“Nhà trẻ” cho người già
Trẻ có cái đẹp của trẻ, già có cái đẹp của già. Giữa trẻ và già không có gì khác nhau. Cái khác là thời gian. Và mục đích của “nhà trẻ” không phải là kéo lui thời gian, mà làm thế nào để thời gian đang sống lúc nào cũng tràn đầy phong phú, mầu nhiệm.
Hãy thử tưởng tượng, chu trình sinh hoạt của một gia đình có ba thế hệ cùng chung sống: Sáng, cha mẹ đi làm, con cái đến trường, còn ông bà thì đi… “nhà trẻ”. Tối về, cả nhà quây quần kể cho nhau nghe những chuyện trong ngày. Thú vị quá phải không?
1/ Thế nào là “nhà trẻ” cho người già? – Là cái nhà mà người già đến sinh hoạt để mình như được trẻ lại. Gọi là “nhà trẻ” còn với nghĩa học viên được chăm sóc, cưng chiều như trẻ thơ. Và đã là nhà trẻ thì đều giống nhau ở chỗ, chơi nhiều hơn học. Nhưng đặc biệt tại “nhà trẻ” này, “học trò” muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, không ai ép. Từng người cứ thoải mái chọn lựa môn mình thích học, thích chơi rồi đóng học phí cho “nhà trẻ”, là xong. Vậy người già học cái gì? – Học tất cả những gì mình thích mà khi còn trẻ vì nhiều lo toan chưa có điều kiện để học: ngoại ngữ, vi tính, nắn tượng, hội họa, chụp ảnh, thư pháp, cắm hoa, cây kiểng, múa, hát; học viết văn, làm thơ, viết báo, viết sách… Và, người già chơi cái gì? – Thích gì chơi nấy: cầm, kỳ, thi, họa, thiền, dưỡng sinh, yoga, khí công, đi dạo, bơi lội, ngồi suy tư một mình… Tư duy kinh doanh của “nhà trẻ” là: bán thứ khách hàng cần!
2/ “Nhà trẻ” này có “cô nuôi”… người già không? – Có chứ sao không, “chăm già như chăm trẻ” mà. Nhưng, thay vì lo ăn, dỗ ngủ, dạy học, bày chơi, như các nhà trẻ của trẻ thì ở đây, các thầy cô giáo chỉ cần tạo ra cái sân để người già tự học, tự giao lưu kết bạn và chăm sóc lẫn nhau. Riêng những lĩnh vực cần kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm, kiến thức,… thì thầy cô giáo (là những người đã từng làm thầy nay đã nghỉ hưu hoặc có thể là các học viên tự hướng dẫn cho nhau) sẽ cầm tay chỉ việc, vừa dạy vừa dỗ cho đến khi học viên thành thạo mới thôi. Những sản phẩm do học viên làm được, thầy cô giáo sẽ tìm cách giới thiệu, trưng bày, quảng bá, để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Cũng có thể nhà trẻ sẽ dành để biếu nơi này, triển lãm nơi kia hoặc để bán nếu thị trường có nhu cầu. Có như thế người già mới tiếp tục sống vui, sống khỏe và sống có ý nghĩa.
3/ Hoạt động ở nơi này có phong phú, sinh động không? – Trên cả mức tuyệt vời! “Nhà trẻ” có trang bị phòng vi tính để trái đất được thu nhỏ lại khi đôi chân người già không còn dọc ngang như trước, có góc chơi cờ dành cho các kiện tướng đến thi thố tài năng, có thư viện với nhiều loại sách quý hiếm để người già chìm đắm trong thế giới sách. “Nhà trẻ” còn là điểm hội tụ của người yêu thơ, yêu sách, yêu nhạc, yêu hội họa… Và “nhà trẻ” còn có cả những góc riêng dành cho những ông bà thích bàn những chuyện thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… Tại “nhà trẻ”, người già nói sẽ có người nghe vì cùng sở thích, có người trao đổi kiến thức vì cùng trình độ, có nơi kết bạn tâm giao, có chỗ gặp người tri kỷ. Nếu “nhà trẻ” được xây dựng gần chùa, do doanh nhân Phật tử kết hợp với chùa đầu tư thì tính nhân văn chắc chắn sẽ giàu hơn. Tất cả những điều đó sẽ giúp người già thân tâm an lạc; nỗi trống trải, cô quạnh ở tuổi về chiều nhờ vậy sẽ vơi đi. Đó cũng là niềm mong muốn của gia đình và xã hội đối với người cao tuổi.
4/ Trong “nhà trẻ” này, người già sinh hoạt như thế nào? – Lo gì! Đã đến độ tuổi “gió heo may” thì từng người trong họ sẽ biết chọn bạn mà chơi, chọn nhóm mà vào, phù hợp với sở thích, cá tính của riêng mình. Ngoài những buổi học chính khóa, để tránh nhàm chán, “nhà trẻ” còn tạo thêm những buổi giao lưu, thắng cảnh, hành hương, làm từ thiện, hoạt động xã hội… “Nhà trẻ” còn có những chuyên gia tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, và chăm sóc sức khỏe lành mạnh. Riêng về ăn uống thì tùy thích: ăn chay, ăn kiêng, ăn sang trọng, ăn tiết kiệm, ăn giảm béo, ăn theo toa bác sĩ… học viên cứ đến nhà ăn mà đặt hàng. Nhưng nếu ai đó không rộng rãi lắm về tiền bạc, hoặc kỹ tính về ăn uống, cứ giở cơm nhà theo, tới giờ cơm đem ra ăn chung với bạn bè. Vui là chính, ăn là phụ. Những sinh hoạt thú vị này chỉ có ở loại hình “nhà trẻ” cho người già, từng gia đình riêng lẻ không thể tạo dựng được.
“Nhà trẻ” cho người già, sự cần thiết của xã hội
“Nhà trẻ” cho người già là một loại hình kinh tế nhân văn, chú trọng an sinh xã hội, vì thế lợi nhuận thuộc hàng thứ yếu. Nhu cầu “nhà trẻ” này chỉ xuất hiện khi đời sống của đại bộ phận người dân chuyển từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Ở Việt Nam số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10% dân số và do cuộc sống đã sung túc hơn cho nên tuổi thọ cũng tăng, nam 71,7 năm; nữ 75 năm, cao hơn mức trung bình của thế giới. Gần đây người thành thị lại có xu hướng thời thượng ngại lập gia đình, thích sống thoải mái tự do không vướng bận con cái. Cũng không thể không tính đến số người Việt lớn tuổi đang sinh sống ở nước ngoài có nhu cầu về định cư tại quê hương…
Lại thêm, để dồn sức ưu tiên cho phát triển kinh tế bền vững, Nhà nước không còn cách nào khác là phải ban hành chính sách hạn chế sanh con. Viễn cảnh, một cặp vợ chồng trẻ phải giảm thời gian làm việc, học tập, nghiên cứu, hưởng thụ, để chăm sóc cho nhiều người lớn tuổi trong gia đình là điều khó tránh khỏi; có thể sự phát triển kinh tế xã hội cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng. Dù hiện nay tháp tuổi hình nón ở nước ta khá lạc quan, trẻ là đáy, già là đỉnh, nhưng với tốc độ lão hóa dân số đang tăng nhanh cho thấy trong tương lai gần cái nón đó sẽ bị lật ngược. Vì vậy, vấn đề chăm sóc người cao tuổi không chỉ là nỗi bận tâm của từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có giới kinh doanh.
Bằng trực giác nhạy bén của người kinh doanh, giới doanh nhân nhận biết vào thời điểm hiện nay mô hình “nhà trẻ” cho người già là sự cần thiết cho xã hội Việt Nam. Và giới doanh nhân thật sự muốn góp phần chia sẻ trách nhiệm này với Nhà nước, với cộng đồng thông qua hoạt động đầu tư “nhà trẻ” cho người già. Nhưng trong cơ chế thị trường, kinh doanh là kinh doanh, bài toán kinh tế không thể giải bằng lời giải xã hội. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển thì phải có lợi nhuận, kể cả lợi nhuận thu được từ loại hình kinh tế thắm đượm tính nhân văn. Do vậy, tuy nhận biết xã hội có nhu cầu, giới kinh doanh vẫn chưa dám bung vốn đầu tư “nhà trẻ” cho người già vì ngại rủi ro, ngại môi trường đầu tư chưa thuận lợi.
Để ý tưởng “nhà trẻ” cho người già sớm trở thành hiện thực và để giới kinh doanh thể hiện thành công nghĩa cử cao đẹp của mình; thiển nghĩ, Nhà nước nên trở thành “bà đỡ mát tay”. Nếu “nhà trẻ” cho người già có một cơ chế thông thoáng cùng những chính sách hấp dẫn, thì tự nhiên thị trường này sẽ hóa thành “chỗ trũng”, thu hút dòng vốn của giới kinh doanh tìm đến chảy vào.