Nhà thơ cần biết sợ thơ để người đọc còn cần thơ
Khi người ta tưởng mình sắp chộp được ý nghĩa của thơ, thơ vuột khỏi tay lúc nào không biết. Chế Lan Viên: Thơ là gì? Thơ là thơ lơ mơ... Vậy thôi. Chấm hết!
Thơ hình thành từ thuở có con người, và chắc chắn nó chỉ bị triệt tiêu với sự biến mất của loài người. Từ khi biết suy tư và có chữ viết, các tư tưởng gia, triết gia đã nỗ lực tìm cách định nghĩa thơ nhưng, bao giờ cũng bất lực và dừng lại trước bí ẩn của thơ. Người khác lại tiếp tục thử định nghĩa nữa. Voltaire: Thơ là hùng biện du dương, qua: A.de Musset: Thơ là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình, đến S.Mallarmé: Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bí huyền của cuộc sống… hay mới đây tại Việt Nam: Thơ là rác thải của cuộc sống con người! Có tổng hợp tất cả định nghĩa kia lại chắc gì đã ra hình hài thơ. Khi người ta tưởng mình sắp chộp được ý nghĩa của thơ, thơ vuột khỏi tay lúc nào không biết. Chế Lan Viên: Thơ là gì? Thơ là thơ lơ mơ… Vậy thôi. Chấm hết!
2. Thơ có lợi không?
Câu hỏi bức xúc, nhất là trong thời đại tốc độ, chuộng bề ngoài hôm nay. Câu trả lời: thơ không có lợi thiết thực, rõ ràng, có thể cân đong đo đếm được. Nhưng dẫu sao nó cho ta cái cảm nhận rằng nó vẫn có “lợi”.
– Thơ hiến tặng con người lối nhìn mới về cái đẹp, không phải cái nhìn mới về thế giới khách quan (vụ này các nhà khoa học lo) mà là cái đẹp của và cho tâm hồn. Mặt trăng chỉ là một định tinh giữa vũ trụ, qua con mắt của thi sĩ, trăng đã là chú Cuội, ả Hằng Nga… cho con người mơ mộng. Do đó, thơ làm đẹp cuộc đời.
– Thơ giúp giải tỏa phần nào đau khổ của con người. Khi ta bị bức xúc, bị đối xử oan khuất… một đoạn/câu thơ được đọc lên bất ngờ hóa giải những ẩn ức, khiến tâm hồn ta phần nào thanh thản.
– Thơ giúp con người trở thành người hơn, nhân bản hơn, biết thông cảm và tha thứ. Thử hỏi nếu không có Ariya Cam – Bini, xung đột hai tôn giáo này sẽ ra sao? Hố cách ngăn tình yêu giữa cô gái Chăm và chàng trai Bàni còn kéo dài đến bao giờ?
– Và ai dám bảo thơ không ích lợi thiết thực? Nhất Hạnh: trong gié lúa vàng đang trĩu hạt kia, câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” đã đóng góp bao nhiêu phần trăm công lao, ai biết?
– Cuối cùng, chính thơ ca đã góp phần rất lớn vào lưu trữ, phủi bụi hay tắm rửa và làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc. Có ai dám từ chối công sức này?
3. Thơ khác khoa học thế nào?
Thơ, từ lâu được xem là thứ nghệ thuật cao cấp nhất trong các nghệ thuật. Nó bao hàm cả họa, nhạc, vẻ đẹp của ngôn từ…
– Thơ thuộc thế giới thẩm mĩ; trong khi khoa học thuộc thế giới suy luận và thí nghiệm. Trong kĩ thuật thơ, câu sai lầm nhất với nhà thơ là: tôi có kinh nghiệm. Nhà thơ đã viết được một tập thơ xuất sắc không đảm bảo tập tiếp theo hay bằng hoặc hay hơn.
– Công trình khoa học dẫu tốt đến đâu vẫn bị vượt qua bằng tóm tắt để truyền thụ cho thế hệ sắp tới (được vượt qua là bản chất của khoa học); không ai đọc công trình khoa học thuộc thế kỉ trước cả, mà chỉ tiếp nhận thành tựu của nó. Trong khi ngược lại, thi phẩm luôn phải được đọc/học nguyên bản, càng tóm tắt càng sai lệch, và cổ điển luôn tốt hơn.
– Công trình khoa học đi sau luôn tốt hơn, mới hơn công trình trước: thế hệ mới luôn đứng trên vai những người khổng lồ; trong khi trong sáng tác nghệ thuật: anh/chị phải làm lại từ đầu.
4. Thơ và tri thức:
Thơ là tiếng nói của trẻ thơ, nhà thơ luôn tập luyện để nhìn sự vật như kẻ lần đầu trên trái đất này nhìn thấy, nói như Rilke. Nhưng trẻ thơ ở đây không được hiểu là trẻ nhỏ, mà trẻ thơ đã trải nghiệm qua ba cuộc hóa thân đau đớn. Nietzsche: từ lạc đà chất chồng bao gánh nặng tri thức của nhân loại trở thành sư tử cuồng nộ hủy phá tất cả, thanh tẩy tâm hồn để cuối cùng biến thành trẻ thơ. Một trẻ thơ có khả năng bước vào nước Thiên đường, như Phúc Âm dạy thế.
Trong lúc khoa học chất chồng càng nhiều tri thức càng tốt: ông buộc phải cập nhật khám phá mới, thành tựu mới hơn nữa, qua đó ông mới hy vọng có đóng góp của ông! Dĩ nhiên khoa học cũng cần học nhìn sự vật như thi ca nhìn – ngạc nhiên – nhưng đó là ngạc nhiên cho suy luận chứ không phải cho chiêm nghiệm cái đẹp.
Thật sai lầm tai hại nếu nghĩ rằng nhà thơ không cần tri thức hay không cần học kĩ thuật làm thơ.
5. Thơ second hand:
Nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, cái hay luôn đi kèm cái mới. E.Pound nói đại ý: Không thể có bài thơ hay theo cách thức của thế kỉ trước! Do đó vấn đề cách tân, đổi mới mãi là trăn trở hàng đầu của người làm thơ có lương tri.
– Nhịp sống hôm nay đã khác, nhịp điệu thơ cũng phải khác. Nó thách thức cái mòn cũ, do đó – thách thức chính nó. Ngay thể lục bát Việt thôi, từ Nguyễn Đình Chiểu qua Nguyễn Du rồi Huy Cận là bao lần nỗ lực thay đổi nhịp. Sau đó là Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê… Nếu không thì lục bát đã chết từ bao đời!
Maiakovski: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ. Sự ngắt đoạn và nhịp điệu của bài thơ còn hệ trọng hơn sự chấm câu…”. Charles Hartman quyết liệt hơn nữa: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa”.
– Chất liệu ngôn ngữ cũng vậy.Văn chương tiếng Việt cổ điển – ngoài đại bộ phận ca dao và vài cá nhân độc sáng ở một vài tác phẩm độc đáo – đa phần là các sáng tác mang nặng ước lệ vay mượn. Từ ngôn từ, điển tích, cốt truyện cho đến thể thơ, cách nhìn, cách thể hiện. Chỉ khi các tài năng thơ lớn như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… xuất hiện, các ước lệ vay mượn (từ Trung Quốc) mới được dần dần từ bỏ, sau đó bị phong trào Thơ Mới loại bỏ gần hết. Rồi Thơ Mới lại sáng tạo ra một ước lệ khác. Và… Muốn có thơ về Mùa thu, chúng ta đã sẵn ước lệ: cảnh vật là gió heo may, trời se lạnh, mây mù, lá vàng rơi…, tâm trạng là nỗi (lại nỗi) cô đơn, buồn tàn thu, nhớ nhung xa vắng… Ước lệ của tháp Chàm, nếu không cô độc, đồi hoang, gạch rụng, gầy mòn vì mong đợi, khóc thương thời liệt oanh… thì là kiêu hãnh dân tộc, sừng sững tâm linh, sáng ngời, đậm đà bản sắc… Thơ về Mỹ nhân, ước lệ luôn giăng ra cái bẫy: má hồng, phận bạc, liễu yếu đào tơ, tóc thề, màu mắt em xanh, tà áo dài tha thướt, gót sen… Tất cả đều ở cạnh tay, kẻ làm thơ cứ việc ráp vào, thay đổi chút ít là xong… bài thơ. Một bài thơ đã được lập trình trước từ sương mù quá khứ, được vô thức cộng đồng chấp nhận, không có gì mới nên chẳng thể lay động ở tầng sâu thẳm tâm hồn người đọc. Và dĩ nhiên – chúng rất ít sáng tạo.
– Thể thơ: Không cứ mãi lục bát vần vè, trong hành trình thơ tiếng Việt, nhà thơ đã tiếp nhận và sáng tạo thể thơ 5,7,8 chữ. Rồi Thơ tự do Tây phương, Thơ Tân hình thức Mỹ…
Một người làm thơ kém tài hoặc biếng nhác lao động nghệ thuật hay có khuynh hướng xài hàng cũ, hàng đã qua tay dùng. Từ đó, họ đẻ ra hàng loạt sản phẩm thơ second hand. Một nhà phê bình nói đại ý: Kẻ đầu tiên ví người nữ như hoa hồng thì tuyệt, nhưng người tiếp theo làm thế là kém. Cụ thể hôm nay, “vô thường” là từ của nhà Phật, Phạm Thiên Thư vận dụng vào thơ, Trịnh Công Sơn đưa nó vào nhạc thì hay, hoặc nếu dở cũng chấp nhận được. Nhưng sau đó đã có quá nhiều kẻ sử dụng lại khiến nó trở thành hời hợt. Ví dụ có thể tìm thấy khắp nơi trong các sáng tác thời thượng…
6. Thơ và cái giống thơ:
Cái giống thơ là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận. Ngộ nhận nên quá nhiều người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Rồi tập thơ được in ra hàng loạt để… tặng. Và khốn thay – không ai đọc cả! Vụ lạm phát thơ được báo động chục năm qua là có thật. Ở đây không phải chê trách hiện tượng này, mà nêu lên để tìm nguyên do.
Người ta rất sợ viết tiểu thuyết, chưa đề cập chất lượng, đơn giản chỉ vì tiểu thuyết thì… dài. Cần nhiều công sức và thời gian. Thơ – dễ nuốt hơn. Dễ thành… nhà thơ hơn. Hấp dẫn lắm, vậy thôi. Chưa nói việc phân ranh thơ hay với thơ dở, ngay cả thơ với cái giống thơ cũng khó phân biệt. Chỉ qua con mắt của nhà thơ tay nghề cao hay nhà phê bình có khả năng thẩm thơ tinh tế (không ít nhà tự nhận phê bình đã thất bại trong tiếp nhận cái mới, từ đó sai lạc hay thậm chí phản động trong thẩm thơ), chúng mới lộ nguyên hình sản phẩm xài rồi.
7. Làm sao phân biệt được thơ và cái giống thơ?
Chỉ có thể bằng phương pháp loại trừ. Cái giống thơ dễ đánh lừa người đọc bằng sự quen thuộc. Quen thuộc ở giọng điệu: du dương, êm tai, rất ru hồn! Quen thuộc ở thể thơ cổ điển: câu cú dài ngắn đều đặn, nó khác văn xuôi dài loằng ngoằng, nghĩa là hình thức nó giống “thơ”. Ngôn từ được sử dụng cũng thuộc hàng quen thuộc. Ví “nhớ” thì phải là “nỗi nhớ nhung xa vắng”, chứ “nhớ” cộc lốc thì mất hẳn chất thơ! Thơ quen thuộc thích sự mơ hồ hơn tính cụ thể của ngôn ngữ biểu hiện. Nữa: hình ảnh cũng phải “nên thơ” như: cô gái gánh lúa dưới ánh hoàng hôn, tà áo dài, cánh cò nghiêng nghiêng…
Với kẻ tinh nghề và có xu hướng cách tân, thủ pháp chiều chuộng lối mòn này dễ bị bắt quả tang: nó không phải là thơ, hoặc chỉ là cái giống thơ; còn nếu quả quyết nó là thơ thì là thứ thơ dở, cũ mèm! Bên cạnh, có cái mới tuyên xưng rằng mình là thơ. Nó mới – không sai, nhưng đó chỉ là cái có vẻ mới, cái mới mới hay, mới thời thượng. Về lối thơ cách tân này, kẻ trong nghề cũng khó biện biệt thật giả. Thể thơ không cũ, ngôn từ rất bạo; tôi không vần vè nè, tôi chọn nhịp chỏi tai khó nghe nè… thì làm sao nhà bác dám bảo thơ tôi cũ! Không cũ, nhưng không phải thơ! Ngôn từ ông/bà không đủ sức nặng để chuyên chở tứ thơ mới, đấy là chưa nói nhịp điệu nội tại của thơ ông/bà hoàn toàn vắng mặt! Nó không có ở đó trong hơi thơ-hơi thở của ông/bà. Nó lạc điệu trong tổng hòa một thể nhất thống gọi là: bài thơ, tập thơ.
8. Kết luận:
Tóm lại: Nhà thơ phải học biết học sợ thơ… để người đọc còn cần đến thơ.