Nhà khoa học và phản ứng xã hội

Cái chết của những di sản văn hóa là vấn đề không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng mức độ của nó ở Việt Nam thì không đâu bằng, không ít cuộc tranh luận giữa việc bảo tồn hay không với một di sản trở nên hết sức gay gắt, mà câu chuyện các nhà hoạch định thiết kế đô thị muốn xây dựng cầu vượt nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông ngay trên khu vực Đàn Xã Tắc ở Hà Nội mới đây là một ví dụ.

Phe bảo tồn (đại diện tiêu biểu là các nhà khoa học) dựa trên một số lập luận như sau. (1) PGS.TS Nguyễn Văn Nhật (Viện Sử học), cho rằng cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong hai đàn tế quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam thời trung đại. Các buổi tế lễ ở Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao đều thuộc nghi lễ cấp quốc gia. Đàn Xã Tắc có ý nghĩa to lớn với quốc gia, với dân tộc hơn Đàn Nam Giao, bởi Đàn Nam Giao chỉ là nơi cầu thịnh trị cho một vương triều. (2) Di tích Đàn Xã Tắc là di tích cấp quốc gia, Hà Nội không được “xé luật”. Phe ủng hộ xây dựng cầu vượt thì cho rằng giải quyết vấn đề nút giao thông Xã Đàn có ý nghĩa dân sinh, phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Thậm chí Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát biểu: “Tôi được đọc các ý kiến rằng phá Đàn Xã Tắc, là mất dân, mất nước. Hoặc, có vị bảo làm đường như thế là chạy trên đầu tổ tiên. Thật lòng, mong các nhà khoa học đừng dọa dân như thế”.

Trước hết cần phải nói rằng hai cứ liệu của giới khảo cổ thực ra chỉ nên coi như là “giả thuyết”. Và một giả thuyết khoa học chỉ được coi như là một chân lý khi được củng cố bởi hệ thống các cứ liệu, và sau một thời gian dài được kiểm chứng, được cộng đồng khoa học chấp nhận, được xã hội chấp nhận. Vậy hệ thống cứ liệu được đưa ra là gì? Thứ nhất, phát hiện nền đất của Đàn Xã Tắc thời Lý- Trần- Lê. Thứ hai, các hiện vật khảo cổ (bình, lọ, mảnh gốm,…) có niên đại tương ứng. Nhưng đó mới chỉ là những cứ liệu hiện vật. Để xác định được tầm quan trọng của một di tích thì cứ liệu khảo cổ học chỉ là điều kiện cần chứ không phải là kết luận cuối cùng, mà phải soi chiếu với những vấn đề về văn hóa, lịch sử, biểu tượng.

Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa và sử học (như Nguyễn Hùng Vĩ, Trần Thị Kim Anh,…) lại cho biết một bối cảnh văn hóa ngược lại. Thứ nhất, các sử liệu cổ (như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái…) cho thấy thời Lý – Trần ở Thăng Long có ba đàn tế với chức năng tương ứng. Các đàn này nằm ở ba vị trí khác nhau (Hồng Mai, Yên Lãng và Xã Đàn). Không có sử liệu nào chép một cách chính xác rằng chỉ có một Đàn Xã Tắc nằm ở Xã Đàn. Vì vậy, việc đồng nhất hóa 3 di tích này vào địa điểm khảo cổ học ở Xã Đàn là một kết luận vội vàng. Chúng ta hiện chỉ có thể chấp nhận rằng, di chỉ ở Xã Đàn có khả năng là một trong ba đàn tế cổ đó. Thêm nữa, ba đàn tế thời Lý – Trần không chắc có phải là đàn tế ở cấp quốc gia (vua đích thân đến tế). Riêng ông Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, về mặt biểu tượng, đàn Xã Tắc thờ thần Xã (thần đất) và thần Tắc (thần Hậu Tắc) mà Hậu Tắc là thủy tổ của nhà Chu bên Trung Quốc có công dạy dân trồng lúa (theo Việt điện u linh). Vì thế, một số nhà khoa học cho rằng Đàn Xã Tắc là “bàn thờ tổ tiên, hồn thiêng dân tộc” là chưa thỏa đáng. Nhà khoa học chỉ nêu ra các cứ liệu, để cho cứ liệu tự thân nó nói lên tầm quan trọng của nó, chứ không phải là người nêu ra những cảm thán và nhận định chủ quan của mình.

Là người rất yêu quý văn hóa cổ truyền, đồng thời là người đứng ngoài sự kiện Đàn Xã Tắc, chúng tôi thấy các nhà khoa học cần phải liên thông với nhau, lắng nghe nhau hơn. Nhà khoa học có lẽ cần phải bình tĩnh với chính những giả thuyết của mình, cũng như những giả thuyết của người khác. Dù vị trí ngã tư Xã Đàn có phải là Đàn Xã Tắc hay không thì những phản ứng xã hội trong thời gian vừa qua cũng khiến các giả thuyết khoa học được nghiền ngẫm, nghiên cứu thấu đáo hơn!

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)