Nhà văn từ bỏ tiếng mẹ đẻ được lợi gì?

Năm 2012, nữ văn sĩ từng đoạt giải Pulitzer Jhumpa Lahiri chuyển tới Rome. Cô ngưng hoàn toàn việc nói, đọc và viết bằng tiếng Anh để có thể học tiếng Ý tốt hơn. Đối với một nhà văn như Lahiri, việc từ bỏ thứ ngôn ngữ đã kiến tạo nên sự nghiệp và cá tính văn chương của mình dường như là một điều trái khoáy.

Trong cuốn hồi ký viết bằng tiếng Ý Nói theo một cách khác, Lahiri tuyên bố rằng tiếng Ý là “ngôn ngữ duy nhất mà tôi sẽ tiếp tục viết.” Nhiều độc giả quen từng khuyên cô không nên làm thế vì họ không muốn đọc những tác phẩm chuyển ngữ của cô, và cho rằng sự thay đổi này sẽ phá hỏng sự nghiệp mà cô đã gây dựng được. Ngay cả một số người Ý cũng thắc mắc không hiểu vì cớ gì mà cô lại muốn viết bằng thứ tiếng ít phổ biến hơn hẳn so với tiếng Anh như vậy.

Trường hợp của Lahiri không phải là không có tiền lệ. Trước cô đã có những nhà văn “chạy trốn” khỏi tiếng mẹ đẻ để hoạt động nghệ thuật trong một ngôn ngữ khác. Một số người vì bị hấp dẫn trước những khả năng mới mà một ngoại ngữ mang lại – đó có thể là những câu chữ hoặc lối diễn đạt không tìm được nghĩa tương thích ở tiếng mẹ đẻ, hoặc những giai điệu và thanh âm mới mẻ, lạ lùng. Joseph Conrad, một trong những tiểu thuyết gia nước ngoài nổi tiếng nhất viết bằng tiếng Anh, người sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng Ba Lan và tiếng Pháp, giải thích rằng ông “bị cái hay cái đẹp của ngôn ngữ lôi cuốn”. Với Vladimir Nabokov, tuy có những lý do về chính trị và thương mại khiến ông chọn viết bằng tiếng Anh thay vì tiếng Nga song sự thôi thúc thực sự đối với ông lại là những thú vị nội tại của ngôn ngữ. “Cái hào hứng của chuyến thám hiểm bằng ngôn ngữ trong tiếng Nga dần giảm bớt khi tôi bắt đầu sử dụng tiếng Anh,” ông chia sẻ với tạp chí Paris Review.

Benjamin Lee Whorf, một nhà ngôn ngữ học thế kỷ 20, cho rằng những người nói được nhiều thứ tiếng khác nhau có cách nhìn nhận và cách hiểu về thế giới rất riêng biệt, bởi ngôn ngữ quyết định tư duy. Nếu điều này là đúng thì việc viết bằng ngoại ngữ sẽ mang lại cho nhà văn không chỉ những ngôn từ mới mà còn cả những ý tưởng mới, một cách diễn giải trải nghiệm sống hoàn toàn khác. Tuy vậy, lý thuyết của Whorf nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây là sự ảnh hưởng của ngôn ngữ: chẳng hạn, tiếng Anh không buộc bạn phải có lối suy nghĩ khác với tiếng Nga, nhưng hai ngôn ngữ này có những sự liên tưởng khác nhau nên chúng sẽ có những tác động khác nhau đến tâm trí bạn. Nhưng vì ngôn ngữ là phương tiện để nhà văn miêu tả thế giới nên khó có thể phủ nhận quan điểm rằng một ngôn ngữ mới sẽ mang lại cho họ những phương thức miêu tả mới.

Việc tìm đến một ngoại ngữ còn có thể cho thấy một mối quan hệ không mấy thoải mái giữa nhà văn với tiếng mẹ đẻ: những gánh nặng tâm lý trong những tác phẩm trước đó của anh ta, danh tiếng của anh ta trong ngôn ngữ đó, và toàn bộ truyền thống mà anh ta đang sử dụng để làm việc. Samuel Beckett có lẽ là trường hợp điển hình nhất ở khía cạnh này. Sau khi xuất bản một số tiểu thuyết bằng tiếng Anh, ông bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục viết được nữa. Ông chia sẻ với một người bạn: “Đối với tôi, tiếng mẹ đẻ ngày càng trở nên giống như một cái mạng che cần phải xé toạc ra. Ngữ pháp và Văn phong, với tôi chúng đã trở nên lỗi thời quá rồi.” Ông muốn “phạm tội” đối với tiếng Anh như ông đã phạm tội, một cách vô ý thức, đối với các ngoại ngữ khác – tức là phá bỏ những cách sử dụng ngôn từ truyền thống, làm nổ tung những thông lệ văn phong và nhận về những thông thái trong văn chương. Đây chính là điều mà tất cả những mục đích viết sáng tạo nhắm đến. Beckett đã cố gắng làm điều đó bằng tiếng Anh, song những tiểu thuyết đầu tay của ông lại được đón nhận không mấy mặn mà và bị coi là những mảnh chắp vá vay mượn từ James Joyce, người thầy của ông trong giới văn chương. Vì vậy ông chuyển sang tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mà ông cho rằng “dễ viết không theo văn phong hơn.”

Nhưng chính xác thì Beckett muốn chạy trốn khỏi điều gì? Tại sao tiếng Pháp lại phù hợp với ông còn tiếng Anh thì bất khả? Một số học giả cho rằng ông muốn chạy trốn khỏi di sản của Joyce, cái bóng của ông đã ám ảnh những sáng tạo văn chương đầu tiên của Beckett. Luận điểm này tương đồng với lý thuyết của Harold Bloom về “mối lo lắng về ảnh hưởng” – tức là các nhà văn vĩ đại sáng tác bằng cách cố gắng “thoát ra ngoài” tầm ảnh hưởng của những người đi trước. Nhưng Beckett là một trường hợp khác thường và cực đoan về mối lo lắng này. Ông không chỉ tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của Joyce mà còn muốn thoát hẳn ra khỏi phạm vi ngôn ngữ của Joyce là tiếng Anh, thứ tiếng gây áp lực cho ông bởi những mối liên hệ của nó với tất cả các nhà văn vĩ đại trong kho tàng Anh ngữ. Chuyển sang tiếng Pháp không chỉ là một thách thức về trí tuệ hay trò chơi ngôn ngữ đối với Beckett: nó còn là điều cần thiết đối với sự sinh tồn của ông trên cương vị nhà văn. Ông chỉ có thể tìm được sự độc lập cho mình bằng cách sáng tác bằng tiếng Pháp. Và cuối cùng ông đã thành công: khi tự dịch các tác phẩm tiếng Pháp của mình trở về tiếng Anh, ông đã xác lập được vị trí của mình trong làng văn học Anh và trong tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà ông đã vui mừng khi từ bỏ. 

Không giống Beckett, Lahiri lại tạo dựng được danh tiếng ban đầu từ tiếng Anh. Nhưng bản thân cô cũng thừa nhận rằng cô đang “muốn chạy trốn khỏi cái gì đó.” Tiếng Anh đã trở thành một lãnh địa đau khổ, một nguồn áp lực cho cô trên cương vị một nhà văn. Và nếu như Beckett bị áp lực bởi sự thất bại của ông trong tiếng Anh, thì Lahiri lại cảm thấy nặng nề trước những thành công của mình. Với cô lúc này, tiếng Anh, bị đè nén bởi kỳ vọng và thành công, dường như đã trở nên không thể viết nổi và quá nhàm chán. Tiếng Ý mang đến một khởi đầu mới mẻ, một ngôn ngữ không chịu gánh nặng của những giọng nói quen thuộc – trong đó có cả giọng nói của chính cô nữa. Chính cô cũng đã từ chối không tự dịch tác phẩm Nói theo cách khác của mình quay trở lại tiếng Anh. Có lẽ, điều quan trọng nhất là, trong ngôn ngữ mới, Lahiri được tự do thất bại – cũng giống như Beckett được tự do “phạm tội”.

Trong lúc này, dường như Lahiri đang quyết tâm đi theo tiếng Ý. Nhưng có thể cô sẽ nhận ra rằng cái lợi ích thực sự mà quyết định từ bỏ tiếng Anh mang lại cho cô là cơ hội khám phá lại tiếng Anh một lần nữa. 

Quỳnh Ca dịch
http://www.economist.com/blogs/prospero/2016/03/speaking-tongues

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)