Nhà phê bình, hãy tự cứu mình

Trong một buổi Café văn học do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội với chủ đề Phê bình văn học trên báo chí – Lí tính và Cảm tính, có một câu nói có phần cực đoan của đại văn hào Gớt đã được dẫn lại như một xúc tác cho buổi trò chuyện: "Hãy đánh nó chết đi, thằng khốn, vì nó là một nhà phê bình văn học". Và không khí của buổi tranh luận đã trôi đi trong một không khí đầy "máu lửa" như vậy. Những khác biệt chính kiến giữa các diễn giả, những đòi hỏi nôn nóng từ phía thính giả (nhiều người trong số họ cũng là những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu, những nghệ sĩ), tất cả đã đẩy cuộc trò chuyện đi từ việc tìm một diện mạo cho phê bình văn học trên báo chí đến các hình thức phê bình, yêu cầu phát hiện tài năng đối với nhà phê bình, vấn đề lí tính và cảm tính trong phê bình. Và dẫn đến một nhìn nhận rằng, phê bình văn học ở Việt Nam đang trong một cuộc khủng hoảng.

Sẽ không là quá khó để chỉ ra những triệu chứng của căn bệnh “khủng hoảng” trong phê bình nghệ thuật ở Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn chính là tìm ra bản chất của cuộc khủng hoảng này.
Giống như nền kinh tế, nghệ thuật Việt Nam đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi. Sẽ không phải là quá công thức khi nhắc lại rằng giai đoạn chiến tranh và thời kì bao cấp đã kịp tạo ra một nền nghệ thuật với những nguyên tắc riêng của nó. Đó là một nền nghệ thuật mang tính thống nhất, có tổ chức cao độ về phương pháp sáng tác, tổ chức sáng tác và xuất bản, công bố tác phẩm. Những thiết chế có tính nhà nước đảm bảo tất cả những điều này và đội ngũ văn nghệ sĩ được biên chế trong những thiết chế đó. Người nghệ sĩ – cán bộ với cả tất cả những mặt tích cực và tiêu cực chính là hình mẫu của cơ chế này. Bắt đầu từ Đổi mới, nền nghệ thuật ở Việt Nam bắt đầu bước vào một sự chuyển đổi. Tính thống nhất và có tổ chức của đời sống nghệ thuật đã có những thay đổi về cơ bản. Nó hiện diện qua sự thống nhất về một số nguyên lí cơ bản của lí tưởng sáng tác và sự quản lí nghệ thuật thông qua những thiết chế nhà nước. Còn lại, một bộ phận lớn của đời sống nghệ thuật đã được trả về cho đời sống dân sự. Các nhà xuất bản và nghệ sĩ phải đối diện với cơ chế thị trường. Các thành phần kinh tế tư nhân cũng được quyền tham gia vào hoạt động xuất bản sách ở những mức độ nhất định (mà thực tế, sự tham gia này là hết sức sâu sắc). Bên cạnh mẫu hình người nghệ sĩ – cán bộ, mẫu hình người nghệ sĩ tự do, hay nói theo một ngôn ngữ ít nhiều thời thượng, những nghệ sĩ “freelance” (kiểu những người hành nghề tự do khác với những công chức nhà nước) đã xuất hiện và ngày càng chiếm một số lượng đông đảo. Nói chính xác, nếu như chúng ta đã thừa nhận bản chất nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì có lẽ, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận nền nghệ thuật hòa nhập với những chuẩn mực thế giới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một thực tế.
Và khi bản chất của nền nghệ thuật đã có những biến đổi thì những mối quan hệ nền tảng làm nên một nhà phê bình nghệ thuật cũng không thể duy trì như cũ. Tất nhiên, có những vấn đề mà người viết phê bình ở bất cứ thời đại nào cũng phải đối diện. Điển hình như vấn đề về quan hệ giữa cái mới và những chuẩn mực. Sáng tạo nghệ thuật xuất sắc nào cũng hàm chứa trong nó hàm lượng của sự phá vỡ những chuẩn mực. Vậy mà nhà phê bình, suy cho cùng, cũng chỉ là sản phẩm của những chuẩn mực được tạo lập một cách bền vững. Đối diện với sáng tạo nghĩa là anh ta sẽ phải đem tất cả những chuẩn mực của mình ra thử thách. Chấp nhận thay đổi chính mình hay bỏ qua sáng tạo sẽ là vấn đề muôn thuở của phê bình. Hay là vấn đề về mối quan hệ giữa con người xã hội và con người nghề nghiệp trong một nhà phê bình (anh ta vừa có thể là bằng hữu của một nghệ sĩ vừa là người thẩm định của nghệ sĩ) hay yêu cầu phát hiện đối với nhà phê bình (sẽ là ảo tưởng khi cho rằng thời bao cấp, nhà phê bình chỉ có duy nhất một vai trò là “quất roi” này nọ). Nhưng rõ ràng những mối quan hệ mới đã xuất hiện. Điển hình như mối quan hệ giữa người đọc với tư cách người tiêu thụ với nhà phê bình với tư cách người sản xuất một sản phẩm tinh thần hay mối quan hệ giữa các nhà xuất bản với nhu cầu quảng bá sản phẩm và nhà phê bình có khả năng quảng bá sản phẩm đó. Sự chằng chịt của những mối quan hệ mới – cũ sẽ đặt nhà phê bình trước những thử thách và hình như việc vượt qua những thử thách này vẫn còn là bài toán không dễ giải với nhiều người.
Trên một bình diện khác, cũng phải thừa nhận mối quan hệ hết sức chặt chẽ giữa phê bình những thiết chế mà điển hình là thiết chế giáo dục. Một vấn đề muôn thuở là trong khi “thực tế sản xuất” (mà ở đây là các hoạt động sáng tạo nghệ thuật) là những yếu tố năng động thì thiết chế giáo dục luôn luôn là yếu tố có tính cách bảo thủ. Thực tế sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay giống như một phòng thí nghiệm tổng hợp khổng lồ truyền thống và cách tân, bản địa và ảnh hưởng ngoại lai. Chính vì thế nên mới có thể có hiện tượng những yếu tố hậu hiện đại có thể xuất hiện ở một tác giả bảo thủ về thẩm mĩ và đạo đức. Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ. Vậy nhưng, chúng ta lại phải thừa nhận một thực tế là các thiết chế giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học của chúng ta, ở những mức độ khác nhau, đều bảo thủ và “tụt hậu”. Một ví dụ nhỏ: các khoa ngữ văn ở các đại học lớn ở Việt Nam đa phần đều được tổ chức theo tiến trình văn học sử. Điều đó ít nhiều cho thấy quán tính kéo dài của một mô hình đại học có tính kinh viện và quay lưng lại với đời sống đương đại. Điều này đặt ra không ít khó khăn cho sự phát triển của phê bình nghệ thuật.
Trước những dấu hiệu khủng hoảng của phê bình, trước sự lan tràn của những tiêu cực trong đời sống phê bình, có không ít người bi quan. Đến mức, tôi biết có nhà phê bình đã nguyện sẽ làm “công ty vệ sinh” trong đời sống văn chương học thuật. Một đời sống nghệ thuật đẩy nhà phê bình đến một vị trí như vậy quả thật đáng buồn. Và có lẽ, chỉ có một con đường duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng này của phê bình. Đó là nhà phê bình, hãy tự cứu mình. Nếu không phê bình sẽ mãi mãi chỉ là một phụ phẩm của đời sống nghệ thuật.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)