“Nhà và Người”: Qua nhà thấy người, qua người thấy nhà
Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người, qua người thấy nhà.
Tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của anh, chỉ quê mới là nhà, nhà – quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long có lạc thú rất dị, không thích sở hữu nhà, chỉ thích đi thuê để dăm ba tháng lại được… chuyển nhà? Tại sao nhà của kiến trúc sư Phan Phương Đông, nếu chính xác thì phải gọi đó là một tác phẩm điêu khắc tối giản tên là Nhà chứ không phải là nhà?
Tại sao nhà của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan lại được bạn bè gọi vui là nhà khách, nhà của Lê Nuôi là homestay không đồng, nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà “thích khách”? Nhà của thi sĩ Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa “sơn lâm” nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác, và được gọi là “nhà bạn”?
Tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp? Tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”? Tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới? Tại sao chất đất – chất người của Thăng Long – Hà Nội lại thiên về âm thổ? v.v..
Những băn khoăn trên sẽ được chia sẻ trong cuốn sách “Nhà và Người”. “Nhà và Người” chọn in gần 60 bài viết của tôi trong hơn hai chục năm qua cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Cho dù yêu thích nhưng chuyện thiết kế và trang trí nhà tôi không rành, sao mà bình bàn được những gì chả phải nghề của mình. Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa tôi muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà. Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác.
Một phần nữa trong cuốn sách là chuyện đất. Đó là những vùng đất mà tôi đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sapa và Hà Nội, nơi tôi sinh ra, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người. Nhà nào người đó, người nào nhà đó, đất nào người đó, người nào đất đó. Nhà cửa đất cát thủy thổ nào thì sẽ sinh ra tính tình, phong hóa, phong tục đó. Nói rộng ra thì chuyện thủy thổ cũng là chuyện đất, nước, chuyện đất nước, chuyện văn hóa, chuyện bờ cõi (văn hóa cũng chính là bờ cõi), chuyện dân tộc, chuyện đất nước Việt, chuyện người Việt.
Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.