NGUYỄN VĂN VĨNH, một người Nam mới đầu tiên
Chẳng quan mà quý, chẳng phú mà hào, giữa trời Nam gió thổi tung mây, gan óc dễ đâu vùi chín suối; Có lưỡi như cồng, có bút như thép, trong làng báo mở cờ khua trống, văn chương âu cũng đủ nghìn thu. (Câu đối viếng của TUẦN BÁO ĐÔNG TÂY)
Nguyễn Văn Vĩnh (sinh 15-6-1882) là một con người có tài năng. Ông không xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc nào cả. Bố mẹ chỉ là những nông dân nghèo ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín (nay là Phú Xuyên, Hà Tây), một vùng chiêm trũng nghèo đói phải bỏ quê ra Hà Nội kiếm ăn. Vì thế, từ nhỏ Nguyễn Văn Vĩnh đã phải làm nghề kéo quạt thuê ở trường Thông Ngôn (College des Interprètes). Vừa làm vừa học lỏm cũng đủ cho ông giỏi hơn cả học viên là những nho sinh nhất thế, quay sang học tiếng Tây. Ông hiệu trưởng thấy vậy cho Nguyễn Văn Vĩnh vào học đặc cách. Và ông đã đỗ đầu khóa thông ngôn 1893 – 1895 khi mới có 14 tuổi. Sau đó, ông lần lượt làm thư ký ở các tòa công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và cuối cùng là ở tòa Đốc lý Hà Nội. Sau khi được tham gia Hội chợ Triển lãm Thuộc địa ở Marseille về, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi cuộc đời công chức đang rất hanh thông của mình để làm một nhà báo tự do. Năm ấy, 1906, ông mới có 24 tuổi.
Thời ấy, người ta coi Nguyễn Văn Vĩnh như một thần đồng. Thế giới có nhiều thần đồng toán học và âm nhạc. Như Mozart chẳng hạn. Việt Nam cũng có thần đồng, nhưng chủ yếu là thần đồng học, mà lại là cái học ký ức, chủ yếu dựa vào trí nhớ. Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên chỉ vừa hết tuổi mụ. Riêng trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh, tôi thích coi ông là người trưởng thành sớm. Bởi lẽ thần đồng chỉ là thần trong mỗi cái lĩnh vực trời cho, còn lại hết thảy đều vẫn rất trẻ con (đồng). Người trưởng thành sớm thì không vậy. Anh ta chín trong mọi lĩnh vực đời sống. Văn hào Nga Solokhov, Phạm Quỳnh người cùng thời với Nguyễn Văn Vĩnh và Hà Văn Tấn, theo tôi, cũng là những người trưởng thành sớm. Có những thời bao cấp ta thành những đứa trẻ thì cũng có những thời thúc đẩy con người chín sớm (chứ không chín gượng, hoặc chín ép).
Bỏ cái nghề truyền thống của trí thức Việt Nam là làm quan hay viên chức để theo đuổi một nghề mới xuất hiện trong xã hội, nghề làm báo độc lập, là một quyết định chín. Hẳn trong chuyến Pháp du ấy, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhận thức nhiều điều. Trước hết, sự phát triển kinh tế, sự rực rỡ của văn chương nghệ thuật, lòng ham mê bình đẳng, dân chủ và tinh thần duy lí, thực nghiệm. Trong đó, có nghề báo.
Xã hội Việt Nam cổ truyền là một xã hội nghèo thông tin. Một phần vì không có các phương tiện như báo chí, xuất bản, phần khác do sự phân cấp. Quyền được biết nhiều hay ít tùy thuộc vào việc người đó nắm giữ vị trí cao hay thấp trong thang bậc xã hội. Rồi việc người dân đa số mù chữ, rồi việc sử dụng chữ Hán (tử ngữ của nước ngoài) và sau này là chữ Pháp là ngôn ngữ chính thức lại càng tô đậm thêm bức tranh thông tin tối màu này. Bởi vậy, để canh tân xã hội phải phá vỡ sự tắc nghẽn thông tin nói trên thì mới khai thông được dân trí. Mà khai thông dân trí (kể cả quan trí nữa) thì không gì cấp thiết hơn là phổ biến chữ quốc ngữ. Và để phổ biến chữ quốc ngữ thì không gì hiệu quả hơn là làm báo. Làm báo với Nguyễn Văn Vĩnh, vừa để phát triển chữ quốc ngữ, quốc văn vừa thúc đẩy tư tưởng canh tân đất nước. Ba trong một là thế. Vì thế Nguyến Văn Vĩnh mới nói: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Câu nói giản dị này không được người ta nhớ đến nhiều như một câu nói khác, ấn tượng hơn của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Hóa ra, những gì quá đúng, quá hiển nhiên thì dễ trượt khỏi đầu óc trơn tru của chúng ta.
Tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ – Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (sơn dầu trên vải, 65 x 80 cm, 2001).
|
Nhưng sự nghiệp báo chí của Nguyễn Văn Vĩnh thì không dễ trượt đi như vậy. Sau khi đã là một trong những viên chức đầu tiên trong bộ máy hành chính Pháp thì Nguyễn Văn Vĩnh lại là một trong số ít nhà báo đầu tiên của bộ máy hành chính này. Năm 1907, ông làm chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo lấy biệt hiệu là Tân Nam tử, đứng hẳn về phe cái mới. Sau đó là các tờ Notre Journal, 1908; Notre Revue, 1909; rồi Lục tỉnh tân văn ở Nam kỳ, 1909; Đông Dương tạp chí, 1913- 1916. Năm 1915, ông làm thêm ở tờ Nam học niên khóa, sau đổi là Học báo. Năm 1931, Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập tờ L`Annam Nuoveau, tờ báo định mệnh dẫn đến cái chết của ông.
Mặc dù vào làng báo rất sớm, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ thực sự ra khỏi bóng tối của người giúp việc để trở thành một nhà báo đàn anh, một ngự sự văn đàn, khi ông làm Đông Dương tạp chí. Đây là một diễn đàn quy tụ được những cây bút tinh hoa của thời đại bấy giờ. Dù họ là cựu học như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, hay tân học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn. Từ đây, quốc văn Việt Nam không còn chỉ dựa vào tư tưởng tam giáo, trình bày những đề tài đạo đức hay tình cảm mông lung giữa trời trên đất dưới. Những bài báo trên Đông Dương tạp chí đều xuất phát từ nhu cầu trình bày, phân tích giải đáp các vấn đề thời cuộc. Đó là sự phê phán các học thuyết giường mối xưa, các lâu đài văn hóa cũ và truyền bá các tư tưởng Ánh sáng của phương Tây hoặc trực tiếp từ Pháp hoặc qua bộ lọc Tân thư Trung Hoa. Có thể nói, Đông Dương tạp chí đã kế thừa và phát huy thái độ này của Phong trào Duy tân trước đó. Với việc áp dụng các lối viết có lý luận, cả tư duy lẫn cú pháp, các lối viết xưa đã bị đẩy lùi. Trên cở sở đó, nền văn xuôi nảy nở và dần trở nên phồn thịnh.
So với Nam phong tạp chí, tờ báo sau đó của Phạm Quỳnh, thì Đông Dương tạp chí vẫn cấp tiến hơn. Có lẽ, đây là sự quá khích cần thiết buổi đầu để phá bỏ sức ỳ quán tính. Còn Nam phong, do kế thừa được thuận lợi mở đường ấy, đã trầm tĩnh, cân bằng và có điều kiện đi vào chiều sâu hơn. Điều ấy cũng có thể còn do cá tính của hai người chủ bút, mà vai trò của họ trong những thời điểm bấp bênh, nhạy cảm, con ruồi đỗ nặng đồng cân, là rất quan trọng. Nhưng hẳn vì thế mà Đông Dương tạp chí có vinh dự là một cột mốc. Và, Nguyễn Văn Vĩnh với tư cách là linh hồn của nó đã làm thay đổi một cục diện văn hóa và thúc đẩy nền quốc văn đi vào con đường mới.
Một con đường khác để xây đắp nền quốc văn là dịch thuật. Trước hết dịch là để hoàn thiện tiếng Việt. “Đem diễn dịch những trang tuyệt bút của nền văn chương Pháp ra tiếng Nam thực là công việc cải tử hoàn sinh cho tiếng nước mình! Nhờ thế mà tiếng Nam sẽ thay đổi biến hóa rồi trở nên thuần thục, bắt chước được ở câu văn Pháp sự súc tích, sự minh bạch hữu lý”(2). Sau đó dịch là để giới thiệu những thể văn mới như tiểu thuyết, tiểu luận, thơ và những tư tưởng tiến bộ của phương Tây. Vì chưa thể tự sáng tác ra nền văn chương mới được, nên lúc này dịch chính là một sự chuẩn bị, một xây nền đắp móng. Bởi thế, các dịch giả không tùy tiện làm việc theo thích thú cá nhân hay để kiếm sống, mà có hẳn một kế hoạch, một chương trình, một triết lý hành động chung. Dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ để giới thiệu vốn cổ của cha ông như Vũ trung tùy bút, Đại Nam liệt truyện… Dịch sách kinh điển của Tàu như Kinh thi, Tam quốc diễn nghĩa, Trung dung, Mạnh tử quốc văn giải thích… Dịch từ văn chương Pháp như vở kịch của Corneille, của Molière, thơ và tiểu thuyết của Hugo, triết luận của Pascal… Với các nền văn hóa đi sau nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tôi nghĩ, hẳn bao giờ cũng có những giai đoạn mà dịch đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. Hiện nay, hình như ta cũng đang ở một giai đoạn gần như thế. Bởi vậy chúng ta có thể học được ở giai đoạn này kinh nghiệm về một chiến lược dịch, học ở các dịch giả một tinh thần làm việc không biết mệt mỏi vì sự nghiệp chung. Mà trong các dịch giả đó, nổi bật là Nguyễn Văn Vĩnh.
Sự nghiệp dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh rất nhiều về số lượng và đa dạng về thể loại. Xin được kể ra đây một số công trình tiêu biểu: Dịch từ Pháp văn ra Việt văn: Thơ ngụ ngôn của La Fontaine, Tuyện trẻ con của Perrault, Mai – nương Lệ – cốt (Manon Lescaut) của Abbé Prévost, Ba người ngự lâm pháo thủ của A. Dumas, Những kẻ khốn nạn của V. Hugo, Miếng da lừa của Balzac, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng, Người biển lận… kịch của Molière, Truyện các danh nhân Hy Lạp và La Mã của Plutarque. Dịch từ Việt sang Pháp: Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Dịch từ Hán sang Pháp: Tiền Xích Bích Phú, Hậu Xích Bích Phú của Tô Đông Pha. Nhưng điều đáng nói hơn là chất lượng bản dịch. Người ta đọc thấy trong bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh một ngôn ngữ sáng sủa, sinh động, vừa trung thành với tinh thần của nguyên tác vừa Việt hóa đến mức có thể. Nhưng, có lẽ, đóng góp lớn nhất của ông là ở lối kịch sáng tạo. Không ít những kịch bản của ông đã mở đường cho sáng tác. Ví như khi dịch bài thơ Con Ve và con Kiến của La Fontaine thì bản đầu tiên in trên Đăng cổ tùng báo năm 1907 theo thể thơ lục bát cổ truyền. Năm 1914 ông dịch lại để đăng trên Đông Dương tạp chí thì theo đường vần Tây điệu Tây. Chính nhờ dám vượt thoát sức mạnh của truyền thống thể loại, bám sát thể thơ phương Tây mà ông đã trình làng văn một lối thơ khác của một văn hóa khác. Thế là bài thơ Con ve và con Kiến đã khơi nguồn cho dòng Thơ Mới tuôn chảy sau này. Có thể nói, nếu chỉ xét về phương diện tổ chức ngôn ngữ, thì trước cả Tình già của Phan Khôi, Con Ve và con Kiến mới là bài Thơ Mới đầu tiên. Hoặc như những vở kịch của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch cũng lần đầu tiên giới thiệu với khán/độc giả Việt Nam thể loại kịch nói khác hẳn với kịch truyền thống kịch hát (tuồng, chèo và sau đó là cải lương) của dân tộc. Rồi khi vở Trưởng giả học làm sang được trình diễn vào năm 1918 thì chính dịch giả đóng vai ông Juordain và con trai của ông thủ vai Cléonte. Như vậy, dịch và diễn kịch Tây, những việc làm này của Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần hình thành, thúc đẩy việc ra đời thể loại kịch nói vào những năm 30, 40 sau đó.
Làm báo, nhất là chủ báo, và dịch sách, để có thể sống được nhất thiết phải biết kinh doanh. Bởi thế Nguyễn Văn Vĩnh đã phải lập nhà in vừa in báo mình, sách mình vừa kiếm sống. Ông trở thành một nhà buôn. Đây cũng là một nhân vật phi truyền thống trong xã hội Việt Nam và cũng chỉ vừa được đánh giá một cách đúng đắn từ phong trào Duy tân. Buôn bán không chỉ làm giàu cho bản thân, cho đất nước, phá vỡ những quan niệm Nho giáo và tiểu nông cổ truyền chật hẹp, mà còn, nhất là với Nguyễn Văn Vĩnh, bảo vệ được sự độc lập của nghề báo, nhất là độc lập về chính trị. Và Nguyễn Văn Vĩnh là người kiên quyết làm điều đó. Vào đầu năm 1936, khi việc làm ăn bị thua lỗ, bọn “tài chính thuộc địa” ép Nguyễn Văn Vĩnh hoặc phải hợp tác với chúng hoặc phải từ bỏ tờ L`Annam Nuoveau, thì ông đã khước từ cả hai sự ép buộc đó. Để có tiền cứu lấy tờ báo và giữ được độc lập của mình, ông đã lặn lội sang Lào tìm vàng, một nghề chưa hề được chuẩn bị, nên sau khi chỉ gửi về được một vài bài phóng sự, ông đã nhiễm bệnh và chết trên một chiếc thuyền độc mộc bên dòng sông Sêpôn ngày 2–5–1936.
Nguyễn Văn Vĩnh còn là một nhà hoạt động xã hội. Một nhà báo, một ông chủ báo thi đương nhiên là một nhà hoạt động xã hội rồi, nhưng hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh thực ra còn rộng hơn. Ông đã sớm tham gia Đông Kinh nghĩa thục cùng với các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền với tư cách là thành viên sáng lập, người viết đơn mở trường và trực tiếp dạy Việt văn và chữ quốc ngữ. Ông cũng là thành viên sáng lập Hội Trí Tri, giữ chân diễn thuyết và cùng các ông Phạm Duy Tốn, Trần Văn Hùng mỗi người dạy một lớp. Ngoài ra Nguyễn Văn Vĩnh còn là người sáng lập Hội Dịch sách có đến 300 hội viên, rồi tham gia Hội Nhân Quyền Pháp, Hội giúp những du học sinh Việt Nam… Từ những hoạt động này, có thể nói lý thuyết “thực trị” (ngược với lý thuyết “bảo hộ” của Phạm Quỳnh) là sự đẩy lên một cách quá mức và có phần ngây thơ những tư tưởng duy tân, tư tưởng Phan Chu Trinh, của một nhà báo muốn cải cách xã hội, một dịch giả nhiệt thành muốn làm cầu nối cho hai nền văn chương Pháp – Nam, hai nền văn hóa Đông – Tây.
Không chỉ đi tiên phong trong tư tưởng, nghề nghiệp, hoạt động, Nguyễn Văn Vĩnh còn đi đầu trong cả lối sống, phong cách sống. Trong khi đa số những người có học vẫn khăn đóng áo dài, thậm chí vẫn còn để cả móng tay và búi tó…, trong khi Phạm Quỳnh, cũng một người Tây học, vẫn còn mặc “quốc phục”, ăn nói nhỏ nhẹ, thâm trầm, đi lại bằng xe kéo, thì Nguyễn Văn Vĩnh, ngược lại, luôn vận Âu phục, đội mũ cát, tóc húi cua, đi giày da, lái xe mô tô hiệu Terrot mang từ Pháp về, ăn to nói lớn. Không phải ngẫu nhiên mà thế hệ sau, như trên báo Phong hóa, khi chế diễu cặp bài trùng này (có lẽ vì uy tín của họ còn quá lớn) thì thường châm chích lối sống cổ hủ của ông chủ bút Nam phong. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại có một lần ngồi với bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, tổng biên tập tạp chí Etudes Vietnamienses, nghe ông than phiền rằng tác phong của các lãnh đạo bây giờ không phù hợp với tư tưởng cách mạng của họ. Ví như, bí thư đoàn Vũ Quang không nên đến gặp thanh niên bằng xe Von – ga mà nên sơ mi, quần soóc đi mô tô đến. Tôi cười bảo “thủ trưởng” quá lãng mạn nên không nhìn thấy hiện thực bấy giờ đang có phong trào chặn đường cắt những ai để tóc dài và mặc quần loe. Vả lại, theo thuyết chính danh của cụ Khổng nhà ta thì quan, dù là quan thanh niên, vẫn phải ra dáng quan chứ!
Như vậy, với bút hiệu Tân Nam tử, Nguyễn Văn Vĩnh muốn xây dựng cho mình và sau đó cho xã hội một Người Nam mới trước hết với tư tưởng mới, nghề nghiệp mới, lối sống mới. Và, đóng góp của ông, quan trọng trong lĩnh vực này là hình ảnh một trí thức độc lập. Nếu Việt Nam cổ truyền chỉ có trí thức –quan lại, trí thức – công chức, thì xã hội hiện đại rất cần một tầng lớp tri thức độc lập. Và với nghĩa đó, thì đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh là rất quan trọng, bởi ông là một người Nam mới đầu tiên.
————————
1. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, những dị biệt, nhất là dị biệt kinh tế – xã hội, dần đã mất đi. Vì thế, thế giới trở nên phẳng. Trong hoàn cảnh đó thì đã dần dần hình thành khái niệm công dân hành tinh, công dân trái đất. Xin xem thêm: Thomas L.Friendman Chiếc Luxus và cây Ô lưu, Nxb KHXH, 2005; và E. Morin, Trái đất tổ quốc chung, Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, Nxb KHXH, Hà Nội , 2002.
2. Phạm Quỳnh, La Poésie Annamit, Hanoi, 1993, Avant – Propos