Nhà tre và nhà gỗ trong kiến trúc dân sinh truyền thống (Bài 1)

Kiến trúc dân sinh truyền thống là phần dễ thấy trong đời sống hằng ngày, nhưng lại khó tìm được một ngôi nhà nào cách đây quá hai trăm năm, do chúng không được gìn giữ như các di tích kiến trúc tôn giáo cổ. Mặt khác, ngôi nhà bình dân truyền thống xưa kia vốn được xây dựng bằng những vật liệu không bền, bị nắng mưa thời tiết hủy hoại dần trong đời sống thường nhật.

Nếu cần tìm những hình ảnh có tính lịch sử, thì chính trên trống đồng cho thấy vài dạng nhà cổ xưa nhất, từ thời thị tộc nguyên thủy, cách đây hơn 2.500 năm. Có hai loại nhà, hoặc mái cong chéo ra hai phía như con thuyền, hoặc mái tròn như mai rùa úp. Chúng tôi gọi tạm đó là ngôi nhà cái và ngôi nhà đực. Hai kiểu thức mái đó hiện có thể thấy trong quần thể tháp Chàm Po Klong Garai ở Phan Rang. Những ngôi nhà mái cong chéo ra hai bên thì hiện còn có ở nhiều làng cổ Indonesia. Nhà này thời Đông Sơn là ngôi nhà cộng đồng giống như đình làng, còn nhà mái úp mai rùa là nhà dân sinh. Riêng ngôi nhà cộng đồng trở thành hình ảnh kiến trúc tiêu biểu từng thấy trong đình làng, nhà Rông Tây Nguyên, nhà Gươl Cà Tu.

Chúng ta có thể kê ra đây những hình thức xây dựng dân sinh truyền thống: nhà tranh vách đất và nhà tre thuần túy, nhà đất trình tường, nhà xây đá ong, nhà gạch vì kèo gỗ, nhà vì kèo gỗ lợp ngói, nhà sàn Mường, Thái, Tày, nhà gạch mái thu hồi (ở thành thị), nhà dài Tây Nguyên và Gươl Cà Tu, nhà gỗ gạch Huế và Quảng Nam… Tên gọi và sự tiêu biểu của hình thức mỗi nơi có nét riêng, do phong thổ, địa vực, tập quán vùng miền, song có thể nói tính thống nhất của cách tổ chức không gian những ngôi nhà của nông dân Việt Nam khắp cả nước tương đối như nhau, đồng thời có những nhóm sắc tộc cũng có những hình thức xây dựng riêng biệt.

Nét chung lớn nhất của xây dựng dân sinh Việt Nam truyền thống là không hướng về sự vĩnh cửu, tuổi thọ của những ngôi nhà gỗ lợp ngói vài chục năm phải tu sửa nhỏ, trăm năm tu sửa lớn, và đến hai trăm năm gần như làm lại hoàn toàn. Những ngôi nhà xây dựng bằng tre, nứa và đất thì tuổi thọ còn ngắn hơn và thực ra ngay từ đầu nó không phải là thiết kế bền vững, tuổi thọ chỉ từ 10 – 20 năm. Tuy nhiên nhà trình tường và nhà đá ong, phần tường lại khá bền vững, có thể lên đến hàng trăm năm, mặc dầu vậy, nó gây cảm giác nặng nề mà người nông dân luôn muốn thay đổi.

Về tất cả các mặt, người nông dân luôn thực dụng, nghĩ gần, ngôi nhà, thửa ruộng là tài sản yêu quý mà họ luôn muốn giữ gìn lâu dài. Trách nhiệm của người bố là làm ngôi nhà cho người con ở, và nếu truyền được đến đời cháu càng tốt. Họ đã tìm được vật liệu gỗ, đặc biệt là gỗ lim có khả năng duy trì ngôi nhà đến năm đời, nếu tính mỗi thế hệ từ 20 – 25 năm. Song trên thực tế, không phải gia đình nào trong làng cũng làm được nhà gỗ lợp ngói, mà luôn có đến 90 – 98 % nhà trong làng là tranh tre nứa lá, đất và chút gỗ vì kèo (có thể). Thực tế này kéo dài cho đến tận thập kỷ 1970 và trong chiến tranh thì hầu hết các nhà tập thể, trường học xây dựng ở nông thôn khởi dựng là nhà tranh trát đất. Một nhà thơ viết rằng: Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ, quả không sai và nó phản ánh trước tiên bằng các hình ảnh nhà ở dân sinh. Có thể nói là tùy từng thời gian và kinh tế cụ thể, có lúc nhà gỗ tăng lên, có lúc nhà tre đất tăng lên, hình thức kiến trúc thì vẫn thế, nhưng khi nào nhiều nhà tre đất là khi đó đang nghèo.

Khi một người nông dân nghèo trong làng làm nhà, xây dựng một gia đình mới, cả làng sẽ đến giúp anh ta. Tre thì anh ta phải chuẩn bị lấy – từ vài năm trước, anh ta đã phải ngâm một bè tre – đất và rơm rạ là nguyên liệu độn thì không khó kiếm, rau gạo nấu ăn cho cộng đồng hôm làm nhà cũng sẽ do từng người đến giúp mang theo và tất cả sẽ ghi công nợ cho anh chàng này, và anh ta cũng sẽ phải đi làm để trả nợ cộng đồng vào những dịp khác.

Trước tiên người ta san nền, đất được xới lên, bừa nhỏ, rồi đập xuống cho chặt. Những người khác sẽ đục vì kèo tre nhanh chóng trong một buổi. Những thanh tre được chẻ vuông buộc gá vào vì kèo làm cốt vách, sau đó rơm được băm ra, trộn với đất và bùn rồi trát lên khung cốt tre làm tường (đan đứng). Mái nhà sẽ được rải rui mè, rồi lợp bằng chính rơm rạ đánh thành từng mê gọn gàng. Xong xuôi bốn góc sẽ được căng dây chống bão bằng tre vặn và mái được chặn bằng các đòn tre phòng khi có gió lớn tốc mái. Công trình này gồm ba gian, gian giữa lớn nhất cho cả nhà, hai gian buồng hai chái, một dành riêng cho đôi vợ chồng, một dành cho mẹ già, hoặc kho chứa nông cụ, thực phẩm. Sau này tất cả đồ đạc: bàn ghế, chõng, chạn, giường cũng đều làm bằng tre cả. Có thể nói tất cả đời sống vật chất của người nông dân đều liên quan đến tre. Ngôi nhà tre có chiều sâu chừng hai thước rưỡi, chiều rộng (mặt ngang nhà) là năm thước, chiều cao tính từ chân đến nóc chừng ba thước rưỡi, đó chính là tổ ấm của người nông dân nghèo Bắc bộ xưa. Đôi khi người ta lợp mái xuống rất thấp, ra vào nhà lúc nào cũng phải cúi. Tuy vậy thì trong nhà khá mát về mùa hè, và ấm vào mùa đông. Người nông dân sống trong căn nhà tre chẳng có màn cũng chẳng có chăn, nếu muỗi thì dùng cái đĩa sành cho trấu và chút than củi hun khói; nếu rét thì đắp chiếu hoặc làm ổ rơm.

Có thể nói ngôi nhà sàn của người Mường và người Thái là một hình thức nhà ở dân sinh cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, mà cho đến nay nó vẫn còn giá trị thẩm mỹ cũng như công năng. Ngôi nhà sàn chính là tiền thân của kiến trúc đình làng Bắc bộ. Giữa nhà sàn Mường – Thái và đình làng Bắc bộ có sự chuyển tiếp và những tương quan kết cấu gần gũi. Cũng là nhà sàn nhưng nhà sàn của tầng lớp trên ở Mường là Lang đạo và ở Thái là Phìa tạo mới đáng kể, còn nhà sàn của tầng lớp bần cùng Mường -Thái cũng chả hơn gì nhà tre đất của nông dân Bắc bộ. Nhà sàn Mường vốn được làm từ truyền thuyết con rùa dạy họ làm nhà bằng chính bản thân nó. Mai rùa là mái nhà, bốn chân là bốn cột chính. Ngôi nhà sàn Mường cũng được xác định như vậy về cấu trúc. Bốn cột chính được dựng ở bốn phía đầu nhà sàn, trên đầu cột gác các vì chéo, trên đó đặt đòn nóc, khoảng từ các cột chính theo chiều ngang ngôi nhà sẽ có những cột phụ phân khoang và chịu lực. Tất cả các cột đều được chôn sâu xuống đất từ thước rưỡi đến ba thước, còn tất cả các đòn trên vì kèo chỉ gác lên nhau mà không nối bằng kết cấu mộng. Đây là sự tổng kết lâu đời của nhà sàn Mường vốn ở địa hình có lũ núi và đất lở, nếu điều đó xảy ra, ngôi nhà cũng không bị đổ và vì kèo chỉ xô lệch chứ không vặn gẫy. Trên vì kèo, người ta rải các đòn tre để lợp mái gianh. Mái gianh được lợp rất dầy, vươn tới gần hết cửa sổ, đua ra xa khỏi khung chính của ngôi nhà, và được xén tròn như mai rùa; sàn nhà cao trên mặt đất từ hơn một thước cho đến hơn hai thước. Mặt sàn rải bằng tre bương, hoặc nứa đập dập. Ngôi nhà chia hai cầu thang, một cầu thang chính đi vào gian đầu, gần bếp nấu trà của gia chủ; một cầu thang phụ đi lên bếp lớn của cả nhà để phụ nữ mang nước theo đường đó. Đối diện với bếp phụ nấu trà là cửa sổ, cột chính và bàn thờ, nơi đó chỉ dành riêng cho ông chủ nhà và thần linh.

Ngôi nhà sàn là sản phẩm của đời sống núi rừng nhiều muông thú, mưa rừng, lũ cục bộ, khí hậu nóng ẩm và đứng về mặt tinh thần, nó phù hợp với lối sống không có Tam giáo (Nho – Lão – Phật), ngoài tín ngưỡng Mo Mường và cộng đồng gia đình – làng bản ít tham vọng. Ngôi nhà không phân chia khoang buồng tuyệt đối, không có bàn thờ chính giữa trang trọng, không lấy nguyên tắc đăng đối chính trục ngôi nhà phân định thứ bậc, đi về không khóa cửa, không có những sinh hoạt quá riêng tư diễn ra đồng thời với cách sống của từng người. Khi tách ra khỏi người Mường, người Việt (Kinh) cảm thấy ngôi nhà sàn không đáp ứng được cuộc sống mới và những quan niệm Tam giáo của mình. Đứng về mặt xây dựng, việc chuyển từ nhà sàn xuống nhà đất cũng dễ dàng, nhưng đứng về mặt phân chia không gian theo tập tục thì nhà sàn hoàn toàn khác với nhà dưới đất dạng ba gian hai chái, hoặc năm gian lấy gian giữa làm trục đối xứng. Ngôi nhà của người nông dân Việt Nam dù là nhà tre trát đất, nhà trình tường, nhà đá ong, nhà gỗ lợp ngói thì cách phân chia không gian và tín ngưỡng được sùng bái cũng giống nhau. Ngôi nhà này sẽ cố gắng ngoảnh mặt về hướng đông nam thuận khí, mát về hè, ấm về đông, trước mặt có sân, ao cá, sau lưng có vườn, bên sườn có nhà ngang làm bếp, chuồng lợn, chuồng trâu, và nhà vệ sinh, trồng cau trước mặt, chuối sau lưng, hàng xóm kề bên cũng theo mô hình như vậy. Nhà nghèo thì ba gian, nhà khá thì năm gian, gian giữa khoảng chính giữa hai cột là ban thờ – bịch thóc, tấm phản ngựa chính giữa trước ban thờ, nơi chỉ dành riêng cho ông chủ và khách quý, hai gian hai bên kê giường cho người nhà, hai buồng cho vợ chồng, cha mẹ già và kiêm kho nông cụ, ngoài chái nhà là cối giã gạo, hiên rộng có lắp dại cửa cho trẻ con chơi và đặt cối xay thóc.

Người phụ nữ Mường có thể thay trang phục bằng cái váy của mình, được dùng như màn quây, và có thể đứng ở bất cứ đâu làm việc đó, nhưng người phụ nữ Kinh nhất thiết phải vào buồng. Trong ngôi nhà của người nông dân Việt (Kinh), tính gia trưởng và tôn ty trật tự gia đình, cũng như xã hội được đề cập ngay trong phương án kiến trúc. Điều đó thể hiện trong cách phân chia không gian đối xứng và một ban thờ chiếm hết đáy gian giữa, thậm chí nếu có hương án, ngai thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, nó choán hết gian giữa. Trong gia đình, mọi việc nhất nhất tuân theo quyết định của ông chủ – người cha. Nếu cha đi vắng thì người con giai trưởng thay thế, mâm cơm tiếp khách chỉ có thể là hai người này với khách mà thôi. Từ ngôi nhà dân sinh cho đến ngôi đình, ngôi chùa cũng theo nguyên tắc không gian như vậy, và qua hàng vài trăm năm, nó ngấm vào tiềm thức người nông dân những nguyên tắc xã hội chung, sự chấp nhận những tập tục dưới tư tưởng của Nho – Lão – Phật.

Nếu như vì kèo nhà sàn Mường chỉ có gác các hoành xà lên nhau, mà không có mộng lắp từ thành phần nọ đến thành phần kia, nhà tre chỉ có buộc hay đục con xỏ đơn giản, thì nhà vì kèo gỗ của người Việt (Kinh) đã hoàn thiện cấu trúc có tính khoa học.

Có bốn loại vì kèo cơ bản: vì kèo chồng rường, vì kèo giá chiêng, vì kèo giá chiêng kết hợp chồng rường, và vì kèo giả thủ (Huế). Vì kèo chồng rường có lịch sử lâu đời nhất, thấy được trong di tích kiến trúc chùa Dâu, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc… thời Trần, thế kỷ 13 – 14. Chồng rường có nghĩa là các thanh dầy đặt lên nhau liên tục lắp vào hai thanh xà nóc chéo xuống của khung tam giác, giữa các con rường có đấu kê, khoảng cách giữa các thanh rường rất thấp. Bộ mái lợp ngói dầy rất nặng, những mái đình cổ ngói được lợp dầy đến nửa thước, và sà thấp đến 2/3 chiều cao của ngôi đình, lại vươn cong ở bốn góc, với bộ mái như vậy lực đè rất lớn tác động đến khung vì kèo chịu lực, nên khung vì kèo làm theo lối chồng rường dầy đặc rất khỏe. Và thực ra chỉ có bốn cột chính, làm thành hai vì kèo chịu lực đè trọng tâm vào ngôi nhà.

Loại vì kèo giá chiêng, với khung rỗng như cái giá treo chiêng, yếu hơn, nhưng thông thoáng, có thể nâng cao ngôi nhà, phù hợp với các bộ mái không quá nặng, lợp ngói vừa phải.

Để nâng được chiều cao ngôi nhà mà vẫn chịu lực đè tốt, người ta kết hợp hai loại vì kèo này, gọi là giá chiêng kết hợp chồng rường, đồng thời lắp rất nhiều ván chạm khắc dầy vào các khoảng rỗng ở vì kèo (cốn) và tuyến ngang vừa trang trí vừa phân tán lực đè.

Vì kèo giả thủ (tay giả) có nhiều cột đỡ lửng từ vì kèo vươn lên đỡ các đòn nóc và các xà chạy tuyến ngang. Hình thức này có lẽ được cải tiến từ chi tiết đấu củng của kiến trúc gỗ Trung Quốc.

Bốn loại vì kèo trên được sử dụng chủ yếu ở xây dựng quy mô trong các kiến trúc tôn giáo và cung đình, nhà gỗ dân sinh chủ yếu dùng loại giá chiêng đơn giản, hoặc loại kết hợp với chồng rường cũng đơn giản với khung vì kèo không quá cao to. Nhà gỗ dân sinh cao cũng chỉ bốn thước, lòng nhà không quá sâu, chừng ba thước, song chiều ngang có thể phát triển, từ ba gian, năm gian, những nhà quá khá giả mới làm trên năm gian, tức là bảy gian, chín gian, thậm chí ở Ninh Bình chúng tôi đã thấy một ngôi nhà cổ 13 gian, dài hơn cả cái đình.

Ngôi nhà gỗ dân sinh được làm rất hoàn thiện từ chi tiết đến tổng thể, vì không chỉ vì kèo, mà cả tường bao, tường ngăn đều làm bằng ván gỗ cả. Trên cơ sở khung vì kèo, người ta sẽ phân chia không gian, bao giờ cũng có hai gian buồng hai đầu, tường phân cắt được lắp thành từng ván nhỏ, ép dưới các cây gỗ bổ đôi hình bán trụ tròn, phần tường tiếp giáp với vì kèo trên được trang trí rất cầu kỳ. Xung quanh chân cột có hàng xà thấp làm ngưỡng cửa chạy hết mặt tiền ngôi nhà đến hai gian buồng. Trẻ con phải leo qua, chó khó nhẩy vào trong nhà. Mặt sau nhà thì tiếp giáp với vườn, mặt trước thường nối thêm đòn tay (hoặc tiền kẻ hậu bảy, hoặc tiền bảy hậu kẻ tùy theo) cho rộng mái hiên. Hiên nhà rộng tính từ khung cột ra ngoài mặt nền, giọt gianh, có khi đến thước rưỡi và ngăn với thềm sân bằng dại cửa, tạo không gian trống thoáng mát cho người ngồi chơi, dệt vải, đan lát, uống trà. Nền nhà được tôn cao, với ba bậc lên (tam cấp) xây bằng gạch bó đá, các chân cột đều kê đá (thạch tảng), công trình này có thể tồn tại hai ba trăm năm mới cần tu sửa. Tất nhiên đây là đỉnh cao của kiến trúc dân sinh nông thôn, và gia đình phải tương đối giàu có mới làm được ngôi nhà như vậy. Một ngôi nhà như thế không dưới hai năm thi công, đấy là chưa kể các đồ nội thất và đồ tế tự mất hàng chục năm sau mới sắm đủ. Cho nên người nông dân coi ngôi nhà là công trình lớn nhất của đời người, mặc dù thuê thợ xây dựng, nhưng người nông dân luôn tự hào chính mình làm ra ngôi nhà đó, nên nói rằng: tôi làm nhà năm nay, tôi vừa làm nhà, tôi vừa xây nhà, nhà tôi vừa cất… chứ không ai nhắc gì đến phường thợ nữa. Họ là những kẻ vô danh thuộc giai tầng thứ ba, còn thấp hơn cả nông dân.

Vào cuối thế kỷ 19 đầu 20, khi kiến trúc phương Tây có mặt ở Việt Nam, người ta thấy xây dựng gạch vôi xi măng cũng tiện và có thể xây cất những công trình cao rộng hơn kiến trúc truyền thống, nhiều làng ngoại thành Hà Nội và nhiều nhà giàu nông thôn có xu hướng kết hợp kiến trúc gỗ truyền thống với kiến trúc gạch mới. Về cách phân chia không gian, hoặc vẫn được làm theo kiểu không gian đối xứng với ban thờ ở giữa như trước, hoặc phân buồng nửa Tây nửa Ta với căn nhà kéo dài theo tuyến sâu từ mặt đường đến đáy ngõ, có tường bao quanh, thay vì dàn trải theo chiều ngang. Cái này có thể thấy trong xây dựng đầu thể kỷ ở các làng Ngọc Hà, Chèm, Nhân Chính và một lớp người mới nửa thị dân nửa nông dân cũng hình thành ven kinh đô cổ kính.

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)