Nguyễn Tư Nghiêm- họa sĩ và nhà… ẩm thực
Dù không am hiểu gì mấy về hội họa, tôi cũng biết được rằng những bức ký họa trên cuốn sổ gia đình chúng tôi được tặng lại ấy là cực kỳ quý giá. Cuốn sổ là của cha tôi. Hai bức ký họa trên cuốn sổ đó cũng là chân dung ông. Còn người vẽ là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, tác giả các bức tranh “Con nghé”, “ Giao thừa bên Hồ Gươm”, “Điệu múa cổ”… nổi tiếng sau này.
Chân dung họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ |
Bức ký họa thứ nhất, đề ngày 2-12-1947, họa sĩ vẽ cha tôi mặc theo lối cán bộ, ngồi khoanh chân thư thái dưới chân núi Tam Đảo như trong bài thơ Cá nước của Tố Hữu. Bức thứ hai được thực hiện 6 ngày sau đó ở làng Thản Sơn (nay thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), khi giặc đã rút chạy; lần này họa sĩ vẽ cha tôi trong tư thế đứng, mặc theo lối dân tộc nhưng mở phanh ngực trông thật khỏe khoắn, ngang tàng. Khoảng thời gian cô Trường chuyển lại cho gia đình chúng tôi cuốn sổ cũng là lúc Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang biên soạn cuốn Nguyễn Huy Tưởng – văn và người, loại sách chân dung-tư liệu về các nhà văn. Tôi liền giới thiệu hai bức ký họa đó với nhà xuất bản và rất được hoan nghênh. Năm 1991 sách ra, Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn có giới thiệu cuốn sách ở Thư viện Hà Nội. Trong rất nhiều điều Giáo sư nói về cha tôi và cuốn sách, tôi nhớ nhất một ý rằng, chỉ với hai bức ký họa của Nguyễn Tư Nghiêm vẽ Nguyễn Huy Tưởng, cũng đáng để mua cuốn sách đó rồi!
Đến tận khi ấy, tôi chưa có dịp được biết họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Sách ra, được giới thiệu rồi, tôi mới nghĩ đến việc tìm gặp bác để biếu cuốn sách. Đồng thời cũng tự trách mình lẽ ra trước đó phải đến xin phép bác đã. Nhưng rồi lại nghĩ, bác và cha tôi vốn rất quý nhau, chắc bác cũng chẳng nỡ trách con trai bạn về cái việc “tiền trảm hậu tấu” này đâu.
Tôi có quen biết họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người khá quảng giao trong giới họa sĩ. Tôi nói với anh mong muốn của mình và rất mừng là đã được anh nhận lời cùng tôi tới thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Một sáng chủ nhật đẹp trời, hai chúng tôi gặp nhau trước cổng ngôi nhà nổi tiếng số 65 phố Nguyễn Thái Học, nơi ở của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cùng nhiều văn nghệ sĩ tài danh khác. Chúng tôi lên tầng ba, tới trước cửa một gian cơi nới ngay đầu cầu thang. Nhiều nhà biệt thự xưa của Hà Nội có hành lang khá rộng, các hộ thuê nhà thường quây phần diện tích phía ngoài căn phòng để có thêm diện tích cho cái gia đình ngày càng phát triển của mình. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm bấy giờ sống độc thân, chả cần nhiều diện tích ở làm gì. Nhưng ông là họa sĩ nên cũng rất cần có chút không gian riêng để “hành nghề”, không được như xưởng của các họa sĩ giàu có thì chí ít cũng là một góc riêng bày được cái giá vẽ, treo vài ba bức tranh. Ông tiếp chúng tôi ở cái gian cơi nới chằn chặn 15 mét vuông ấy, không phải trong lúc đang mải miết vẽ thì có khách đến giữa chừng, mà là khi vừa hoàn thành xong một công việc tối cần thiết: trữ nước dùng trong ngày. Bấy giờ đất nước vừa bước vào thời kỳ Đổi mới, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng chưa hẳn đã hết các khó khăn của thời bao cấp. Với nhiều người dân Hà Nội, đó là nạn thiếu nước. Ngôi nhà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ở là một biệt thự cũ kỹ từ thời Tây, nước không lên được các tầng trên. Hằng ngày ông phải lo lấy nước từ dưới nhà đưa lên cho tiện việc sinh hoạt. Khi chúng tôi đến thì ông cũng vừa lo xong “việc nước”, đang ngồi nghỉ ngơi vẻ rất mãn nguyện. Ông tỏ ra vui mừng khi có khách, nhất là lại nhận ra họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Anh Đoàn giới thiệu tôi với ông. Trái với sự chờ đợi của tôi, ông không tỏ vẻ ngạc nhiên cũng như bất ngờ gì. Ông chỉ biểu hiện sự “ghi nhận” của mình bằng câu hỏi lại: “Con anh Tưởng? Con anh Tưởng?” Đồng thời gật gật đầu ra ý mời vào. Chúng tôi ngồi vào cái bàn con, họa sĩ vừa lúi húi pha trà, vừa nghe chúng tôi nói. Tôi nói về cuốn sách, thanh minh không biết nhà ông để đến xin phép trước, bây giờ có sách ra xin được biếu ông… Tôi lật nhanh đến chỗ có các bức ký họa, chìa ra đưa ông xem, mắt chăm chăm chờ phản ứng của ông. Ông đỡ lấy ngắm nhìn bức vẽ của mình, song không có vẻ xúc động như tôi chờ đợi (dẫu gì thì cũng đã gần nửa thế kỷ kể từ khi ấy!). Nhưng rồi ông ngước nhìn tôi, khẽ nheo nheo mắt, và nói, như để khẳng định hay như đang hồi tưởng điều gì: “Ra cháu là con bố Tưởng”…
*
* *
Ký họa của Nguyễn Tư Nghiêm |
Biết bao cảm xúc ập đến với tôi khi ấy. Những kỷ niệm của cha tôi với họa sĩ, được ông ghi lại thật chi tiết và cảm động trong nhật ký, mà trước khi đến thăm họa sĩ, tôi vừa lần đọc lại. Nỗi xúc động được gặp người họa sĩ tài danh bậc nhất của nền hội họa Việt Nam, mà với cha tôi, đơn giản là “một người bạn quí”… Tất cả đọng lại thành ấn tượng về một cái gì đó thật dễ chịu, thật êm đềm, khi một kẻ hậu sinh như tôi được diện kiến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông hầu như không nói, chỉ ngồi đó lắng nghe, trong khi tôi tranh thủ khoe với ông về những gì mình biết về ông, về cha tôi, về cô Nghĩa… mà tôi đọc được trong nhật ký của cha tôi viết vội trong những ngày diễn ra trận Việt Bắc, các ông chạy giặc chí chết nhưng may mà thoát được. Lần ấy, trong đoàn văn nghệ sĩ các ông thế nào lại có một người đẹp – đẹp như Bodisava theo như cha tôi nói mà tôi không biết nghĩa là gì – tên là cô Nghĩa. Dường như cả cha tôi và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đều mê mẩn trước sắc đẹp của cô, nhưng họa sĩ mới thực sự là người si tình. Ông vẽ cô lúc nghỉ, ông cố tình tụt lại sau đoàn người lúc đi để được nói chuyện với cô, ông nảy ra ý nghĩ nếu không giúp được gì cho kháng chiến, thì giúp cho một người vậy – và người ấy là cô. Cha tôi luôn tôn trọng những khoảnh khắc riêng tư của bạn, nhưng mỗi khi có dịp, ông lại cùng họa sĩ và người đẹp chuyện trò rất đỗi thân mật.
Gần hai năm sau đó, trong một cơn khủng hoảng tinh thần, cha tôi sẽ có dịp hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt đẹp này trong nhật ký: “Ta đi trên con đường Liễn Sơn – Thản Sơn. Lòng nặng trĩu buồn. Sau trận Việt Bắc sao mà đời ta thanh thản. Bên ta một người bạn quí: Nghiêm. Một thiếu nữ tươi đẹp [Nghĩa]. Một tác phẩm đang làm [Những người ở lại]… Đường bốc lên kỷ niệm. Mỗi bước là một hình ảnh dĩ vãng. Những buổi đi chơi với Nghiêm – trời mát lạnh. Chợ Miễu với Nghĩa. Bếp lửa hồng. Đêm khuya chuyện gẫu, nướng sắn. Lễ Noel êm đềm.”… (3-7-1949)…
Tôi cứ nói và nói, dường như không thể kìm nỗi xúc động khi được kể lại với họa sĩ những gì biết được qua nhật ký của cha mình. Họa sĩ yên lặng lắng nghe, nhưng có lúc tôi cảm thấy như ông đang ở đâu đâu xa lắm. Anh Lương Xuân Đoàn cũng ngồi nghe như một người quan sát, dường như anh đã xác định lần này đến thăm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là dành cho tôi, nên hầu như không tham gia vào câu chuyện. Thế rồi tôi bỗng đâm ngượng về sự ba hoa của mình. Tôi chợt lúng túng không biết nói gì nữa. Họa sĩ bỗng mỉm cười. Ông nói, điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, và có lẽ, với cả anh Đoàn nữa: “Hay là ở lại ăn cơm nhé. Cũng đến bữa rồi”. Sao lại có câu hỏi giản dị, tự nhiên, và đúng lúc thế, đúng cái lúc tôi đang lúng túng không biết nói gì! Tuy nhiên, tôi cũng rất bất ngờ trước lời mời của họa sĩ. Ông sống độc thân, lại là nghệ sĩ, việc cơm nước chắc không dễ gì. Chúng tôi lại đến bất chợt, nhận lời ở lại ăn, không biết có quá làm khó ông? Tôi quay sang anh Đoàn dò hỏi. Anh bảo nếu Thắng không vội, thì nên ở lại ăn cùng họa sĩ. Với anh, không có vấn đề gì… Vâng, thế thì bác cho chúng cháu ăn nhé, tôi cám ơn họa sĩ, không chỉ với lòng biết ơn, mà – điều này cũng xin nói thật – cả đôi chút tò mò nữa: cái “việc ở” của họa sĩ, thậm chí cả “việc nước” nữa, mình đã được biết rồi, còn “việc ăn” thì sao đây?
Họa sĩ để chúng tôi ngồi lại, còn ông đi làm cơm. Ông cứ lúi húi chỗ này một tí, chỗ kia một tí, không rõ cụ thể ông đang làm gì nữa. Còn tôi và anh Đoàn tiếp tục câu chuyện, vẫn tôi nói nhiều hơn là anh. Tôi kể thêm những điều cha tôi từng viết về họa sĩ, trên tờ báo Văn nghệ thời kháng chiến cũng như trong nhật ký. Mấy tháng sau lần hai ông chạy giặc kể trên, cha tôi có gặp lại họa sĩ khi ông đi tìm gặp các văn nghệ sĩ để viết về cuộc thi “Việt Bắc kháng chiến”. Trong đoạn kể lại cuộc gặp họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trong bài viết đăng báo Văn nghệ số 2 năm 1948, cha tôi có viết đại ý rằng, họa sĩ bị cái ám ảnh lúc nào giặc cũng có thể nhảy dù xuống đầu ông, để bắt có riêng ông, vì vậy lúc nào cái ba lô vuông của ông cũng phải sẵn sàng. “Lần này, cha tôi viết, anh khoe tinh thần đã cứng, tuy vậy anh vẫn đeo ba lô vì là thời buổi quân sự hóa cần phải thế. Anh vẫn cười hị hị, câu chuyện vẫn ậm ừ như người ba phải”… Bấy giờ không rõ nhà văn Tô Hoài đã cho xuất bản hồi ký Cát bụi chân ai hay chưa, nhưng chắc chắn là tôi chưa đọc. Vì vậy tôi không được biết mấy năm sau đấy, họa sĩ còn bị mắc lại chứng bệnh này, khi phải tham gia công tác giảm tô ở Thái Nguyên. “Cả tuần không bắt được rễ, không xâu chuỗi được một cố nông nào, nhà văn Tô Hoài kể, Nguyễn Tư Nghiêm hoảng quá phát dại, đi không nhớ đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào, châu chấu ăn”. Song chỉ riêng đoạn văn cha tôi tả họa sĩ cũng đủ khiến tôi bất ngờ lắm rồi. Tôi liếc nhìn họa sĩ đang lúi húi chuẩn bị cơm nước cho mấy bác cháu mà càng khó hình dung chuyện trước kia. Chính cái người hay “cười hị hị”, nói chuyện thì “ậm ừ như người ba phải” ấy lại có một cốt cách nghệ sĩ hiếm có. Một lần, cũng trong kháng chiến, cha tôi và ông gặp nhau tại xưởng họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân ở Thanh Cù, còn gọi là phố Tản Cư thuộc đất Phú Thọ. Được xem tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, bấy giờ là một giảng viên của xưởng họa, cha tôi đã không kìm được thốt lên: “Những bức sơn mài của Nghiêm đẹp quá” (nhật ký 26-6-1949)… Còn họa sĩ thì tâm sự với cha tôi: “Trong đời chỉ có travail và amour. Danh tiếng không cần lắm” (“travail” và “amour” trong tiếng Pháp có nghĩa là “công việc” và “tình yêu”)…
Chúng tôi cùng trầm ngâm. Dường như họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng lây sự xúc động của tôi qua giọng kể run run, anh ngồi yên ngắm nhìn bức tranh đang vẽ dở của họa sĩ trên giá vẽ. Tôi cũng nhìn theo và không khỏi ngạc nhiên. Mặc dù bức tranh đã vẽ được khá nhiều, tôi vẫn không hiểu là vẽ về gì. Tôi thú thực điều đó với họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Anh mỉm cười thông cảm, bảo: “Hôm nào Thắng đến xem lúc họa sĩ đang vẽ. Mình đã có lần may mắn được xem ông vẽ rồng. Cứ thấy ông đưa bút phết liên hồi. Không theo một trình tự đầu cổ thân đuôi chân trước chân sau gì cả. Có khi đang vẽ mấy cái móng vuốt lại chuyển sang lớp vẩy trên mình rồng. Cứ như… lên đồng ấy”. Thấy tôi ngớ ra như không hình dung nổi, anh Đoàn giải thích, đại ý: Họa sĩ đã bố cục sẵn bức tranh trong đầu rồi. Lúc vẽ, tùy theo cảm hứng mà vẽ cái gì trước cái gì sau…
Vừa lúc ấy họa sĩ bưng mâm lên. Không chỉ tôi mà cả anh Đoàn cùng trố mắt nhìn. Cơm canh cá. Có cả vài món nữa nhưng đập vào mắt nhất là món canh cá. Bát canh xinh xắn nổi rõ các màu thường có của món này: màu vàng ngậy của cá rán qua, màu đỏ của cà chua, màu xanh đậm của thì là, xanh nhạt của hành lá… Tất cả các màu đó hòa quện với nhau vừa hài hòa, vừa vẫn nổi bật màu nào ra màu nấy. Và ăn thì lại càng ngon, chắc chắn là bảo đảm các tiêu chuẩn của một món ăn đạt trình độ ẩm thực cao theo tiêu chí của nhạc sĩ Trần Văn Khê: ngon miệng, bắt mắt, nhai nghe dễ chịu. Tiêu chuẩn cuối cùng này có khi lại càng được hơn, khi anh Đoàn và tôi không ngớt lời khen ngon, khen một cách thật tình cũng như ăn một cách còn thật tình hơn thế…
Trong đời tôi đã được hưởng nhiều bữa ăn ngon. Những bữa ăn do mẹ tôi nấu, những bữa do vợ nấu, những bữa do người thân, những bữa do bạn bè mời mọc, rồi biết bao lần là tiệc tùng, chiêu đãi ở đủ các nhà hàng sang trọng, với các món đặc sản hiếm hoi… Nhưng chắc chắn khó có lần nào để lại cho tôi ấn tượng đặc biệt như lần được ăn món canh cá của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, người vốn coi ở đời chỉ có công việc và tình yêu là quan trọng. Ông từng có lần nói với cha tôi một câu tục ngữ bằng tiếng Pháp: Il ne faut pas badiner avec l’amour, có nghĩa là: “Không được đùa với tình yêu”. Còn nhớ, hôm đến thăm họa sĩ ra về, tôi có kể lại chuyện ấy cho một người bạn biết tiếng Pháp và chúng tôi đã chơi chữ cùng nhau bằng cách thay chữ cuối “l’amour” (tình yêu) trong câu tục ngữ bằng chữ “la vie quotidienne” (cuộc sống hằng ngày). Ý chúng tôi muốn thử cắt nghĩa phương châm sống của ông, có thể là thế này chăng: “Không được đùa với cuộc sống thường ngày”, nhất là khi người ta là nghệ sĩ, và người ta sống một mình. Nhưng nay thì ông đã có người nâng khăn sửa túi rồi: chị Giang, ái nữ của nhà văn Nguyễn Tuân, không chỉ là người bạn đời của ông mà còn thay ông giao tiếp với đời – từ việc hội họp, kỷ niệm đến chuyện đại sự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Đã từ lâu ông tránh mọi cuộc gặp gỡ đông người. Chả phải ông từng nói ngày nào với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bạn ông đó sao: “Trong đời chỉ có travail [công việc] và amour [tình yêu]. Danh tiếng không cần lắm”…