Nhà thơ. Năm tháng. Cuộc đời
“Cái gọi là truyền thống thi ca Nga chính là một thứ nạn!(...) Kể từ khi có Puskin, các nhà thơ Nga chỉ biết lặp lại hoặc mô phỏng, mô phỏng tư duy, bút pháp, thậm chí cả nội dung của ông, Akhmatova cũng là một trong số đó. Và giờ đây, lại có một lớp người bắt đầu mô phỏng Joseph Brodsky”. Tối 8/5/2006, nhà thơ Mikhail Khristoforovich Buznik 58 tuổi - người được biết đến với tinh thần tiên phong trong sáng tác trên thi đàn Nga- đã nói như vậy tại Bắc Kinh. Cuộc nói chuyện của ông ở Trung Quốc đã xóa bỏ phần nào bức màn ngăn cách giữa hai nền văn học láng giềng lâu nay không có mối giao lưu cần thiết.
Buznik nói, ở Nga, các nhà thơ chuyên nghiệp – tức những người từ bỏ tất cả để sống chết với thơ- không quá 25 người. Có hai nguồn giúp họ vẫn tồn tại – chỉ có thể gọi là tồn tại, chứ không phải sống. Một là các quỹ văn học nước ngoài, “ví dụ như tôi, tồn tại được nhờ quỹ văn học của Pháp. Số tiền này mặc dù chỉ đủ cho tôi ăn bánh mỳ, nhưng với tôi thế là đủ.” (Buznik khá nổi tiếng ở Pháp, từng đoạt giải thưởng Rimbaud của Pháp năm 2002.) Hai là các quỹ văn học trong nước, bao gồm quỹ của tổng thống và một số quỹ văn học do các công ty lớn lập ra, tất nhiên, số người được hưởng từ quỹ này rất ít. Một số tỉnh lẻ cũng lập ra khoản trợ cấp cho các nhà văn, khoảng 300 đôla Mỹ một tháng, nhưng ở Nga, khoản tiền này không thể đảm bảo được mức sống.
“Thơ ca và tiền bạc không thể chung sống hòa bình”, Buznik nói, không phải mọi người đều có đủ dũng khí để làm nhà văn hoặc nhà thơ. Sergey Khlebnikov thường đến viết ở nghĩa địa, nằm bò trên bia mộ để viết. Trên trời là quạ, dưới đất là hoa.
“Tình cảnh của tôi cũng không khác là mấy, tôi thường viết trong trạng thái dở đói”. Ông nói, “Con người hiện đại cho rằng không cần thơ ca, bởi họ đều không có thời gian để suy nghĩ về cái chết, ai còn đi ngẫm ngợi thơ ca nữa? Ngày nay, mọi người đều chỉ chắm chúi làm hai việc: một là mua, hai là bán, mà vứt bỏ tất cả. Đây là biểu hiện của sự trống rỗng cực độ của loài người, họ đang đến gần ranh giới của tinh thần cái chết. Và thi ca không cách gì gọi họ trở lại. Đó là bi kịch cuối cùng của con người. Nếu con người còn có một cuộc sống bình thường, thì thi ca bất diệt. Nhờ ý nghĩa ấy, tôi đã sống và viết”.
“Con người hiện đại cho rằng không cần thơ ca, bởi họ đều không có thời gian để suy nghĩ về cái chết, ai còn đi ngẫm ngợi thơ ca nữa? Ngày nay, mọi người đều chỉ chắm chúi làm hai việc: một là mua, hai là bán, mà vứt bỏ tất cả. Đây là biểu hiện của sự trống rỗng cực độ của loài người, họ đang đến gần ranh giới của tinh thần cái chết. |
Thời đại
Các độc giả Nga hiện nay nhìn nhận như thế nào về các nhà thơ thời đại Liên Xô, như Mayacovski, như Simonov?
Buznik nói, tác phẩm của các nhà văn Liên Xô hiện nay hầu như không còn xuất bản, chỉ còn một số tác phẩm miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là vẫn được ấn hành, như một số thơ của Simonov. Những nhà văn thời Liên Xô nay còn xuất bản sách cũng chỉ có Pasternak và Mandelstam.
Học giả Trung Quốc Trương Tiệp trong tác phẩm “Hôm qua và hôm nay của nhà văn Nga” (NXB Trung Quốc Văn liên, 11/2000) có nhắc đến chuyện, 15 năm trước, một nữ thi sĩ đã tự sát vì bất mãn và thất vọng về chính trị đương thời. Được hỏi, đây là có phải là phản ứng đúng đắn của nhà thơ với hiện thực? Nhà thơ nên xử lý mối quan hệ với hiện thực chính trị như thế nào? Buznik nói, sau khi Liên Xô giải thể, rất nhiều nhà văn Nga ra nước ngoài, nhưng sau đó hầu hết đã trở về dù phần lớn trong số đó đã có quốc tịch nước ngoài. “Tôi nghĩ đó là vì một nhà văn không thể xa rời môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ông ta không thể sáng tác lâu dài trong môi trường ngôn ngữ khác, cũng không thể tìm được những cảm hứng sáng tạo”.
Ông nói: “Không chỉ nữ nhà thơ nọ, cũng không chỉ nhà thơ, rất nhiều nhà văn Nga đều không thể thích ứng được với bối cảnh hiện nay. Sau năm 1991, các nhà văn bị đẩy từ thái cực này sang thái cực khác – thái cực cuộc sống và thái cực chính trị, hoàn toàn không có một sự lựa chọn trung tính hay ôn hòa. Hoàn cảnh của Nga hiện nay như một người không buồn thoát khỏi gông cùm, ôm lấy một sự tự do hư vô. Người viết không thể có được trạng thái tự do để sáng tác.
Trung Quốc
Những gì người Trung Quốc biết về thi đàn Nga không nhiều, nhưng vẫn có những tập thơ của các nhà thơ Nga thế kỷ 20 được xuất bản, một số còn được xuất bản liên tục, ví dụ như các tác phẩm của Mandelstam, Akhmatova, Pasternak, Tsvetayeva…
Được hỏi “Theo ông, ai là nhà thơ tiếng Nga vĩ đại nhất thế kỷ 20?”, Buznik không chút lưỡng lự: “Velemir Hlebnikov”.
Ông bổ sung thêm, những nhà thơ tôi vừa nói đến đều bị ảnh hưởng bởi Puskin. Nhưng 10 năm gần đây, các nhà thơ Nga đã liên tục có những bước tiến mới, trong đó có Velemir Hlebnikov, Voznesensky, Kedlov và bản thân ông.
Hiện nay thiếu vắng một mối giao lưu cần thiết giữa nền văn học của hai quốc gia lớn láng giềng, và hậu quả là văn đàn Nga cũng biết rất ít về Trung Quốc, nhất là những tin tức gì về các nhà văn đương đại. Học viện âm nhạc Tchaicovsky của Moscow có rất đông học sinh Trung Quốc, nhưng số đông này khi được hỏi về các tác giả, tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại, thảy đều ấp úng. Đây là một thực tế đáng lo ngại. Và “điều này rất dễ để lại cho chúng tôi ấn tượng: Trung Quốc hoặc không có văn học, hoặc không có văn học hay”.
Ngôn ngữ
Bước vào thế kỷ 21 với sự bao phủ của Internet, tiếng Anh đã xuất hiện ở mọi ngóc ngách của thế giới, các tác giả viết bằng tiếng Anh, bởi vậy, có một ưu thế đặc biệt. Phải chăng các nhà văn tiếng Nga hay tiếng Hán sẽ ngày càng mất giá?
“Tôi cho rằng sự bành trướng của Internet và tiếng Anh không có ảnh hưởng gì lớn tới thi ca”, Buznik nói, ông dẫn chuyện Puskin từng dùng tiếng Pháp để làm thơ, và hỏng! “Ngôn ngữ là hình thức của thi ca, thi ca là nội dung của ngôn ngữ, không thể tách rời. Ngôn ngữ ở đây là ngôn ngữ mẹ đẻ, chứ không phải ngôn ngữ ngoại lai. Thi nhân thuộc về thứ tiếng nào thì nên dùng và cũng chỉ có thể dùng ngôn ngữ ấy để sáng tác. Bởi vì hàm ý của mỗi tầng ngôn ngữ đều thông qua sự quá độ tự nhiên từ một từ sang một từ kế tiếp, mà sự quá độ này có thể hoàn thành mà không phải thông qua tiếng ngoại lai.
Vậy còn thi ca? Hôm nay thơ có còn ý nghĩa?
“Không có thi ca, loài người sẽ chết” – Buznik đáp như đinh đóng cột – “khi thơ mất đi, xã hội người sẽ nhanh chóng tiêu tan. Mọi của cái vật chất trước mắt, ngẫm cho cùng, phù hoa cả”./.
Nhuệ Anh lược dịch từ Trung Hoa độc thư báo 5/ 2006
—————-
Chú thích ảnh: Nhà thơ Buznik