Nhà tre và nhà gỗ trong kiến trúc dân sinh truyền thống (Bài 2)

Người Việt thích sống trên con thuyền và cũng chết trên con thuyền. Điều này còn kéo dài cho đến tận thế kỷ 17 với một đất nước có lắm sông ngòi, đầm hồ.

Yếu tố địa lý quy định ngôi nhà phải chống mưa chống nắng, chống lũ lụt thế nào, sử dụng nguyên liệu gì; còn con người trong cái miền đất cụ thể đó có những thói quen sinh sống nhất định mà trở thành truyền thống. Thế nhưng đối với người Việt hóa ra ngôi nhà lại không có tính quyết định đến như thế, người Việt thích sống trên con thuyền và cũng chết trên con thuyền. Điều này còn kéo dài cho đến tận thế kỷ 17 với một đất nước có lắm sông ngòi, đầm hồ. Những ghi chép của người phương Tây vào Việt Nam cũng cho biết như vậy. Như vậy người Việt (Kinh) và người Mường khác nhau căn bản về cách định cư. Người Mường rất xa lạ với sông nước và con thuyền, người Việt thì gần với người Đông Sơn ở khía cạnh này hơn, khi cả hai lấy con thuyền làm ngôi nhà chính của mình. Tất nhiên khi canh tác lúa nước và định cư trong các làng mạc thì sống trên thuyền không còn thích hợp nữa, tuy vậy mỗi nhà vẫn gác lên vì kèo một con thuyền dự phòng cho mùa lụt. Ngôi đình làng Bắc bộ cũng có hình dáng của con thuyền và tất cả các thuật ngữ kiến trúc của ngôi đình cũng liên quan đến sông nước.

Giữa con thuyền và mái nhà tranh vách đất có một mối liên quan nhất định, và thực tế con thuyền còn được làm tốt để sử dụng lâu dài hơn mái nhà tranh, nếu là thuyền gỗ. Những cuộc chiến tranh liên miên trên các đầm lầy và sông ngòi, đất canh tác nông nghiệp chưa được bồi lấp nhiều, người Đông Sơn di chuyển và sinh sống trên thuyền là đương nhiên. Những mô hình nhà đất nung trong mộ Hán (trong khoảng 10 thế kỷ từ đầu Công nguyên) và những mô hình nhà đất nung thời Trần cho thấy cách thức sinh sống của người Hán và người Việt thời đó thế nào. Lối nhà vì kèo lợp ngói đã từ lâu hình thành và người ta có thể làm những căn nhà vì kèo một tầng rưỡi, hai tầng; trong khu nhà đó có chuồng gia súc, giếng, nhà trước, nhà sau, chòi canh, một loại gia trang mà người Hán hay định cư.

Người Việt trừ các quý tộc Trần, không sống theo kiểu gia đình bề thế tứ đại đồng đường và khép kín như vậy. Ngôi nhà lá, hay gỗ ở làng xã đồng bằng có tính chất mở nhiều hơn, nếu phòng thủ thì phòng thủ cả làng, chứ không từng gia đình. Trong làng xã, nhà nọ cách nhà kia bởi vườn và hàng rào cây tạm bợ, nếu có xây tường thì tường rất thấp, trẻ con hàng xóm qua lại nhà nhau một cách thường xuyên. Mô hình sống gia đình – làng xã ít nhất thấy trong bốn trăm năm từ thế kỷ 16 – 20, quan hệ gia đình thì rất nghiêm túc, nhưng sống với làng xóm phải hết sức cởi mở, ngôi nhà không được quá khép kín, thậm chí không bao giờ khóa.

Nhà tre hay nhà gỗ thì mặt bằng cơ bản vẫn là hình chữ nhật, người xưa gọi là hình chữ Nhất (một vạch ngang trong chữ Hán). Tuy nhiên khi xem xét mặt bằng các ngôi chùa cổ, như chùa Dâu, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, đặc biệt cụm chùa Tứ Pháp (Mây – Mưa – Sấm – Chớp) thì mặt bằng chính điện thường là hình vuông. Ngôi nhà vì kèo trên mặt bằng này có bốn cột chính, đua ra bốn góc bốn cột hiên, mở rộng diện tích mặt bằng ra hành lang bốn phía. Lối thờ phụng ở trung tâm một điện thờ thì mặt bằng hình vuông là thích hợp. Để ở và thờ tự cùng trong một ngôi nhà dân, trong đó tín ngưỡng thờ vọng tổ tiên là quan trọng, tất nhiên dưới sự chi phối của Tam giáo, mặt bằng nhà dân phát triển theo lối ba gian, với gian chính giữa và hai gian hai bên. Gian chính giữa là nơi thờ phụng, tiếp khách; hai gian hai bên là nơi sinh hoạt gia đình. Hai chái nhà hình thành hai buồng đầu hồi, nên gọi là ba gian, hai chái (thực chất như vậy là có năm khoảng không gian). Cộng thêm một nhà ngang với chức năng chính là làm bếp, chuồng gia súc, nhà vệ sinh, hình thành mặt bằng tổng thể hai cái nhà hình thước thợ. Sau này khi chuyển sang nhà gạch hay bê tông, người nông dân kết hợp cả hai cái nhà đó lại và vẫn giữ nguyên mặt bằng thước thợ. Đôi khi sự thờ phụng cần diện tích lớn hơn, người ta xây lồi về phía sau gian giữa làm hậu cung, cái này thấy rõ trong các đền thờ, có một ngôi nhà dọc cắm vào chính giữa ngôi nhà ngang, gọi là kiểu chuôi vồ, hay là nhà chữ Đinh. Lối nhà chữ Đinh – chuôi vồ rất phổ biến trong các kiến trúc tôn giáo vừa và nhỏ. Hàng vạn đền thờ ở làng xã sử dụng hình thức này.

Nhà dân dù to mấy cũng không sánh được với các công trình kiến trúc tôn giáo do cả một cộng đồng đóng góp xây dựng. Những công trình phong kiến trước thời Nguyễn để lại rất ít ngoài một số tường thành và vọng lâu, nên chúng ta không biết chính xác quy mô xây dựng đến mức độ nào. Các công trình khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long cho thấy những ngôi nhà trong cung điện thời Lý – Trần cũng có thể có mặt bằng hình chữ nhật, lợp ngói dựa trên cơ sở vì kèo. Một số hình rồng đất nung được cho là gắn với đấu đao cong của ngôi nhà cho thấy độ uốn cong của mái khá lớn, vài vật đất nung được làm đoạn thoát nước từ diềm mái, khi giữa hai mái kề liền nhau chung đường tiêu nước. Lại có cả đường thoát nước chảy ngang từ sườn thềm ngôi nhà ra phía sau rồi đưa xuống cống, cho thấy xây cất quy mô và có quy hoạch chặt chẽ. Đình, đền, chùa là những công trình phổ biến trong làng xã nhưng có khi được xây cất ở quy mô quốc gia, như chùa Keo (Thái Bình), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), cũng là tổ hợp của từng ngôi nhà đơn lẻ cộng lại theo vài kiểu thức nhất định, chứ không xây dựng thành một khối kiến trúc đồ sộ kiểu phương Tây. Kiến trúc phương Đông dù sao cũng dàn trải trong thiên nhiên, nhiều xây dựng nhỏ cùng làm trong một khuôn viên trở thành công trình lớn.

Đình làng là kiến trúc gỗ lớn nhất của thành tựu kiến trúc cổ Việt Nam, là đúc kết đẹp đẽ từ ngôi nhà sàn Mường – Thái, chuyển sang ngôi nhà người Việt. Đình nguyên sơ cũng có sàn, gian chính giữa trũng xuống gọi là lòng thuyền, tiếp nối với hậu cung (thường được sửa chữa, thêm vào trong thế kỷ 19, nâng cao lên bằng mặt sàn. Mặt sàn rộng chạy sang hai bên sát đến mép ngoài cột quân, và tùy theo có thể ra đến cột hiên. Mái sà thấp còn rộng hơn nữa vươn ra độ rộng của mặt nền. Ngôi đình cũng phân gian lẻ như ngôi nhà, ba gian, năm gian, bẩy gian, chín gian. Nếu ngôi đình có chín gian tức là sẽ có 10 khung vì kèo lớn. Thực ra đình làng Bắc bộ chỉ từ năm đến bẩy gian thôi, nhưng khoảng cách giữa các gian tương đối rộng, hệ vì kèo lớn gấp từ hai đến ba lần vì kèo nhà dân. Tất cả những đặc điểm ưu tú nhất của kết cấu vì kèo truyền thống tựu trung trong vì kèo đình làng. Hệ vì chồng rường tạo ra một khung tam giác chịu lực với các thanh rường đặt sát nhau, cách nhau bằng những đấu kê thấp, khoảng hở rất ít nên có thể đỡ được bộ mái lợp ngói dầy đến nửa thước. Từ đỉnh nóc, hai kẻ chuyền chạy xuống đến hết ba hàng cột cái – quân – hiên ; đôi khi để vẩy hàng hiên cho rộng hơn, người ta nối thêm một đoạn gỗ gọi là bẩy với kẻ chuyền, ví dụ nối vào hiên trước thì gọi là tiền bẩy hậu kẻ. Ở hai vì kèo đầu hồi, có kết nối với hệ xà góc để tạo ra bốn góc thấp nhưng vươn cao hình cong ở bốn đầu đao góc nhà. Ở chính giữa ngôi đình kết nối với một hệ vì kèo gá chéo vào nóc nhà, chạy dọc tạo ra hậu cung. Để mái đình vươn cao, thì cách tốt nhất là kết hợp vì kèo chồng rường và vì kèo giá chiêng. Mái liên kết tuyến trên một cách vừng chãi, sàn liên kết tuyến dưới cho chặt chẽ, các cột đều đứng hơi choãi ra ngoài một chút, gọi là thượng thu hạ thách, chứ không thẳng hàng, nên ngôi đình càng vững chắc. Bằng chứng là đánh chiếm làng Đình Bảng, quân Pháp đã dùng xe tăng móc vào đình Đình Bảng nhưng không tài nào kéo đổ được. Khả năng vươn cao của kiến trúc vì kèo là hạn chế trong khoảng 10 thước, với các gác chuông, cao nhất là gác chuông ba tầng chùa Keo (cao 11,04 m). Bằng cách nào người ta cũng phải tìm ra bốn cột cao suốt cả khối tháp và chia thành ba tầng, mỗi tầng có một lớp bốn mái chạy quanh, việc mở cửa sổ và khoảng rộng cũng hạn chế và càng lên cao các tầng càng thấp đi. Thay đổi tỷ lệ từ dưới lên trên cũng là quy tắc thẩm mỹ của kiến trúc cổ.

Ngôi chùa là sự kết hợp phức tạp nhất giữa các ngôi nhà mặt bằng chữ nhật để trở thành một tổng thể. Mặt bằng điển hình người xưa gọi là Nội công ngoại quốc, tức là trong chữ Công ngoài chữ Quốc bao bọc. Nhà chữ Công có hai nhà song song nối với nhau bằng một nhà cầu, rồi xung quanh cái cụm nhà chữ Công này có tiền đường, hậu đường và hành lanh bao bọc vuông vức như cái thành, đó là chữ Quốc. Bản thân chữ Quốc cũng có nghĩa là một cái thành. Đó là mặt bằng cơ bản, trên thực tế thì ngôi chùa có nhiều thành phần và kéo dài cái mặt bằng ấy ra, đôi khi là vài ba cụm chữ Công, trong khuôn viên có hành lang bao bọc. Mặt bằng này phình to, kéo dài bao nhiêu phụ thuộc vào hệ thống điêu khắc bên trong, trong chùa có nhiều tập hợp tượng Phật và có tượng thì cần có chỗ đặt theo nguyên tắc đối xứng với trục trung tâm, và mỗi một ngôi nhà có chức năng đặt tượng khác nhau. Ví dụ tượng thập điện, hai dãy mỗi dãy năm pho đặt ở hai bên ông muống dẫn vào thượng điện. Tượng 18 vị La hán đặt ở hai bên hành lang… Mỗi cách đặt để khác nhau sinh ra biến thái kiến trúc khác nhau, và người xưa cũng tính một tỷ lệ quan sát nhất định sao cho đứng ở trong ngôi chùa nhìn thấy hết tượng trong nội thất, và di chuyển sang nội thất khác thì lại thấy một tập hợp tượng khác. Một khối kiến trúc nội công ngoại quốc có thể nâng tổng số gian lên 100, nên nhiều ngôi chùa được gọi là chùa Trăm gian.

Đất và đá là hai vật liệu xây tường lâu đời, nhất là đất đỏ có hàm lượng sắt cao và đá ong, vốn được dùng trong xây thành lũy phong kiến. Ở xứ Đoài cũ (vùng Hà Sơn Bình) và ở Bắc Giang có nhiều loại đất đồi khô cằn dùng trình tường tốt. Đá ong cũng ở xứ Đoài. Dịch lên phía vùng cao vài tỉnh miền núi, người H’mong cũng trình tường để xây nhà. Người ta dùng một khuôn gỗ, gọi là cái Kay, bằng cái hòm áo quan, đổ từng lớp đất vào đó rồi lấy chầy dài chọc xuống cho đất lèn chặt, là được một lớp, cứ thế hình thành bốn bức tường bao quanh nhà. Tường rất dầy có khi đến 75cm, nên chịu lực tốt, bộ vì kèo không cần cột thông xuống đất, mà chỉ có khung tam giác gác lên gờ tường mà lợp mái. Nhược điểm chính của tường trình đất là nó quá dầy, các cửa sổ không thể mở rộng được, vì có thể làm sụt tường, nên nom nó như một lô cốt, bù lại ngôi nhà có tính điều hòa không khí tốt, rất phù hợp ở những nơi nắng gay gắt, hay mùa đông quá lạnh, nhiệt độ trong nhà rất ổn định, giống như người ta sống trong căn hầm dưới đất.

Bộ mái là phần che chắn quan trọng của ngôi nhà được lợp từ nhiều loại nguyên liệu. Đơn giản nhất là lợp bằng lá cây, như lá chuối, lá cọ, hoặc đập dập nứa đan mành lợp mái, lấy rơm rạ lợp mái… Nguyên liệu dùng ưu tú nhất là cỏ gianh. Cỏ gianh dài đến hai thước, bện thành từng mê lớn và lợp dầy tới nửa thước trên nóc nhà sàn, làm cho căn nhà rất mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Tuy nhiên kiếm được cỏ gianh không dễ, cần 2 ha đất trồng cỏ gianh trong vòng sáu năm mới có ba bốn tấn cỏ cho một ngôi nhà. Chính vì vậy mà hiện nay, hầu như không còn mái nhà cỏ gianh, một bộ mái cỏ gianh đắt bằng cả ngôi nhà. Người ta chuyển sang lợp lá cọ hoặc tôn mỏng, nguyên liệu tôn kim loại rất tồi, nhiệt độ trong nhà mùa hè lên đến 38 độ do lớp mái hấp thụ nhiệt. Ngói là nguyên liệu lý tưởng làm từ đất nung, và để lợp ngói, người xưa có cả một công nghệ. Đơn giản nhất là các loại ngói vẩy cá, ngói âm dương, ngói mũi hài, khi lợp phải lợp lớp ngói áo lót trên nóc nhà trước; cao hơn và không phổ biến trong dân gian là các loại ngói ống phủ men, loại này kiến trúc Trung Quốc thường dùng, cung đình Huế cũng dùng loại ngói ống men mầu. Kết nối giữa bộ mái và khung vì kèo sẽ giữ bộ mái vững chắc trước mưa gió giông bão. Dù là nhà tre gỗ, nhưng kết nối bộ mái gianh và khung vì kèo của người Cà Tu rất hoàn hảo, toàn bộ nóc được rải bằng một tấm sợi cây rừng tết rất đều đặn, sau đó mới đặt gianh được bó thành từng bó tròn lên trên. Người Việt dưới đồng bằng đặt mè chạy ngang tuyến nhà rồi xếp các rui tre theo chiều dọc mái, tất cả đều được buộc bằng lạt, lạt tuy không vĩnh cửu nhưng lực buộc chặt hơn bất cứ loại dây nào, sau đó mới lợp mái lá. Lợp ngói đòi hỏi kết nối tốt hơn, trên rui gỗ thoạt tiên đặt ngói chiếu phẳng, sau đó dùng bùn phết lên ngói chiếu, rồi mới đưa từng lớp ngói đều đặn chồng lên nhau lên đó, cũng được trát dính bằng bùn. Bùn vừa kết dính vừa phải, vừa chống nóng có hiệu quả, và giữ cho các lớp ngói không bị xô lệch.

Ngôi nhà, từ nhà dân đến một công trình quy mô như ngôi chùa, là một sản phẩm lâu đời của kinh nghiệm sống và định cư trên một miền đất cụ thể. Đêm nằm năm ở, người nông dân hiểu rõ ngôi nhà của mình tồn tại thế nào trong mọi thời tiết, giúp họ che nắng che mưa, và sống yên ổn. Dù làm một cái nhà tranh vách đất, người nông dân cũng cố gắng chuốt nó cho thật kỹ các chi tiết và đẹp ở cảnh nghèo. Toàn bộ vật liệu kiến trúc Việt Nam rõ ràng không có xu hướng vĩnh cửu, đá không được sử dụng phổ biến, mà chỉ có những vật liệu không bền vững là gỗ, tre, đất. Một đời, hai đời, ba đời là nhiều trong phép tính của người nông dân, sau đó thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, người ta không thể lo hết được. Song phần lớn các công trình xây dựng dân sinh hiện đại dù bằng nguyên liệu tốt, bền vững, nhưng tính công năng thấp, thẩm mỹ rất tồi, khiến người chủ sau luôn muốn phá công trình của người chủ trước và xây lại. Những ngôi nhà mới ở ta được xây dựng không theo một kinh nghiệm sống nào cả ngược lại nó phản ánh sự phi lý của thu nhập mà từng người có được khi xây dựng ngôi nhà.

Lão Tử nói rằng, ngôi nhà là giới hạn của những bức tường và cửa, ngoài bức tường người ta trở thành kẻ lang thang vô gia cư, trong bức tường người ta là kẻ yên ấm có gia đình, cái cửa là khoảng qua lại giữa trong và ngoài, và đó là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Ngôi nhà phản ánh đạo đức và thẩm mỹ của người chủ, tất nhiên điều đó quyết định chất lượng sống về mặt tinh thần của anh ta dưới mái nhà đó. Nhưng phần lớn người ta quan tâm đến chất lượng sống vật chất, cái gọi là tiện nghi hình như lại không bao gồm việc người ta có cảm thấy bình an trong một ngôi nhà sang trọng hay không. Ta so sánh một tổ chim và một tổ chuột chẳng hạn, tổ chim dù là bằng sợi cây tự nhiên nhưng phần nhiều được bện kết rất đẹp, tổ chuột luôn bừa bộn đủ mọi thứ mà chúng tha lôi về rồi cắn nát. Nhà văn Đỗ Chu nói rằng: Đứng về mặt tiến hóa, thì con chim thấp hơn con chuột, nhưng đứng về mặt thẩm mỹ thì con chuột xấu hơn con chim. Chúng cắn nát tất cả mọi thú chỉ để vui và cho răng đỡ mọc dài.

Đọc thêm:

Nhà tre và nhà gỗ trong  kiến trúc dân sinh truyền thống (Bài 1)

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6557

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)