Nguyễn Văn Vĩnh đến với chữ viết tiếng Việt

Cuộc đời lao động với con chữ và báo chí của Nguyễn Văn Vĩnh kéo dài đúng 30 năm (1906 – 1936), với những tháng ngày mê mải với quyết tâm: dân ta, nói thế nào phải viết như thế!

Giữa thế kỷ 19, nước Pháp với chủ nghĩa thực dân  thực hiện chủ trương mở rộng và tìm kiếm thuộc địa mới, họ đã vào đất nước ta từ phía Nam. Muôn vàn khó khăn của kẻ đi chinh phục một miền đất mới là lẽ đương nhiên và khó khăn lớn nhất đối với bất kỳ một kẻ ngoại xâm nào, đó sẽ là việc chinh phục ngôn ngữ và văn hóa của người dân bản xứ.

“Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ”.  *
                           Nguyễn Văn Vĩnh

Lịch sử đã đúc kết, văn hóa mãi là nền tảng và cơ sở của lòng yêu nước đối với mỗi dân tộc và chẳng ai không biết nguyên lý giản dị này. Kết quả của một cuộc viễn chinh, cái cuối cùng phải đạt được để được gọi là thắng lợi, đó là việc thôn tính được nền văn hóa của đối phương, chứ không phải chỉ là đất đai và tài nguyên.

Từ những nguyên tắc thông thường này, trong suốt gần 50 năm cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân đã thực sự lúng túng và căng thẳng trong việc lựa chọn áp đặt thứ ngôn ngữ nào trong chính sách cai trị người Việt. Trong cuốn sách “Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” do nhà xuất bản Nam Sơn in tại Sài Gòn 1974, ở trang 59,  tác giả Nguyễn Văn Trung(1) có viết: “Trong con mắt của thực dân, chữ Quốc ngữ chỉ là thứ chữ bình dân, không phải thứ chữ của văn hóa, chữ Pháp, chữ Nho mới là chữ văn hóa …”.

Từ nhận thức này, ở trang 64 người viết đã bộc lộ một cách chủ quan: “Nói cách khác, theo Landes, chữ Quốc ngữ chỉ có thể tiện lợi cho nhu cầu hàng ngày và nó không thể trở thành một chữ viết của văn chương, văn hóa, thông thái …”. Song chính người Pháp cũng không muốn dùng chữ Hán để áp đặt lên việc cai trị người Việt Nam, đơn giản vì đó là một thứ chữ quá khó học, bản thân người Pháp còn thấy khó hơn. Đó là chưa nói đến việc dùng chữ Hán sẽ tiếp tục để người dân bản xứ bị ảnh hưởng, chi phối bởi nền văn hóa Trung Hoa, tạo thành sự cạnh tranh với tư tưởng cai trị của thực dân Pháp. Vậy, sẽ phải là tiếng Pháp để thực hiện chủ trương đô hộ?! Đương nhiên họ muốn phải là tiếng Pháp.

Emonie, một quan chức của Chính phủ thuộc địa đã từng trình bày tham luận trước bộ máy cầm quyền của thực dân Pháp năm 1898, khẳng định: chúng ta hãy trả lại cho họ (tức người dân Annam) tất cả, chúng ta chỉ cần đặt tiếng Pháp là Quốc ngữ thôi, có vậy mới hy vọng biến Annam thành một nước Pháp ở phương Đông và hoàn thành xứ mạng của kẻ chinh phục, nếu không, chỉ 50 năm nữa, sẽ chẳng có người bản xứ nào nghĩ đến chúng ta cả! (2)

Vào giữa thế kỷ 17, các giáo sỹ phương Tây (4) đã xâm nhập vào Việt Nam với mục đích truyền giáo. Nhờ sự có mặt của họ, nên họ cũng chính là những người đã nhận thức và xác định sự bất hợp lý trong cuộc sống văn hóa của cộng đồng người Việt khi chứng kiến: vì sao người Việt nói một kiểu và lại viết một kiểu? Từ thực tiễn này, các giáo sỹ đã nghĩ đến việc để thuận lợi cho giao tiếp giữa họ và người dân bản xứ, để giúp cho việc truyền giáo có hiệu quả, họ đã tìm cách phiên âm tiếng nói của người dân bản xứ (người Việt) và ghi lại bằng ký tự theo chữ cái Latin (a, b, c,…) và rồi từ đây  đã hình thành chữ Việt như hiện nay chúng ta đang sử dụng.

Vậy nhưng họ đã không làm được điều này. Vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, mặc dù  người Việt buộc phải dùng chữ Hán trong giao dịch hành chính để quản lý xã hội, nhưng hơn 90% dân số không biết đọc, cùng với tâm lý ghét Tây, vì Tây là bọn xâm lược. Cuối cùng, họ chỉ còn một giải pháp, đó là: dùng tiếng Việt đã được Latin hóa từ thế kỷ 17. Song, thật đáng tiếc, vì tính từ khi hình thành tiếng Việt theo mẫu tự Latin ở giữa thế kỷ 17, thứ chữ mới này tuyệt nhiên không được phổ cập, chính xác là không được chấp nhận do hai nguyên nhân chính: một là, các nhà truyền giáo chỉ đưa vào sử dụng trong địa hạt của nhà thờ và những người theo Công giáo; hai là, xã hội Việt Nam lúc đó là xã hội của Phật giáo vốn mang trong mình một mặc cảm: chữ Việt có ký tự Latin là của Công giáo, mà Công giáo là của Tây, mà Tây là bọn xâm lược. Mà khi đã không được phổ cập, tự thân nó cũng sẽ không được mài dũa và hoàn thiện, nên càng khó phổ cập. Cứ vậy, thứ chữ Việt được các giáo sỹ phương Tây sáng tạo ra suốt 250 năm không “lớn” nổi.
 
Dấn thân

Năm 1904 xuất hiện phong trào Đông du ở miền Trung do Phan Bội Châu lãnh đạo. Ảnh hưởng của Đông du đã sinh ra những yếu nhân, và những yếu nhân này đã khởi xướng ra phong trào mới: Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, 1907, do Phan Châu Trinh chủ xướng. Đông Kinh nghĩa thục nhìn từ góc độ khách quan thực sự là một cuộc cách mạng về văn hóa, bởi lẽ đó chính là sự hô hào mang tính rộng khắp đối với dân chúng về mọi mặt trong sinh hoạt, học tập, tư duy, phong tục, lối sống và ứng xử trong xã hội. Nhờ có trào lưu xã hội này mà nó đã quy tụ được số lượng đông đảo các chí sỹ nổi danh đương thời ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đồng lòng với mục tiêu chiến lược “khai dân trí”.

Nguyễn Văn Vĩnh lúc này mới 25 tuổi, sau 10 năm đào luyện trong môi trường Pháp văn, tiếp cận với hệ thống văn bản tiếng Pháp, sách báo và các ấn phẩm tiếng Pháp, chắc chắn đã tạo cho Nguyễn Văn Vĩnh những khái niệm, kiến thức cơ bản về những nguyên lý của ngữ pháp, cấu trúc của một đoạn văn, thành phần của một câu văn, không phải chỉ trong tiếng Pháp. Cuộc đời 10 năm làm công chức (từ lúc 15 tuổi đến 25 tuổi), Nguyễn Văn Vĩnh đã kịp học và sử dụng thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Hán, một phần nhờ bộ óc thông minh thiên bẩm, một phần vì nhu cầu của công việc hằng ngày trong các công sở nơi Nguyễn Văn Vĩnh lao động, nhưng chắc chắn có một phần vì say mê với văn chương như một thiên hướng định mệnh.

Sống trong hoàn cảnh xã hội như đã nói ở trên, sẵn trong lòng nỗi niềm đam mê với con chữ (3), Nguyễn Văn Vĩnh đã thai nghén ngay trong ý thức của mình sự định hướng của một tương lai với văn học và văn hóa, mà văn học và văn hóa nhất thiết phải thông qua chữ viết. Trong bức thư Nguyễn Văn Vĩnh viết ngày 02.5.1906 gửi từ Marseille – Pháp về cho người bạn thân là Phạm Duy Tốn, chúng ta mới thấy rõ quyết tâm và lý tưởng giản dị của ông đối với nghề viết: “Ở đây tôi có rất nhiều dịp để viết báo, nhưng tôi không làm. Sở dĩ như thế là vì bây giờ cho đến khi đạt được mục đích, tôi muốn hoàn toàn là vô danh, không ai biết tôi là ai cả. Cái mục đích ấy, tôi đã nói với anh nhiều rồi …”

Trở lại Việt Nam, để thực hiện lý tưởng phát triển con chữ tiếng Việt của mình, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định từ bỏ con đường công chức, từ bỏ sự an nhàn, lao vào con đường hoạt động văn hóa, một con đường mà ngày ấy ở mảnh đất Bắc kỳ chưa có người Việt Nam nào đặt chân.
       
Nói thế nào, phải viết như thế!

Để có điều kiện thực hiện lý tưởng, Nguyễn Văn Vĩnh đã tham gia ngay từ giai đoạn mở màn của phong trào Đông kinh Nghĩa thục với những hoạt động phù hợp và đúng với mong mỏi của mình: ông đã giảng dạy môn tiếng Pháp và tiếng Việt, kêu gọi sử dụng chữ Quốc ngữ vì sự tiện lợi và tính ưu việt của nó, nhận làm vai trò diễn thuyết (thực chất là giới thiệu bộ môn hùng biện) những đề tài hoàn toàn mới lạ trong xã hội như thay đổi phong cách ăn mặc, lên án các hủ tục làm nghèo đi cuộc sống, bài xích những thói hư tật xấu trong sinh hoạt hằng ngày… Ngày 4 tháng 8 năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã đứng ra thành lập Hội dịch sách, hy vọng các tác phẩm dịch sẽ đem đến cho công chúng sự hiểu biết mới mẻ và mở rộng tầm hiểu biết đối với thế giới bên ngoài.



Nguyễn Văn Vĩnh (bìa phải), cùng Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh tại Paris năm 1922.

Ngày đầu tiên, tại Hội quán Trí tri ở 47 phố Hàng Quạt, Nguyễn Văn Vĩnh đã thuyết trình nguyên văn như sau:

“Ở thế–dan này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn–minh, là cũng có văn–chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn–minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để chuyền sự hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách chuyền tư–tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư–tưởng chuyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được. Chữ viết mà giống tiếng nói, thì một người viết một quyển sách, in ra bao nhiêu quyển, đã hình như nhân cái miệng mình ra bấy nhiêu lần, vì mỗi người mua một quyển sách ấy, mà đọc thì cũng như là thay mình đứng mà nói. Sách chuyền được đi nhiều tư–tưởng mới càng ngày càng rộng ra được, bàn soạn mỗi ngày một rành mạch ra, vì hễ có ít người xem tất ít người bàn soạn nhời nói của mình. Người làm sách ít khi gặp người bẻ bác thì nghĩ cũng không được chín bằng người viết ra một câu vạn ức con mắt nhìn vào, bẻ bai thóc mách”.

Tâm sự trên đây của Nguyễn Văn Vĩnh từ hơn 100 năm trước, đủ thấy cái tâm và cái nhãn quan xã hội thôi thúc con người này đến mức nào trong cuộc vật lộn với tiếng Việt và tìm cách nâng cao nền dân trí xã hội. Chúng ta có thể xác minh những tư tưởng và ý thức này của Nguyễn Văn Vĩnh cụ thể hơn khi xem lại việc ông cho ra đời tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ – Đăng cổ Tùng báo – số đầu tiên ra ngày 28/3/1907 ở Hà Nội với lời tâm sự: “…Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng nói, mà tiếng Annam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng, chữ Mán, Mọi ở nơi rừng núi không kể. Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, đến khi học chữ Tàu rồi mới lấy chữ Tàu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra giạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao đoán mới đọc được thông…Bây giờ nhờ có người phương Tây đến, bày ra chữ Quốc ngữ, chắp vần theo như chữ các nước phương Tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông…”.

Cuộc đời lao động với con chữ và báo chí của Nguyễn văn Vĩnh kéo dài đúng 30 năm (1906 – 1936), với những tháng ngày mê mải trong quyết tâm: dân ta, nói thế nào phải viết như thế!
Chữ ta không thua kém gì trong việc thể hiện và chuyển hóa những tinh hoa tinh thần trong các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới nhân loại, cho nên Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch không biết cơ man nào các tác phẩm của văn hóa Pháp, Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ cần nhìn vào 3 công trình dịch thuật tiêu biểu của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng ta đủ hiểu và có cơ sở để đánh giá cũng như hình dung ra lý tưởng và tài năng của một con người đối với ngôn ngữ mẹ đẻ và sự hiểu biết các ngôn ngữ khác, đó là các tác phẩm: “Tam Quốc chí diễn nghĩa” – 1909, từ Hán văn ra Quốc ngữ; “Những kẻ khốn nạn” – 1926, từ Pháp văn ra Quốc ngữ và “Kim Vân Kiều truyện”, từ chữ Nôm ra Quốc ngữ năm 1913, ra Pháp văn từ cuối những năm 20 đến giữa những năm 30 của thế kỷ trước. Bằng chứng này đã chứng minh một cách hùng hồn giá trị thực của tiếng Việt, tuyệt nhiên không thể như nhận định của một số quan cai trị người Pháp và cả của giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tác phẩm “Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc”. Để có được những thành quả rực rỡ trong việc làm giàu có tiếng Việt, suốt quá trình dài, Nguyễn Văn Vĩnh đã đau đáu với nhận thức: “Nước Nam ta bị mất vì những trí thức nho học chỉ biết làm văn chương Tàu. Chúng ta cố gắng đừng để thành những trí thức mới chỉ biết làm văn chương Tây” (5).
***
Nhìn lại 30 năm lao động và hoạt động không ngừng nghỉ của Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực văn hóa Việt Nam, bằng những bài báo đầu tiên viết chữ Quốc ngữ 1907 đến những tác phẩm kinh điển của thế giới in bằng chữ Quốc ngữ, làm dấy lên cả một cao trào viết và sử dụng chữ Quốc ngữ thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, sinh ra cả một nền văn học chữ Quốc ngữ. Chúng ta không thể không xác nhận những đóng góp lớn lao của Nguyễn Văn Vĩnh  đối với nền văn học chữ Quốc ngữ, đặc biệt trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 đang vật lộn để hình thành một nền văn hóa của riêng mình, vừa thoát ra khỏi ảnh hưởng của chế độ phong kiến, vừa phải uốn mình tránh sự áp đặt của chế độ thực dân kiểu cũ.
—————————
* Theo lời tựa bản dịch Tam Quốc chí diễn nghĩa 1909.
1. Nguyễn Văn Trung, giảng viên đại học của chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau 1975 di tản và định cư tại Canada.
2. Bài phát biểu của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi tại hội thảo “Nguyễn Văn Vĩnh và hành trình chữ Quốc ngữ“ do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và NXB Tri Thức tổ chức tại Hà Nội ngày 17/2/2012.
3. Cách đặt vấn đề của cố giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền Trần Hòa Bình. Sách “Báo chí – Những điểm nhìn từ thực tiễn” – NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội, năm 2000.
4. Các giáo sỹ phương Tây gồm nhiều quốc tịch như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia,….
5. Câu nói này được in nhiều lần trên báo “L’Annam Nouveau “của Nguyễn Văn Vĩnh 1931-1936.

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)