Nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh: Nghệ thuật là con đường kết nối cảm xúc của trẻ

Khi đứng giữa những ngôi trường ở Hà Giang, Mèo Vạc, Tua Phìn…, nhìn những căn phòng học đơn sơ ở đây, nghệ sĩ piano – nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh (Trịnh Mai Trang) đã tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tạo ra một quyển sách mà nó có thể sử dụng được ở tất cả mọi nơi, dù là thành phố hay nông thôn?” Đây chỉ là một phần nhỏ trong nhiều nỗ lực của cô để đeo đuổi sứ mệnh “xây dựng một xã hội với những tâm hồn sung túc.”


Trang Trịnh hướng dẫn các em thuộc Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu (Miracle Choir & Orchestra) cách chơi đàn. Ảnh: vietnamnows.

Để nốt nhạc ngân lên trên những ngôi trường vùng cao

Khác với những nghệ sĩ dương cầm khác, Trang Trịnh đã dám làm những điều mà mọi người không nghĩ một nghệ sĩ dương cầm sẽ làm, đó là ‘lấn sân’ sang giáo dục, mà lại còn là giáo dục phổ thông quốc gia. Tham gia nhóm biên soạn sách giáo khoa Âm nhạc lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục là một trải nghiệm thú vị đối với Trang Trịnh. Với cô, đó là dự án lớn nhất trong hai năm qua, đồng thời cũng là dự án tốn nhiều tâm sức nhất. 
Trước đây, học nhạc trong nhà trường hầu hết là học kiến thức với những nốt nhạc. Trong khi đó, chương trình mới sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất. Ba năng lực chính được thể hiện trong chương trình này bao gồm năng lực thể hiện âm nhạc (những hoạt động âm nhạc như hát, chơi nhạc cụ, hòa tấu…), năng lực cảm thụ và hiểu biết, năng lực sáng tạo và ứng dụng. “Ba năng lực này được thể hiện trong sách bằng những phương pháp rất mới” – Trang Trịnh vừa chia sẻ vừa khoe với chúng tôi bản mẫu của cuốn sách giáo khoa này. 
Lật giở cuốn sách, cô hào hứng lý giải vì sao hình ảnh một đoàn tàu lại xuất hiện ngay trang đầu tiên. Chuyến tàu này sẽ đi qua rất nhiều chủ đề khác nhau, chính học sinh sẽ là nhân vật trải nghiệm chuyến hành trình này bằng cách bước vào đoàn tàu và khởi hành. Những chủ đề này sẽ được tái hiện vào trang sách dưới dạng những bước hành trình. Chuyến đi mở ra bằng câu hỏi “Em có thể nghe được âm thanh phát ra từ đâu?” – đó là bài học đầu tiên về cách lắng nghe âm thanh cuộc sống. Để rồi khi năm học kết thúc, thì cũng là lúc cuộc hành trình này khép lại để mở ra những điều mới mẻ tiếp theo vào năm học sau. 
Một trong những điều mà cô và các thành viên trong nhóm biên soạn hướng đến, đó chính là dạy cho học sinh cách cảm âm. Theo Trang Trịnh, chương trình hiện hành dạy nốt nhạc bằng cách cho trẻ em học thuộc nốt, thế nhưng vấn đề là dù đã học nhạc qua 8 năm, một thế hệ người Việt Nam vẫn không thể xướng âm được. “Không phải là các con không nhớ được nốt hay nhớ được cao độ, bởi vì học sinh lớp 1 có thể nhớ được bảng chữ cái cơ mà, học sinh lớp 3 thì có thể nhớ được bảng cửu chương, thế nên không có lý gì học sinh không thể nhớ được 7 nốt đồ rê mi pha son la si. Vấn đề ở đây là các con chưa bao giờ được dạy cảm âm, việc đầu tiên cần làm là phải cho các con nghe, để cho các con được cảm âm.” 
Điều khiến cô phải trăn trở nhiều nhất trong quá trình “đo ni đóng giày” nội dung cho cuốn sách này, đó là việc nhóm biên soạn đang “bị bó lại bởi sự khó khăn ở các vùng, sự khác biệt về môi trường học giữa thành phố và ở nông thôn”. Trong hình dung của cô, đây sẽ là một cuốn sách có thể sử dụng ở tất cả mọi nơi – học sinh ở thành phố thì không thấy chán hay sơ sài, ở nông thôn thì không thấy quá khó. Và bản thân cuốn sách phải mang trong mình bản sắc văn hóa đất nước, dù vẫn kế thừa và học tập những điều mới từ chương trình của các nước khác.  


Vợ chồng nghệ sĩ Trang Trịnh – Park Sung Min và các em trong Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ Diệu. Nguồn: Miraclevietnam.org

Nhắc đến phòng học nhạc, chúng ta thường tưởng tượng ra một căn phòng hiện đại với đầy đủ những loại nhạc cụ phổ biến. Căn phòng ấy không phải là một điều quá vô lý đối với những ngôi trường trong nội thành, nhưng nó sẽ là một ước mơ xa xôi của các ngôi trường hãy còn là nhà tranh vách đất. Vì vậy, những nhà biên soạn sách đã hướng đến các loại nhạc cụ dễ tìm, dễ làm. Đầu lớp một thì học sinh sẽ được học thanh phách và trống nhỏ. Thanh phách là một nhạc cụ có thể được tạo nên bằng nhiều vật liệu khác nhau, “kể cả không mua được thanh phách thì có thể dùng hai thanh củi hoặc hai cây đũa”. Đối với trống nhỏ, đây cũng là một nhạc cụ phổ biến mà có thể thay thế nó bằng nhiều vật dụng khác nhau. Chọn trống là một trong hai nhạc cụ đầu tiên mà các em học sinh được tiếp xúc là bởi gần như dân tộc nào trên đất nước Việt Nam cũng đều có trống, “không có dân tộc nào là không có trống cả. Đó là một nhạc cụ nằm sâu trong văn hóa. Sang đến học kì hai, học sinh sẽ làm quen với hai nhạc cụ phương Tây, đó là trống lục lạc và kẻng tam giác. Trang Trịnh cùng các tác giả biên soạn sách đã làm những trang hướng dẫn cách làm “trong trường hợp không thể tìm mua được hai nhạc cụ này, về cơ bản thì làm những dụng cụ này khá dễ.” Làm những điều này, Trang Trịnh mong muốn rằng dù là học sinh ở vùng nào trên đất nước, các em cũng đều có thể tiếp xúc với những loại nhạc cụ phổ biến của Việt Nam lẫn quốc tế. Để đến cuối cùng, học sinh có thể chơi hòa tấu được, đó chính là điều mà cô mong muốn. 
Nhìn lại những gì mà mình đã làm được, điều khiến cô tự hào nhất trong những năm qua đó là bản thân đã dám làm những điều mà mọi người không nghĩ là một nghệ sĩ dương cầm sẽ làm. “Không phải mình giỏi, mà mình tự hào rằng mình dám. Thật ra có những định kiến nhất định dành cho những người nghệ sĩ, và mình nghĩ đó cũng là một trong những lý do khiến cho họ cảm thấy khó khăn khi bước sang lĩnh vực khác.” Dường như cũng chính vì thế mà cho đến hiện tại, điều cô tiếc nuối nhất đó là vẫn chưa tìm được những người bạn có thể đồng hành trên hành trình này, “mình rất muốn tìm và kết nối được với những nhạc sĩ, nghệ sĩ khác – những người có thể đi cùng với mình. Cho đến hiện tại, mình vẫn khá là cô đơn.”

Câu chuyện – cầu nối đưa trẻ đến khoảng trời tưởng tượng

Không vì đơn độc mà nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh ngừng theo đuổi sứ mệnh “xây dựng một xã hội với những tâm hồn sung túc” của mình. Để tiến gần hơn với sứ mệnh đấy, cô đã chọn cách lan tỏa một phương pháp giáo dục mới đến những người nghệ sĩ khác: phương pháp giáo dục giám tuyển. 
Từ “giám tuyển” là một từ rất mới trong âm nhạc, dù nó đã cũ trong một số những loại hình nghệ thuật khác. Bản thân tất cả những buổi hòa nhạc trong Baby&Children Concert (dự án hòa nhạc cho trẻ em của tổ chức Wonder – tổ chức xã hội do Trang Trịnh sáng lập và điều hành) đều có giám tuyển âm nhạc. Khi nghệ sĩ gửi về các bài nhạc thì những thành viên phụ trách giám tuyển sẽ ngồi với nhau để suy nghĩ xem bài nhạc nào sẽ đặt cạnh bài nào, đặt như vậy nhằm truyền tải thông điệp gì, và thông điệp đó sẽ tạo nên một câu chuyện như thế nào để trẻ có thể tưởng tượng dễ dàng hơn. Chọn câu chuyện như là cầu nối để đưa trẻ tiến vào khoảng trời tưởng tượng của riêng mình, là vì theo Trang Trịnh câu chuyện rất quan trọng với trẻ. “Từ khi còn nhỏ, cho đến khi trưởng thành, hầu như tất cả hoạt động học tập của trẻ đều xảy ra thông qua câu chuyện. Trẻ chỉ học được khi cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Và một khi bố mẹ và thầy cô mang đến cho trẻ cảm giác an toàn, hạnh phúc, thì câu chuyện sẽ có cơ hội để được cất lên, từ đó thâu tóm trí tưởng tượng của trẻ, đến lúc đó thì trẻ sẽ học rất tốt” – Cô lý giải.
Cách đây một tháng, Wonder tổ chức một chương trình hòa nhạc gia đình mang tên “Giáng sinh đầu tiên ở xứ sở Tí Hon”. Đã có hơn 200 gia đình đến tham gia chương trình này – một con số đáng mơ ước. Thay vì chỉ đơn thuần chơi những bản nhạc jazz nổi tiếng, chương trình đã bắt đầu bằng câu chuyện về lần đầu tiên được nhìn thấy Giáng sinh của những người tí hon, hình thức này vừa gần gũi với trẻ, vừa tạo ra được những tương tác để dạy cho trẻ biết về âm nhạc. “Có hai bố con đã nắm lấy tay nhau và múa theo điệu nhạc. Mình đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh đấy, bởi vì trong cuộc sống bận rộn này, có bao nhiêu giây phút mà một người bố và cậu con trai của mình có thể nắm lấy tay nhau đung đưa theo điệu nhạc như thế” – Trang Trịnh nhớ lại. Để có được giây phút ấy, những thành viên trong tổ chức Wonder đã giám tuyển từng khoảnh khắc trải nghiệm trong chương trình. Người dẫn chuyện đã yêu cầu: “Bố mẹ hãy nắm lấy tay con đi nhé!” hoặc “Bây giờ mình sẽ cọ má vào nhau nhé!”, và cứ bốn lần cọ má thì ban tổ chức sẽ tạo ra một tiếng chuông Giáng sinh. Bố mẹ đã học được cách tương tác đó, để khi về nhà, mỗi lần nhạc vang lên, bố mẹ có thể tương tác với con bằng những hành động kết nối cảm xúc như vậy. Đó là cách mà chương trình đã giám tuyển để tạo ra một công cụ, hòng giúp bố mẹ có thể kết nối với con mình.
Qua chương trình này thì Trang Trịnh cũng đã xây dựng được một mạng lưới những nghệ sĩ có cùng quan tâm, đồng thời xuất bản một cuốn truyện nhạc mang tên “Hoàng tử bé”, trong đó thì Wonder đã mua bản quyền nhạc cổ điển Pháp, và đích thân Trang Trịnh đã giám tuyển từng bài nhạc. Cốt truyện “Hoàng tử bé” đã được viết lại đơn giản hơn, “để cứ mỗi khi nghe truyện, các con sẽ được nghe một khúc nhạc Pháp vang lên. Khi đó thì các con vừa tiếp cận được với nhạc cổ điển, vừa có được cái nhìn văn hóa, màu sắc của âm nhạc Pháp.”
Những nỗ lực để lan tỏa phương pháp không phải là một dự định ngắn hạn của cô, mà thật ra kể từ khi về nước cách đây bảy năm, Trang Trịnh đã luôn luôn đi theo hướng này. Cô tin rằng một buổi biểu diễn hòa nhạc cần phải được giám tuyển, nó cũng hệt như trải nghiệm khi một người đi vào phòng trưng bày, “một buổi biểu diễn trong đó không thể là một cái triển lãm chết được, nó không phải là một thứ mà người ta cứ đi vào xong rồi di chuyển bất cứ khoảng nào người ta thích. Có người giám tuyển, đồng nghĩa với việc chương trình đã có sẵn những thông điệp và được định hướng rõ sẽ trông như thế nào. Mình luôn luôn tập trung vào những buổi diễn có thông điệp và mục đích rõ ràng, nó không phải chỉ là một nồi lẩu những bản nhạc đặt cạnh nhau.” 
Bản thân Trang Trịnh cũng thừa nhận rằng giám tuyển âm nhạc là một cái gì đó rất mới ở Việt Nam, dù rằng từ khi về nước, cô đã luôn luôn cố gắng thực hiện nó. Nhưng từ trước đến nay, cô chỉ làm cho những buổi biểu diễn của mình, và giờ đây cô đã bắt đầu lan tỏa nó đến những người nghệ sĩ và người tổ chức khác để họ tập trung hơn vào công việc giám tuyển này. “Trước đây thì chưa ai gọi tên nó cả, nhưng mình nghĩ đã đến lúc phải gọi tên nó rồi, đó là giám tuyển (curating).” 
Kể cả trong quá trình soạn thảo sách giáo khoa và quá trình làm giáo dục âm nhạc của mình, Trang Trịnh cũng cố gắng dùng phương pháp giám tuyển mọi lúc. Bởi cô tin rằng người học phải tự chủ, “giống như một người đi vào xem triển lãm, có ai cầm tay họ để chỉ cho họ tất cả mọi thứ đâu, mà họ tự đi, mình chỉ đặt tất cả những tranh đấy, những lời đề tựa hay những đoạn âm thanh ở đúng lúc đúng chỗ, còn họ đi đâu là tùy họ, đứng ở đâu lâu hơn là tùy họ” – Trang Trịnh chia sẻ. Nhưng môi trường đấy không hề vô nghĩa, mà đó là một môi trường có thông điệp, được sắp đặt để sao cho việc học được diễn ra và đạt được mục đích tốt nhất. Cô gọi đó là phương pháp giáo dục giám tuyển, và đó cũng là phương pháp mà cô mong muốn có thể lan tỏa để những giáo viên, những người làm giáo dục, và nhất là bố mẹ để có thể cùng hình thành nên sự tự chủ trong việc cảm nhận cái đẹp của con trẻ.

Mở ra những con đường mới

Trên hành trình lan tỏa ấy, dường như Trang Trịnh vẫn luôn giữ được sự lạc quan của mình. “Trước kia, mọi người thường nghĩ âm nhạc là một bộ môn năng khiếu, nghĩa là quy nó về một thứ mà nếu không có thì không nên học. Giờ đây, rất nhiều bố mẹ cho con học âm nhạc để có một tâm hồn phong phú hơn. Đó là một bước tiến đáng mừng” – Trang Trịnh chia sẻ. 
Dù là một nghệ sĩ nhạc cổ điển, nhưng cô không bao giờ nói với mọi người rằng nhạc cổ điển là tuyệt vời nhất, là thể loại nhạc cần phải học nhất. Với cô, điều cần làm là phải gửi gắm thông điệp rằng âm nhạc có thể kết nối những thành viên trong gia đình như thế nào, “mình phải nói cho cha mẹ thấy rằng tại sao âm nhạc lại cần thiết, và loại nhạc nào thì phù hợp nhất. Bởi nhạc nào cũng tốt cả, nhạc jazz, nhạc pop cũng rất đẹp”. Quan trọng nhất là bố mẹ phải nhận ra vì sao âm nhạc lại cần thiết, làm sao để họ thấy rằng cần kết nối cảm xúc với con của mình, và âm nhạc, nghệ thuật có thể là con đường dẫn đến điều tốt đẹp đó.  □

Điều mà Trang Trịnh hài lòng nhất trong năm vừa rồi đó là cô đã dám thử những điều mới lạ, những điều hầu như không ai nghĩ rằng cô sẽ làm được. Và trong năm tới, cô vẫn tiếp tục ấp ủ rất nhiều những dự định thú vị. “Năm tới, mình sẽ quay lại với sân khấu nhiều hơn. Trong đó, có những chương trình mà mình sẽ có cơ hội vừa biểu diễn và vừa chia sẻ với khán giả”. Trang Trịnh cũng chia sẻ rằng chị rất muốn được gọi mình là “teaching artist” – tức là một người vừa biểu diễn, vừa làm giáo dục. Sau cùng, mong muốn của cô đó là có thể kết hợp biểu diễn với chia sẻ về vẻ đẹp của âm nhạc, cũng như truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. “Mình rất muốn làm hết trách nhiệm của một người nghệ sĩ trong thập kỷ mới, là một người tìm được con đường mà bản thân có thể đi” – Trang Trịnh cười. “Mình không nhìn thấy bản thân nếu chỉ đứng ở một nơi.”

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)