Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Biết chữ quốc ngữ chưa chắc là biết tiếng Việt

LTS. Trước thực trạng sử dụng tiếng Việt tùy tiện, cẩu thả hiện nay, nhất là trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm chuẩn hóa, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tia Sáng ghi nhanh ý kiến của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh về tiếng Việt hiện nay.


Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. 

T góc độ của một nhà nghiên cứu, ông thấy tiếng Việt hiện nay đang trong tình trạng như thế nào? 

Là một giá trị phi vật thể, ngôn ngữ vận động và phát triển qua thực tế việc sử dụng của xã hội. Hệ thống giáo dục, hệ thống thông tin, các hoạt động ngôn ngữ – văn tự, việc nghiên cứu ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ của chính quyền… do đó đều tác động tới việc sử dụng ấy. Quan sát cách thức tác động sẽ thấy tình trạng của cái được tác động thôi.

Giống nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt gồm hai bộ phận chủ yếu tức tiếng Việt văn học và tiếng Việt bình dân, giữa hai bộ phận này luôn có sự liên thông cũng như sự khác biệt. Ở Việt Nam hiện nay, mạng xã hội là nơi trình hiện tập trung và toàn diện nhất tình hình nói trên.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội vài mươi năm nay, tiếng Việt có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng đồng thời cũng có nhiều biểu hiện suy thoái đáng quan tâm, trong đó nổi bật là tình trạng hiểu sai và dùng sai tiếng Việt phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội và ở mọi khu vực giao tiếp xã hội, trên mọi lãnh vực hoạt động xã hội.

 

Ông nghĩ thế nào về mệnh đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?”

Nhiều người khi đọc thấy ở đâu đó một câu, một từ mà mình không hiểu thì nói diễn đạt như thế là không trong sáng. Với bộ phận người đọc ấy thì rất nhiều văn bản pháp luật, khoa học, triết học, văn học cổ… sẽ trở thành không trong sáng. 

 

Trước hết, từ trong sáng ở đây chỉ sự chính xác về nội hàm và sự phù hợp về phong cách. Một văn bản chính trị hay hành chính có thể viết “Phải đưa ra biện pháp hữu hiệu để trừng trị, chế tài những kẻ tham nhũng” chứ không thể viết “Phải tìm cách chơi cho bọn tham nhũng sặc máu”, mặc dù cách diễn đạt sau rất dễ hiểu.

 

Thứ hai, như đã nói ở trên, tiếng Việt gồm hai bộ phận chính vẫn được gọi là tiếng Việt văn học và tiếng Việt bình dân, trong đó tiếng Việt bình dân một mặt luôn góp phần làm giàu thêm tiếng Việt văn học nhưng mặt khác thường vận động một cách tự phát và phi qui chuẩn. Tiếng Việt văn học thì khác, nó không những là đại diện cho trình độ và năng lực phát triển ở những không gian, thời gian xác định mà còn là nơi tích lũy những tinh hoa, kế tục mạch truyền thừa của tiếng Việt trong lịch sử, luôn là hệ thống đóng vai trò chuẩn mực của tiếng Việt toàn dân. Nói giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo tôi do đó chủ yếu là nói tới sự trong sáng của bộ phận tiếng Việt văn học. 

Ngoài việc các bộ phận địa phương (phương ngữ) phải dần dần trở thành tài sản toàn dân, một thước đo khác của sự phát triển ngôn ngữ phải là việc bộ phận ngôn ngữ văn học chi phối, tác động tới ngôn ngữ bình dân mạnh hơn là ngược lại. Nhưng tiếng Việt hiện nay thì khác, nhiều văn bản quan phương, văn chương báo đài vốn thuộc bộ phận tiếng Việt văn học tức ngôn ngữ viết lại là những tấm gương xấu trong việc sử dụng tiếng Việt cho đúng và cho hay. Gần đây ở Sài Gòn có một tờ báo đăng một bài nhan đề Đưa Củ Chi lên thẳng thành phố, mới nhìn cứ tưởng đưa nông sản gì đó ở đâu đó về Sài Gòn không thông qua trung gian, đọc xong mới hiểu đó là “Nâng huyện Củ Chi lên cấp hành chính ngang với thành phố”, suýt chảy máu mắt, nghĩ mà thương những người nước ngoài mới học tiếng Việt. 

 

Chắc nhiều người cũng còn nhớ vài vụ tương tự. Như cách nay vài năm một cơ quan truyền thông ở Sài Gòn mở cuộc thi Tiếng hát gì đó, Ban tổ chức trưng một tấm bảng đại khái là “Ở đây có thu âm hộ/thí sinh”, ngắt làm hai hàng. Hay trong một hội nghị về du lịch ở Hà Nội, nhiều người cứ nhắc đi nhắc lại phương châm làm sao cho khách du lịch “Vào sâu, ở lâu, ra chậm”. Mới đây còn có một bài báo giật tittre “Gangstes Mỹ xả súng, 20.000 người mất mạng”, là nói đạn bắn trúng dây cáp quang làm 20.000 người mất kết nối truyền hình và Internet. Việc khôi hài không đúng chỗ như vậy cho dù có chơi chữ cao minh cũng là giỡn hớt vô duyên. Tiếng Việt văn học suy thoái vì vậy có khi không phải vì trình độ hiểu biết mà vì ý thức trách nhiệm của những người hoạt động văn tự nữa.

 

Nói rộng ra thì sự hiểu biết và ý thức về cả quốc sử, quốc ngữ lẫn quốc văn ở Việt Nam hiện nay đều dưới trung bình so với cái mức cần thiết để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ đất nước. 

 

Ông nói rõ hơn về sự khác biệt giữa quốc ngữ và quốc văn được không?

Được chứ. Quốc ngữ là tiếng Việt, bao gồm các thành phần và yếu tố về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phong cách trình hiện qua sự phát triển hay vận động của hai bộ phận ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

Về từ vựng, tiếng Việt có quá nửa số từ đơn là từ gốc Hán được Việt hóa ở nhiều bình diện và mức độ khác nhau, ở đây gọi là từ Việt Hán. Về từ pháp và ngữ pháp, tiếng Việt là một ngôn ngữ nhị nguyên, có khi theo kiểu thuần Việt có khi theo kiểu Hán ngữ, điều này có nhiều tác động tới phong cách tiếng Việt.


Một lớp học tiểu học ở Phúc Yên thời Pháp thuộc. Nguồn ảnh: Tư liệu của TS. Nguyễn Thụy Phương chụp Tạp chí L’Asie Nouvelle.

Quốc văn thường dùng với nhiều cấp độ, thấp nhất dùng chỉ bộ phận văn chương trong ngôn ngữ viết, cao nhất thì có thể mang ý nghĩa như quốc học.

Cần nói ngay rằng Việt Nam có hai nền quốc văn khác nhau và hai nền quốc học khác nhau, thời phong kiến khác từ thời Pháp thuộc trở đi, đó là vì Việt Nam đã dùng hai hệ công cụ tức chữ viết khác nhau và trong những điều kiện lịch sử cũng như hoàn cảnh quốc tế khác nhau. Dĩ nhiên tiếng Việt trong hai giai đoạn này vẫn là tiếng Việt, cùng có một số khó khăn như nhau.

 

Theo ông, những khó khăn đó là gì?

Thì như đã nói ở trên, do sự tác động không tích cực hay chưa đủ mức của nhiều hệ thống xã hội khác. Nhưng một trong những khó khăn quan trọng nhất mà ai cũng thấy của tiếng Việt xuất phát từ vấn đề không có hệ thống chữ viết hoàn toàn phù hợp để làm hệ công cụ phát triển tối ưu.

Trước thời Pháp thuộc Việt Nam dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức, loại văn tự này không thể ăn khớp hoàn toàn với các hiện tượng, quá trình và lãnh vực của xã hội Việt Nam. Trên cơ sở chữ Hán, người Việt cũng đã tạo ra chữ Nôm, nhưng không đủ để lấp bằng khoảng trống ấy. Không lạ gì mà dưới thời phong kiến, tiếng Việt văn học bị hạn chế rất lớn, ví dụ văn xuôi tiếng Việt gần như giống hệt với khẩu ngữ chứ không tinh tế đẹp đẽ như văn vần.

Từ thời Pháp thuộc trở đi người Việt dùng chữ quốc ngữ Latin ghi âm thì các quá trình ngữ âm vẫn còn tiếp diễn, gây ra tình trạng không thống nhất giữa các địa phương, chỉ riêng miền Bắc đã có tới ba cách ghi duộm, nhuộm, ruộm để ghi âm một từ. Bên cạnh đó, bộ phận tiếng Việt văn học mới lại phát sinh với nhiều khó khăn và phát triển với nhiều khiếm khuyết, tình hình này diễn ra trước hết trên địa bàn Nam Kỳ. Những người đi đầu trong hoạt động phổ biến và sử dụng chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trở đi chủ yếu là các trí thức Tây học chứ không có căn bản Hán học vững chắc, ngay việc sử dụng mảng từ Việt Hán cũng đã có vấn đề. Chẳng hạn trong thư gởi một người tên Lê Ngọc Chất khoảng 1888, Trương Vĩnh Ký tự xưng là “bản chức” nhưng cuối thư thự danh là “Nam Trung ẩn sỹ”, thứ văn chương ấy giống như đem đầu trâu ghép vào mõm ngựa, quả thật rất không giống ai. Nhìn rộng ra toàn Việt Nam, chủ trương phế bỏ Hán học của người Pháp thời Pháp thuộc còn làm giảm vốn liếng từ vựng và năng lực ngôn ngữ của những người không biết chữ Hán, đưa tới sự lẫn lộn trong việc hiểu và dùng từ Việt Hán và từ thuần Việt. Sau đây là một ví dụ.

Trong kinh nghiệm ngôn ngữ của nhiều người Việt hiện nay, từ thương hại gần như hoàn toàn đồng nghĩa với thương xót. Nhưng thương hại vốn là một từ Việt Hán, là một động từ, có nghĩa là làm cho bị thương, làm hại. Vì có yếu tố thương đồng âm nên qua chữ quốc ngữ nó đã chập làm một với thương xót trong mảng từ thuần Việt, có lẽ trước tiên là trong tiếng Việt bình dân nhưng sau đó đã lọt vào tiếng Việt văn học. Rõ ràng từ thương hại này tuy mang hình thức Việt Hán nhưng hoàn toàn không phải từ Việt Hán. Hay nhiều người dùng chữ tường tận như tận tường (biết rõ, biết hết), nhưng không chú ý đến từ pháp nên không thấy tận tường là theo ngữ pháp Hán ngữ chứ tường tận là theo ngữ pháp Việt ngữ, tức đó là một từ Việt Hán “giả cầy”. Cho nên tôi vẫn nghĩ rằng không phải bất cứ người Việt Nam hay nước ngoài nào biết chữ quốc ngữ cũng biết tiếng Việt.

 

Dường như ông có cách nhìn riêng về chữ quốc ngữ và lịch sử chữ quốc ngữ?

Trước nay những người ham tranh cãi thường xông vào những chuyện lông gà vỏ quít, ví dụ vụ đặt hay bỏ tên đường Alexandre de Rhodes năm trước. Từ điển Việt Bồ La mà De Rhodes soạn có chữ Pháp nào đâu, vì vào thế kỷ XVII thì xứ Avignon quê ông ta vẫn chưa thuộc nước Pháp, người Pháp thế kỷ XIX nhập nhằng chuyện quốc tịch của ông ta để kể công khai hóa của họ, phải nhìn kỹ chứ. Mà thứ chữ quốc ngữ người Pháp chủ trương phổ biến ở Việt Nam là của các giáo sỹ Dòng Sai, cụ thể là Taberd, khác xa chữ quốc ngữ của De Rhodes và của các giáo sỹ Dòng Tên, đâu thể vơ đũa cả nắm rồi khen bừa chửi bậy. Nhưng nếu hiểu ghi nhớ de Rhodes là để ghi nhận bước đầu quan trọng trong việc tiếp xúc và giao lưu với phương Tây về mặt văn tự của xã hội Việt Nam thì đã làm sao, đúng là những kẻ ở không chỉ sợ thiên hạ không đại loạn mới hay kiếm chuyện ầm ĩ…


Sách Tập đọc của học sinh thế hệ 1980-1990.

Nhìn từ góc độ chức năng, chữ quốc ngữ trước thời Pháp thuộc là công cụ truyền đạo và thông tin trong nội bộ cộng đồng Thiên chúa giáo, đến thời Pháp thuộc trở thành công cụ hành chính và văn hóa trong tay người Pháp đồng thời từng bước trở thành công cụ của người Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa tuy rất vòng vèo và trắc trở của xã hội Việt Nam, rồi từ 1945 là công cụ văn tự của nước Việt Nam mới. Trong Hội nghị về ngôn ngữ ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ngày 25/1/1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu “Đời phát triển thì tiếng phát triển”. Xã hội Việt Nam phát triển thì tiếng Việt mới phát triển, tiếng Việt phát triển thì hệ công cụ của nó là chữ quốc ngữ phải phát triển. Không có sự giao lưu, tiếp nhận thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thương mại, hành chính tư pháp, triết học văn chương… phương Tây rồi thế giới từ thời Pháp thuộc đến nay thì xã hội Việt Nam phát triển được à? Không có quá trình phổ biến chữ quốc ngữ từ Đông Kinh nghĩa thục đến Hội Truyền bá chữ quốc ngữ (Bắc Kỳ) rồi Bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám, không có quá trình vận động cải cách chữ quốc ngữ từ sau Thế chiến Thứ nhất trở đi, không có quá trình dịch thuật ra chữ quốc ngữ của mấy mươi thế hệ người Việt từ thời Pháp thuộc đến nay thì chữ quốc ngữ lại song hành với tiếng Việt được à? Chữ quốc ngữ có ưu thế dễ học dễ nhớ nên dễ phổ cập hơn chữ Hán chữ Nôm, mà cũng chỉ đến thế, chứ làm gì có được khả năng làm thay đổi tư duy của người Việt Nam như có người từng khẳng định. Lúc Minh Trị duy tân nửa sau thế kỷ XIX, người Nhật có đổi chữ viết đâu. Đó là một mặt của vấn đề.

Mặt kia thì chữ quốc ngữ được dùng như công cụ cai trị và nô dịch của ngoại nhân từ thời Pháp thuộc dĩ nhiên nhằm tạo ra một thứ quốc văn khác, không nhằm kế thừa quốc văn và quốc học truyền thống của Việt Nam. Cùng với những đặc trưng và khiếm khuyết tự thân của nó, chữ quốc ngữ khó mà nối tiếp trọn vẹn nền quốc văn và quốc học truyền thống, nhưng đó là việc của con người, đâu phải của công cụ. Trước 1945 người Bắc đọc văn Nam, người Nam đọc báo Bắc có khi vỡ đầu, chữ quốc ngữ ở Việt Nam thời ấy chỉ mới là chữ viết của các phương ngữ, điều đó cũng do con người mà cụ thể là người Pháp, vì họ căn bản đâu cần quan tâm tới sự thống nhất của tiếng Việt ở Việt Nam.

Tôi cố gắng nhìn chữ quốc ngữ và lịch sử chữ quốc ngữ như nó có thôi.

Hiện nay rất nhiều người có ý kiến về việc sử dụng tiếng Việt cho chuẩn, ông nghĩ gì về điều này?

Thứ nhất, muốn sử dụng tiếng Việt cho chuẩn thì trước hết phải hiểu đúng từ vựng trên cả ba phương diện từ nghĩa, từ pháp và từ nguyên. Đây là điều mà các từ điển tiếng Việt hiện có đều chưa đạt được trọn vẹn, nên những người quan tâm tới tiếng Việt còn có rất nhiều việc phải làm, những người hoạt động văn tự còn có rất nhiều điều cần lưu ý. Ví dụ nhiều người hay viết “Năm 1964 đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam”, đọc qua giống như bình thường nhưng thật ra chẳng ra chương pháp gì cả. Chuyện đó là Chính phủ Mỹ chủ trương, không quân Mỹ thực hiện, danh phải chính thì ngôn mới thuận, chứ đế quốc là ai, chủ nghĩa đế quốc là ai mà có thể đi ném bom!

Thứ hai, chuẩn ngôn ngữ có nhiều cấp độ, ví dụ không ai viết hay nói “Bị quân ta tấn công, quân giặc chống trả rất kiên cường”, vì tuy không sai về từ nghĩa tức đúng chuẩn từ vựng lại không đúng về thái độ, tức chuẩn phong cách, chuẩn tình thái. Nói thêm cho vui, ví dụ ai đó nói “Ông A là một học giả lớn” thì còn phải xem y có thật lòng khen người ta hay không, chứ nếu y nói “Ông A là một học giả bự” thì chắc chắn là y không có ý định ấy đâu. “Bất cứ danh từ nào cũng có thể bị xuyên tạc bởi một tính từ”, điều này đặc biệt đúng với tiếng Việt, ví dụ “cái nghĩa địa nên thơ”, “sự nhạo báng trọng thể” vân vân. Tiếng Việt có hình thức ngữ pháp lỏng lẻo hơn các ngôn ngữ Ấn Âu, phong cách và tình thái vì vậy cũng là những công cụ biểu đạt. Những cái khuôn ngữ pháp cứng nhắc đơn điệu trong nhà trường hiện nay dường như không hề lưu ý tới các yếu tố này, nên không lạ gì mà tiếng Việt thuộc hệ thống giáo dục càng ngày càng rơi sâu vào tình trạng suy kiệt tiềm năng.

Thứ ba, tiếng là tiếng mà chữ là chữ. Việt Nam hiện nay dùng chữ quốc ngữ, bản thân chữ quốc ngữ có yêu cầu chính tả của nó, nhiều người lại lẫn lộn chuẩn chính tả với chuẩn ngôn ngữ. Ví dụ thông thường thì người ta nói một hơi “Mẹ chuẩn bị bánh trái quần áo cho tôi đi đường”, ai nghe cũng hiểu bánh trái quần áo là thức ăn vật dùng nói chung. Nhưng nếu câu ấy được văn bản hóa thì nhất định nhiều tòa báo hay nhà xuất bản sẽ sửa thành “Mẹ chuẩn bị bánh, trái, quần, áo cho tôi đi đường”, cụ thể hóa bánh trái quần áo thành một bản thống kê, những dấu phẩy máy móc có vẻ đúng chuẩn chính tả nói trên đã làm câu ấy vi phạm chuẩn ngôn ngữ – từ vựng trong tiếng Việt. □

 

Nhóm PV thực hiện

Tác giả

(Visited 52 times, 2 visits today)