việc xảy ra. Trường hợp này có lẽ đúng nhất với tác phẩm Vũ Man Tạp Lục thư của Nguyễn Tấn. Henri Maitre, một nhà nhân chủng học nổi tiếng ở Đông Dương trước đây nhận xét đó là một tập hồi ký cung cấp những ghi nhận rất chính xác, rất quý giá về các sắc dân thiểu số ở Quảng Ngãi, thêm vào một trang sử rất kỳ thú về lịch sử xứ ta. Vũ Man Tạp Lục thư đã là một nguồn tài liệu đầu tay và tiên khởi viết về lịch sử vùng thượng du Quảng Ngãi, Bình Định do viên Tiễu phủ sứ đầu tiên viết ra và truyền lại cho con cháu trong dòng tộc ông ở Quảng Ngãi làm kim chỉ nam cho việc giữ yên nơi này. Các sách vở, trước tác, biên khảo của người Pháp viết về vùng cao Nghĩa Định, rồi phần lớn các sử liệu của triều Nguyễn hoặc sách vở của các tác giả Việt Nam về sau, khi muốn truy cứu về các sắc dân thiểu số ở hai tỉnh này đều dựa trên tác phẩm Vũ Man Tạp Lục thư. Chính một người trong dòng tộc Nguyễn Tấn, Diên-Lộc quận công Nguyễn Thân cũng đã nối tiếp sự nghiệp của cha ông từ chốn rừng cao núi cả của Nghĩa Định sơn phòng, ổn định cuộc sống người dân thượng du ở đó, phát triển các phương lược chiến đấu và củng cố tư thế vững mạnh cho cơ sở quốc phòng và phát triển ở núi rừng miền tây Trung kỳ, nhờ vào kinh nghiệm tích lũy từ cuốn sách Vũ Man Tạp Lục thư này.
* Bài viết này chủ yếu dựa vào bản dịch tiếng Việt mang tựa đề “Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục thư” của Nguyễn Đức Cung, một cựu Dân biểu của Việt Nam Cộng hòa, hiện đang sống tại Mỹ.
** Bắc Quân Đô Đốc Bùi Tá Hán (1496-1568) là danh tướng thời Hậu Lê, có công lớn trong việc mở cõi xứ Đàng Trong, được cư dân trấn Quảng Nam thời đó thánh hóa, thường gọi tên ông trong lúc cúng tế, khấn vái.